New Southbound Policy Portal

Rộng mở cánh cửa tìm hiểu Đông Nam Á Dùng nghệ thuật tạo nên phong trào văn hóa

Chiếc ghế trong buồng lái máy bay chiến đấu được tái chế thành chiếc ghế hớt tóc, đồng thời chiếu video người thợ hớt tóc miền Nam Việt Nam đang cắt tóc cho người lính đã xuất ngũ của quân đội miền Bắc Việt Nam. Nghệ sĩ Việt Nam Bàng Nhất Linh đã dùng tác phẩm “Chiếc ghế trống” để lột tả những xung đột và cả sự bao dung do cuộc chiến tranh gây ra.

Chiếc ghế trong buồng lái máy bay chiến đấu được tái chế thành chiếc ghế hớt tóc, đồng thời chiếu video người thợ hớt tóc miền Nam Việt Nam đang cắt tóc cho người lính đã xuất ngũ của quân đội miền Bắc Việt Nam. Nghệ sĩ Việt Nam Bàng Nhất Linh đã dùng tác phẩm “Chiếc ghế trống” để lột tả những xung đột và cả sự bao dung do cuộc chiến tranh gây ra.
 

 Với nhiều người, khu vực Đông Nam Á là vùng đất xa xôi, có hệ thống ngôn ngữ, tín ngưỡng tôn giáo và nền văn hóa hoàn toàn khác biệt nhưng nếu thông qua các tác phẩm nghệ thuật đương đại của Đông Nam Á để nhìn lại Đài Loan, các nước Đông Nam Á trải qua quá trình xung đột văn hóa như bị thực dân, phi thực dân hóa và đi đến dân chủ hóa, có lẽ chúng ta sẽ phát hiện, thực ra Đông Nam Á và Đài Loan giống nhau đến lạ kỳ.

 

 Mùa hè năm 2019, Viện bảo tàng Mỹ thuật thành phố Cao Hùng (dưới đây gọi tắt là Bảo tàng Mỹ thuật Cao Hùng) lần đầu tiên tổ chức triển lãm nghệ thuật đương đại Đông Nam Á – “Sunshower” (tạm dịch là Mưa bóng mây) với quy mô lớn. Cuộc triển lãm nghệ thuật có nguồn gốc từ Nhật Bản với tổng kinh phí 3 triệu USD, cùng 14 người phụ trách lên kế hoạch triển lãm này đã được ra đời sau hơn hai năm điều tra nghiên cứu tại Đông Nam Á, qua lời mời hợp tác của Bảo tàng Mỹ thuật Cao Hùng, Đài Loan có thể thỏa thích tận hưởng bữa tiệc nghệ thuật Đông Nam Á lần này.

 

Sự cảm thông thật sự

 Mỗi khi nhắc đến Đông Nam Á, tất cả mọi người đều chỉ liên tưởng đến sự nghèo nàn, lạc hậu, mà quên mất nền văn hóa nghệ thuật phong phú đã được tạo ra cùng với dòng lịch sử lâu đời của Đông Nam Á.

 Bà Yulin Lee (Lý Ngọc Linh) - Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Cao Hùng, từng được đào tạo tại New York (Mỹ), đã sớm phát hiện ra sự phát triển của nền nghệ thuật đương đại Đông Nam Á trong các cuộc triển lãm quốc tế. Theo thống kê của Bộ Lao động, tính đến cuối năm 2018, toàn Đài Loan đã có gần 710 nghìn lao động di trú đến từ các nước Đông Nam Á, nếu cộng thêm di dân mới và con em của họ thì con số này sẽ càng lớn hơn. Sự tồn tại của những gương mặt ngoại quốc này dường như cũng trở thành một phần không thể chia cắt của Đài Loan. Mặc dù vậy, cách nhìn của người Đài Loan về Đông Nam Á lại chưa có sự tiến bộ rõ rệt, vẫn còn tồn tại nhiều thành kiến trong xã hội nên việc tiến hành một cuộc đối thoại giữa hai bên càng trở nên cấp bách và cần thiết hơn bao giờ hết. Vì thế, bà Yulin Lee muốn thông qua nghệ thuật đương đại để làm cầu nối giúp người dân Đài Loan có thể hiểu hơn về Đông Nam Á, “hy vọng người dân có thể đón nhận Đông Nam Á, không còn là những tưởng tượng mang tính thị trường, cho dù là sức lao động, hôn nhân, hay cơ hội làm ăn với dân số 600 triệu dân này, mà là những nhóm người này có thể cùng chung sống và phát triển với chúng ta”. Bà Yulin Lee nói.

 

Sự tương đồng của đôi bên

 Tuy Đài Loan và các nước Đông Nam Á có sự khác biệt về ngôn ngữ, tôn giáo và lịch sử nhưng đều trải qua quá trình bị thực dân, phi thực dân hóa, dân chủ hóa và kinh tế phát triển vượt trội. Ông Htein Lin - nghệ nhân Myanmar bị giam 7 năm tù vì bị nghi ngờ tham gia hoạt động chống chính phủ, tuy bị cầm tù nhưng không thể ngăn cản trái tim sáng tạo của ông. Trong thời gian ngồi tù, ông Htein đã dùng áo tù cũ làm vải bạt để vẽ, dùng vật liệu có hạn xung quanh mình, như kem đánh răng, mảnh vỡ thủy tinh v.v... để sáng tác ra loạt tác phẩm mang tên “00235” - mã số tù nhân của ông. Sau khi ông ra tù, những tác phẩm này cuối cùng đã có cơ hội được thế giới nhìn thấy, ghi chép lại ký ức về những tháng ngày tại chốn lao tù, đồng thời việc này cũng cho thấy được sự kiên định theo đuổi lý tưởng và cuộc sống của một nghệ sĩ.

 Khi ngắm nhìn tác phẩm của ông Htein Lin, người ta sẽ lập tức liên tưởng đến nhiếp ảnh gia Âu Dương Văn, người bị giam giữ tại nhà tù Lục Đảo trong thời kỳ Khủng bố Trắng. Trong thời gian bị bắt giam tại đây, vào một lần nọ, khi ông Tưởng Kinh Quốc đến thị sát nhà tù, ông Âu Dương Văn đã được giao nhiệm vụ chụp ảnh, cũng vì thế mà lúc bấy giờ nhà tù đã cho dựng phòng tối đơn giản. Ông lén lút giữ lại những thước phim chụp còn dư và dùng chúng để ghi lại hình ảnh về phong cảnh, con người trên đảo, lưu lại những hình ảnh tư liệu quí giá cho Lục Đảo những năm 1950, 1960.
 

Tác phẩm “Sunshower” của các nghệ nhân Apichatpon Weerasethakul và Chai Siris.

Tác phẩm “Sunshower” của các nghệ nhân Apichatpon Weerasethakul và Chai Siris.
 

Nguồn cảm hứng sáng tác dồi dào

 Khác với nghệ thuật cổ điển lúc nào cũng xem trọng sự hài hòa và vẻ đẹp, nghệ thuật đương đại nhiều lúc chỉ muốn kích thích sự suy ngẫm của người xem. Trong 40 năm qua, các nước Đông Nam Á đã có sự thay đổi mạnh mẽ về mặt kinh tế, chính trị và xã hội; trong đó, nghệ thuật đương đại luôn gắn liền với các vấn đề xã hội cũng được phát triển mạnh mẽ. Trong bối cảnh xã hội đó, các nghệ sĩ cũng tiếp thu được nhiều nguồn cảm hứng khác nhau, sáng tạo nên nền nghệ thuật đương đại Đông Nam Á với nhiều hình thức và chủ đề đa dạng.

 Ví dụ như tác phẩm Sunshower của nghệ nhân kiêm đạo diễn người Thái Lan Apichatpon Weerasethakul hợp tác cùng nghệ nhân Chai Siris, đưa con voi nhân tạo nặng 4 tấn đặt nằm ngang và treo lơ lửng giữa không trung, thoạt nhìn đã gây tác động mạnh đến thị giác người xem. Với sở trường trong việc ứng dụng ánh sáng và bóng tối, Apichatpon đã đặt trước con voi một vật thể chiếu sáng hình tròn tượng trưng cho mặt trăng, khi nhìn gần, có thể thấy rõ từng nếp nhăn, từng sợi lông trên da voi. Mỗi lần mặt trăng ở phía trước đổi màu, biểu cảm của chú voi cũng sẽ thay đổi theo, cùng với cặp mắt hơi hé mở, như thổi luồng sức sống vào chú voi này.

 Tác phẩm này được đặt tại khu triển lãm “Phát triển kinh tế và kế thừa”, tại Thái Lan, voi là biểu tượng cho sự thiêng liêng nhưng nay lại trở thành công cụ phục vụ cho ngành du lịch nhằm thu hút du khách. Tác giả như muốn đặt câu hỏi với người xem: “Con người ngày nay nên chung sống với thiên nhiên như thế nào?”. Bà Yulin Lee chỉ ra, những mâu thuẫn do hiện đại hóa mang lại không phải là vấn đề chỉ xuất hiện ở riêng Đông Nam Á, mà còn là vấn đề mà tất cả các quốc gia bị thực dân phải đối mặt. Các nước thuộc địa đã mang lại sự hiện đại hóa, kèm theo các giá trị dân chủ, pháp quyền, tự do và tiện lợi..., nhưng đồng thời cũng không thể phủ nhận, có nhiều thứ đã bị hy sinh hoặc bỏ rơi trong quá trình này.

 

Góc nhìn đa dạng

 Với mong muốn tăng cường sự hiểu biết của người dân đối với các nước Đông Nam Á, Bảo tàng Mỹ thuật Cao Hùng đã mời di dân mới hiện đang sinh sống tại Đài Loan đảm nhiệm vai trò đại sứ văn hóa, thông qua góc nhìn của họ, khai thác những câu chuyện cuộc sống ngoài nghệ thuật chuyên nghiệp. Vì thiếu sự hiểu biết về lịch sử Đông Nam Á nên đối với một số tác phẩm, chúng ta chỉ có thể cưỡi ngựa xem hoa, nhưng trong mắt chị Nguyễn Thị Thanh Hà, di dân mới đến từ Việt Nam, do hiểu rõ về lịch sử Đông Nam Á nên chị đã có sự hiểu biết sâu sắc về những tác phẩm đó.

 “National Road Number 5” (tạm dịch là Đường Quốc lộ số 5) là tác phẩm của nghệ sĩ người Campuchia Lim Sokchanlina. Ông dùng những tấm hình để ghi lại việc mở rộng đường cao tốc đã gây ảnh hưởng như thế nào đến những ngôi nhà ở xung quanh. Không chỉ cảm nhận được sự đau khổ và niềm hy vọng do sự phát triển mang lại được thể hiện trong tác phẩm của nghệ sĩ. Từ các chi tiết khác trong ảnh, chị Nguyễn Thị Thanh Hà còn phát hiện rằng đây có thể là gia đình người Việt đang sinh sống tại Campuchia. Người dân Campuchia đa số theo tín ngưỡng Phật giáo Nam tông, sẽ không thờ tổ tiên trong nhà nhưng trong tác phẩm lại là hình ảnh lư hương cùng ba tấm hình tổ tiên, điều này giống với phong tục tập quán của Việt Nam và chủ nhà còn đặt tượng Ông Địa ở dưới đất để thờ cúng, cách làm này cũng rất giống với Việt Nam. Chị Nguyễn Thị Thanh Hà chỉ ra, ở Việt Nam, do Ông Địa cai quản đất đai nên được đặt trên mặt đất, rất khác với thói quen đặt Thổ Địa trên bàn thờ của Đài Loan. Ngoài ra, ở Việt Nam, Ông Địa là sự kết hợp giữa Thổ Địa với Thần Tài, có hình dáng giống Đức Phật Di Lặc với chiếc bụng phệ và miệng luôn mỉm cười hiền từ, khác hoàn toàn với ngoại hình đầu đội mũ ô sa, mặc quan phục của Thần tài Đài Loan.

 

Phong trào văn hóa mở ra đối thoại hai bên

 Bà Yulin Lee diễn tả, những người lao động di trú giống như các thiên thần, bà luôn khuyến khích đồng nghiệp dẫn các bạn lao động di trú đang làm việc tại nhà mình đến tham quan bảo tàng. Một lần nọ, trong bảo tàng, bà gặp một tình nguyện viên đưa người mẹ lớn tuổi của mình cùng khán hộ công Aya đến tham quan. Aya đến từ Indonesia, khi nhìn thấy tác phẩm nghệ thuật sắp đặt kích thước “Toko Keperlun Necessity Shop” (Tiệm tạp hóa Indonesia) của Anggun Priambodo (a.k.a. Culap), trưng bày đủ loại vật dụng hằng ngày của Indonesia và bày trí mang đậm phong cách Nam Dương. Aya mọi khi vốn hay e thẹn, bỗng chốc như chú chim sổ lồng, hồ hởi kể về những việc liên quan đến quê nhà của cô khiến cho tình nguyện viên và người mẹ vừa vui mà lại vừa ngạc nhiên.

 Bà Yulin Lee hy vọng không chỉ có người lớn đến xem triển lãm, mà các em nhỏ cũng có thể đến Bảo tàng Mỹ thuật Cao Hùng để tiếp xúc với chủ đề Đông Nam Á. Bà Yulin Lee cho hay, chính hình ảnh rập khuôn về kinh tế yếu thế của di dân mới đã khiến cho lớp trẻ thế hệ thứ hai của di dân mới không chấp nhận nền văn hóa của người mẹ, khi ở bên cạnh bạn bè cùng lứa rất dễ có cảm giác tự ti thậm chí còn bị bắt nạt. Với sự ủng hộ của Câu lạc bộ Rotary Quốc tế, hàng trăm em học sinh tại khu vực vùng sâu vùng xa đã được đưa đến đây để tham quan cuộc triển lãm “Sunshower”, hướng dẫn viên còn tạo dựng tình huống để các em mạnh dạn thừa nhận văn hóa của mẹ mình, động viên các em nhỏ khác đặt câu hỏi cho các em thế hệ hai của di dân mới.

 Tuy cuộc triển lãm “Sunshower” đã kết thúc tốt đẹp, tiếp sau đó là cuộc triển lãm “TATTOO” và “Pan-Austronesian” sẽ diễn ra vào năm 2020. Hai cuộc triển lãm này đều sẽ lần lượt giới thiệu các tác phẩm nghệ thuật Đông Nam Á bằng các hình thức khác nhau. Bà Yulin Lee nói, đây chính là phong trào văn hóa khởi động việc tìm hiểu về Đông Nam Á, hy vọng người đến xem triển lãm có thể trở thành những hạt giống, giúp những người khác mở rộng cánh cửa hiểu biết về Đông Nam Á.