Di chuyển đển khối nội dung trung tâm
Chìa khóa ký ức Tìm kiếm người mẹ thứ hai mất liên lạc
2021-01-25

Em Tạ Bội Dư và bà nội em đều rất nhớ thời gian cô Thu ở Đài Loan và coi cô như là một thành viên trong gia đình.

Em Tạ Bội Dư và bà nội em đều rất nhớ thời gian cô Thu ở Đài Loan và coi cô như là một thành viên trong gia đình.
 

 Tại Đài Loan, có một nhóm trẻ con được các bảo mẫu người Đông Nam Á chăm sóc nuôi lớn, mặc dù có sự khác biệt về ngôn ngữ và văn hóa nhưng qua một thời gian dài sống với nhau, giữa họ đã phát sinh tình cảm gia đình. Sự liên kết này vẫn không bị đứt đoạn bởi sự rời xa của người bảo mẫu. Sau khi khôn lớn, những đứa trẻ này đã thông qua sự hiểu biết về văn hóa Đông Nam Á, quan tâm đến đề tài lao động di trú để duy trì dòng ký ức thương nhớ của mình về “Người mẹ thứ hai”. Nhìn từ góc độ của họ, điều này đã phản ánh được cuộc sống và những thử thách của giúp việc người nước ngoài tại Đài Loan.

 

 Tháng 4 năm nay, em Hứa Tử Hàm, một học sinh cấp 3 đã nhờ giới truyền thông Đài Loan và Indonesia tìm lại được bảo mẫu Dwi đã mất liên lạc mười mấy năm và họ đã gặp nhau trên mạng. Sau đó, em Tạ Bội Dư, sinh viên đại học đã liên lạc được với cô Thu bảo mẫu người Việt của mình nhờ sự trợ giúp của chị Phạm Thảo Vân – một người khá nổi tiếng trên mạng xã hội. Hai cô bảo mẫu vui mừng cho biết, thì ra đứa trẻ mà mình chăm sóc trước kia vẫn còn nhớ đến mình. Chẳng những vậy, những lời miêu tả về quê hương của họ cho trẻ nghe cũng đã trở thành manh mối để trẻ tìm kiếm bảo mẫu của mình khi đã lớn khôn.

 

Không phải là “người ở” mà là “người thân” trong gia đình

 Hồi nhỏ, Hứa Tử Hàm rất thích phim hoạt hình Cardcaptor Sakura, thường gọi bảo mẫu Dwi là Sakura, còn mình thì giống như là Cerberus - bạn đồng hành của Sakura, vậy là từ đó người nhà của Tử Hàm cũng gọi Dwi với tên này. Mỗi buổi sáng thức dậy, chỉ cần Tử Hàm phát hiện cha mẹ không có ở nhà là bảo mẫu Dwi liền giúp em gọi điện thoại để em có thể nghe thấy giọng nói của cha mẹ mình. Sau khi về nhà từ trường mẫu giáo, bảo mẫu Dwi sẽ đưa em đi dạo ở những con đường gần nhà. Tối đến, cô Dwi thường ru em ngủ bằng cách vỗ nhẹ lưng em để em nhẹ nhàng chìm vào giấc mộng đẹp.

 Không ngờ, một buổi sáng nọ, khi em Hứa Tử Hàm thức dậy thì em không thấy cô bảo mẫu đâu cả. Vì hợp đồng làm việc đã hết hạn nên bảo mẫu Dwi phải về nước. Lo sợ Tử Hàm không chịu nổi cảnh chia ly nên cô chọn cách âm thầm ra đi không lời từ biệt. Nhưng cũng vì Hứa Tử Hàm không có cơ hội bày tỏ nỗi niềm khi chia tay nên em đã đóng kín tâm tư của mình lại. Về sau, khi phải đối mặt với việc cha mẹ được cử ra nước ngoài, em luôn giấu kín cảm xúc, tự mình âm thầm đau khổ.

 Mười mấy năm qua, ý tưởng tìm kiếm bảo mẫu Dwi luôn xuất hiện trong đầu nhưng suy nghĩ đến hoàn cảnh thực tế nên Tử Hàm chưa có hành động tìm kiếm nào cả. Cho đến khi Tử Hàm nhìn thấy đề bài tập làm văn “Điều trân quý nhất” khiến em nhớ đến con gấu bông Teddy bảo mẫu Dwi tặng cho mình và hồi ức của hai người. Sau khi viết xong bài tập làm văn, em Hứa Tử Hàm đã không cầm lòng được vì nỗi nhớ dâng trào, nước mắt cứ tuôn ra như mưa. Bắt đầu từ hôm đó, em thường nằm mơ thấy cô bảo mẫu của mình. Với tình cảm mười mấy năm trời dành cho bảo mẫu, trong thời gian dịch COVID -19 diễn ra nghiêm trọng, những bản tin về tình hình dịch tại Indonesia đã khiến cho Tử Hàm ngày càng lo lắng cho sự an nguy của cô Dwi, cuối cùng em quyết định thực hiện hành trình tìm kiếm cô.

 

Lên tiếng giúp người lao động yếu thế

 Câu chuyện của Hứa Tử Hàm và Dwi được dịch sang tiếng Indonesia và được đăng trên trang bình luận Opinion thuộc Tạp chí CommonWealth. Sau đó, nhờ sự giới thiệu của ký giả Thông tấn xã Trung ương thường trú tại Indonesia, giới truyền thông địa phương cũng đã đăng tải câu chuyện này. Kế hoạch tìm kiếm bảo mẫu vốn được cho là hy vọng mong manh đã có bước tiến triển lớn. Đúng vào dịp lễ Ngày của Mẹ, như có Trời Phật phù hộ, cuối cùng Hứa Tử Hàm và Dwi đã tương phùng qua màn hình điện thoại.

 “Mei mei, con mập ra!”, khi gặp em Hứa Tử Hàm, cô Dwi không ngừng hỏi em ăn cơm chưa. Trong cuộc tương phùng qua video này, hai người đã trò chuyện với nhau đến 4 tiếng đồng hồ, những lời thăm hỏi, thương nhớ hòa cùng không ít nước mắt nhớ nhung cảm động. Em Hứa Tử Hàm biết hiện giờ cô Dwi hầu như không còn sử dụng tiếng Trung nữa nên em dùng những từ thật đơn giản để diễn đạt điều mình muốn nói, y như em bé nói chuyện vậy. Tử Hàm cũng biết cô Dwi khi nghe không hiểu thì hay đáp bằng từ “Đúng đó” để cho qua chuyện, cho nên khi em nghe bảo mẫu của mình trả lời như vậy là em liền dùng cách nói khác, giải thích cho cô bảo mẫu hiểu. Hai người còn hẹn với nhau khi dịch bệnh kết thúc sẽ gặp nhau tại Indonesia.

 Sau khi tìm được bảo mẫu Dwi, Hứa Tử Hàm thấy rằng, trách nhiệm của mình đối với lao động di trú Đông Nam Á tại Đài Loan như nặng hơn. Em rất thích lĩnh vực pháp luật, luôn nuôi ý định thông qua “Trình tự trong thể chế” để lên tiếng giúp những lao động di trú bị đối đãi không công bằng. Tuy nhiên sau khi trải qua quá trình tìm kiếm bảo mẫu Dwi, em tin tưởng rằng giới truyền thông và ngòi bút cũng có thể phát huy được sức mạnh.

 

Sự bướng bỉnh và ỷ lại trong thời thơ ấu

 Gia đình của em Tạ Bội Dư coi A Qiu (cô Thu) như người nhà, không những cô Thu được ngồi ăn cơm cùng bàn mà còn coi cô Thu như là “con gái” trong gia đình. Bà nội thì mua quần áo cho cô, mẹ thì thường đưa cô đến tiệm làm tóc, thậm chí có lần cô Thu bệnh, mẹ còn đích thân đưa cô đến bệnh viện truyền dịch. Ngược lại, em Tạ Bội Dư sống chung với cô Thu với thời gian dài nhất thì lại không lễ độ, lại còn chơi trò quái quỷ với cô Thu do tính khí ngang bướng lúc nhỏ.

 “Trước kia em rất tức giận khi A Qiu nghe không hiểu tiếng Trung. Có một lần trong lúc ăn cơm, em còn leo lên lưng của A Qiu, không ngờ cô đứng dậy, thế là em té xuống đất”. Tạ Bội Dư cho biết em đối xử với cô Thu với thái độ này có lẽ là do em bắt chước cha em. Người cha có ngoại hình và tính cách thô kệch thường nói với cô Thu rằng: "Đằng nào thì sau này cô cũng phải ra đi thôi!”. Đây là câu nói khiến người ta đau lòng.

 Tuy Tạ Bội Dư rất ghê gớm với cô Thu nhưng thực ra em lại vô cùng ỷ lại vào cô, sự ỷ lại này còn hơn sự dựa dẫm vào mẹ mình. Tối ngủ đái dầm là em sang phòng em trai đánh thức cô Thu, gọi cô thu dọn cho em để tránh làm ồn đến người mẹ nằm cạnh mình; bị nghi lấy trộm đồ khi đang học ở trường mẫu giáo, không ai tin em cả nhưng em cho rằng nếu như cô Thu còn ở Đài Loan thì nhất định cô sẽ bênh vực cho em vì cô Thu chấp nhận em một cách vô điều kiện.

 

Tôn trọng từng người đã tận tâm chăm sóc

 “Sau khi trưởng thành, lúc ngủ một mình hay khi thơ thẩn một mình, em thường nhớ tới A Qiu”. Em Tạ Bội Dư lớn lên ở Cơ Long, học đại học ở Đài Trung, khi cô đơn em đặc biệt nhớ đến cô Thu. Cho đến khi em biết được câu chuyện của Hứa Tử Hàm và Dwi, em mới quyết định cho dù như thế nào em cũng phải tìm gặp cô Thu.

 Qua sự chia sẻ bài viết của chị Phạm Thảo Vân – một người khá nổi tiếng trên mạng xã hội, không tới 1 ngày em đã tìm được cô Thu.

 Khi nói chuyện qua màn hình điện thoại, ký ức của cô Thu về gia đình họ Tạ còn nhiều hơn em Tạ Bội Dư và mẹ của em. Cô nhớ trước kia cô thường cùng bà nội đi cúng bái ở chùa Minh Nguyệt gần nhà, cô còn nhớ thường cùng em Tạ Bội Dư dạo bộ ở sông Điền Liêu (Tian liao). Sau khi về Việt Nam, cô Thu thường hay mặc chiếc váy vải houndstooth mà bà chủ tặng đi hát karaoke với bạn bè. Hiện tại, sau khi tin “tìm mẹ” lan truyền khắp nơi, bà con lối xóm hỏi cô khi nào sang Đài Loan sum vầy với gia đình em Tạ Bội Dư, cô Thu như trở thành “minh tinh” của địa phương.

 Vì có những kỷ niệm với cô Thu nên khi Tạ Bội Dư cảm thấy cô đơn thì em có thể hồi tưởng lại những ký ức ấm áp đó. Điều này cũng khiến em cảm thấy hiếu kỳ đối với đất nước Việt Nam. Khi em học môn địa lý cấp 3, nghe đến địa danh ở quê hương cô Thu, em luôn cảm thấy sao mà nó thân thương và mang đầy kỳ vọng. Và cũng vì cô Thu mà em có sự đồng cảm hơn đối với hoàn cảnh của những lao động di trú. “Không phải người lao động di trú nào cũng được đối đãi tử tế, có một số người vẫn còn giữ quan niệm giai cấp, phân biệt kẻ trên người dưới”. Qua cơ hội “tìm mẹ” lần này, em muốn nhắn nhủ với chủ thuê giúp việc nước ngoài là phải chú ý đến thái độ của mình để tránh cho con nhỏ bắt chước.

 

Coi trọng nhu cầu tình cảm của lao động nước ngoài

 Bà Liêu Vân Chương - Giám đốc chuyên trang bình luận Opinion của Tạp chí CommonWealth, người phát động kế hoạch “Tìm kiếm người mẹ thứ hai mất liên lạc”, đã giúp Hứa Tử Hàm và Tạ Bội Dư đăng tải câu chuyện của 2 em. Qua quá trình giúp đỡ 2 em tìm lại người bảo mẫu của mình, bà nhận ra rằng, đa số người Đài Loan đánh giá thấp giá trị tình cảm của lao động nước ngoài nhưng họ lại là chỗ dựa quan trọng đối với người được họ chăm sóc trong gia đình. Nhân vật chính trong tác phẩm đoạt giải nhất của Giải thưởng Văn học dành cho Người nhập cư và Lao động di trú 2018 “Về tình yêu (About Love)” là khán hộ công chăm sóc em nhỏ tật nguyền. Sau nhiều năm tận tâm chăm sóc, cuối cùng đứa trẻ đã có thể nói chuyện nhưng tiếng đầu tiên mà em gọi không phải là mẹ mà là “dì ơi”.

 Bà Liêu Vân Chương cho biết, ngoài trường hợp “tìm mẹ” ở Đài Loan ra, còn có trẻ em người Ả Rập Saudi và Hà Lan đã đến đại sứ quán Indonesia vì muốn biết tình hình của người giúp việc nước ngoài. Bất kể là nước nào, khi xử lý vấn đề “chia ly” thì đều cần có thời gian để tránh gây tổn thương và để lại sự nuối tiếc trong lòng con trẻ. Sắp tới em Tạ Bội Dư lên kế hoạch sẽ tạo một trang web thu thập các câu chuyện tương tự để mọi người nhìn thấy được sự nỗ lực của những người lao động thầm lặng.

 “Họ không phải là công cụ mà là người nhà”. Bà Liêu Vân Chương cho rằng, lúc này là cơ hội để cho Đài Loan suy nghĩ lại mối quan hệ giữa chủ thuê và lao động người Đông Nam Á. Cho dù là Chính phủ hay người dân đều nên hiểu rằng lao động di trú cũng là người có tình cảm, không phải ta trả tiền lương cho họ là xong, mà ta còn phải quan tâm đến cảm xúc của họ. Trước kia cũng từng có chủ thuê trợ giúp người giúp việc quốc tịch Philippines mở nhà hàng bằng cách đầu tư vốn, giúp cho cô này ở lại Đài Loan sinh sống. Bà Liêu Vân Chương hy vọng, trong tương lai, những câu chuyện như vậy sẽ ngày càng nhiều để lao động di trú Đông Nam Á đều có thể cảm nhận họ được tôn trọng và yêu thương nơi đất khách quê người.
 

Xem thêm Chìa khóa ký ức Tìm kiếm người mẹ thứ hai mất liên lạc