Di chuyển đển khối nội dung trung tâm
“Đối thoại Đối tác Kinh tế Thịnh vượng Đài Loan-Mỹ” lần thứ nhất đạt kết quả to lớn, tăng cường quan hệ đối tác mật thiết giữa Đài Loan và Mỹ
New Southbound Policy。Hội nghị “Đối thoại Đối tác Kinh tế Thịnh vượng Đài Loan-Mỹ” (Taiwan-US Economic Prosperity Partnership Dialogue) lần thứ nhất đã được tổ chức vào ngày 20/11/2020. Ảnh trên gồm (từ trái qua): Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Ngô Chiêu Nhiếp, Trưởng đại diện AIT Brent Christensen, Ủy viên phụ trách chính sách Viện Hành chính Đặng Chấn Trung, Bộ trưởng Bộ Kinh tế Vương Mỹ Hoa và Bộ trưởng Bộ Khoa học Kỹ thuật Ngô Chính Trung (Ảnh: Bộ Ngoại giao)
Hội nghị “Đối thoại Đối tác Kinh tế Thịnh vượng Đài Loan-Mỹ” (Taiwan-US Economic Prosperity Partnership Dialogue) lần thứ nhất đã được tổ chức vào ngày 20/11/2020. Ảnh trên gồm (từ trái qua): Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Ngô Chiêu Nhiếp, Trưởng đại diện AIT Brent Christensen, Ủy viên phụ trách chính sách Viện Hành chính Đặng Chấn Trung, Bộ trưởng Bộ Kinh tế Vương Mỹ Hoa và Bộ trưởng Bộ Khoa học Kỹ thuật Ngô Chính Trung (Ảnh: Bộ Ngoại giao)

 Dưới sự dẫn dắt của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách Tăng trưởng Kinh tế, Năng lượng và Môi trường Keith J. Krach và Ủy viên phụ trách chính sách Viện Hành chính Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) Đặng Chấn Trung, Hội nghị “Đối thoại Đối tác Kinh tế Thịnh vượng Đài Loan-Mỹ” (Taiwan-US Economic Prosperity Partnership Dialogue) lần thứ nhất đã được tổ chức vào ngày 20/11/2020 thông qua hội nghị thực tế và hội nghị trực tuyến tại Washington. Về phía Đài Loan, Thứ trưởng thường trực Bộ Kinh tế Trần Chính Kỳ đã dẫn đầu một phái đoàn nhỏ đến Washington để tiến hành hội nghị thực tế với phía Mỹ. Ngoài ra, quan chức các bộ ngành liên quan của Đài Loan tham gia thảo luận qua video tại Đài Bắc bao gồm: Bộ trưởng Bộ Kinh tế bà Vương Mỹ Hoa, Bộ trưởng Bộ Khoa học Kỹ thuật Ngô Chính Trung, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Tăng Hậu Nhân, v.v...

 Mở đầu hội nghị, Hiệp hội Mỹ tại Đài Loan (AIT) và Văn phòng Đại diện Văn hóa - Kinh tế Đài Bắc tại Mỹ (TECRO) đã ký kết Bản ghi nhớ (MOU) có hiệu lực trong 5 năm và có thể gia hạn thêm 5 năm, là cơ sở cho việc tổ chức hội nghị đối thoại cấp cao thường niên luân phiên giữa Washington và Đài Bắc trong tương lai, thúc đẩy hai bên tiến hành hợp tác kinh tế sâu rộng hơn nữa. Hai bên liên tiếp thảo luận các vấn đề: Khoa học và công nghệ, 5G và an ninh viễn thông, chuỗi cung ứng, trao quyền kinh tế cho phụ nữ, hợp tác xây dựng cơ sở hạ tầng, phê duyệt đầu tư và an ninh y tế toàn cầu với trọng tâm như sau:

・Khoa học và công nghệ: Hai bên tuyên bố sẽ tiến hành tham vấn các hiệp định khoa học và công nghệ để làm cam kết cho việc tiếp tục tăng cường hợp tác khoa học và công nghệ.

・5G và an ninh viễn thông: Đài Loan là đối tác của “Lộ trình 5G sạch” (5G Clean Path). Năng lực sản xuất của Đài Loan có thể cung cấp sự hỗ trợ vững chắc cho các doanh nghiệp Mỹ về phương diện mạng sạch (Clean Network).

・Chuỗi cung ứng: Hai bên xác nhận ưu tiên hợp tác chiến lược trong lĩnh vực bán dẫn. Ngoài ra, sẽ nỗ lực hợp tác trong chuỗi cung ứng y tế và các công nghệ chủ chốt khác.

・Trao quyền kinh tế cho phụ nữ: Hai bên xác nhận ủng hộ trao quyền kinh tế cho phụ nữ toàn cầu.

・Hợp tác xây dựng cơ sở hạ tầng: Dựa trên “Khung hợp tác tài chính xây dựng cơ sở hạ tầng và xây dựng thị trường” được ký kết gần đây, hai bên sẽ tăng cường trao đổi kỹ thuật và chia sẻ thông tin để xúc tiến đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tại khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương và các quốc gia hướng Nam mới.

・Phê duyệt đầu tư: Hai bên cam kết cùng thảo luận cách thức tăng cường trao đổi và hợp tác giữa Ủy ban Đầu tư Nước ngoài tại Mỹ(CFIUS)và Bộ Kinh tế về công tác phê duyệt đầu tư.

・An ninh y tế toàn cầu: Khả năng sản xuất các trang thiết bị bảo hộ cá nhân của Đài Loan cũng như công tác nghiên cứu và phát triển vắc-xin, dược phẩm và thuốc thử của Mỹ đều đứng vị trí hàng đầu thế giới. Hai bên trông đợi sẽ tăng cường hợp tác trong việc nghiên cứu và phát triển công nghệ kỹ thuật số để mang đến cơ hội thương mại liên quan đến chăm sóc sức khỏe và các sản phẩm y tế.

 Hai bên xác nhận rằng “Khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương” là một trong những trọng tâm thảo luận tiếp theo, bao gồm thúc đẩy các sáng kiến hợp tác phù hợp với Chính sách hướng Nam mới của Đài Loan và mục tiêu chiến lược khu vực của Mỹ. Hai bên đồng ý thành lập các tổ công tác trong khuôn khổ đối thoại để thảo luận các vấn đề hợp tác kinh tế trong tình hình hiện nay và trong tương lai, đồng thời tiếp tục cập nhật tiến triển của đối thoại thường niên trong tương lai.