Di chuyển đển khối nội dung trung tâm
Sự thách thức, hồi sinh và triển vọng thời đại dịch Cuộc khảo sát về các nhà hoạt động nghệ thuật Đông Nam Á
2021-02-08

Anh Pat cùng với đối tác thử kết hợp nghi lễ Phật giáo truyền thống với môi trường sinh thái tự nhiên, thực hiện sáng tác nghệ thuật hiện đại. (Ảnh do anh Pat cung cấp)

Anh Pat cùng với đối tác thử kết hợp nghi lễ Phật giáo truyền thống với môi trường sinh thái tự nhiên, thực hiện sáng tác nghệ thuật hiện đại. (Ảnh do anh Pat cung cấp)
 

 “Phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí”, năm 2020 chính là sự khắc họa thực tế nhất cho câu nói này. Năm nay, do tác động của dịch Covid-19, nền kinh tế của các nước bị sa sút, nhiều biện pháp phòng chống dịch bệnh được thực thi như áp dụng phong tỏa, duy trì khoảng cách xã hội, hủy bỏ chuyến bay v,v..., gây ảnh hưởng nặng nề đến các ngành nghề, từ đó kéo theo làn sóng thất nghiệp, cắt giảm lao động; nhiều nhà hoạt động nghệ thuật cũng vì vậy mà phải tạm dừng các dự án giao lưu, hủy bỏ tour biểu diễn khiến nguồn thu nhập giảm sút, trở thành những nạn nhân đầu tiên của cơn bão táp dịch bệnh.

 Nhằm quan tâm và tìm hiểu về những người bạn quốc tế của Đài Loan, đặc biệt là sự ảnh hưởng và thách thức đối với các nhà hoạt động nghệ thuật ở các nước mục tiêu trong Chính sách hướng Nam mới, “Tạp chí Panorama Đài Loan” đã hợp tác với Quỹ Giao lưu Đài Loan - châu Á và Trung tâm Phát triển Du lịch - Văn hóa Mêkông, cùng khởi động cuộc khảo sát đầu tiên của Đài Loan về hoạt động văn hóa nghệ thuật Đông Nam Á thời kỳ hậu Covid-19, thực hiện chuyến thăm tại 8 quốc gia, bao gồm Lào, Myanmar, Thái Lan, Indonesia, v.v... để tìm hiểu sâu hơn về những cá nhân và tổ chức hoạt động nghệ thuật ở địa phương, ngoài việc bày tỏ sự quan tâm, còn hy vọng thông qua tin bài về cuộc khảo sát lần này, có thể hé lộ tình hình thực tế của các nhà hoạt động nghệ thuật trong mùa dịch.

 

Nhà thiết kế người Lào Kamphart: Giao lưu quốc tế bị tạm ngưng

 Từ khi bùng phát dịch bệnh cho tới tháng 9/2020, Vườn Thực vật “Pha Tad Ke”, nơi anh Tongchan Kamphart (Pat) - nhà thiết kế cảnh quan ở Lào đang làm việc, vẫn chưa mở cửa đón khách.

 “Hoàn toàn không có khách, khách du lịch không thể vào tham quan”. Ngồi tại Vườn Thực vật, anh Pat thông qua phần mềm online tiến hành cuộc nói chuyện trực tuyến với chúng tôi. Vườn Thực vật “Pha Tad Ke”, nơi anh Pat làm việc, tọa lạc tại Luang Prabang - Lào, là điểm du lịch được nhiều du khách yêu thích. Từ khi bùng phát dịch bệnh, Chính phủ Lào đã tạm ngưng cấp visa cho khách du lịch, khiến khu vườn thực vật vốn dựa vào nguồn thu nhập từ du lịch cũng bị buộc phải đóng cửa. Trước đây, ngoài việc thiết kế cảnh quan, anh Pat cũng đảm nhận công việc quy hoạch nghệ thuật tổng thể, cùng làm việc với nhiều nghệ sĩ xuất sắc đến từ các quốc gia. Họ đã thử kết hợp nghi lễ Phật giáo truyền thống với môi trường sinh thái tự nhiên, thực hiện sáng tác nghệ thuật hiện đại. Tuy nhiên, từ khi bùng phát dịch Covid-19, mọi thứ đều đã thay đổi.

 “Không có chuyến bay quốc tế, chúng tôi không thể gặp mặt để trao đổi trò chuyện trực tiếp, không thể tổ chức hội nghị, mọi người đều phải làm việc tại nhà”, anh Pat thừa nhận đúng là dịch bệnh gây ảnh hưởng rất lớn. “Hiện nay, việc sắp xếp tất cả lịch trình đều phải phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh, nhưng không ai có thể đảm bảo rằng điều gì sẽ xảy ra vào tháng tới”.

 

Cô Zun Ei – nghệ sĩ thị giác ở Myanmar: Mọi việc đầy rẫy sự bất trắc

 Vấn đề dịch bệnh làm xáo trộn kế hoạch cũng xảy ra tại Myanmar. Một số dự án xuyên quốc gia của cô Zun Ei Phyu (Zun Ei) lại bị hoãn do dịch bệnh.

 “Năm 2020 là năm sáng tạo nghệ thuật của tôi”. Cô Zun Ei – nghệ sĩ thị giác tỏ vẻ bất lực cho biết: “Trong năm này tôi có rất nhiều dự án, đa số là những dự án hợp tác quốc tế và một vài dự án nhỏ tại địa phương, thậm chí tôi có dự định sang thăm Đài Loan vào tháng 4 năm 2020, vì dịch Covid-19 nên phải hủy toàn bộ”.

 Cô Zun Ei là bác sĩ nổi tiếng, đồng thời rất giỏi về cắt giấy và nghệ thuật sắp đặt. Bên cạnh việc sáng tạo nghệ thuật, vào thứ Sáu hàng tuần cô thường tham gia chương trình khám bệnh miễn phí tại phòng khám từ thiện của khu dân cư.

 Hồi tháng 7, phòng khám từ thiện tại khu dân cư mà cô Zun Ei tham gia dự định mở cửa trở lại nhưng lại bị buộc phải đóng cửa. Thời gian sau đó, số ca ghi nhận nhiễm Covid-19 tại Myanmar lại bùng phát trở lại, lên đến trên 1.000 ca, tăng ít nhất gấp 3 lần, khiến người dân phải đeo khẩu trang trở lại.

 Với sứ mệnh của người thầy thuốc, cô Zun Ei muốn đến tuyến đầu để chăm sóc bệnh nhân nhưng không thực hiện được điều mong muốn.

 Dịch Covid-19 đã gây tác động mạnh đến Myanmar, các nhà hoạt động nghệ thuật ở địa phương có nguồn thu nhập không cao, sự mưu sinh sau khi dịch bệnh bùng phát lại càng trở nên khó khăn hơn. Tuy nhiên, cô Zun Ei rất may mắn, trong khoảng thời gian này, vẫn có nhiều khách mua ở nước ngoài tiếp tục mua tác phẩm của cô.

 

Nhà sản xuất chương trình người Thái Lan Tanawat: Dịch bệnh mang đến những thách thức, chỉ có dân chủ hóa mới giải quyết được vấn đề 

 Nhà sản xuất chương trình người Thái Lan Tanawat Asawaitthipond kiêm nhiệm nhiều công việc khác nhau và cũng là người chịu thiệt hại trong dịch Covid-19. Anh Tanawat vừa là nghệ sĩ biểu diễn, vừa là cố vấn nghệ thuật và là nhà sản xuất, thường xuyên tiếp xúc qua lại với các nghệ sĩ, cơ quan hay quỹ tài trợ có ảnh hưởng lớn trên thế giới.

 Trước tình hình dịch bệnh vẫn kéo dài, bên cạnh sự bất ổn của xã hội Thái Lan, anh Tanawat lại tỏ ra lạc quan hơn. “Không thể nói là bản thân tôi không bị ảnh hưởng, mà bởi tôi coi dịch bệnh lần này như một bước ngoặt”. Mặc dù tổng thể môi trường chung không còn được như trước, anh Tanawat thử tìm cách bước chậm lại, rà soát lại nguồn hỗ trợ hiện có một cách cụ thể và chính xác để tìm cách ứng phó. “Là một nhà sản xuất, tôi luôn xem xét sự việc từ nhiều khía cạnh khác nhau”.

 Chính sách văn hóa nghệ thuật của Thái Lan từ trước tới nay đều tồn tại vấn đề thể chế, những người hoạt động về văn hóa nghệ thuật thường không nhận được sự ủng hộ của Chính phủ, họ phải làm thêm công việc thứ hai để duy trì sinh kế. Anh Tanawat thẳng thắn cho biết: “Cho dù không xảy ra dịch bệnh lần này, chúng tôi cũng không nhận được nhiều hỗ trợ từ Chính phủ”.

 

Cô Tiêu Lệ Hồng – người thành lập Studio Bamboo Curtain

 Tình hình giao lưu bị gián đoạn bởi mùa dịch cũng gây thiệt hại cho lĩnh vực văn hóa và nghệ thuật của Đài Loan. Cô Tiêu Lệ Hồng (Margaret Shiu), nghệ sĩ sáng lập Studio Bamboo Curtain tại Đài Loan thẳng thắn chia sẻ, đối với cô, virus Corona (tình hình dịch bệnh) là sự tác động lớn nhất trong năm 2020. “Toàn bộ những dự án giao lưu trao đổi đều phải ngừng lại, chúng tôi kinh doanh làng nghệ thuật, những căn nhà đều trống trơn”.

 Cô Tiêu Lệ Hồng vốn tâm niệm rằng, giao lưu văn hóa phải được tiến hành theo kiểu mặt đối mặt, hàng năm đều sắp xếp nghệ sĩ quốc tế tới thường trú tại làng nghệ thuật Đài Loan và cũng đưa các nghệ sĩ Đài Loan ra nước ngoài. Tuy nhiên, trong lúc trò chuyện trao đổi, cô Tiêu Lệ Hồng mô tả thảm cảnh hiện tại rằng: “Số lượng người Đài Loan giao lưu năm 2020 là con số không”.

 

Những nhắc nhở từ bài học cuộc sống

 Sự hoành hành của dịch Covid-19 không những gây ra nhiều vấn đề trong lĩnh vực kinh tế, việc làm không được bảo đảm và những bất trắc trong cuộc sống đã làm cho nhiều nghệ sĩ cảm thấy hoang mang lo lắng.

 Tuy nhiên, cô Zun Ei chọn cách đáp trả bằng hành động nghệ thuật. Trong khoảng thời gian từ tháng 4 tới tháng 5 năm 2020, cô Zun Ei đã tự tĩnh tâm, không làm bất cứ việc gì, cũng không hề thực hiện bất kỳ sáng tác nào cả. Là tín đồ Phật giáo, trong giai đoạn đầy biến động này, cô chăm chú thiền tịnh và lắng nghe lời Phật dạy. Bản thân cô sở hữu chứng chỉ trị liệu tâm lý bằng nghệ thuật, thậm chí tự mình vận động để thực hiện trị liệu bằng nghệ thuật. “Tôi hiểu rằng chính bản thân cũng phải tích cực, vẫn cần tiếp tục sống”.

 “Cái chết có thể đến với mọi người vào bất kỳ lúc nào, chỉ có điều là trước khi bùng phát dịch Covid-19, chúng ta đều không chú ý tới việc này”. Vì vậy, dịch bệnh giống như một lời nhắc nhở, giúp khơi nguồn cảm hứng sáng tác cho cô Zun Ei. Cô định lấy “nỗi sợ hãi” làm chủ đề, hướng dẫn 3 studio nghệ thuật, cho mời những người tham gia cùng tìm hiểu, khám phá cảm giác “sợ hãi”. 

 Anh Pat thì mượn triết lý Phật giáo để tịnh tâm. “Thông thường khi đối mặt với dịch bệnh, con người sẽ nỗ lực tìm kiếm việc làm mới hay nguồn thu nhập mới, nhưng tín đồ Phật giáo như chúng tôi thì cho rằng có thể thích ứng theo hoàn cảnh”. Anh Pat nhận xét, trong cuộc sống có thể trở về với sự chất phác, giản dị, “Làm nghề nông vẫn có thể sinh sống qua ngày, vào thời điểm này cũng sẽ giúp chúng ta sum vầy với người thân, tận hưởng những ngày tháng bên nhau”.

 Cô Tiêu Lệ Hồng đã tạo nhiều sự chuyển đổi chức năng hơn cho làng nghệ thuật, “Hiện tôi đang cùng với đội ngũ công tác quy hoạch chương trình giao lưu trao đổi trực tuyến”. Và mô hình này được cô Tiêu Lệ Hồng mô tả như việc làm của “bà mối”, đưa làng nghệ thuật chuyển đổi thành nền tảng trung gian, thông qua nền tảng này để tạo sự kết nối giữa các nghệ sĩ Đài Loan và thế giới, giao lưu bằng phương thức trực tuyến, để trao đổi kinh nghiệm, làm sâu sắc hơn mối quan hệ hợp tác của đôi bên.

 Cô Tiêu Lệ Hồng cho rằng hiện tượng “khác thường” được tạo ra bởi dịch Covid-19, có thể sẽ trở thành trạng thái bình thường mới trong tương lai, các nhà hoạt động văn hóa nghệ thuật nhất thiết phải sớm chuyển đổi mô hình hoạt động, tự tìm lối thoát cho bản thân.

 “Nghệ sĩ không phải là vô dụng mà là cần chuyển đổi thành dịch vụ có tính xã hội và quảng bá phát triển giáo dục”. Cô Tiêu Lệ Hồng kiến nghị, trong thời điểm đầy rẫy nguy cơ này, nghệ sĩ có thể phát huy năng lực sáng tạo nghệ thuật chân chính, tìm cách chuyển đổi nghệ thuật trở thành loại hình dịch vụ có tính sáng tạo, hoặc chuyển đổi không gian văn hóa nghệ thuật trở thành một nền tảng, trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành đầy rẫy bất trắc như vậy, thì mới có thể từ trong nguy cơ nhìn thấy được cơ hội chuyển biến.
 

 Xem thêm Sự thách thức, hồi sinh và triển vọng thời đại dịch Cuộc khảo sát về các nhà hoạt động nghệ thuật Đông Nam Á