New Southbound Policy Portal
Sáng 11/10, tổng thống Thái Anh Văn đã tham dự lễ khai mạc “Diễn đàn Yushan: đối thoại sáng tạo và tiến bộ châu Á”. Tổng thống nêu ra 5 lời hứa trong “Chính sách hướng Nam mới”, đồng thời cho biết sẽ thành lập “Quỹ giao lưu châu Á Đài Loan” làm đơn vị tổ chức diễn đàn Yushan để diễn đàn này trở thành kênh đối thoại mang tính thường kỳ trong khu vực, tạo dựng viễn cảnh chung cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong tương lai.
Tổng thống chỉ ra, sự trỗi dậy của châu Á là biến đổi lớn nhất của thời đại này, đồng thời ảnh hưởng sâu rộng nhất đến an ninh quốc tế và kinh tế toàn cầu. Chính sách hướng Nam mới bao gồm nhiều quốc gia châu Á với nền giáo dục tốt, dân số trẻ đầy sức sống, là những thị trường tiềm năng và nền kinh tế tăng trưởng nhanh chóng nhất thế giới.
Tổng thống nhấn mạnh, Đài Loan vẫn luôn đóng vai trò then chốt không thể thiếu trong quá trình phát triển của châu Á. Từ nhiều năm nay, Đài Loan là nguồn cung cấp tài chính, kỹ thuật và kiến thức công nghiệp cho khu vực. Thông qua thương mại và đầu tư đối ngoại, Đài Loan đã xây dựng được mối quan hệ kinh tế-thương mại vô cùng khăng khít với các nước Đông Nam Á láng giềng.
Đối mặt với sự thay đổi nhanh chóng về tình hình chính trị, kinh tế, xã hội ở châu Á, mang lại những cơ hội và thách thức, Đài Loan cũng phải thay đổi, đóng vai trò tích cực, quan trọng hơn nữa.
Tổng thống cho biết, nhiệm vụ quan trọng nhất của Đài Loan là xác lập lại vai trò của mình trong khu vực, mà Chính sách hướng Nam mới chính là “Chiến lược khu vực châu Á” của Đài Loan. Mục tiêu cuối cùng là để Đài Loan cùng các nước trong khu vực và trên toàn thế giới cùng nỗ lực, mở rộng và đẩy mạnh vai trò của Đài Loan tại Đông Nam Á và Nam Á.
Tổng thống đặc biệt nhấn mạnh, Chính sách hướng Nam mới là một chính sách mang tính bao dung, không những không cạnh tranh mà còn hỗ trợ các sáng kiến hợp tác khác trong khu vực như Hiệp định đối tác toàn diện khu vực (Regional Comprehensive Economic Partnership (RCEP)), chính sách “một vành đai, một con đường” của Trung Quốc hay “hành lang tự do” của Ấn Độ-Nhật Bản, v.v…
Tổng thống chỉ ra, mục tiêu quan trọng nhất trong chính sách hướng Nam mới là tăng cường hợp tác giữa Đài Loan và các nước trên các phương diện: tài nguyên, nhân tài, phát triển thị trường. Chính phủ và tư nhân cùng nỗ lực xây dựng mối quan hệ các bên cùng có lợi, theo đuổi phát triển kinh tế bền vững và cải thiện đời sống cho người dân trong khu vực.
Tổng thống cho biết, một năm trước, khi Chính sách hướng Nam mới đang ở giai đoạn bắt đầu, là hợp tác giao lưu trên các lĩnh vực: thương mại, đầu tư, du lịch, văn hóa, v.v…, Đài Loan đã tăng số lượng học bổng và trợ cấp cho học sinh, sinh viên các nước trong Chính sách hướng Nam mới và các khoản viện trợ kinh tế khác, thành lập 6 văn phòng tư vấn và xúc tiến đầu tư tại Philippines, Ấn Độ, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam và Indonesia, khích lệ hơn nữa đầu tư và thương mại song phương, đồng thời nới lỏng chế độ cấp visa cho các nước trong Chính sách hướng Nam mới đến Đài Loan. Các biện pháp này đã khiến lượng khách du lịch từ các nước trong chính sách hướng Nam mới đến Đài Loan tăng 36,7%, mậu dịch thương mại tăng 20%, số học sinh, sinh viên đến Đài Loan cũng tăng gần 10%.
Tổng thống cũng cho biết, giai đoạn tiếp sau, Đài Loan sẽ nỗ lực thúc đẩy “5 kế hoạch hàng đầu”, bao gồm hợp tác phát triển nhân tài, sáng tạo các ngành nghề, hợp tác nông nghiệp trong khu vực, hợp tác y tế và phát triển chuỗi ngành nghề, diễn đàn hướng Nam mới và giao lưu thanh niên. “Diễn đàn Yushan” chính là một trong những động thái đầu tiên của kế hoạch hàng đầu này.
Tổng thống cũng tuyên bố, vì nhu cầu phát triển khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong tương lai, tăng cường nâng cao ý thức cộng đồng đối với các nước trong khu vực, Đài Loan đã chuẩn bị đầy đủ để đưa ra 5 lời hứa sau:
Thứ nhất: Hỗ trợ bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực. Nhiều quốc gia tăng trưởng với tốc độ nhanh đều rất cần nguồn lao động kỹ thuật, cán bộ kỹ sư và các nhân viên nghiên cứu phát triển. Đài Loan lại có các Trung tâm đào tạo kỹ thuật và nghề nghiệp chất lượng cao, các trường đại học và cao đẳng, cơ sở các ngành nghề; là trung tâm đào tạo nhân tài tốt nhất khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Trong tương lai, Đài Loan sẽ mở rộng các lớp chuyên môn hợp tác ngành nghề với mục tiêu tuyển sinh 5000 học sinh, sinh viên mỗi năm. Những nỗ lực này sẽ giúp Đài Loan trở thành Trung tâm đào tạo nhân tài các ngành nghề của châu Á.
Thứ hai: chia sẻ kinh nghiệm phát triển các ngành nghề. Đài Loan có kỹ thuật và kinh nghiệm phong phú trong việc phát triển các ngành nghề, đặc biệt là các ngành công nghiệp hóa dầu, công nghệ thông tin, y tế, v.v…, có thể hỗ trợ các nước trong Chính sách hướng Nam mới xây dựng và phát triển các ngành nghề quan trọng đối với đời sống người dân.
Thứ ba: hỗ trợ các nước trong Chính sách hướng Nam mới xây dựng công trình công cộng. Đài Loan đã bước đầu sắp xếp 3,5 tỷ đô la Mỹ trong nguồn vốn vay mang tính chiến lược, thông qua phương thức Hỗ trợ phát triển chính thức (Official Development Assistance, ODA), hỗ trợ các nước xây dựng cơ sở hạ tầng.
Thứ tư: Hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các Tổ chức phi chính phủ (NGO) đầu tư vào hướng Nam mới. Trong tương lai sẽ đầu tư nhiều hơn nữa các nguồn lực, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các tổ chức phi chính phủ, chia sẻ kinh nghiệm quý báu với các nước, giúp đỡ tạo nhiều cơ hội việc làm hơn nữa cho cộng đồng địa phương.
Thứ năm: Tăng cường hợp tác quốc tế với các nước có quan niệm tương đồng trong khu vực, mang lại hòa bình ổn định và phát triển phồn vinh trong khu vực.
Tổng thống bày tỏ, thông qua những lời hứa này, Đài Loan và các nước trong Chính sách hướng Nam mới đều thu được những lợi ích tốt đẹp, đồng thời cũng thể hiện tinh thần trọng tâm của Chính sách hướng Nam mới là các bên cùng có lợi.
Tổng kết bài diễn văn, Tổng thống hy vọng diễn đàn Yushan có thể trở thành kênh đối thoại mang tính thường kỳ trong khu vực, khích lệ thêm nhiều chính phủ và tư nhân cùng tham gia, cùng nhau nỗ lực vì tương lai chung trong khu vực tốt đẹp hơn.
Tổng thống cũng trông đợi diễn đàn Yushan trong tương lai có thể thúc đẩy giá trị sáng tạo và tiến bộ trong khu vực và trên thế giới; đồng thời thông qua đối thoại mang tính khu vực, cùng tạo dựng viễn cảnh chung cho châu Á, thậm chí là khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong tương lai.
Tham dự buổi lễ còn có Bí thư trưởng Phủ tổng thống Ngô Chiêu Nhiếp, Bí thư trưởng Hội đồng an ninh quốc gia Nghiêm Đức Phát và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Lý Đại Duy, v.v...