Di chuyển đển khối nội dung trung tâm
Trải nghiệm từ hệ sinh thái hoang dã “Lishan Eco” hay đổi ấn tượngvề vùng đất Kenting
2020-12-14

Nhóm bạn trẻ tụ tập về Khẩn Đinh, Hằng Xuân, thành lập Công ty Sinh thái Lý Sơn (LishanEco Company), Cửa hàng Sâm Xã (Sansir). (Ảnh: JimmyLin)

Nhóm bạn trẻ tụ tập về Khẩn Đinh, Hằng Xuân, thành lập Công ty Sinh thái Lý Sơn (LishanEco Company), Cửa hàng Sâm Xã (Sansir). (Ảnh: JimmyLin)
 

 Trời xanh mây trắng, nắng nóng gay gắt ở Hằng Xuân đã làm giảm bớt các tour du lịch ồn ào náo nhiệt. Nhóm sinh viên tốt nghiệp từ khoa Lâm nghiệp, trường Đại học Khoa học - Kỹ thuật Quốc lập Bình Đông (Department of Forestry at National Pingtung University Science and Technology) đã hợp tác với người dân tại các khu dân cư Lý Đức (Lide), Xã Đỉnh (Sheding), Vĩnh Tịnh (Yongjing), thành lập Công ty Sinh thái Lý Sơn (Lishan Eco Company), cùng nhau quy hoạch các tour du lịch sinh thái, mở “Cửa hàng Sâm Xã (Sansir)” bán quà lưu niệm địa phương, hy vọng làm thay đổi ấn tượng về vùng đất Khẩn Đinh.

 

 Trong số sáu, bảy thành viên sáng lập Công ty Sinh thái Lý Sơn (Lishan Eco Company) gồm có Lâm Chí Viễn (Miles Lin) đến từ Đài Trung, Lâm Huệ Kỳ (Lin Hui-chi) là người Đài Bắc, Lý Di Tuệ (Lee Yi-hui) là người Cao Hùng…, không có ai trong số họ là người địa phương cả. Tất cả các bạn trẻ này tụ tập về Hằng Xuân, nơi cực Nam Đài Loan, đều do mối quan hệ với bà Trần Mỹ Huệ (Chen Mei-hui), giáo sư khoa Lâm nghiệp trường Đại học Khoa học - Kỹ thuật Quốc lập Bình Đông.

 

Xây dựng cộng đồng, khởi nghiệp từ hệ sinh thái

 Lâm Chí Viễn, một trong những người sáng lập “Công ty Lishan Eco”, tốt nghiệp trường THPT Nông nghiệp Đài Trung (Taichung Agricultural Senior High School), sau đó thi đậu vào khoa Lâm nghiệp trường Đại học Khoa học - Kỹ thuật Quốc lập Bình Đông. Anh Viễn nối gót giáo sư Trần Mỹ Huệ trong công tác xây dựng khu dân cư nên mới đến Khẩn Đinh. Từ lúc còn là sinh viên, anh Viễn thường cùng với bạn học chạy xe máy 2 tiếng đồng hồ đi về giữa Hằng Xuân và trường học. Qua nhiều năm, cư dân ở Xã Đỉnh và khu vực lân cận đã thân thiết với anh Viễn và nhóm bạn như người nhà.

 Lâm Chí Viễn nảy ra ý tưởng khởi nghiệp trước khi tốt nghiệp cao học. “Sinh viên tốt nghiệp từ khoa Lâm nghiệp nếu không vào làm công chức tại Cục Lâm vụ (Forestry Bureau) hoặc Viện nghiên cứu thực nghiệm Lâm nghiệp (Taiwan Forestry Research Institute) thì cũng theo con đường nghiên cứu chuyên sâu”, nhưng anh vốn yêu thích đi đây đi đó và tương tác với cộng đồng hơn là cuộc sống của những người đi làm bình thường. Bên cạnh đó, nhận thấy rằng du lịch sinh thái có tiềm năng vô cùng to lớn, Viễn thảo luận nhiều lần với bạn học của mình là Diệp Gia Lương (Yeh Chia-liang) và quyết định khởi nghiệp. Ý tưởng của anh nhận được sự khích lệ của giáo sư Trần Mỹ Huệ, bà tặng cho anh chữ “Satoyama” (tức “Lishan” trong tiếng Hán) làm bước đầu khởi nghiệp, “Satoyama” vốn xuất phát từ “Sáng kiến Satoyama” – một sáng kiến đề xướng bảo vệ môi trường và phát triển bền vững của Nhật Bản.

 Nhưng “Lishan” là gì? “Du lịch sinh thái” lại là gì ?”, không giống như các công ty khác có sản phẩm cụ thể để chào hàng, chỉ riêng việc giải thích dịch vụ của công ty Lishan Eco làm Viễn tốn rất nhiều công sức, nhưng việc tự giới thiệu mình với du khách vẫn chưa phải là việc khó nhất. Các mini-tour du lịch sinh thái của Lishan hoàn toàn hướng đến “xây dựng cộng đồng”, không như các công ty du lịch thông thường, chỉ phụ trách bán các tour du lịch và đưa du khách đến tham quan các khu dân cư, công ty LishanEco lại thuyết phục người dân địa phương tham dự vào mô hình, đào tạo họ và thiết kế các tour du lịch mini.

 Hằng tuần, Lâm Chí Viễn cùng với các cộng sự của công ty Lishan Eco, cố định chia nhóm đi họp với người dân sinh sống tại 8 khu dân cư. “Khi cư dân địa phương không hào hứng tham dự thì các thành viên của Lishan phải xung phong dẫn đầu; khi khu dân cư bất đồng về ý kiến hay bắt đầu than phiền thì các thành viên của Lishan cũng phải vào vai cố vấn tâm lý để dàn xếp giải quyết”. Phụ trách từ việc lớn đến việc nhỏ nên Viễn thường cảm thấy thiếu nhân lực, nhưng cũng từ đó nảy ra nhiều ý tưởng cho các tour du lịch đặc sắc. “Chẳng hạn như tour du lịch "Theo bác Mậu đưa thư" của khu dân cư Vĩnh Tịnh, “Cơm hộp ngư phủ” mang đậm sắc thái làng chài của khu dân cư Đại Quang (Daguang), phải qua nhiều cuộc trò chuyện với người dân mới tìm ra được ý tưởng cho các tour đặc sắc như vậy”, Lý Di Tuệ nói.
 

Cửa hàng Sâm Xã (Sansir) là một cửa hàng nhỏ bán các nông sản địa phương, đồ thủ công và sách của các khu dân cư để mọi người được thưởng thức hương vị đặc sản của Hằng Xuân, Bình Đông. (Ảnh: JimmyLin)

Cửa hàng Sâm Xã (Sansir) là một cửa hàng nhỏ bán các nông sản địa phương, đồ thủ công và sách của các khu dân cư để mọi người được thưởng thức hương vị đặc sản của Hằng Xuân, Bình Đông. (Ảnh: JimmyLin)
 

Tên gọi xa lạ gắn liền với câu chuyện địa phương

 Vì vậy, trải ra tấm bản đồ bán đảo Hằng Xuân “phiên bản Lishan”, trên bản đồ có thêm những tên gọi mà mọi người không mấy quen thuộc như “Đại Quang (Daguang)”, “Lý Đức (Lide)”, “Xã Đỉnh (Sheding)”, “Thủy Oa Quật (Shuiwaku)”, “Vĩnh Tịnh (Yongjing)”, “Mãn Châu (Manzhou)”… Những cái tên gọi nghe hơi xa lạ nhưng chúng gắn liền với các tour du lịch sinh thái và câu chuyện địa phương có liên quan chặt chẽ với cộng đồng dân cư tại đó.

 Các sản phẩm bày bán trên kệ trong “Cửa hàng Sâm Xã” gồm có sản phẩm làm bằng gỗ, hình lập phương, có khắc hình các con vật như cá hề, chim ưng, cua đất, mòng két, tùy vào nhu cầu của người sử dụng, chúng có thể biến hóa thành những mảnh ghép sáng tạo, hay “hộp quà” với chiếc chụp đèn được trang trí tinh tế. Đây đều là các sản phẩm được thiết kế tinh tế mang những đặc trưng của cộng đồng dân cư địa phương.

 Hình ảnh biểu tượng của khu dân cư Lý Đức là “Chim ưng”, khu này nằm ở bán đảo Khẩn Đinh, vốn là địa bàn của bộ tộc Seqalu (Longkiauw) trước kia và cũng là một bộ lạc còn gìn giữ nét văn hóa dân tộc nguyên trú. Vào tháng 10 hằng năm, có rất nhiều chim ưng mặt xám (Grey-faced buzzard) bay lượn tới đây, gần đó còn có thượng nguồn suối Cây bàng (suối Lanren), đội ngũ “Lishan” đã thảo luận với cộng đồng khu dân cư Lý Đức, quy hoạch tour du lịch ngắm chim ưng và du lịch sinh thái suối Cây bàng.

 Còn khu dân cư Đại Quang thì mang đậm phong cách làng chài vì hồ Hậu Bích ở gần đó vốn là ngư cảng trước kia của Hằng Xuân, có nhiều loài sinh vật vùng gian triều bờ biển. Khi du khách đến thăm khu Đại Quang, không những có thể nhìn thấy các loài sinh vật biển như sao biển xanh, hải quỳ, v.v…, mà còn được thưởng thức cơm hộp ngư phủ bao gồm đậu phộng, khoai lang, tảo đỏ Carrageen và cá thu.

 Khu dân cư Cảng Khẩu có vườn cây Sanh (Ficus Benjamina) trở nên nổi tiếng do được xuất hiện trong phim “Cuộc đời của Pi” (The Life of Pi). Nơi này giáp biển Thái Bình Dương về phía Đông, với vị trí địa lý nằm cạnh suối Cảng Khẩu - dòng suối lớn nhất trong Công viên Quốc gia Khẩn Đinh, do đó đã trở thành môi trường sinh sống lý tưởng của một số lượng lớn cua đất. Tham gia trải nghiệm tour du lịch vào ban đêm trong 2 tiếng đồng hồ ngắn ngủi là có thể nhìn thấy loài cua Lintou đặc hữu của Đài Loan (được phát hiện vào năm 1999) đang bò trên cây và còn có thể nhìn thấy các loài động vật như cua càng đỏ (Sesarmops Intermedium), cua ẩn sĩ (Hermit crab), nhái bầu hoa (Microhyla ornata) .... Du khách cũng có thể bắt gặp hươu sao là giống hươu nguyên sinh của Đài Loan do Ban quản lý Công viên Quốc gia Khẩn Đinh phục hồi giống trong nhiều năm qua tại bộ lạc Thủy Oa Quật (Shuiwaku) gần đồng cỏ Long Bàn (the Longpan Plain).

 

Mảnh đất Hằng Xuân níu chân du khách

 “Du khách đến Khẩn Đinh đều ra bãi biển Vịnh Nam (South Bay), đi dạo phố Khẩn Đinh. Có ai từng nghe qua khu dân cư Lý Đức không ? Có ai biết loài hươu sao do Ban quản lý Công viên Quốc gia Khẩn Đinh phục hồi giống trong nhiều năm qua đã lặng lẽ xuất hiện không?”. Người phụ trách “Cửa hàng Sâm Xã” Lý Di Huệ nói, việc mà Lishan muốn làm chính là khai thác một diện mạo khác của vùng đất Khẩn Đinh này.

 Hiện tại, có trên 10 cư dân của 8 khu dân cư tham gia hợp tác với Lishan, không chỉ có các cụ cao niên 70 - 80 tuổi tham gia đội ngũ hướng dẫn viên, mà thế hệ thanh niên, những người đã phải rời quê hương để tìm kiếm cơ hội việc làm, nay cũng bắt đầu trở về.

 Nhờ có sự hỗ trợ hướng dẫn của Lishan, giá trị sản xuất của vài khu dân cư cũng đang tăng trưởng. Lâm Chí Viễn cho biết, vào những năm đầu, khu dân cư quy hoạch tour du lịch sinh thái, tour du lịch trải nghiệm, tạo ra giá trị sản xuất cùng lắm chỉ có 600 ngàn đến 700 ngàn Đài tệ. Hiện nay, khu Xã Đỉnh, thành viên tham gia sớm nhất vào mô hình của Lishan và đang triển khai tốt nhất, có doanh thu trên 3 triệu Đài tệ, khu dân cư Đại Quang tham gia muộn hơn nhưng cũng đạt từ 400 ngàn đến 500 ngàn Đài tệ. Mặc dù so với con số hơn 7 triệu lượt khách du lịch đến thăm Khẩn Đinh hằng năm, hiện nay du khách của “Lishan” chỉ có hơn 30 ngàn người, chiếm tỉ lệ chưa tới 1% nhưng anh Viễn vẫn lạc quan về tiềm năng phát triển của du lịch sinh thái.

 Con đường khởi nghiệp không phải lúc nào cũng bằng phẳng, đôi khi là những ý kiến trái chiều từ thành viên của các khu dân cư, hoặc quá trình không mấy thuận lợi, anh Viễn và các cộng sự của Lishan luôn cảm thấy mỏi mệt đến muốn bỏ cuộc. Tuy vậy, miệng cứ than mệt mà lại không nỡ rời mảnh đất này. Anh Viễn cười nói, “Có người nói “Mảnh đất Hằng Xuân níu giữ chân người”. Mỗi lần nhìn thấy người dân địa phương và các thành viên của Lishan cùng cố gắng vì một mục tiêu chung, tôi rất cảm động”. Thấm thoắt đã 10 năm trôi qua kể từ ngày Viễn lần đầu tiên đặt chân lên đất Hằng Xuân này, mặc dù vẫn đang mò mẫm trên con đường khởi nghiệp, Viễn và các đồng nghiệp công ty Lishan vẫn sẽ gắn bó vùng đất tận cùng phía Nam Đài Loan để tiếp tục khám phá những điều tuyệt vời của vùng đất Hằng Xuân.
 

Xem thêm Trải nghiệm từ hệ sinh thái hoang dã “Lishan Eco” hay đổi ấn tượngvề vùng đất Kenting