New Southbound Policy Portal
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế-Phúc lợi Trần Thời Trung (Chen Shih-chung), Đài Loan có thể giúp Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đạt được mục tiêu chăm sóc sức khỏe toàn cầu bằng cách chia sẻ thành công trong việc phát triển chương trình Bảo hiểm Y tế Quốc gia dẫn đầu thế giới (Ảnh: Vụ truyền thông quốc tế, Bộ Ngoại giao)
Chương trình Bảo hiểm Y tế Quốc gia Đài Loan là một tiêu chuẩn trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe toàn cầu và mang đến những bài học có giá trị trong việc cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế chất lượng cao, có hiệu quả cho tất cả mọi người, Bộ trưởng Bộ Y tế-Phúc lợi Trần Thời Trung (Chen Shih-chung) cho biết.
Trong cuộc phỏng vấn với báo điện tử “Đài Loan hôm nay” (Taiwan Today) nhân dịp kỷ niệm 23 năm ngày thành lập chương trình Bảo hiểm Y tế Quốc gia (1/3/1995-1/3/2018), Bộ trưởng Trần Thời Trung nói, những kinh nghiệm phong phú của Đài Loan có thể giúp Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thực hiện được mục tiêu ưu tiên hàng đầu là chăm sóc y tế toàn cầu như lời Giám đốc WHO-Tiến sỹ Tedros Adhanom Ghebreyesus đã chỉ rõ. Đài Loan hoan nghênh cơ hội được chia sẻ chuyên môn của mình bằng cách tham dự kỳ họp lần thứ 71 Đại hội đồng Y tế Thế giới (WHA-cơ quan ra quyết sách của WHO) sẽ được tổ chức từ ngày 21/5/2018 đến ngày 26/5/2018 tại Geneva, Thụy Sỹ.
“Chương trình Bảo hiểm Y tế Quốc gia dựa trên nguyên tắc không bỏ lại ai phía sau. Tất cả công dân Đài Loan và người nước ngoài cư trú tại Đài Loan đều được tham gia”. Bộ trưởng Trần Thời Trung nói thêm, Đài Loan đã nhất quán mở rộng phạm vi chăm sóc sức khỏe trong nhiều năm.
Trong năm 2013, toàn bộ 60.000 tù nhân đã được đưa vào chương trình. Một biện pháp mở rộng phạm vi chăm sóc sâu rộng hơn nữa đã được thực hiện vào tháng 12/2017 khi trẻ em do người nước ngoài cư trú tại Đài Loan sinh ra-trước đây chỉ đủ điều kiện tham gia bảo hiểm y tế khi đã được 6 tháng tuổi-được gia nhập chương trình bảo hiểm y tế ngay từ khi vừa sinh ra. Bộ trưởng Trần Thời Trung nói, điều này cho thấy sự tôn trọng của Đài Loan đối với công tác chăm sóc sức khỏe như là một quyền cơ bản của con người.
Người tham gia chương trình Bảo hiểm Y tế Quốc gia có thể sử dụng một loạt các dịch vụ bao gồm y học phương Tây, chăm sóc nha khoa và phương pháp điều trị truyền thống Trung Hoa với giá cả phải chăng. Để đảm bảo công bằng, phí bảo hiểm được xác định theo tỷ lệ thu nhập của một cá nhân.
Con số này hiện tại là 4,69% thu nhập của nhân viên, người phải trả 30% số phí bảo hiểm trong khi chủ thuê của họ phải đóng góp 60% và chính phủ chi trả số tiền còn lại. Trong một cuộc khảo sát do Bộ Y tế-Phúc lợi tiến hành vào năm ngoái, 85% số người trả lời bày tỏ sự hài lòng đối với chương trình Bảo hiểm Y tế Quốc gia.
“Sở Bảo hiểm Y tế Quốc gia trực thuộc Bộ Y tế-Phúc lợi là đơn vị chi trả duy nhất cho tất cả các dịch vụ y tế. Sự sắp xếp này đảm bảo được hiệu quả cao bằng cách giảm chi tiêu hành chính một cách đáng kể”. Bộ trưởng Trần Thời Trung nói.
Năm 2017, chi phí này chiếm 0,9% trong tổng chi phí. Theo Bộ trưởng Trần Thời Trung, đây là mức chi phí thấp nhất trên thế giới.
Bên cạnh việc kiểm soát chi phí, chương trình Bảo hiểm Y tế Quốc gia còn đi đầu trong việc liên tục cải thiện lĩnh vực y tế cộng đồng thông qua việc thường xuyên giới thiệu các loại thuốc và các phương pháp điều trị tiên tiến, Bộ trưởng Trần Thời Trung cho biết. Các sáng kiến gần đây bao gồm việc bổ sung thuốc kháng virut viêm gan C mới được phát triển dành cho các bệnh nhân bị viêm gan thuộc các tuyp mới, ông nói thêm.
Theo Quỹ nghiên cứu và phòng chống bệnh gan phi lợi nhuận Đài Loan, động thái này dự kiến sẽ mang lại phúc lợi cho các bệnh nhân bị bệnh viêm gan, nguyên nhân chính gây ung thư gan, ước tính sẽ có tác dụng đối với 600.000 người.
Trong năm 2017, Sở Bảo hiểm Y tế Quốc gia đã phân bổ 2,4 tỷ Đài tệ (tương đương 82 triệu đô la Mỹ) cho các loại thuốc điều trị bệnh viêm gan C giá đắt, đạt hiệu quả cao, cung cấp cho khoảng 9.300 người. Năm 2018, tổng cộng 4,25 tỷ Đài tệ đã được dành cho mục tiêu giúp đỡ thêm 17.000 bệnh nhân.
“Đây là tiền đáng để tiêu. Việc đối phó với bệnh tật bây giờ sẽ tiết kiệm được rất nhiều trong thời gian dài bằng cách ngăn ngừa các tình trạng sức khỏe nghiêm trọng hơn”, Bộ trưởng Trần Thời Trung nói.
Kể từ khi thành lập chương trình Bảo hiểm Y tế Quốc gia, tuổi thọ trung bình tại Đài Loan đã tăng từ 74,5 tuổi lên 80,2 tuổi. Tuổi thọ tại Đài Loan gia tăng đã thu hút sự chú ý trên toàn cầu, chỉ riêng trong năm ngoái đã có hơn 50 đoàn đại biểu đến thăm để học hỏi về chương trình. Bộ trưởng cho biết.
Theo Bộ trưởng, cân nhắc đến tình trạng dân số Đài Loan đang già đi nhanh chóng và gây áp lực lên chi tiêu chăm sóc y tế, chính phủ đang nỗ lực để đảm bảo khả năng tồn tại lâu dài của hệ thống.
Một bước quan trọng trong lĩnh vực này đến vào năm 2013 với sự thành lập chương trình Bảo hiểm Y tế Quốc gia thế hệ thứ hai. Trong số những thay đổi khác, chính phủ đã tăng doanh thu bằng cách thu thêm 2%, đến năm 2016 giảm xuống còn 1,91% đối với các khoản thu nhập bổ sung như tiền thưởng và thu nhập từ chứng khoán. Biện pháp này đã mở rộng cơ sở cho phí bảo hiểm của chương trình khi đóng góp nhiều hơn phản ánh thu nhập đầy đủ của một cá nhân.
Theo Bộ trưởng Trần Thời Trung, một vòng cải cách khác sẽ được đưa ra trong vòng từ ba đến bốn năm tới mới mục đích tăng cường hiệu quả tổng thể và đảm bảo công bằng trong việc đóng góp phí bảo hiểm.
“Mặc dù không có chương trình bảo hiểm y tế quốc gia nào trên thế giới là hoàn hảo, mô hình của Đài Loan đã thành công vang dội và có thể phục vụ tham khảo cho các quốc gia khác”, ông nói. “Thông qua các hội nghị kỹ thuật tại Đại hội đồng Y tế Thế giới (WHA), Đài Loan có thể học hỏi từ các nước khác và đáp lại bằng cách chia sẻ chuyên môn chăm sóc sức khỏe của mình”.