Di chuyển đển khối nội dung trung tâm
Mộc mạc và sáng tạo Khám phá kiến trúc hiện đại thời kỳ đầu của Đài Loan
2020-12-28

Nhà trưng bày nông nghiệp Đại học Quốc gia Đài Loan được gọi là “Nhà ống” chính là vì những viên ngói ống được khảm trên tường xi măng.

Nhà trưng bày nông nghiệp Đại học Quốc gia Đài Loan được gọi là “Nhà ống” chính là vì những viên ngói ống được khảm trên tường xi măng.
 

 Các công trình kiến trúc lịch sử có phải cứ càng lâu đời thì càng có giá trị? Chưa hẳn là như vậy. Ngoài những ngôi đền chùa, kiến trúc sân vườn kiểu Trung Hoa truyền thống hay kiến trúc chính thống thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng Đài Loan, ký túc xá xây bằng vật liệu gỗ; đại đa số mọi người lại không biết được rằng, sau Thế chiến thứ hai, Đài Loan còn có một kiểu kiến trúc lịch sử được lưu lại từ thời kỳ Mỹ viện trợ kinh tế cho Đài Loan, vẫn ẩn mình đâu đó xung quanh chúng ta.

 

 Trong khoảng thời gian từ năm 1951 đến năm 1965, mỗi năm Đài Loan nhận được khoảng 100 triệu USD kinh phí viện trợ của Mỹ. Hành động kết hợp viện trợ tài chính, hỗ trợ kỹ thuật và mục đích giáo dục này đã tạo bước ngoặt cho vận mệnh của Đài Loan. Khi thời kỳ ngắn ngủi này khép lại, mọi thứ dường như cũng bị chôn vùi trong quên lãng, chỉ còn lại rất ít những công trình kiến trúc còn lưu lại tới ngày nay, như mở ra một cánh cửa nhìn về quá khứ.

 

Dù ở ngay bên cạnh, nhưng lại khó nhận ra

 Theo báo cáo của “Chương trình đánh giá di sản văn hóa kiến trúc thời kỳ Mỹ viện trợ Đài Loan” do Bộ Văn hóa thực hiện vào năm 2016, trong thời kỳ Mỹ viện trợ kinh tế cho Đài Loan, tổng cộng có trên 500 công trình kiến thiết hạ tầng phần cứng được xây dựng bằng các hình thức khác nhau như vay tín dụng, sử dụng các nguồn quỹ, với các loại hình kiến trúc khác nhau, chủ yếu gồm hạ tầng cơ sở quân sự, nhà xưởng, tòa nhà văn phòng và kiến trúc trường học với nhiều hình thức phong phú.

 Số lượng kiến trúc trong thời Mỹ viện trợ nhiều đến vậy nhưng tại sao lại không gây được sự chú ý của công chúng?  

 Trước hết, thời kỳ Mỹ viện trợ kinh tế cho Đài Loan chủ yếu cân nhắc tới hiệu quả kinh tế và chức năng khiến cho những công trình kiến trúc thời đó không có sự biểu trưng mỹ thuật rõ nét và đồng nhất.

 Nhưng đối với lịch sử kiến trúc của Đài Loan, thời kỳ Mỹ viện trợ có ý nghĩa vô cùng sâu sắc. Nguồn vốn dồi dào mà Mỹ đưa vào đã tạo khá nhiều cơ hội, giúp thế hệ kiến trúc sư đầu tiên của Đài Loan thời bấy giờ có thể phát huy tài năng. Họ vận dụng kiến thức chuyên ngành học được từ phương Tây, không những được truyền cảm hứng bởi tinh thần của chủ nghĩa hiện đại, mà đồng thời cũng chịu ảnh hưởng của Mỹ trong kỹ thuật xây dựng và sử dụng vật liệu, như công nghệ bê tông dự ứng lực và loại vật liệu gạch rỗng.

 Hãy tưởng tượng về Đài Loan vào thời đó, chiến tranh vừa kết thúc, vật tư vẫn còn rất thiếu thốn, trên mặt đất trừ những công trình kiến trúc quy mô do người Nhật để lại, những dãy ký túc xá kiểu Nhật được xây bằng vật liệu gỗ hoặc những căn nhà được xây bằng tường gạch hay nhà vách đất kiểu truyền thống. Khi đó, kiểu kiến trúc hiện đại vuông vức ngay ngắn, có ngoại hình gọn ghẽ, thậm chí được tạo hình bằng những đường nét hình học đan xen với nhau đã bất ngờ xuất hiện..., mở ra một trang mới về kiến trúc hiện đại cho Đài Loan.

 

Nơi phục hưng văn hóa đĩa than:
Câu lạc bộ lính Mỹ tại núi Dương Minh (Kiến trúc sư Haigo T.H. Shen/ năm 1968)

 “Phong trào văn hóa kiến trúc nhà cũ” do Sở Văn hóa thành phố Đài Bắc phát động, triển khai đã giao nhiệm vụ phục chế cho ông Hoàng Kiến Hoa (Huang Chien-hwa)- người phụ trách Công ty thiết kế HC Space Design. Phương châm của ông là “Thiết kế tồn tại là vì con người, chứ không phải vì tư tưởng”. Chính vì sự phán đoán chính xác này đã khơi dậy thành công ngọn lửa phục hưng cho những căn nhà cũ gần như đã đổ nát. 

 Nằm trên sườn núi Thảo Sơn (Caoshan Mountain - tên gọi cũ của núi Dương Minh), Câu lạc bộ lính Mỹ được gọi là “Ngôi nhà a-tok-á” (tức nhà Tây) nằm lọt giữa khu ký túc xá quân nhân Mỹ với 217 hộ, có khuôn viên khá rộng rãi khoảng 3.000 m2, với kiến trúc nhà có trần cao và xây bằng gạch mộc, thời trước có một bể bơi ngoài trời đạt chuẩn với độ sâu tới 3 mét, nay đã biến thành một không gian đa chức năng gồm có nhà hàng, khu triển lãm, khu biểu diễn và khu sưu tầm đĩa than nhạc.   

 Căn nhà này ban đầu do kỹ sư Haigo T.H Shen-từng đảm nhận vai trò cố vấn của Đoàn cố vấn quân đội Mỹ-chịu trách nhiệm xây dựng. Do đã được xây cơi nới và sửa sang qua các thời kỳ khác nhau nên kiến trúc này đã kết hợp 4 loại vật liệu gồm gỗ, gạch, thép và RC (bê tông cốt thép). Với thiết kế phức tạp như vậy, đội ngũ xây dựng không dám lơ là dù chỉ là một chút. Họ đặc biệt cho mời thợ lành nghề áp dụng kỹ thuật truyền thống bằng cách nối mộng kết hợp với vật liệu sắt để phục chế lại mái nhà đã bị hỏng. Ông Hoàng Kiến Hoa đã thiết kế kiểu cửa nhôm kính chia ô có bậu cửa dưới nằm sát mặt sàn theo phong cách kiến trúc đồng quê của miền Nam nước Mỹ. Đặc biệt nhất chính là mái ngói, mặc dù lò nung ngói đã đóng cửa từ lâu nhưng trong kho chứa vẫn còn tới vài ngàn viên ngói sứ loại hai rãnh khi đó không bán được, do ngói nung bị đổi màu nên màu ngói không giống hệt nhau, vì vậy tạo lên các lớp màu khác nhau từ màu vàng của trái quýt, màu vàng cam cho tới màu đỏ lựu, tựa như dấu vết lịch sử được xếp chồng lên nhau hết lớp này đến lớp khác.

 

Nét Trung Hoa trong kiến trúc hiện đại :
Trung tâm hoạt động sinh viên số 1 của Đại học Quốc gia Đài Loan (Kiến trúc sư Dahong Wang/năm 1961)

 Ông Dahong Wang - nhân vật ưu tú của thế hệ kiến trúc sư Đài Loan đầu tiên sau Thế chiến thứ hai, với đặc trưng là sự hòa quyện giữa phong cách chủ nghĩa hiện đại với yếu tố kiến trúc Trung Hoa truyền thống. Lấy Trung tâm hoạt động sinh viên số 1 làm ví dụ, là không gian lấy “Cửu cung cự trận” làm nền tảng, với mái nhà gấp khúc, cầu thang bậc rỗng được đặt ở lối vào, đều là những cách làm thường gặp theo phong cách của chủ nghĩa hiện đại. Ngoài ra, còn có rất nhiều kỹ thuật kiến trúc kiểu Trung Hoa mang lại cảm giác khá thân thuộc với mọi người như cánh cửa màu đỏ thon dài, khung cửa chia ô phỏng theo cửa gỗ kiểu truyền thống, bức tường chắn ở lối vào và hàng hiên ở ngoài trời... Sự hòa quyện và kết hợp giữa phương Đông và phương Tây tạo nên sắc thái kiến trúc Đài Loan theo con mắt của những kiến trúc sư thời bấy giờ.

 

Vẻ đẹp nhờ sự biến hóa của các đường nét hình học:
Nhà triển lãm Nông nghiệp, Đại học Quốc gia Đài Loan (Kiến trúc sư Yuen-Chen Yu, Chang Chao-kang/năm 1963)

 Vào giữa thế kỷ trước, tại khu vực miền Trung nước Mỹ rất thịnh hành kiến trúc được trang trí bằng gạch bông gió xi măng, kiến trúc Mân Nam truyền thống từ lâu cũng thường áp dụng kỹ thuật trang trí bằng gạch bông gió và khi phong cách kiến trúc này được “thổi” tới Đài Loan, những kiến trúc sư bản địa dường như có thể lĩnh hội được rất dễ dàng. Vì thế, những bức tường được xây bằng gạch bông gió đã trở thành đặc trưng quan trọng của kiến trúc thời kỳ Mỹ viện trợ Đài Loan.

 Sở dĩ Nhà triển lãm nông nghiệp, Đại học quốc gia Đài Loan được gọi là “Nhà ống” chính là vì những viên ngói ống được khảm trên tường xi măng khiến tòa kiến  trúc trở nên nổi bật trong khuôn viên rộng lớn của ngôi trường. Không phải tự nhiên mà tòa kiến trúc này được đưa vào danh sách “di sản văn hóa vật thể”. Ví dụ như lớp dán phủ của gạch ốp tường mặt ngoài tầng 1 là phỏng theo cách xây tường gạch mộc kiểu truyền thống nhưng phần dưới chân và trên đỉnh áp dụng cách xây theo chiều dọc; đường phân cách khu lát đá ở phía mép ngoài cùng của hàng hiên thẳng hàng với giải phân cách của những chiếc cột. Ngoài ra, hai chiếc cầu thang nằm phía trong tòa nhà, một chiếc có thiết kế kiểu xoắn ốc, chiếc còn lại theo kiểu thiết kế bậc thang thông thường, sự lý thú hiện hữu khắp nơi bởi sự biến hóa của những đường nét hình học.

 

Nhà thể dục thể thao cũ của Đại học Quốc gia Đài Loan:
Sử dụng một khối lượng lớn vật liệu gạch rỗng ( Kiến trúc sư Yang Cho-cheng/năm 1962)

 Khối kiến trúc thon dài như chiếc hộp hình chữ nhật là kiểu kiến trúc thường gặp trong thời kỳ Mỹ viện trợ Đài Loan. Ngoài cách trang trí thường thấy bằng gạch bông gió xi măng thì phần trang trí trên những bức tường còn sử dụng rất nhiều gạch rỗng. Giảng viên Khoa Kiến trúc Trường đại học Đạm Giang (Tamkang University) - ông Tạ Minh Đạt (Hsieh Ming-ta) giải thích, so với gạch mộc kiểu truyền thống, gạch rỗng dễ làm hơn rất nhiều. Ngoài yếu tố thời gian sản xuất ngắn, tỷ lệ hàng đạt chuẩn cao, 7 ngày sau khi ra lò là có thể sử dụng, sau 28 ngày sẽ đạt được cường độ nén cần có theo thiết kế. Ngoài ra, viên gạch rỗng cũng có thể tích to hơn, dễ căn chỉnh hơn nên sẽ thuận tiện dễ dàng hơn trong thi công. Vào đúng thời điểm ngành xây dựng của Đài Loan phát triển khá mạnh, gạch mộc cung không đủ cầu, vì vậy theo gợi ý của người Mỹ, rất nhiều công trình lúc bấy giờ đều sử dụng gạch rỗng.

 

Nhà thờ của quân Mỹ tại Đài Loan:
Phòng hòa nhạc - Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật Đại học Quốc gia Đài Loan (năm 1963)

 Ngoài ra, tại khuôn viên của Đại học Quốc gia Đài Loan cũng có một di tích khác của thời kỳ Mỹ viện trợ, đó là Trạm thông tin Đài Bắck (Taipei Air Station) thuộc căn cứ không quân Mỹ tại Đài Loan thời trước, nằm giữa Học viện quản lý và Trung tâm hoạt động sinh viên số 2. Tới nay, chúng ta vẫn có thể nhìn thấy vết hằn của mép ngoài bức tường đã bị dỡ bỏ.

 Trường mẫu giáo của Đại học Quốc gia Đài Loan ngày nay chính là xưởng sửa xe thời xưa; cách đó không xa là phòng hòa nhạc, nơi diễn ra rất nhiều các hoạt động văn hóa nghệ thuật, với mặt chính là hình ngũ giác bất quy tắc trông tựa như chiếc hộp bánh bông lan. Không gian nhỏ xinh này chính là nhà thờ do quân đội Mỹ đóng tại Đài Loan xây dựng, nơi giảng đạo của các vị mục sư thời trước, nay trở thành một phòng biểu diễn quy mô nhỏ, có thể nói ít nhiều đã tạo được sự kết nối với thời trước.

 

Tòa nhà Chu Ming - Đại học Giao thông:
Dung hòa yếu tố trang trí của kiến trúc thời nhà Hán (Kiến trúc sư Lu Yu-Jun/năm 1960)

 Phân hiệu Bác Ái là cơ sở đầu tiên của Trường Đại học Giao thông được thành lập tại Đài Loan, ở đây có thể thấy được vết tích của thời kỳ Mỹ viện trợ kinh tế cho Đài Loan tại mọi ngóc ngách. Bước qua lối vào ở cổng chào, kiến trúc đầu tiên đập vào mắt là tòa nhà Khoa Công nghệ Sinh học, do người chịu trách nhiệm thiết kế Bảo tàng Khoa học thuộc Học viện Nam Hải – kiến trúc sư Lu Yu-Jun đảm nhiệm thiết kế. Công trình kiến trúc màu trắng nhìn có vẻ đơn sơ mộc mạc này đã sử dụng rất nhiều yếu tố trang trí truyền thống của Trung Hoa như lan can ở phía trên của lối vào, hay đấu củng có tạo hình cây đinh ba là bắt buồn từ “đấu củng chữ Nhân” thời nhà Hán. Ngoài ra, ở phía bên trái của cổng chính vẫn có thể nhìn thấy tấm biển kỷ niệm có hai chữ “Mỹ viện” (tức thời kỳ Mỹ viện trợ Đài Loan), chính là một bằng chứng sống của thời đại.

 Hãy tìm cơ hội tới thăm những nơi này! Cảm nhận dấu  ấn của thời đại qua những công trình kiến trúc, khám phá một nét đẹp riêng của Đài Loan.
 

Xem thêm Mộc mạc và sáng tạo Khám phá kiến trúc hiện đại thời kỳ đầu của Đài Loan