New Southbound Policy Portal

Tổng thống trả lời phỏng vấn của phương tiện truyền thông 6 nước Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan

123

 

 Sáng ngày 5/9, trả lời phỏng vấn của phương tiện truyền thông 6 nước: “Báo người Hindu” (the Hindu) của Ấn Độ, “Nhật báo Chỉ Nam” (Kompas) của Indonesia, “Báo Mặt trời” (The Sun) của Malaysia, “Báo Người hỏi thăm mỗi ngày” (The Philippines Daily Inquier) của Philippines, “Thời báo Eo biển” (The Strait Times) của Singapore và “Báo Dân tộc” (The Nation) của Thái Lan, Tổng thống Thái Anh Văn đã kể về tư duy và mục tiêu Chính sách hướng Nam mới, hy vọng từ xuất phát điểm cùng hỗ trợ, cùng có lợi về kinh tế, với ưu thế của Đài Loan, kết hợp tăng cường hợp tác với các nước ASEAN và các nước Nam Á, thiết lập quan hệ các bên cùng có lợi, cùng nâng cao phúc lợi cho nhân dân các nước trong khu vực.
 

 Nội dung bài diễn văn khai mạc của Tổng thống:
 

 Rất vui mừng hôm nay có cơ hội được đàm luận với bạn bè phương tiện truyền thông Ấn Độ và các nước Đông Nam Á về Chính sách hướng Nam mới của Đài Loan.
 

 Về cơ bản, Chính sách hướng Nam mới chính là làm thế nào để Đài Loan đóng một vai trò tích cực trong quần thể các quốc gia láng giềng. Do cân nhắc đến thể chế chính trị khác nhau ở mỗi nước trong khu vực, mục tiêu Chính sách hướng Nam mới của chúng tôi rất đơn giản, đó là phát triển kinh tế và thương mại. Chúng tôi muốn thiết lập quan hệ các bên đều có lợi về kinh tế, cùng cải thiện đời sống nhân dân trong khu vực.
 

 Đây là thông tin chính tôi muốn truyền đạt đến quý vị hôm nay. Trên thực tế, rất nhiều người Đài Loan, trong đó có bản thân tôi, vô cùng hứng thú đối với các nước trong Chính sách hướng Nam mới. Là người đi tiên phong chủ yếu của Chính sách hướng Nam mới, tôi có hứng thú rất lớn đối với Ấn Độ và các nước Đông Nam Á.  Trước đây, tôi đã từng đảm nhiệm công việc đàm phán thương mại, có cơ hội đi thăm rất nhiều nước trong Chính sách hướng Nam mới, trong đó có 6 đất nước của các bạn ký giả hôm nay. Cách đây mấy năm, tôi cũng may mắn được đi thăm lại vài nước trong số đó. Đối với tôi và rất nhiều người Đài Loan, những nước này đều đang trên đà phát triển mạnh mẽ, tương lai xán lạn. Rất nhiều quốc gia có nền dân số trẻ là tiềm lực hùng hậu để phát triển kinh tế.
 

 Có mặt tại đây có bạn đến từ Ấn Độ, chúng ta lấy Ấn Độ làm ví dụ: tôi đến thăm Ấn Độ năm 2012, nơi đây đã để lại ấn tượng sâu sắc trong tôi. Năm đó, thất bại trong cuộc tranh cử tổng thống, tôi nghĩ mình đi đến một đất nước mà mình vẫn hằng ngưỡng mộ chắc sẽ rất thú vị, thế là tôi đi Ấn Độ, từ New Delhi ngồi 16 tiếng tàu hỏa đến Bombay là một trải nghiệm rất đặc biệt. Tôi còn nhớ mình đàm đạo về văn học mới với ông chủ sạp báo cạnh bến tàu, cảm giác ông là người rất hiểu biết, cách bày trí sách báo và cách chọn sách cũng khiến người ta có ấn tượng sâu sắc. Đương nhiên không thể thiếu món ăn Ấn Độ với hương vị thật đặc biệt. Tôi học được cách thưởng thức món cari tại Luân đôn nhưng rõ ràng là ẩm thực Ấn Độ không chỉ có cari. Khi ở Ấn Độ, mỗi lần có cuộc gặp gỡ hay đến thăm các think-tank (Tổ chức tư vấn chính sách), tôi đều đàm đạo với các trí thức Ấn Độ ưu tú tràn đầy tư duy triết học và ở đó tôi cũng gặp được những thanh niên Ấn Độ đầy ắp sự háo hức, hiếu kỳ đối với tương lai. Đương nhiên, nếu muốn tìm hiểu toàn bộ diện mạo Ấn Độ, không thể không nhắc đến ngành công nghiệp điện ảnh Ấn Độ-Bollywood, tôi cũng biết đến bộ phim rất được yêu thích tại Đài Loan là “3 thằng ngốc” (3 Idiots), bộ phim này đặc biệt được giới trẻ yêu thích vì nó phù hợp với trào lưu văn hóa hiện nay.
 

 Năm 2013, tôi đến thăm Indonesia, tại Jakarta-thành phố trung tâm ASEAN với hơn 10 triệu dân này, tôi đã thấy những thanh niên đầy tự tin và ý chí đi trên các con phố, nhiều người tay cầm điện thoại di động, kết nối với toàn thế giới, khiến người ta có một ấn tượng sâu sắc. Cả thành phố ai ai cũng đều cố gắng hết sức vì sự phát triển của đất nước. Hồi ấy tôi cũng đến thăm “Nhật báo Chỉ Nam” (Kompas), “Nhật báo Chỉ Nam” hôm nay cũng cử phóng viên đến đây, trong các bài báo của các bạn cũng có thể thấy được diện mạo một đất nước Indonesia phong phú và đa dạng. Ngay tại Đài Loan, một lớp thanh niên Indonesia chăm chỉ làm việc, nỗ lực phấn đấu, ai ai cũng biết. Đài Loan rất cảm ơn các bạn, những người đã đóng góp vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế của Đài Loan ngày nay.
 

 Ngoài ra, các nước Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan cũng đều có lịch sử lâu đời và nền văn hóa phong phú, tràn đầy sức sống và hội nhập quốc tế. Các nước này vốn đã là bạn bè và đối tác của Đài Loan từ trước đây.
 

 Một lần nữa hoan nghênh các bạn đến với Đài Loan, tôi vô cùng trân trọng cơ hội lần này, thông qua việc trả lời phỏng vấn, có thể đại diện Đài Loan thăm hỏi các nước bạn bè. Đối với các câu hỏi mọi người đặt ra từ đầu, tại đây tôi xin tóm lược sơ qua về Chính sách hướng Nam mới, nội dung chi tiết, các bạn có thể tham khảo trong tài liệu tôi đã chuẩn bị sẵn.
 

 Như tôi đã nói ở trên, dụng ý của Chính sách hướng Nam mới không phải là tuyên bố một nền chính trị trong khu vực mà là hy vọng làm thế nào xây dựng mối quan hệ các bên đều có lợi hơn tại khu vực châu Á và cả trên bình diện quốc tế; đồng thời từ một góc độ khác, để Đài Loan đóng vai trò tích cực hơn nữa trong quan hệ với các nước bạn bè láng giềng.
 

 Cho tôi được phép lặp lại: đây không liên quan đến chính trị mà là sự vụ kinh tế, thương mại.
 

 Bởi vậy, mục tiêu tổng thể của chúng tôi là tăng cường sự hợp tác giữa Đài Loan với các nước về các mặt: nguồn lực, nhân tài, thị trường. Chúng tôi hy vọng xây dựng được nhiều hơn nữa các mối quan hệ lâu dài và chiến lược trên cơ sở các bên cùng có lợi.
 

 Nội dung cụ thể của Chính sách hướng Nam mới là gì?
 

 Những lĩnh vực chúng tôi thực hiện đầu tiên là khai thác phát triển, chia sẻ nhân tài và nguồn lực. Nguồn nhân lực bao gồm công nhân kỹ thuật, kỹ sư và các chuyên gia nghiên cứu phát triển, là điều cấp bách nhất đối với rất nhiều nước trong Chính sách hướng Nam mới đang có tốc độ tăng trưởng cao. Đài Loan có thể hỗ trợ cung cấp cho các bạn về phương diện này. Chúng tôi có rất nhiều trung tâm đào tạo và trường đại học chất lượng cao, có thể hỗ trợ các nước đào tạo nhân tài các ngành nghề. Hiện chúng tôi đã tiến hành hợp tác với các nước Ấn Độ, Indonesia, Malaysia và một số nước khác. Đây là mối quan hệ các bên cùng có lợi, chúng tôi hy vọng có thể mở rộng hợp tác hơn nữa trong tương lai.
 

 Gần đây, chúng tôi đang thúc đẩy kế hoạch hàng đầu về việc phát triển nhân tài cho doanh nghiệp, mở rộng hợp tác giữa chính phủ, các trường học và doanh nghiệp trên mọi lĩnh vực, với mục đích đào tạo kỹ năng tốt hơn nữa cho các nước trong Chính sách hướng Nam mới, cho doanh nghiệp Đài Loan ở trong và ngoài nước và nhất là cho doanh nghiệp Đài Loan tại các nước Đông Nam Á, hy vọng trong tương lai là cho cả doanh nghiệp Đài Loan tại Ấn Độ. Ví dụ: hiện có khoảng 1200 sinh viên Ấn Độ đang học tập, nghiên cứu tại Đài Loan, tương lai sẽ mở rộng kế hoạch thực hiện “học bổng Đài Loan” và “trợ cấp học phí Đài Loan” để các học sinh, sinh viên xuất sắc của Ấn Độ đến Đài Loan học tập.
 

 Chúng tôi cũng khích lệ các doanh nghiệp Đài Loan tài trợ chương trình cung cấp học bổng và trợ cấp nói trên, hỗ trợ tối đa sinh viên Ấn Độ và sinh viên các nước khác, điều này cũng sẽ mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp Đài Loan. Doanh nghiệp Đài Loan tài trợ học phí, phí sinh hoạt và cả cơ hội luyện tập thực tế cho sinh viên Ấn Độ và sinh viên các nước khác được đào tạo tại các trung tâm huấn luyện việc làm hoặc đến học tại các trường Đại học, Cao đẳng ở Đài Loan. Tốt nghiệp xong, trước khi về nước, các em có thể ở lại doanh nghiệp một thời gian. Sau khi quay về, các em sẽ trở thành cầu nối của doanh nghiệp Đài Loan đến phát triển tại Ấn Độ và các quốc gia khác. Bởi vậy, tôi cho rằng làm như thế là rất tốt, doanh nghiệp các ngành nghề của chúng tôi cũng rất quan tâm về ý tưởng này. Bộ Giáo dục nói với tôi rằng số doanh nghiệp và học sinh, sinh viên tham gia chương trình này đang tăng lên nhanh chóng. Chúng tôi dự kiến số học sinh, sinh viên đến từ các nước trong Chính sách hướng Nam mới vào khoảng 5000 em. Hè năm nay, doanh nghiệp Đài Loan sẽ tài trợ cho 5000 em thuộc diện này.
 

 Mục thứ hai là phát triển thị trường nội địa và hợp tác doanh nghiệp các ngành nghề. Đại đa số các nước trong Chính sách hướng Nam mới đều có thị trường nội địa rộng lớn và phát triển với tốc độ nhanh chóng. Đây là tiềm lực phát triển to lớn đối với nhiều ngành nghề mới nhưng đòi hỏi phải có kỹ thuật và kinh nghiệm để phát triển. Đây cũng là điểm Đài Loan có thể giúp sức, chúng tôi có kinh nghiệm phong phú trong việc phát triển các ngành nghề, có thể hợp tác với các nước trong Chính sách hướng Nam mới, khai thác các cơ hội mới, đặc biệt là thị trường nội địa. Trước đây, khi đến thăm một số nước trong Chính sách hướng Nam mới, tôi đã cảm nhận được tiềm lực thị trường nội địa to lớn đang chờ được khai thác.
 

 Ví dụ: khi ở Ấn Độ tôi phát hiện các tỉnh nằm sâu trong đất liền rất khó kiếm hải sản tươi trong khi người dân nơi này cũng có nhu cầu được thưởng thức những món ăn đó. Bởi vậy, nội địa Ấn Độ cần đến dịch vụ vận chuyển và gia công thực phẩm, thậm chí là kỹ thuật nuôi trồng thủy sản. Tôi nghĩ, những dịch vụ, kỹ thuật này Đài Loan đều có kinh nghiệm rất phong phú. Đương nhiên, doanh nghiệp Đài Loan cũng rất hứng thú với việc đầu tư vào các mặt này, đây chính là tiềm năng thị trường đang chờ được khai thác. Ấn Độ có dân số đông, trong khi chúng tôi có rất nhiều phương pháp cải thiện chất lượng cuộc sống, đây chính là tiềm lực thị trường. Tôi tin tưởng rằng chúng tôi có thể hỗ trợ được các bạn rất nhiều.
 

 Tôi lấy thêm một ví dụ nữa là Indonesia-đất nước mà giao thông vận chuyển giữa các đảo phải dựa vào tàu thuyền. Chúng tôi có nghề đóng tàu rất tốt, hiện đang thảo luận kế hoạch hợp tác với phía Indonesia cùng đóng tàu đi lại giữa các đảo. Đây là tiềm lực thị trường giữa Đài Loan và Indonesia mà tôi thấy được.
 

 Nhấn mạnh vị trí của chúng tôi trong thị trường nội địa rộng lớn cũng là nhấn mạnh sức cạnh tranh của chúng tôi, có thể giúp chúng tôi tiến sâu hơn vào thị trường các khu vực khác. Theo quan điểm của tôi, chúng ta cùng cố gắng, nhất định sẽ cùng có lợi.
 

 Mục thứ ba là năng lực sản xuất, Đài Loan có các ngành sản xuất tốt nhất thế giới, nhân lực ở khắp nơi trên thế giới đều đến Đài Loan để học ngành nghề sản xuất của chúng tôi, đặc biệt là ngành công nghệ thông tin và các ngành kỹ thuật. Đài Loan không chỉ có đủ năng lực đáp ứng nhu cầu của các thị trường trong khu vực mà kinh nghiệm của chúng tôi còn có thể hỗ trợ các nước khác thiết lập các ngành nghề sản xuất. Ví dụ: Đài Loan có ngành đóng thuyền rất tiên tiến, thông qua hợp tác, chúng tôi có thể giúp đỡ Indonesia giải quyết một thách thức, tức là xử lý vấn đề giao thông vận tải đường thủy giữa hơn 10000 hòn đảo, đồng thời tạo cơ hội việc làm với thu nhập tốt.
 

 Bởi vậy, chúng tôi có thể hỗ trợ nông nghiệp và các ngành nghề phát triển, đồng thời cung cấp kinh nghiệm và các nhà đầu tư.
 

 Mục thứ tư tôi cho là vô cùng quan trọng, đồng thời cũng là lĩnh vực quan trọng nhất trong việc thiết lập quan hệ hợp tác, đó là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đài Loan nổi tiếng mạnh mẽ, có sức sống và sức cạnh tranh là nhờ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong đó doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng là nét đặc sắc có một không hai của Đài Loan.
 

 Các doanh nghiệp vừa và nhỏ không chỉ tạo cơ hội việc làm mà còn là mấu chốt làm sống động kinh tế địa phương, cũng là một trong những cách giải quyết sự chênh lệch thu nhập một cách hiệu quả nhất. Chúng tôi mong muốn được chia sẻ kinh nghiệm với các quốc gia hướng Nam mới, có thể hỗ trợ thủ tướng Narendra Modi thúc đẩy chính sách “sản xuất tại Ấn Độ”.
 

 Tổng hợp trên đây, để tập trung những nỗ lực của chúng tôi, chúng tôi đã thúc đẩy năm kế hoạch hàng đầu, bao gồm: phát triển nhân tài các ngành nghề, hợp tác y tế và phát triển chuỗi ngành nghề, hợp tác phát triển ngành nghề mới và phát triển nông nghiệp khu vực.
 

 Điều cuối cùng tôi muốn nhắc đến là kế hoạch thứ năm, đó là sân giao lưu giữa luận đàm chính sách với thanh niên, để thế hệ trẻ có một sân giao lưu, tôi cho đó là việc tốt.
 

 Năm kế hoạch hàng đầu xuất phát từ thực lực mềm của Đài Loan, đặc biệt là y tế, giáo dục, khai thác phát triển nguồn nhân lực, sáng tạo kỹ thuật, nông nghiệp, phòng chống thiên tai, v.v... chia sẻ kinh nghiệm của Đài Loan trong các phương diện này, phù hợp nhu cầu của các nước hướng Nam mới, cống hiến tâm huyết và sức lực cho sự phát triển của khu vực và phúc lợi, hạnh phúc của người dân, đồng thời tăng cường nâng cao ý thức cộng đồng.
 

 Chúng tôi cũng hy vọng mời nhiều người dân ở các nước trong Chính sách hướng Nam mới đến thăm Đài Loan. Tính trong năm ngoái và đầu năm nay, chúng tôi đã thực hiện chương trình miễn visa cho người dân nhiều nước, đồng thời hỗ trợ các ngành nghề đăng ký “chứng nhận Halal” (chứng nhận sạch theo luật Hồi giáo), điều này cho thấy Đài Loan hoan nghênh du khách từ các nền văn hóa khác nhau, kể cả du khách đạo Islam. Kết quả cho thấy, khách du lịch từ các nước thuộc Chính sách hướng Nam mới có tỷ lệ gia tăng cao hơn tổng lượng khách du lịch từ tất cả các nước đến Đài Loan.
 

 Nhân cơ hội này tôi xin giải thích rõ một số lời phê bình đối với Chính sách hướng Nam mới. Có người nói: Đài Loan thúc đẩy Chính sách hướng Nam mới, nhưng quy mô dự toán không đủ, cũng có người nói, Trung Quốc thúc đẩy chính sách “một vành đai, một con đường” đã hạn chế, thu hẹp không gian phát triển của Đài Loan trong khu vực, gây trở ngại cho việc thúc đẩy Chính sách hướng Nam mới.
 

 Điều tôi muốn nhấn mạnh là mô hình “Chính sách hướng Nam mới” hoàn toàn khác với chính sách “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc. Đài Loan có thực lực mạnh về doanh nghiệp tư nhân và các thực lực mềm gồm y tế, giáo dục, khai thác phát triển nhân lực, sáng tạo kỹ thuật, nông nghiệp, phòng chống thiên tai, v.v… Đây đều là những thứ mà tiền bạc hay sức mạnh chính trị không thể thay thế hoặc ngăn cản được.
 

 Các bạn Singapore cũng có mặt tại đây, cho nên tôi muốn lấy Singapore làm ví dụ. Các nước láng giềng của Singapore đa số là các nước lớn, nhưng Singapore lại có thể phát triển được ưu thế của mình, không dựa vào vị trí địa lý hay quy mô lớn nhỏ mà là do nhà lãnh đạo chính trị Singapore có tầm nhìn xa và có tham vọng. Nếu ban đầu Singapore tự giới hạn diện tích đất đai, thì sẽ không có vị thế như ngày hôm nay.
 

 Ngay từ đầu tôi đã nói: Dụng ý của Chính sách hướng Nam mới không phải là tuyên bố về chính trị trong khu vực mà là thiết lập mối quan hệ các bên cùng có lợi với bạn bè quốc tế. Chúng tôi không cạnh tranh với Trung Quốc mà nhấn mạnh, là một thành viên trong khu vực, Đài Loan muốn dùng ưu thế của bản thân để thúc đẩy phát triển mối quan hệ các bên cùng có lợi.
 

 Đến dự buổi lễ còn có Quyền Bí thư trưởng Phủ tổng thống Lưu Kiến Hãn, Ủy viên tư vấn Hội đồng An ninh Quốc gia Phó Đống Thành, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lý Trừng Nhiên.