Di chuyển đển khối nội dung trung tâm
Walk in Taiwan Gặp gỡ một Đài Loan tự tin về văn hóa
2021-01-18

Nhà phố kiểu Mân Nam truyền thống trên đường Địch Hóa, mỗi không gian đều có một nét riêng, mỗi khoảng sân ở giữa nhà cổ đều được đặc biệt thiết kế, làm tăng thêm vẻ xanh tươi cho ngôi nhà.

Nhà phố kiểu Mân Nam truyền thống trên đường Địch Hóa, mỗi không gian đều có một nét riêng, mỗi khoảng sân ở giữa nhà cổ đều được đặc biệt thiết kế, làm tăng thêm vẻ xanh tươi cho ngôi nhà.
 

 Trong văn hóa của nước bạn, chữ “trà” phát âm như thế nào? Sẽ giống âm đọc “cha” hay “tea”? Để thuyết minh cho bạn bè quốc tế, hướng dẫn viên của “Walk in Taiwan” James Shih (Thi Tử Chân) luôn thích dùng câu hỏi này để giải thích về con đường truyền bá văn hóa trà từ cộng đồng người Hoa đến với các nơi trên thế giới lúc bắt đầu câu chuyện. Những nước có cách phát âm “cha”, tức là những nước mà năm xưa trà được truyền bá đến nước họ qua đường bộ (con đường tơ lụa); còn nếu phát âm là “tea”, tức là trà được đi bằng đường biển, được các thương nhân người Anh, người Hà Lan đưa về châu Âu. Do xuất khẩu từ Phúc Kiến, Đài Loan, nên chịu ảnh hưởng bởi cách phát âm chữ “te” trong tiếng Mân Nam.

 

 Dùng “trà” để mở ra chủ đề chung giữa Đài Loan và các bạn bè quốc tế, chúng ta quả thực không giống nhau nhưng những vết tích lịch sử được lưu lại đôi khi lại giúp ta phát hiện giữa chúng ta đã từng có những khoảnh khắc tương giao.

 “Walk in Taiwan” là một thương hiệu hướng dẫn du lịch tìm hiểu văn hóa khởi nghiệp từ Đại Đạo Trình (Đài Bắc). Gia tộc của người sáng lập thương hiệu Chiu Yi (Khâu Dực) đã năm đời đều sinh sống tại Đại Đạo Trình. Ông đã khởi xướng việc hướng dẫn tham quan bằng hình thức đi bộ, dẫn mọi người đi tìm hiểu câu chuyện ở mọi ngóc ngách của thành phố và đây cũng là hành trình để tự “nhận biết bản thân”.

 

Đi bộ làm quen bà con lối xóm, khám phá câu chuyện địa phương

 Năm 2020, đại dịch Covid 19 hoành hành trên khắp thế giới đã khiến các nước đành phải áp dụng chính sách phong tỏa đất nước. “Walk in Taiwan” đã đưa ra khẩu hiệu “Không ra nước ngoài, chúng ta hãy du lịch tại nhà!”, nếu không thể ra nước ngoài để mở mang tầm mắt thì hãy ở lại Đài Loan để tự khám phá bản thân.

 Thật ra, “Walk in Taiwan” đã khởi xướng “du lịch tại quê nhà” từ nhiều năm nay, từ năm 2012 đã tổ chức hướng dẫn chuyến tham quan đầu tiên tại khu phố Đại Đạo Trình. “Walk in Taiwan” đã dẫn mọi người đi xuyên qua từng góc phố ngõ nhỏ, kể câu chuyện về những năm tháng huy hoàng một thời của trà Đài Loan, ngắm nhìn những góc phố với những tòa kiến trúc cổ được thổi luồng sức sống mới và những cửa tiệm đầy sáng tạo cùng tồn tại, hay là đến thưởng thức những món ăn vặt ở gần ngôi đền Từ Thánh Cung. Sự tinh túy về nhân văn, bề dày tiềm tàng về văn hóa của Đại Đạo Trình, sáng tạo tiếp nối truyền thống, dù có đến thăm cả nghìn lần vẫn không thấy chán.

 Với tốc độ hợp lý vừa phải, “Walk in Taiwan” dần dần phát triển được hơn 400 tuyến đường khám phá văn hóa và tuyến du lịch nhẹ. Họ từng đến tham quan hoạt động giao dịch trong chợ bán sỉ vào 3 rưỡi sáng để chứng kiến những ký hiệu bằng tay đầy ẩn ý ở trên và dưới bục đấu giá; hay đi theo đoàn rước hành hương của ngôi đền Thanh Sơn, khu Mãnh Giáp; hoặc hợp tác với hiệu sách Rạng ngời Sức sống (Brilliant Time Bookstore), mời những bạn lao động di trú người Indonesia làm hướng dẫn viên để khám phá một ga xe lửa Đài Bắc rất khác. Đằng sau những điểm tham quan, những câu chuyện thời sự này, đều ẩn chứa sự quan tâm của “Walk in Taiwan” đối với các đề tài xã hội như bảo tồn di sản văn hóa, làm sống lại những ngôi nhà cũ, vấn đề người đồng tính, quyền bình đẳng về văn hóa…, “Cảm thông là sự khởi đầu của giao lưu”, ông Suni Yen (Nhan Chí Hào) - Giám đốc Marketing của thương hiệu này cho biết, hi vọng nhờ có càng nhiều sự thấu hiểu và cảm thông hơn nữa để thúc đẩy các cuộc đối thoại xã hội.

 Những năm gần đây, “Walk in Taiwan” đã phát triển mở rộng đến Cơ Long, Nghi Lan, Tân Trúc, Gia Nghĩa…, hợp tác với các nhà nghiên cứu văn hóa và lịch sử, các doanh nghiệp tại địa phương, thông qua du lịch để người dân địa phương phát hiện ra ưu thế văn hóa của bản thân, đưa vào khái niệm “du lịch bền vững” để phát triển cùng địa phương.

 “Đại đa số khách hàng của “Walk in Taiwan” là người trưởng thành, mong muốn của mọi người ban đầu đều là muốn biết mình là ai”, ông Suni Yen giải thích. Điều này cũng khiến “Walk in Taiwan” ý thức được rằng, cần phải bắt tay từ việc giáo dục trẻ nhỏ, hướng dẫn các em nhỏ tìm hiểu về thành phố nơi mình sinh sống để nhiều người biết được Đài Loan- hòn đảo của những câu chuyện.

 Thực ra, thành phố của chúng ta chưa bao giờ thiếu những câu chuyện kể, nhưng trong quá trình học tập, sinh sống, chúng ta lại có rất ít cơ hội để tìm hiểu về những người hàng xóm của mình. James Shih cũng bắt đầu từ học nhập môn hướng dẫn giới thiệu tham quan của “Walk in Taiwan”, rồi được đào tạo trở thành hướng dẫn viên. Ông hồi tưởng lại: “Sau khi kết thúc chuyến hướng dẫn du lịch lần đầu tại Đại Đạo Trình, ý nghĩ đầu tiên của tôi lúc đó là tôi sẽ quay trở lại. Tôi muốn dẫn bạn bè quay lại Đại Đạo Trình, kể cho họ nghe về những câu chuyện mà tôi đã từng được nghe”.

 

Hướng dẫn tham quan theo nhu cầu riêng, tạo sự đồng cảm văn hóa

 “Walk in Taiwan” không chỉ giúp người Đài Loan nhận ra chính mình, mà còn giới thiệu Đài Loan đến với bạn bè người nước ngoài.

 James Shih thường xuyên đón tiếp những vị khách nước ngoài của các cơ quan nhà nước như Bộ Ngoại giao, Bộ Giáo dục. Ông rất giỏi trong việc dùng những manh mối nhỏ để thu hút sự chú ý của khách, tạo sự cộng hưởng văn hóa giữa hai bên. Ông cũng đặc biệt tìm hiểu về xe đạp thuê của Ba Lan, để khi đi ngang qua trạm thuê xe Ubike, có thể chia sẻ với những người bạn Ba Lan về phương diện này của Đài Loan. Khi nhắc đến việc bảo tồn kiến trúc nhà cổ trên phố cổ Địch Hóa, ông James Shih nhắc ngay đến thành phố New York, nơi đầu tiên trên thế giới đã áp dụng biện pháp “Chuyển quyền phát triển bất động sản (Transfer of Development Right)” để bảo tồn các di tích cổ, giải thích Chính phủ Đài Loan đã mượn khái niệm này nên mới cho ra đời Trạm tái sinh đô thị URS (Urban Regeneration Station) để tạo sự hứng thú cho khách tham quan, thúc đẩy sự chia sẻ kinh nghiệm về bảo tồn kiến trúc nhà cổ của hai bên.

 Thiết kế chương trình hướng dẫn tham quan theo bối cảnh và nhu cầu của đối phương chính là dịch vụ của “Walk in Taiwan” nhằm đáp ứng nhu cầu riêng của từng khách hàng. Trong chương trình đào tạo mà James Shih chia sẻ, có một buổi đào tạo cho các hướng dẫn viên hạt giống, làm sao để có thể suy nghĩ từ góc độ là khách hàng. Thông qua thấu hiểu, trong lần đầu gặp gỡ, các hướng dẫn viên sẽ sử dụng sự đồng cảm chung để tạo nhịp cầu đối thoại.

 Mỗi lần nhận được nhiệm vụ hướng dẫn tham quan cho khách ngoại quốc, James Shih đều sẽ nghiên cứu trước về tiểu sử, quốc tịch, nơi sinh, tốt nghiệp trường nào, chuyên ngành học thuật của khách tham quan, sau đó tìm kiếm trên YouTube và Wikipedia. Ông từng tiếp đón một nhà khoa học đến từ Nam Phi, nhà khoa học này học tại trường Thiên chúa giáo, chuyên nghiên cứu về lĩnh vực thanh thiếu niên hút thuốc. James Shih đã dẫn bà đến tham quan miếu Thành Hoàng, giới thiệu với bà về hai vị hộ tướng Thất Gia và Bát Gia của thần Thành Hoàng, tượng trưng cho tinh thần “tín và nghĩa”. Học giả này sau khi nghe xong cũng đáp lễ chia sẻ lại rằng, tại phương Tây, các nhà thờ cũng thường dùng những pho tượng, tranh ảnh để truyền đạt lại những quan niệm tích cực cho những con chiên không biết chữ. Vị khách này đã tự tạo sự kết nối, chính sự chia sẻ này đã khởi nguồn cho sự thấu hiểu lẫn nhau, là khởi đầu của sự giao lưu.

 Mỗi lần nhận được sự ủy thác của Bộ Ngoại giao, nhiệm vụ của “Walk in Taiwan” chính là cố gắng thông qua một hai tiếng đồng hồ hướng dẫn tham quan để tìm cách tạo sự kết nối văn hóa giữa hai bên, giúp họ lưu lại ấn tượng sâu sắc về Đài Loan. Ông Suni Yen nói: “Chỉ có sự kết nối về văn hóa mới có thể khiến những vị khách nước ngoài muốn quay trở lại Đài Loan, hoặc có thể lên tiếng cho Đài Loan trong lĩnh vực của bản thân mình. Năng lực về công nghệ, xếp hạng về tự do dân chủ đều là số liệu định lượng, nhưng chỉ có sự kết nối về văn hóa giữa Đài Loan với nước bạn và giành được tình cảm của khách thì "Walk in Taiwan" đã đạt được mục đích.”

 

Gặp gỡ một Đài Loan tự tin về văn hóa

 “Walk in Taiwan” không ngừng đảo lộn những hình thức hướng dẫn du lịch truyền thống, ví dụ như “Viện bảo tàng Đại Đạo Trình” cũng tương tự như khái niệm “open house” của nước ngoài, mở ra cánh cửa để vào những khu vực “không phận sự miễn vào”, để chủ nhân của những không gian đó tự lên tiếng. Họ đã mời chủ các tiệm thuốc Bắc, các cửa tiệm lâu đời đến chia sẻ những câu chuyện của bản thân, trao trả quyền phát ngôn lại cho địa phương để những vị khách nước ngoài có thể trải nghiệm được nội dung sinh động của gia chủ. Vào năm đầu thực hiện chương trình Viện bảo tàng Đại Đạo Trình, các đồng nghiệp của họ đã phải đến gõ cửa từng cửa hàng lâu năm và còn phải để người sáng lập Chiu Yi đích thân đứng ra thuyết phục các cửa hàng mới thành công. Sắp tới ngày diễn ra hoạt động vào năm thứ hai, trái ngược với trước đây, các cửa hàng lâu đời đó lại tự chủ động nhắc nhở, chương trình lần trước tổ chức rất tốt, năm nay sẽ tiếp tục làm nữa chứ!

 “Nhất định phải được nhìn thấy, được thưởng thức và học tập trước thì mới có động lực để thể hiện bản thân”, ông Suni Yen nói, các cửa hàng ở sát nhau cũng sẽ nhân dịp này để quan sát học tập lẫn nhau, những đứa con lớn lên từ những cửa tiệm hàng trăm tuổi này, khi chứng kiến cha ông mình tiếp đón, hướng dẫn khách tham quan, kể về lịch sử phát triển của gia đình một cách đầy tự tin, những hình ảnh này có thể sẽ khơi dậy trong lòng thế hệ sau niềm tự hào đối với sự nghiệp của gia tộc. “Để người tham gia có thể được gặp một Đài Loan tự tin về văn hóa, đây cũng là mong muốn ban đầu của ‘Walk in Taiwan’”, ông Suni Yen nói.

 Khi hiểu càng nhiều, càng sâu sắc hơn, bạn sẽ phát hiện văn hóa Đài Loan không phải là đơn nhất. Cũng giống như Đại Đạo Trình, chúng ta có thể nhìn thấy những kiến trúc từ thời nhà Thanh, thời Nhật Bản cai trị Đài Loan, thời sau Thế chiến thứ II, mỗi một căn nhà đều có câu chuyện rất riêng của mình, “Tôi tự hào là vì nó rất thú vị, chứ không phải là vì chúng tôi là hay nhất. Niềm tự hào của tôi là vì “Tôi có câu chuyện” để chia sẻ với mọi người”, James Shih nói một cách phấn khích.

 Ông lấy thêm ví dụ về câu chuyện hướng dẫn tham quan cho học sinh của một trường trung học thuộc khu Tịch Chỉ, thành phố Tân Bắc. Sau khi ông diễn giải về lịch sử Đại Đạo Trình, tiếp đó là đưa ra một tấm hình có nhà lầu kiểu Tây cùng với phố cổ, các em học sinh đã nhanh chóng nhận ra đó chính là khu vực Tịch Chỉ. Ông cũng gật đầu thừa nhận, khu Tịch Chỉ và Đại Đạo Trình cũng có bối cảnh giống nhau. Năm xưa, những con tàu hạng trung có thể chạy men theo sông Cơ Long đến khu vực Tịch Chỉ. Tịch Chỉ trồng trà, cũng là nơi tập kết hàng hóa và trà của khu vực lân cận, cũng từng một thời phồn vinh nhờ buôn bán trà. James Shih hi vọng thông qua cách kể chuyện của “Walk in Taiwan” khiến các em học sinh quay lại tìm ra câu chuyện của Tịch Chỉ, kể nên câu chuyện của quê hương mình.

 Không chỉ khiến cho những người bạn quốc tế có thể cảm nhận được một Đài Loan tự tin về văn hóa, mà còn để cho chúng ta một lần nữa hiểu rõ hơn về một Đài Loan với nền văn hóa đầy tự hào; thông qua “Walk in Taiwan” để hiểu về Đài Loan, hiểu về bản thân, “Du lịch, hẹn ước với mảnh đất địa phương”, không bao giờ là quá trễ.
 

Xem thêm Walk in Taiwan Gặp gỡ một Đài Loan tự tin về văn hóa