Di chuyển đển khối nội dung trung tâm
Sinh con nhẹ nhàng tại Đài Loan Nơi lý tưởng cho các sản phụ
2021-02-22

Chị gái của cô Lương Hãn Tâm đã quay lại quá trình sinh con của cô để làm thành video ngắn, thu hút gần 700 nghìn lượt người xem, khiến rất nhiều người cảm thấy tò mò về sinh sản nhẹ nhàng.

Chị gái của cô Lương Hãn Tâm đã quay lại quá trình sinh con của cô để làm thành video ngắn, thu hút gần 700 nghìn lượt người xem, khiến rất nhiều người cảm thấy tò mò về sinh sản nhẹ nhàng.
 

 Bạn đã từng thảo luận với mẹ hay người nhà về việc mình đã được sinh ra như thế nào chưa? Từ nhỏ đến lớn, chúng ta đều được dạy rằng, ngày “sinh nhật” chính là ngày “mẹ phải chịu khổ”, sinh con thực sự là một việc đại sự mà mẹ đã phải dùng mạng sống để liều mình vượt cạn, nhưng ngoài những sự đau khổ mà cơ thể phải chịu đựng ra, chúng ta còn có liên tưởng gì khác về vấn đề sinh con không?

 

 Vậy rốt cuộc thế nào là “sinh con nhẹ nhàng”? Có rất nhiều người nghĩ rằng, sinh con nhẹ nhàng là “sinh con tại nhà” hoặc “sinh con dưới nước”, nhưng đó đều không đúng; sinh con nhẹ nhàng là xem việc sinh nở như một quá trình sinh lý tự nhiên chứ không phải là một căn bệnh cần phải điều trị, đó là một hình thức sinh sản dựa trên ý chí, nhu cầu và bản năng của người sản phụ.

 Ở châu Âu, Nhật Bản, New Zealand… đều là những nơi thịnh hành việc sinh con nhẹ nhàng, các nhân viên lâm sàng được phân công rõ ràng, “ca thường sẽ do người hộ sinh chăm sóc, ca bất thường mới do bác sĩ thăm khám”, 70-80% phụ nữ có thể sinh nở bình thường thì sẽ do các nhân viên hộ sinh đã được tập huấn chuyên khoa và có giấy phép hành nghề hỗ trợ người phụ nữ trong quá trình sinh sản. Hình thức sinh con cũng sẽ kết hợp các phương pháp y học hiện đại và liệu pháp thuận tự nhiên như tư thế ngồi xổm, tư thế quỳ, tư thế nằm, sinh con dưới nước…, còn hình thức hỗ trợ và giảm đau thì có bóng sinh, massage xương chậu, châm cứu, liệu pháp hương thơm, Yoga, thiền… tạo nên những hình thức sinh con đa dạng.

 Tuy nhiên, khi nhìn lại môi trường sinh con ở các khoa sản Đài Loan thì ta lại phát hiện, trước đây, việc sinh con ở Đài Loan chủ yếu là nhờ nhân viên hộ sinh đỡ đẻ, nhưng do y học phương Tây ngày càng phổ biến, cộng thêm vào năm 1983, Chính phủ Đài Loan đã ban hành quy định các nhân viên hộ sinh phải có sự hướng dẫn của bác sĩ thì mới được phép đảm nhận công việc đỡ đẻ, phá vỡ mô hình phân công giữa nhân viên hộ sinh và bác sĩ. Giai đoạn từ năm 1991-1999, khoa hộ sinh còn bị xóa khỏi quy chế giáo dục, khiến cho việc giáo dục hộ sinh bị gián đoạn… Vì các lý do này nên ở Đài Loan, hình thức sinh con chủ yếu hiện nay do bác sĩ khoa phụ sản đảm nhiệm vai trò chủ đạo. Với lối tư duy “có bệnh trị bệnh” và theo đuổi hiệu quả của đại đa số người dân, việc sinh đẻ đã hình thành nên một chu trình thao tác tiêu chuẩn với mức độ y tế hóa cao, bao gồm: sản phụ phải sinh đẻ trong tư thế nằm ngửa, bụng phải cột máy nghe nhịp tim thai nhi, phá ối, sử dụng thuốc giục sinh hoặc thuốc giảm đau, cạo lông, súc ruột, rạch tầng sinh môn, hút chân không, nhịn ăn uống…, nếu vẫn chưa sinh được thì phải sinh mổ, tức là “suffering twice” (đau hai lần).

 

Sinh con là việc của một đội ngũ

 Bất luận đối với giới y học hay đối với sản phụ, bà Trần Ngọc Bình (Chen, Yu-ping) là một bác sĩ phụ sản rất khác người. Bà tốt nghiệp khoa Y tế, Đại học Y Cao Hùng và từng là bác sĩ khoa phụ sản Bệnh viện Mackay, nhưng vì con, bà đã ở nhà làm nội trợ chăm con 8 năm. Từ một vị bác sĩ, vai trò của bà đổi thành một người mẹ. Trong thời gian đó, bà cũng đã đến Đại học Dương Minh học thạc sĩ ngành Khoa học và xã hội, bắt đầu có cơ hội để suy ngẫm về ngành y tế từ góc độ nhân văn và cũng từ đó gieo mầm hạt giống ý tưởng quảng bá khái niệm sinh con nhẹ nhàng.

 “Moni’s Classroom” là một văn phòng làm việc tọa lạc trong khu dân cư yên tĩnh do bà Trần Ngọc Bình thành lập năm 2016. Tại đây đã tập hợp được một đội ngũ những nhân viên lâm sàng tuyến đầu như bác sĩ khoa sản, hộ lý, nhân viên hộ sinh, bác sĩ Đông y, chuyên viên liệu pháp hương thơm… Mọi người đã dùng kiến thức chuyên môn của mình để tư vấn và tổ chức các buổi học cho sản phụ, nội dung trải rộng từ Đông y đến Tây y, từ tư vấn tiền sản đến điều dưỡng hậu sản, bao gồm chăm sóc cơ thể, cho con bú, massage huyệt đạo, kiến thức sinh mổ…

 Cô Cao Gia Đại (Kao, Chia-Tai) cũng là một thành viên của nhà hộ sinh này. Cô nói: “Nếu chỉ có bác sĩ mong muốn triển khai theo mô hình này nhưng các nhân viên hộ lý lại không muốn thì các sản phụ vẫn chỉ nhận được sự chăm sóc thông thường mà thôi, như vậy chỉ làm được một nửa. Nếu như nhân viên hộ sinh mong muốn xúc tiến mô hình, nhưng bác sĩ không muốn thì càng không cần phải nói, trong bệnh viện có thể sẽ hoàn toàn không có sự tồn tại của người hộ sinh”. Dẫu sao, như bà Trần Ngọc Bình đã nói: “Y tế là việc của cả một đội ngũ”.

 

Lời thổ lộ chân tình của sản phụ

 Bà Trần Ngọc Bình giải thích, đại đa số bác sĩ đều được đào tạo dựa trên tiền đề “có bệnh”, tích cực can thiệp vào “người bệnh”, “theo tôi, bước ngoặc để có thể chuyển sang mô hình sinh con nhẹ nhàng, đó chính là học cách khoanh tay sau lưng”.

 Đứa con thứ hai của cô Dư Quán Phụng (Fish Yu) là do bà Trần Ngọc Bình đỡ đẻ. Cô đã tiếp nhận cả hai hình thức chăm sóc sinh nở là sinh thường và sinh con nhẹ nhàng. 6 năm trước, cô đã sinh con gái đầu lòng bằng hình thức sinh thường, không chích thuốc giảm đau, cô cũng đã trải qua phẫu thuật “rạch tầng sinh môn” mà đại đa số sản phụ đều từng trải qua. Đến đứa thứ hai, được sự ủng hộ của gia đình, cô đã chọn sinh con nhẹ nhàng. “Nếu chỉ sinh một đứa thôi, tôi thấy mình như vậy cũng được, nhưng dẫu sao bị rạch một nhát dao, về mặt tâm lý vẫn có cảm giác tổn thương. Nhưng đến khi sinh đứa thứ hai, sau khi sinh, trên người hoàn toàn không có vết thương, 8 giờ sáng sinh xong, 2 giờ chiều là có thể về nhà, đến trợ cấp 3 ngày cho người sinh thường của bảo hiểm y tế cũng không cần dùng đến”. Cô Dư Quán Phụng hồ hởi nhớ lại, “Lúc đó thật sự cảm thấy rất kỳ diệu! Thật sự rất muốn sinh thêm đứa nữa!”

 Sinh con nhẹ nhàng còn giúp cho tình cảm của mẹ và con, thậm chí là người nhà của họ trở nên tốt hơn vì đại đa số các bà mẹ đều có cảm nhận qua quá trình này. Cô Liêu Bội Thần (Grace Liao) làm giáo viên đã nói: “Muốn sinh con nhẹ nhàng là cần những người đồng đội thông thái vì đây là việc của một gia đình!” Dẫu sao, khi một thành viên mới chào đời, đó là việc của cả gia đình, rốt cuộc nên chọn hình thức sinh con như thế nào? Sẽ ảnh hưởng đến mẹ và con ra sao? Cần phải chuẩn bị những gì? Ngoài mẹ bầu phải tích cực tham gia, tìm hiểu, người nhà cũng không nên đứng ngoài việc này.

 Một bà mẹ khác, cô Lương Hãn Tâm (Candy Liang) đã nói như một điều hiển nhiên rằng: “Người chồng nên là một nhân vật cơ bản trong việc đi sinh nở của vợ!” Cô đã tường thuật lại kinh nghiệm sinh nở của mình, để giảm cơn đau do co thắt tử cung, trong quá trình sinh con, cứ 10 phút chồng cô lại phải giúp cô massage xương chậu một lần trong 30 phút, “anh ấy nói, sau khi tôi sinh xong thì anh cũng bị sụt cân luôn”. Cô bày tỏ: “Tôi rất may mắn là mình đã chọn lựa cách sinh nở này, kinh nghiệm này rất tốt, tạo sự gắn kết cao độ giữa người nhà với nhau. Quá trình này cũng là một cách giúp người chồng chuẩn bị sẵn sàng cho vai trò làm cha sau này chứ không phải đẩy người mẹ vào phòng sinh một mình, rồi người cha đợi đến khi bồng con trên tay mới ý thức được là mình đã làm cha”.

 Cô Ngô Mạnh Thiến (Rita Wu) và anh Dư Trác Kỳ (Aki Yu) là một cặp vợ chồng người Hongkong – Đài Loan. Từ sau khi cô Ngô Mạnh Thiến về Đài Loan đợi ngày sinh nở, anh Dư Trác Kỳ đã bắt đầu học tập các kiến thức liên quan qua mạng. “Lúc con gái sinh ra vẫn còn bọc trong màng ối, nếu sinh thường, để đẩy nhanh quá trình sinh nở, thường bác sĩ sẽ can thiệp chọc ối; nghe nói, ở Ireland thì đây là biểu tượng của sự may mắn!”. Cũng do trong quá trình sinh không bị ảnh hưởng bởi thuốc men nên đứa trẻ sinh ra không những tỉnh táo, mà trạng thái cũng rất ổn định, sức khỏe của người mẹ cũng hồi phục rất nhanh, có thể để người mẹ và con cùng ở chung phòng, cho con bú và chăm sóc con một cách thuận lợi.

 Bà Trần Ngọc Bình thích dùng từ “leo núi cao” để miêu tả quá trình sinh con: “Cũng giống như là việc leo lên đỉnh của núi Ngọc Sơn, bạn có thể chọn lựa là ngồi xe đi lên, người khác cõng bạn lên, hay tự bản thân bạn leo lên, cảm giác sẽ rất khác nhau”. Những hồi ức sâu sắc và độc nhất vô nhị trong cuộc đời này sẽ gắn kết tình cảm của các thành viên trong gia đình và cũng đồng hành cùng cả nhà để đón nhận một sinh mệnh mới.

 

Chăm chút từng chi tiết, hành động thuận tự nhiên

 Bà Trần Ngọc Bình nói: “Việc sinh con thật ra có rất nhiều biến cố trong từng giây từng phút, bác sĩ phải rất tỉ mỉ để chăm chút từng chi tiết, nhưng ở các bệnh viện thường không đủ nhân lực và nguồn lực để chăm sóc riêng cho từng sản phụ nên rất nhiều việc đã bị đơn giản hóa”. Lấy ví dụ việc “đè bụng”, ta thường nghe nói, ở bệnh viện, để đẩy nhanh quá trình sinh đẻ của sản phụ, các y tá thường tì lên bụng sản phụ, điều này đã khiến nhiều sản phụ nghe thôi đã khiếp đảm. Nhưng nếu là bà Trần Ngọc Bình, bà sẽ thuận theo nhịp co thắt của tử cung, tác động lực vào vùng mông em bé để hỗ trợ đẩy ra. Trong một lần giúp sản phụ đẩy bụng, sau khi sinh xong, chồng của sản phụ đã hỏi vợ: “Vừa nãy bác sĩ đẩy bụng em như vậy, em có đau không?”, sản phụ trả lời một cách thản nhiên: “Vừa nãy bác sĩ không phải chỉ xoa nhẹ em một cái thôi hay sao?” Điều này cũng có thể cho thấy được sự khác biệt giữa hai hình thức sinh. Cũng như việc rạch tầng sinh môn, thường bác sĩ sẽ lấy lý do “tránh rách tầng sinh môn” để làm phẫu thuật, nhưng nếu nhẫn nại chờ đợi, đợi khi tầng sinh môn của sản phụ trở nên mỏng, trơn, thai nhi tự nhiên sẽ được sinh ra, cũng không đến nỗi sẽ rách quá nghiêm trọng, càng không cần phải rạch tầng sinh môn.

 Không những vậy, bà Trần Ngọc Bình còn cho biết: “Trong quá trình co thắt tử cung, cơ thể tự nhiên sẽ sản sinh ra Hormone Oxytocin để kích thích sinh nở, đồng thời khiến não sẽ sinh ra chất endorphin, cho nên cơ thể người sẽ tự có được tác dụng giảm đau. Chỉ cần có thể phối hợp nhịp nhàng cơ chế vận động của cơ thể, sản phụ không những không thấy đau, mà còn như đang chạy Marathon, chuẩn bị chào đón thời khắc cuối cùng đầy mãn nguyện!” Sinh con nhẹ nhàng như là một cách thức để trao quyền cho phụ nữ, là niềm vinh quang để người phụ nữ lấy lại vẻ đẹp của cơ thể.

 

Những người mẹ ở địa phương cùng đứng lên

 Ngoài Moni’s Classroom là nơi thực hiện mô hình sinh con nhẹ nhàng một cách cụ thể, chi tiết, cô Từ Thư Tuệ (Joyce Hsu) kinh doanh quán cà phê, cũng đã cho thành lập nhóm “The Gentlest Encounter—Gentle Birth” trên Facebook, đạo diễn Trần Dục Thanh (Mimi Chen) và Tô Ngọc Đình (Angel Su) thì quay bộ phim “Happy Birthday”(2016), còn ký giả Kham Thục Đình (Chen Shu-ting) thì đã viết cuốn sách “Welcoming Gentle Birth”. Những người mẹ đến từ giới học thuật, giới y tế hoặc các lĩnh vực khác đều muốn góp một phần sức nhỏ nhoi của mình để quảng bá mô hình sinh con nhẹ nhàng, chỉ mong có một ngày nào đó Đài Loan có thể trở thành nơi lý tưởng mà các sản phụ có thể tự hào.
 

 Xem thêm Sinh con nhẹ nhàng tại Đài Loan Nơi lý tưởng cho các sản phụ