Di chuyển đển khối nội dung trung tâm
Cuộc cách mạng trên sân chơi Trả lại quyền vui chơi cho trẻ
2021-03-08

Chị Lâm Á Mai (giữa) - người khởi xướng “Liên minh hành động đòi lại công viên đặc sắc cho trẻ nhỏ” (PPCC), chị Trương Nhã Lâm (phải) - Tổng thư ký PPCC và chị Thái Thanh Hoa (trái) - thành viên PPCC cùng nỗ lực vì sứ mệnh bảo vệ công viên của chính mình.

Chị Lâm Á Mai (giữa) - người khởi xướng “Liên minh hành động đòi lại công viên đặc sắc cho trẻ nhỏ” (PPCC), chị Trương Nhã Lâm (phải) - Tổng thư ký PPCC và chị Thái Thanh Hoa (trái) - thành viên PPCC cùng nỗ lực vì sứ mệnh bảo vệ công viên của chính mình.
 

 Người xưa có câu, khi làm mẹ tự dưng ai cũng trở nên mạnh mẽ tháo vát, các bà mẹ thành viên thuộc “Liên minh hành động đòi lại công viên đặc sắc cho trẻ nhỏ”(viết tắt Liên minh PPCC) cho rằng: “Các con là người đã tạo sức mạnh để chúng tôi phát huy chuyên môn của mình, tranh đấu vì quyền lợi vui chơi cho trẻ". Với phương pháp tổ chức vận động thông qua mạng xã hội, làm báo cáo trình bày ý kiến, đăng các bài viết khởi xướng, tham gia kế hoạch sửa chữa trang thiết bị trò chơi công viên của bộ ngành nhà nước, đồng thời kêu gọi cư dân khắp nơi bắt tay thực hiện công cuộc tự cứu lấy công viên của chính mình, sau hơn ba năm, họ đã thúc đẩy xây dựng được hơn một trăm khu công viên đặc sắc, góp phần thay đổi diện mạo cho các sân chơi ở Đài Loan.

 

 “Hồi đó khi chỉ có mỗi loại thiết bị trò chơi bằng cao su, vì nhàm chán, cô con gái 2 tuổi của tôi bảo không thích nên cứ kéo tay tôi và nói mẹ chơi với con đi”. Chị Thái Thanh Hoa (Tsai Ching-hua), người thúc đẩy cải tạo công trình công viên Cổ Lĩnh (Guling Park), thành phố Đài Bắc (Taipei) chia sẻ. Vừa nhìn con gái Lạc Lạc (Lele) đang đánh đu trên thang khỉ - Monkey Bar với các bạn ở công viên, cô vừa nói: “Bây giờ không chỉ có chúng tôi ngày nào cũng tới đây chơi, vào buổi chiều sau giờ tan trường của học sinh tiểu học và buổi tối cũng có nhóm người khác tới chơi, nhiều đứa trẻ lớn trông cứ như người nhện xuyên người thoăn thoắt qua các sợi dây thừng, chụp lấy Monkey Bar đánh đu vòng vòng rồi trượt xuống!”

 

Bảo vệ công viên của chính mình

 Khi bé Lạc Lạc khoảng hơn 2 tuổi, có một lần chị Thái Thanh Hoa tham dự chuyến du lịch thăm thành phố mang chủ đề Taipei Walking tour, có dịp tiếp xúc với Liên minh hành động đòi lại công viên đặc sắc cho trẻ nhỏ, chị mới phát hiện với tư cách là một bà nội trợ toàn thời gian (làm mẹ full time), mình cũng có khả năng thay đổi diện mạo cho sân chơi bị cho là chán ngắt trong mắt con gái Lạc Lạc.

 Chị Thái Thanh Hoa bèn tìm đến hỏi trưởng xóm, rồi được giới thiệu đến một đơn vị quản lý công viên là Phòng quản lý công trình đèn đường và công viên thuộc Sở Công trình công cộng thành phố Đài Bắc. Cô đã trình bày nhu cầu mong muốn cải tạo sân chơi cho trẻ nhỏ ở công viên Cổ Lĩnh, đồng thời vận động được gần 100 cư dân khu phố ký tên liên danh ủng hộ. Nhờ quyết tâm theo đuổi đến cùng của chị Thái Thanh Hoa và cư dân trong phường nên Phòng quản lý công trình đèn đường và công viên đã đẩy nhanh tốc độ, đưa ngay công viên Cổ Lĩnh vào danh sách công trình cải tạo và làm mới năm 2018.

 Đầu mùa Xuân năm 2019, công viên Cổ Lĩnh hoàn tất công trình cải tạo với kinh phí trên 2,5 triệu Đài tệ lắp đặt các thiết bị vui chơi liên hoàn, đa dạng lại mang tính thám hiểm kích thích sáng tạo cho trẻ nhỏ như cầu trượt, khung leo trèo hình xoắn ốc, một số thiết bị vui chơi liên kết nhau và những cột gỗ đặt giữa các hệ thống trò chơi.

 Thực ra công viên Cổ Lĩnh chỉ là một trong số những công viên mà cư dân yêu cầu cải tạo sân chơi dưới sự hỗ trợ của “Liên minh PPCC” trong hơn 3 năm qua. Lời kêu gọi của phong trào “Tự cứu lấy công viên của chính mình” bắt nguồn từ cơn thịnh nộ của một bà mẹ mang tên Lâm Á Mai (Zoe Lin), do năm 2005, thành phố Đài Bắc cho dỡ bỏ hàng loạt cầu trượt bằng đá mài (gọi tắt là cầu trượt đá mài) bị cho là nguy hiểm, rồi thay thế bằng loại cầu trượt làm bằng nhựa Polyetylen hoặc làm bằng nhựa Composite FRP, thường được ví là thiết bị trò chơi hàng loạt thiếu sự sáng tạo.

 

Không chỉ riêng sân chơi gần nhà tôi bị dỡ bỏ

 “Ban đầu khi nghe nói cầu trượt đá mài ở công viên Tri Hành (Zhixing) - công viên chủ đề văn hóa dân tộc nguyên trú ở Đài Bắc bị dỡ bỏ, tôi cũng không để tâm, nhưng cuối cùng tới lượt cầu trượt đá mài ở công viên Thanh Niên (Qingnian) gần nhà tôi cũng bị tháo dỡ luôn. Tôi gọi điện hỏi thì cơ quan nhà nước họ trả lời rất đơn giản, bởi vì cầu trượt lâu năm không được sửa sang, lại không an toàn nên phải tháo dỡ”. Chị Lâm Á Mai với mái tóc tém cá tính, cũng là người khởi xướng thành lập “Liên minh PPCC”, kể lại lý do vì sao quan tâm đến không gian sân chơi cho trẻ em.

 “Ở công viên Thanh Niên có 3 thiết bị trò chơi vô cùng đặc sắc lại có lịch sử lâu năm, đó là cầu trượt làm bằng sắt, cầu trượt đá mài và pháo đài không gian kỷ niệm sự kiện phi hành gia Neil Armstrong đặt chân lên mặt trăng. Nơi đây chứa đựng muôn vàn những hồi ức đẹp của biết bao người”. Vì muốn con gái Tiểu Hạ (Xiaoxia) được tiếp tục chơi đùa ở không gian bí mật của bé khi còn ở tuổi ấu thơ, trước khi ở nhà làm nội trợ, chị Lâm Á Mai - từng là phó giám đốc Công ty Kế toán Deloitte - dễ dàng thực hiện một bản báo cáo hoàn chỉnh gồm cả hình ảnh và văn bản, chuẩn bị mọi thứ đầy đủ rồi sau đó tìm đến nghị viên (đại biểu Hội đồng nhân dân) khu Vạn Hoa (Wanhua) để trình bày ý kiến.

 Bản báo cáo thuyết trình bảo vệ “Quyền vui chơi cho trẻ” này coi trọng quyền được bày tỏ ý kiến của trẻ em và quyền tham gia của người dân trong quản lý công. Bắt đầu từ năm 2015, chị Lâm Á Mai tích cực đi khắp nơi thuyết trình báo cáo, từ các nghị viên, Trưởng phòng quản lý công trình đèn đường và công viên, cho đến Giám đốc Sở Công trình công cộng thành phố Đài Bắc, thậm chí vào năm 2018, chị cũng không ngại báo cáo trước sự chứng kiến của Thị trưởng thành phố Đài Bắc - ông Kha Văn Triết (Ko Wen-je),  Chính quyền thành phố Đài Bắc đã chịu lắng nghe ý kiến của người dân, phân bổ kinh phí hơn 10 triệu Đài tệ để xây dựng lại hơn 30 sân chơi đặc sắc với thiết bị trò chơi tích hợp sáng tạo cho trẻ nhỏ, không ngờ sau này kế hoạch “Thành phố thân thiện với trẻ em” đã trở thành một trong những thành tích chính trị khi ông Kha Văn Triết ra tranh cử chức Thị trưởng thành phố nhiệm kỳ 2.

 Không chỉ riêng trường hợp của chị Lâm Á Mai, mà công viên rừng Đại An (Daan Park) gần nhà chị Trương Nhã Lâm (Ariel Zhang) - Tổng thư ký Liên minh PPCC, cũng gặp phải tình huống tương tự. Chị Trương Nhã Lâm nói: “Hồi năm 2015, thành phố Đài Bắc có 76 chiếc cầu trượt đá mài do không phù hợp tiêu chuẩn CNS (tiêu chuẩn quốc gia Trung Hoa Dân Quốc) nên đã bị tháo dỡ với lý do không an toàn, từ 60 chiếc chỉ còn lại 16 chiếc”.

 Thế là chị Trương Nhã Lâm, người từng có kinh nghiệm làm giám đốc thương hiệu cho công ty nước ngoài, đã cùng chị Lâm Á Mai chia sẻ với các bà mẹ xung quanh sự bất bình về vấn đề xử lý không hợp lý của chính quyền thành phố. Tháng  12 năm 2015, nhờ vào sự liên kết của mạng xã hội, họ đã kêu gọi được gần 100 phụ huynh và các bé đến trước cổng Tòa thị chính Đài Bắc để trình bày ý kiến. Phong trào “Nói không với thiết bị trò chơi hàng loạt thiếu sự sáng tạo!” đã thành công, mở ra cánh cửa đối thoại với bộ ngành nhà nước, để rồi phát triển thành “Cuộc cách mạng trên sân chơi của trẻ em”.

 

Sự giằng co giữa tính an toàn và trò chơi đặc sắc sáng tạo

 Thực ra trong các cuộc họp đàm phán với chính quyền thành phố, nhiều quan chức đề xuất phải giải thích dựa theo luật hành chính, đem luật ra phủ đầu các bà mẹ với luận điệu: “Trang thiết bị trò chơi phải tuân thủ theo quy định CNS của Trung ương! Mấy chị muốn chúng tôi vi phạm quy định ư? Mấy chị dám đứng ra chịu trách nhiệm cho sự an toàn của trẻ em không?”

 Để phù hợp với cái gọi là “an toàn” trong mắt của các quan chức, các bà mẹ này quyết theo tới cùng. Sau khi làm xong việc nhà, ai nấy thắp đèn cả đêm nghiên cứu quy định có liên quan đến trang thiết bị trò chơi trong công viên, rồi thành lập luôn một hội đọc sách quy mô nhỏ trên mạng. Đồng thời còn lên mạng hỏi bạn bè làm trong mọi lĩnh vực, tìm kiếm người có trình độ tiếng Anh giỏi dịch các bài viết nghiên cứu bằng tiếng Anh, tìm đến chuyên gia điều trị chức năng và chuyên gia tâm lý trẻ em cung cấp thông tin có liên quan đến tâm lý trẻ nhỏ, kiến thức giáo dục mẫu giáo, thậm chí còn tìm đến đến các kiến trúc sư, chuyên gia cảnh quan để học cách xem bản vẽ thiết kế.

 Từ đó, cả Lâm Á Mai và Trương Nhã Lâm đã tập trung̣ được các bà mẹ cùng chung chí hướng thành lập nên “Liên minh hành động đòi lại công viên đặc sắc cho trẻ nhỏ”, dựa trên số liệu và kiến thức chuyên môn, yêu cầu chính quyền xây dựng sân chơi đáp ứng các tiêu chí tạo hiệu quả rèn luyện thể chất, kích thích giác quan và hỗ trợ tinh thần, thích hợp trong các giai đoạn phát triển thể chất và tinh thần khác nhau cho trẻ em.

 Liên minh PPCC hy vọng các bộ ngành và kiến trúc sư trong lúc quy hoạch xây dựng phải xem xét đến “Quyền tham dự của trẻ em”, lắng nghe nguyện vọng của các bé, hiểu cách các bé chơi đùa, để từ đó thiết kế không gian sân chơi phù hợp với nhu cầu trẻ em.

 

Hàng loạt công viên đặc sắc mọc lên khắp phố phường

 Chị Lâm Á Mai cùng các bà mẹ mang theo hàng xấp poster thẳng tiến đến các công viên ở Đài Trung (Taichung), Cao Hùng (Kaohsiung) làm công tác tuyên truyền ý tưởng công viên đặc sắc dành cho trẻ nhỏ, không ngại hô to khẩu hiệu “Tự chăm sóc cho công viên của chính mình” đến nỗi khản cả giọng. Không bao lâu sau, ngọn lửa nhiệt huyết yêu cầu cải tạo công viên đã lan đến thành phố Tân Bắc (New Taipei). Ý tưởng “Công viên của tôi phải đặc sắc” đã thu hút thêm nhiều người cùng chung chí hướng với Liên minh PPCC, thế là lần lượt các thành phố như Đào Viên, Đài Trung, Đài Nam, Tân Trúc, Cơ Long và Cao Hùng đều tiến hành cải tạo sân chơi công viên cho trẻ nhỏ.

 Do thành phố Tân Bắc có đủ không gian để sử dụng nên thiết bị trò chơi có thể đáp ứng yếu tố phân biệt lứa tuổi và chức năng thích hợp. Ví dụ như khu Lâm Khẩu (Linkou) có Công viên tích hợp sáng tạo Gấu Cub 23 (Bear Cub Park 23), không phân biệt tuổi tác, ai cũng có thể cùng chung vui với nhau trên sân chơi; hoặc Công viên Lạc Hoạt (Lohas Park) thì theo phong cách mạo hiểm thử thách với cầu trượt cao 4 mét có độ dốc thẳng đứng và khung lưới leo trèo, thích hợp cho trẻ em lớn hơn một chút. Các bé có thể học cách luồn lách qua các dây lưới như những chú sóc linh hoạt.

 Từ đó Liên minh PPCC cũng đề xuất chủ trương “Công viên vệ tinh”, dựa trên khái niệm quy hoạch từng khu vực, với nguyên tắc “phân khu theo từng độ tuổi”,  đáp ứng tiêu chí tạo sự khác biệt đặc sắc, để “Công viên ở từng khu phố đều có thể bầu bạn và lớn lên cùng các bé”.

 

Đường phố là sân chơi của bé

 Thế nhưng không phải gia đình nào cũng ở gần sân chơi, khu dân cư nào cũng có công viên nên trẻ đành phải ở nhà xem ti vi và chơi các thiết bị điện tử 3C. Với tư cách là một tổ chức đề cao sáng kiến quyền vui chơi cho trẻ, Liên minh PPCC quyết định vượt khỏi ranh giới công viên, ngoài việc tiếp tục thúc đẩy cải tạo công viên đặc sắc, năm nay còn đề xuất yêu cầu “Đường phố là sân chơi của bé”.

 Thông qua vận động quyên góp cộng đồng, đến năm nay, họ đã tổ chức được 3 hoạt động mang chủ đề “Đường phố biến thành sân chơi”, giành thêm không gian vui chơi cho trẻ. Theo chủ trương của Liên minh PPCC là chỉ cần thông qua sự đồng ý của khu dân cư và trưởng xóm, đều có thể xin phép “phong tỏa đường  đi” tương tự như cách tổ chức các hoạt động vận động bầu cử, con đường nghệ thuật hoặc lễ hội đường phố, để các bé có cơ hội đi ra đường vui chơi, còn hàng xóm khu phố thì có dịp làm quen với nhau, tạo ra khu dân cư đầy ắp sự dung hòa.
 

 Xem thêm Cuộc cách mạng trên sân chơi Trả lại quyền vui chơi cho trẻ