New Southbound Policy Portal

Hương quê lan tỏa xứ người Nhà bếp IBU x Nhà sách Đông Qua Sơn

Cô Henny Kartika (người bên trái) và cô Deena Bouchard (người bên phải), mỗi người đều có công việc riêng, dùng lương của mình để hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh của Nhà bếp IBU, hai người cùng bắt tay để thực hiện ước mơ.

Cô Henny Kartika (người bên trái) và cô Deena Bouchard (người bên phải), mỗi người đều có công việc riêng, dùng lương của mình để hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh của Nhà bếp IBU, hai người cùng bắt tay để thực hiện ước mơ.
 

 Bước vào Nhà bếp IBU x Nhà sách Đông Qua Sơn (IBU Book Café) nằm trong con hẻm đường Nam Hưng (Nanxing), xã Đông Sơn (Dongshan), huyện Nghi Lan (Yilan), đập ngay vào mắt là vô số những cuốn sách trên tường; và xộc lên mũi là mùi hương dừa dìu dịu hòa cùng vị thơm nồng của hương liệu. Tại đây có thể mượn sách miễn phí, thưởng thức các món ăn Đông Nam Á, cũng là không gian giao lưu dành cho những lao động người Đông Nam Á và di dân mới. Đây là kết quả được tạo ra bởi sự thực tiễn hóa vào đời sống xã hội của vị giáo sư trợ lý nghiên cứu về vấn đề Đông Nam Á, cộng thêm niềm mơ ước của hai di dân mới, kết hợp với chính sách của Văn phòng hành chính xã Đông Sơn cùng thúc đẩy tạo nên.

 

 Những tia nắng vàng hiếm hoi trong ngày chiếu xuống những con đường vắng vẻ tại xã Đông Sơn, huyện Nghi Lan, ông La Tế Côn (Luo Jikun) – nhà nghiên cứu văn hóa lịch sử hướng dẫn đoàn du khách tham gia tour tham quan “Phố cổ Đông Sơn”. Đoàn người cùng bước vào một hẻm nhỏ bình thường, dừng chân trước căn nhà 3 tầng có cây cối xanh tươi rậm rạp.

 “Đây là một nhà hàng do người nhập cư mới kinh doanh, nét đặc trưng của nhà hàng là do các chị em người Indonesia, người Philippines hay người Việt Nam “luân phiên” làm đầu bếp. Nhà hàng này kinh doanh với mục đích không phải là để kiếm tiền mà là muốn cung cấp một nơi cho những lao động di trú và di dân mới có thể học tập ngôn ngữ và giao lưu với nhau, đây vốn là việc mà chính phủ phải làm. Khái niệm “Bookcrossing” (tức là phong trào mọi người chia sẻ, trao đổi những cuốn sách với nhau) là để giúp những người lao động và di dân mới đến từ Đông Nam Á chưa thành thạo ngôn ngữ có thể học tiếng Hoa, mượn sách miễn phí.

 Ông La Tế Côn chậm rãi nói tiếp: “Tôi cũng khuyến khích mọi người có thể tới đây đọc sách, đứng đọc sách thì miễn phí, nhưng nếu ngồi chiếm chỗ thì phải trả tiền. Nếu có sách thì mọi người có thể đem đóng góp cho nhà  hàng và cũng có thể tới dùng cơm, ủng hộ cho họ chính là giải quyết vấn đề xã hội, đây là điều khiến tôi thấy cảm động”.

 

Nhấm nháp hương vị quê nhà, làm vơi đi nỗi buồn xa xứ

 Nhà hàng này cũng là dự án đầu tiên nằm trong “Chương trình trợ cấp tạo sức sống mới cho những căn nhà cũ” của Văn phòng hành chính xã Đông Sơn - Nghi Lan, bà Lương Lợi Phương (Liang Li-fang), giáo sư trợ lý Trường Đại học quốc lập Đông Hoa (National Dong Hwa University), một trong những thành viên sáng lập, thúc đẩy sự ra đời của Nhà sách Đông Qua Sơn. Khi tiến hành công việc khảo sát vấn đề sức khỏe của lao động di trú, bà đã quen cô Henny Kartika, di dân mới người Indonesia hỗ trợ phiên dịch tại cảng cá Nam Phương Áo (Nanfangao), trên đường đi, cô Henny Kartika có nhắc tới niềm mơ ước đã được ấp ủ nhiều năm của cô.

 Cô Henny Kartika lấy chồng sang Đài Loan đến nay đã hơn 20 năm, cô ước mong có một không gian để chia sẻ các món ăn Đông Nam Á, lại đúng vào dịp Văn phòng hành chính xã Đông Sơn triển khai Chương trình tạo sức sống mới cho những căn nhà cũ, có lẽ sẽ giúp cô biến ước mơ thành sự thật.

 Cách nghĩ của cô Henny Kartika thực ra cũng là tiếng nói chung của rất nhiều lao động di trú và chị em di dân mới. Như trong 3 bữa ăn mỗi ngày của gia đình chồng, chồng và bố mẹ chồng cô đều không quen với món ăn có nước dừa và có vị quá cay, ngay các con của cô cũng không ưa món Indonesia. Cô có thói quen khi ăn một miếng rau phải có kèm miếng ớt, vì vậy, vào những lúc đêm khuya thanh vắng không có ai, cô tự nấu cho mình một món ăn quen thuộc, như vậy mới giúp phần nào vơi bớt nỗi nhớ quê khi cảm thấy cô đơn nơi xứ người.   

 “Nhà bếp IBU” được chính thức khai trương vào cuối năm 2019, IBU trong tiếng Indonesia nghĩa là “mẹ”, vì những người phụ trách nấu ăn chính là các bà mẹ di dân mới từ Đông Nam Á lấy chồng ở Đài Loan.

 

Hương thơm lan tỏa, bàn ăn đầy món ngon

 Người nấu bếp cố định hiện tại của nhà hàng là cô Deena Bouchard, người Philippines và cô Henny Kartika, người Indonesia. Thỉnh thoảng, ngày Chủ nhật còn có sự góp mặt của chị em di dân mới người Việt Nam và người Thái Lan. Vì cân nhắc đến vấn đề chi phí và thu nhập nên vào ngày thường hai vị bếp trưởng đều có công việc dạy tiếng Indonesia và tiếng Anh. Vì vậy, nhà hàng chỉ mở cửa kinh doanh từ ngày thứ Năm tới Chủ nhật.

 Cô Deena Bouchard sinh ra tại thành phố Baguio Philippines, chồng cô là người Đài Loan mang quốc tịch Mỹ, 23 năm trước cô theo chồng tới Đài Loan định cư, hiện hai người đều đã nhập quốc tịch Đài Loan. Cô Deena Bouchard luôn ôm ấp hoài bão được mở nhà hàng, cô sử dụng chuối tươi để chế biến thành nước sốt cà chua với chuối, làm cho món mì Ý có vị chua chua ngọt ngọt, rất được trẻ em yêu thích.

 Đặc biệt là cô Deena Bouchard làm món bánh cuộn quế bí đỏ và bánh tiramisu trái bơ theo khẩu vị của Philippines rất giỏi, tới mùa hè thì làm món bánh tiramisu xoài. Loại sốt phô mai bơ mà cô tự làm, đem rưới lên trên bánh cuộn quế bí đỏ, có mùi chanh thoang thoảng và đậm vị dừa là món đồ ngọt thường được khách hàng chỉ định ăn tại chỗ hoặc mang về.

 Món cơm gà cà ri xanh do cô Henny Kartika nấu là món ngon của nhà hàng. Cô sử dụng lá dứa tươi từ vườn nhà xay nhuyễn thành nước cốt để chế biến món cơm lá dứa có vị thơm dịu, ăn kèm với món gà được ướp bằng các hương liệu đặc biệt như nghệ, rau mùi (ngò rí), thì là, sả, v.v..., hương vị rất đậm đà.

 Nhà bếp IBU thỉnh thoảng cũng tổ chức hoạt động “Đêm thịt nướng sa tế”, cô Henny Kartika sẽ chuẩn bị món thịt xiên sa tế với khẩu vị vùng Medan và vùng Java, mời lao động người Indonesia phụ trách nướng thịt. Sa tế Medan có hương vị đậm đà hơn, ngoài vị đậu phộng đậm đặc, còn có vị thơm theo nhiều cung bậc của hương liệu. Cô luôn tâm niệm một điều khi làm món ăn, đó là không bao giờ làm một cách qua loa sơ sài, khi những xiên thịt sa tế được nướng lên, không chỉ rưới lên nước sốt sa tế do cô tự chế biến và nước tương đen đặc sệt là loại nước sốt đặc trưng của Indonesia, cô còn rắc thêm hành phi rồi ăn với cơm trắng, món ăn này chinh phục được mọi thực khách bởi hương vị thơm ngon khó cưỡng của nó. Ngồi quây quần bên bàn ăn là các bạn lao động di trú và người Đài Loan với tâm trạng thưởng thức món ngon, học hỏi lẫn nhau những câu chào hỏi đơn giản, giúp hai bên trở nên gần gũi hơn.

 

Nhìn thấy nhu cầu của lao động di trú

 Nhà bếp IBU còn có một tên gọi khác là “Nhà sách Đông Qua Sơn” (Dongguashan), một bảng tên được dựng trên tủ sách ghi dòng chữ “Tủ sách Rạng ngời Sức sống, chi nhánh Đông Sơn”, nói lên tinh thần kế thừa từ Nhà sách Rạng ngời Sức sống. Đây là tiệm sách cũ “chỉ cho mượn chứ không bán”, thực hiện theo khái niệm Bookcrossing. 

 Ngoài việc tạo ra một không gian đọc sách thoải mái, cùng với lý tưởng ban đầu khi thành lập Nhà sách Đông Qua Sơn, còn hy vọng có thể hỗ trợ lao động di trú giải quyết những khó khăn trong cuộc sống và trong công việc tại Đài Loan. Vì vậy, hiện nay nhà sách đã mở lớp học tiếng Hoa dành cho khán hộ công nước ngoài vào thứ Tư hàng tuần và lớp học tiếng Hoa vào ngày thứ Bảy dành cho những công nhân người Indonesia làm ở nhà máy, giúp họ học được những từ ngữ có thể ứng dụng trong môi trường công việc. Thậm chí có nhiều lao động di trú từ xã Tam Tinh (Sansing), thành phố Nghi Lan (Yilan) từ rất xa đi tắc-xi đến đây để tham gia lớp học. Họ cho biết, cuộc sống trở nên phong phú hơn mà không phải chỉ biết lướt điện thoại di động trong ngày nghỉ.

 Chia sẻ hương vị quê nhà của Đông Nam Á, hỗ trợ lao động di trú giảm thiểu sự khó thích nghi với cuộc sống tại Đài Loan, Henny Kartika có thể cảm nhận được nhu cầu này là vì bản thân cô đã từng trải qua tâm trạng như thế. Cô đến từ vùng Sumatra của Indonesia, mang nửa dòng máu người Hoa, lớn lên trong bối cảnh người Hoa bị bài xích ở Indonesia. Lúc mới lấy chồng sang Đài Loan, do bất đồng ngôn ngữ, cô đã phải chịu sự kỳ thị của hàng xóm láng giềng, cho rằng cô sang đây lấy chồng là vì tiền. Cô Henny Kartika đã chứng minh bằng hành động cụ thể, cô cũng san sẻ gánh nặng kinh tế của gia đình, cùng học với đứa  con trai đang học tiểu học, bắt đầu học lên từ phiên âm cơ bản và đã được cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp. Vì thông thạo cả tiếng Hoa và tiếng Đài nên cô đảm nhận công việc phiên dịch cho lao động di trú, nhờ vậy đã từng bước tạo cho bản thân sự tự tin trong công việc.

 Bà Lương Lợi Phương, người đã tham gia lâu dài vào việc nghiên cứu về lao động di trú chăm sóc người bệnh tại nhà cho biết, nếu tính cả người nhập cư theo diện kết hôn, tại Đài Loan, cứ 30 người lại có một di dân mới hoặc lao động di trú nhưng thực ra xã hội Đài Loan không nhìn thấy nhóm cộng đồng này. Sau khi bà đưa nhóm sinh viên được bà hướng dẫn đi thăm thực địa, họ mới cảm nhận được nỗi lòng cô đơn của di dân mới và lao động di trú sinh sống nơi đất khách, cũng như sự bất lực trước rào cản giao tiếp, thực sự rất cần được giúp đỡ. Vì vậy, thông qua Nhà sách Đông Qua Sơn, tổ chức buổi giới thiệu ra mắt sách mới của lao động di trú, tổ chức buổi biểu diễn âm nhạc Indonesia, cũng là tạo cơ hội cho nhóm nghiên cứu của bà có thể thực hiện trách nhiệm xã hội, giúp đỡ người khác.

 Nhất là đối với cô Henny Kartika mà nói, ngay cả đứa con trai đang học đại học hiện cũng bắt đầu học tiếng Indonesia với cô. Trong quá trình di cư, Đài Loan không còn là đất  khách mà đã trở thành quê hương, nơi cô có thể thực hiện ước mơ, có thể giúp đỡ người khác.