New Southbound Policy Portal

Du học ngắn hạn. Hiểu biết nhau hơn Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á trường Đại học Chính trị Quốc gia

Nghiên cứu viên Vương Nhã Bình và nhà nghiên cứu trẻ tuổi Đinh Vĩnh Hưng đến từ Thái Lan, xúc tiến giao lưu trong giới học thuật Đài Loan – Thái Lan. ( Ảnh: Lin Min-hsuan)

Nghiên cứu viên Vương Nhã Bình và nhà nghiên cứu trẻ tuổi Đinh Vĩnh Hưng đến từ Thái Lan, xúc tiến giao lưu trong giới học thuật Đài Loan – Thái Lan. ( Ảnh: Lin Min-hsuan)
 

 Ngồi máy bay hơn một tiếng đồng hồ, Philippines và Đài Loan có cùng một múi giờ, không ngờ cũng gặp những vấn đề giống nhau trong các nghị đề về xã hội, kinh tế, lao động. Các nhà nghiên cứu trẻ tuổi của Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á trường Đại học Chính trị Quốc gia đang liên kết sức mạnh thông qua diễn đàn học thuật, tháo gỡ trọng tâm của vấn đề, hy vọng tìm ra được cách giải quyết cho các nghị đề ở châu Á như cải cách ruộng đất, nghèo nàn và bảo tồn văn hóa.

 

 Xe rời khỏi khu đô thị Manila, vậy là cuối cùng cũng đã thoát khỏi cơn ác mộng bị kẹt xe.

 Năm ngoái, có 15 sinh viên từ các nơi như Đài Loan, Philippines, Campuchia, Việt Nam đến tham gia khóa nghiên cứu chuyên sâu đầu tiên tại Winter School, Philippines. Khóa học mang đầy ý tưởng mới mẻ và sáng tạo này do Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á trường Đại học Chính trị Quốc gia cùng Quỹ Giao lưu Nghiên cứu học thuật Đông Nam Á-Philippines, Khoa Đông Nam Á trường Đại học Quốc gia Chi Nan và Quỹ Giao lưu Châu Á Đài Loan cùng hợp tác tổ chức với mục đích là để bồi dưỡng các chuyên gia trẻ tuổi của Đài Loan và châu Á nắm rõ các vấn đề ở Đông Nam Á.

 Sinh viên các nước tham gia khóa học tại Philippines trong vòng 9 ngày, nghiên cứu thảo luận tình trạng thay đổi hiện nay của xã hội Philippines, trải nghiệm nạn kẹt xe nổi tiếng châu Á tại Manila. Và để đi sâu tìm hiểu nhân văn địa phương, chương trình học còn bố trí cho học viên đến thăm thành phố Baguio. Từ Manila đến thành phố Baguio ngồi xe mất từ 6-8 tiếng đồng hồ, tương đối lâu. Cảnh sắc bên ngoài cửa sổ xe từ cảnh phồn hoa nhộn nhịp của đô thị dần dần trở thành cảnh thôn quê, cảnh tượng chênh lệch giữa thành thị và thôn quê mà các học viên nhìn thấy trên đường đi đã khiến cho họ có được cảm nhận vô cùng sâu sắc. Các chương trình học như khóa nghiên cứu chuyên sâu Winter School, Philippines này là một phần trong chương trình giao lưu giữa Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á trường Đại học Chính trị Quốc gia và Giới học thuật Đông Nam Á.

 Trường Đại học Chính trị Quốc gia thành lập Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á vào năm 2016 với mục đích thúc đẩy quan hệ quốc tế Đông Nam Á, chính sách ngoại giao, kinh tế chính trị, văn hóa xã hội và ngôn ngữ dân tộc, lên kế hoạch nghiên cứu khu vực xuyên lĩnh vực,  tích cực tăng cường giao lưu, hợp tác song phương giữa trường Đại học Chính trị Quốc gia với các đơn vị học thuật hàng đầu thế giới về nghiên cứu Đông Nam Á.

 

Nhanh chóng liên kết Trung tâm nghiên cứu hàng đầu thế giới.

 “Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á trường Đại học Chính trị Quốc gia không làm thì thôi, một khi đã hành động thì liền ký kết bản ghi nhớ với 10 trung tâm nghiên cứu Đông Á hàng đầu, tốt nhất thế giới”. Vương Nhã Bình, nghiên cứu viên Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á trường Đại học Chính trị Quốc gia hình dung, đây giống như khối liên kết phiên bản giới học thuật. Năm 2015, trường Đại học Chính trị Quốc gia thành lập “Phòng trù bị Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á”, thông qua việc xúc tiến của giáo sư Tiêu Tân Hoàng, người được khoa nghiên cứu xã hội học của Viện Nghiên cứu Trung Ương mời về dạy tại trường, cùng hợp tác với Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á, Đại học Kyoto, một trung tâm hàng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu Đông Nam Á quốc tế, do giáo sư Dương Hạo, Phó chủ nhiệm Trung tâm Quan hệ Quốc tế, Đại học Chính trị Quốc gia đảm nhiệm chức vụ trưởng ban chấp hành; tiếp theo là xây dựng quan hệ đối tác với Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam và Quỹ Giao lưu Nghiên cứu học thuật khu vực Đông Nam Á, Philippines.

 Trong các hoạt động do Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á, trường Đại học Chính trị Quốc gia tổ chức thì khóa nghiên cứu chuyên sâu tại Winter School, Philippines là một trong những hoạt động giao lưu nhân tài một cách thực tiễn. Khóa nghiên cứu này giúp cho các chuyên gia trẻ tuổi có thể quan sát vấn đề xã hội của các nước với góc độ khác nhau. “Tại khóa học, trước hết các học viên học được cái gọi là "Quan điểm", sau đó đi đến đó quan sát thực địa (điền dã) để trải nghiệm thực tế. Bạn sẽ phát hiện ra rằng, thì ra Đài Loan và các quốc gia Đông Nam Á có nhiều vấn đề giống nhau”, nghiên cứu viên Vương Nhã Bình nói.

 Ví như khi cô Vương Nhã Bình cùng các học viên đi xem ruộng bậc thang ở Ifugao, ruộng bậc thang ở Ifugao được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa thế giới vào năm 1995. Hệ thống tưới tiêu rộng lớn được xây dựng bởi trí tuệ đáng ngưỡng mộ của con người vẫn không địch nổi tác động bởi sự thay đổi nhanh chóng của xã hội. Khu ruộng bậc thang đang phải đối mặt với vấn đề thất thoát nhân lực trẻ tuổi, ruộng bậc thang bị hư hại, văn hóa nghi lễ cúng bái bị mai một, “đây cũng là những vấn đề mà Đài Loan và Philippines đang phải đối mặt.”

 

Xích lại gần nhau mới cảm nhận được hơi ấm của đất.

 Khi giao lưu học thuật sâu hơn, các chuyên gia trẻ Đài Loan càng hiểu rõ vấn đề đất đai của Philippines. Công cuộc cải cách đất đai của Philippines thất bại khiến cho rất nhiều nông dân lưu lạc đến Manila. Thành phố đông đúc quá độ và mất kiểm soát này đã khiến cho thổ dân bộ tộc Baguio càng cảm thấy yêu mến quê hương mình hơn. “Chúng tôi không có cảm giác gì khi đọc những kiến thức này trong sách vở, nhưng khi đến nơi đây thì có thể gần gũi với suy nghĩ, cảm nhận của người dân địa phương hơn”. Cô Vương Nhã Bình xem ảnh các học viên gửi về, thỉnh thoảng môi nở nụ cười, “Đến đây bạn mới biết ruộng bậc thang ở đây đẹp như thế nào”, “Lắng nghe điệu hát ru Hudhud, cảm nhận sức mạnh và vẻ đẹp trong sự kết hợp giữa con người và đất đai. Đây là sự hấp dẫn của việc nghiên cứu thực tế”.

 

Quan hệ đối tác trợ giúp nghiên cứu học thuật.

 Tháng 8 năm nay, Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á tổ chức “Chương trình Học tập văn hóa ASEAN và phát triển kinh tế thương mại xuyên quốc gia: Giao lưu Đài Loan – Thái Lan . Tiến về phía Nam”, đưa sinh viên đến Thái Lan học hỏi. Ngoài việc để sinh viên đến tổ chức LPN- một tổ chức NGO để tìm hiểu về nạn buôn người và bóc lột sức lao động, còn sắp xếp cho học viên đến tham quan cuộc sống của người dân tại chợ nổi Amphawa.

 “Hiếm khi sắp xếp được hành trình như thế này”, cô Vương Nhã Bình nói, nhất là đi sâu vào tổ chức NGO địa phương, tìm hiểu vấn đề bóc lột người lao động, với sức mạnh nghiên cứu của một chuyên gia độc lập thì rất khó có thể vào đây quan sát với cự ly gần như vậy. Có được nhân duyên này là do nghiên cứu sinh Đinh Vĩnh Hưng, khoa nghiên cứu Đông Nam Á giới thiệu nên được phó viện trưởng Dr Rungnapa Thepparp của Viện Xuyên lĩnh vực, Đại học Thammasat-người có quan hệ tốt với các tổ chức NGO liên lạc sắp xếp, mới có được đề tài nghiên cứu tốt như vậy trong một thời gian ngắn. Điều này cho thấy Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á, trường Đại học Chính trị Quốc gia có sức ảnh hưởng trong giới học thuật như thế nào. Hiện tại, mỗi tuần trường Đại học Chính trị Quốc gia đều tổ chức nhiều buổi tọa đàm và khóa học quốc tế liên quan đến Đông Nam Á, các liên kết hợp tác và thỏa thuận hợp tác với các nước mục tiêu trong Chính sách Hướng nam mới, rất nhiều nhà nghiên cứu đến đây, mật độ giao lưu dày đặc hơn bao giờ hết.

 Là một viện nghiên cứu về Đông Nam Á, Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á trường Đại học Chính trị Quốc gia phát huy diễn đàn học thuật có sức ảnh hưởng về nghiên cứu khoa học xã hội, liên kết các nghiên cứu về lĩnh vực Đông Nam Á của các nơi trên thế giới  lại với nhau để cho các nhà nghiên cứu trẻ có thể phát huy mạnh mẽ hơn.