New Southbound Policy Portal

Bộ Giáo dục tích cực triển khai công tác nghiên cứu biên soạn và giảng dạy thí điểm giáo trình ngôn ngữ người nhập cư mới cho học sinh tiểu học và trung học cơ sở

123

 

 Thực hiện mục tiêu giáo dục “Tôn trọng nền văn hóa đa dạng” và “Giúp mỗi đứa trẻ đều được toại nguyện”, tổng đề cương chương trình 12 năm giáo dục cơ bản bắt buộc đã đưa các ngôn ngữ của người nhập cư mới (Tân di dân) vào là môn học bắt buộc phải chọn của chương trình tiểu học, và là môn chọn học nếu có nguyện vọng trong chương trình trung học cơ sở. Chương trình ngôn ngữ người nhập cư mới bao gồm 7 thứ tiếng Đông Nam Á (gồm tiếng Việt, tiếng Indonesia, tiếng Thái Lan, tiếng Myanmar, tiếng Campuchia, tiếng Malaysia và tiếng Philippines). Học sinh tiểu học bắt đầu học từ lớp 1, mỗi tuần 1 tiết học, chọn học thứ tiếng nào là tùy theo nguyện vọng của học sinh.
 

 Để đáp ứng việc thực thi chương trình ngôn ngữ người nhập cư mới, về vấn đề sách giáo khoa, Sở Giáo dục Quốc dân thuộc Bộ giáo dục đã tích cực biên soạn giáo trình. Cấp tiểu học chia từ giai đoạn 1 đến giai đoạn 3, mỗi giai đoạn gồm 4 quyển giáo trình, cấp trung học cơ sở là giai đoạn 4 gồm 6 quyển, mỗi thứ tiếng tổng cộng có 18 quyển để đáp ứng nhu cầu giảng dạy ngôn ngữ người nhập cư mới tại các trường học. Hiện nay, Sở đã thẩm định xong nội dung quyển số 1 và quyển số 2 cho 7 thứ tiếng, riêng tiếng Việt đã hoàn thành thẩm định đến quyển thứ 10.
 

 Sau khi hoàn thành việc biên soạn giáo trình ngôn ngữ người nhập cư mới, hy vọng nhờ quá trình giảng dạy thí điểm sẽ chỉnh sửa nội dung giáo trình cho hoàn thiện. Tình hình dạy học thực tế, quá trình sử dụng giáo trình và ý kiến phản hồi sau khi dạy thí điểm trong nhà trường đều là căn cứ tham khảo để đơn vị biên soạn hiệu đính giáo trình. Chương trình giảng dạy thí điểm giáo trình ngôn ngữ người nhập cư mới bắt đầu được thực hiện từ 8/2017 đến 1/2018, có 44 trường học tại 15 huyện thị tham gia chương trình với tổng cộng 58 lớp gồm: 8 lớp tiếng Indonesia, 2 lớp tiếng Thái Lan, 1 lớp tiếng Malaysia, 1 lớp tiếng Philippinnes, 44 lớp tiếng Việt, 1 lớp tiếng Campuchia và 1 lớp tiếng Myanmar. Bộ giáo dục dự định sắp xếp năm 2018 là thời gian chỉnh sửa, hiệu đính giáo trình để chính thức đưa chương trình giảng dạy ngôn ngữ người nhập cư mới vào năm học 2019-2020.
 

 Trước ngày khai giảng năm học 2017-2018, vào cuối 8/2017, Sở giáo dục thành phố Tân Bắc đã tổ chức buổi hướng dẫn các trường dạy thí điểm trên toàn quốc, mời người phụ trách và người sẽ tham gia giảng dạy tại các trường thực hiện thí điểm đó cùng đội ngũ biên soạn giáo trình ngôn ngữ người nhập cư mới tiến hành nghiên cứu, thảo luận công việc giảng dạy thí điểm. Trong tương lai, vào giữa học kỳ và cuối học kỳ sẽ tổ chức hội nghị thảo luận đối với các trường tham gia chương trình giảng dạy thí điểm để thu thập kinh nghiệm dạy thí điểm và ý kiến phản hồi, lấy đó làm tham khảo khi hiệu đính giáo trình.
 

 Các trường tham gia chương trình giảng dạy thí điểm phải sử dụng giáo trình thí điểm ngôn ngữ người nhập cư mới, mời người tham gia giảng dạy là những người đã hoàn thành lớp bồi dưỡng giảng dạy và được Bộ giáo dục cấp chứng nhận, ngoài ra còn phải ủy quyền, sắp xếp cán bộ dự giờ quan sát và quay video. Sau khi hoàn thành mỗi chương trong giáo trình, học xong mỗi tiết đều phải thảo luận, ghi chép ý kiến phản hồi của giáo viên và học sinh vào bảng dự giờ và phản hồi giáo trình để làm căn cứ hiệu đính giáo trình, giúp cho nội dung giáo trình ngày càng hoàn thiện hơn.