New Southbound Policy Portal

Bộ Ngoại giao chân thành cảm ơn 4 nước bang giao đã phát biểu ủng hộ Đài Loan trong phiên họp đầu tiên của Đại hội đồng Y tế Thế giới

 Kỳ họp lần thứ 73 “Đại hội đồng Y tế Thế giới” (WHA) đã được tổ chức trở lại với hình thức trực tuyến trong thời gian từ ngày 9/11 đến ngày 14/11. Trong ngày đầu tiên, đại hội đã thảo luận về đề án của các nước bang giao với Đài Loan. Các nước Nauru, Eswatini, Quần đảo Marshall và Honduras đã lần lượt đại diện cho Đài Loan tiến hành các “cuộc tranh luận 2:2” với phía Trung Quốc tại Ủy ban quản lý chung và phiên tranh luận toàn thể, nhiệt tình trình bày và khẳng định mạnh mẽ những kết quả nổi bật của “Mô hình Đài Loan” trong công tác phòng chống dịch, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết của việc đưa Đài Loan vào “Tổ chức Y tế Thế giới” (WHO). Bộ Ngoại giao chân thành cảm ơn 4 nước bang giao nói trên đã phát biểu ủng hộ Đài Loan.

 Mặc dù đề án của Đài Loan cuối cùng không được đưa vào chương trình nghị sự nhưng các bài phát biểu của các nước bang giao trên cơ sở không được có lỗ hổng trong công tác phòng chống dịch bệnh toàn cầu đã khiến nhiều quốc gia tham dự hội nghị hiểu được sự cần thiết và tính chính đáng của việc kết nạp Đài Loan tham dự, cũng như hành động tích cực của Đài Loan nhằm đóng góp cho công tác phòng chống dịch bệnh toàn cầu. Trong khi toàn thế giới đang chìm trong đại dịch Covid-19, đại diện phía Trung Quốc vẫn không ngừng đưa ra luận điệu cũ “Nguyên tắc một Trung Quốc”, phớt lờ việc thế giới cần cùng nhau hợp tác phòng chống dịch, đặt chính trị lên trên an ninh y tế, xâm phạm quyền được chăm sóc sức khỏe của 23,5 triệu dân Đài Loan. Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) bày tỏ sự đáng tiếc trước tình hình này.

 Tại Ủy ban quản lý chung, Bộ trưởng Bộ Y tế Nauru Isabella Dageago trước tiên nhấn mạnh, trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19 bùng phát, cho dù không thể tham gia vào WHO nhưng Đài Loan vẫn tự nỗ lực phòng chống dịch bệnh, đồng thời chủ động viện trợ vật tư cho các quốc gia có nhu cầu. Bà Isabella Dageago kêu gọi WHO hãy thẳng thắn nhìn nhận quyền của người dân Đài Loan về việc tham gia vào hệ thống an ninh y tế toàn cầu như nhân dân các nước khác trên thế giới.

 Đại diện thường trực của Eswatini – ông Zwelethu Mnisi hưởng ứng và cho biết: Chỉ khi đưa Đài Loan vào tất cả các hội nghị, cơ chế và hoạt động của WHO, không bỏ sót bất kỳ ai thì mới có thể chống lại dịch bệnh truyền nhiễm một cách hoàn chỉnh và hiệu quả. Ông Zwelethu Mnisi kêu gọi WHO hãy từ bỏ việc cân nhắc yếu tố chính trị và mời Đài Loan tham dự WHA với tư cách quan sát viên.

 Tại phiên tranh luận toàn thể, Bộ trưởng Bộ Y tế Quần đảo Marshall Bruce Bilimon chỉ rõ: Đại dịch Covid-19 một lần nữa nhắc nhở thế giới, chỉ khi kết nạp Đài Loan vào hệ thống phòng chống dịch bệnh toàn cầu thì WHO mới có thể khống chế hiệu quả sự lây lan của dịch bệnh, WHO phải nhìn thẳng vào vấn đề Đài Loan tham dự tổ chức này.

 Đại diện thường trực của Honduras – ông Giampaolo Rizzo Alvarado nghiêm túc nhấn mạnh, WHO là tổ chức chuyên môn điều phối công tác y tế quốc tế nhưng lại loại trừ Đài Loan vì yếu tố chính trị. Điều này đã gây tổn hại đến uy tín của tổ chức y tế quốc tế như WHO. WHO cần hợp tác với tất cả các đối tác, trong đó có Đài Loan. Đài Loan đã từng tham dự WHA trong suốt 8 năm liên tiếp nhưng vì yếu tố chính trị mà phải chấm dứt. Đây không phải là ví dụ tích cực về quản trị toàn cầu dựa trên các quy tắc. Lập trường của Honduras rất rõ ràng và kiên định, đó là ủng hộ Đài Loan tham dự WHA với tư cách quan sát viên.

 Trung Quốc đã vận động Cuba và Pakistan phát biểu ủng hộ họ tại 2 chương trình tranh luận nói trên, tiếp tục hiểu sai về Nghị quyết 2758 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc và Nghị quyết 25.1 của WHA, đồng thời bịa đặt rằng họ đã sắp xếp ổn thỏa về việc Đài Loan tham gia vào các vấn đề y tế toàn cầu. So với nội dung phát biểu chuyên nghiệp và thực tế của các nước bang giao với Đài Loan, bài phát biểu của phía Trung Quốc đầy rẫy những ngôn từ chính trị và không có căn cứ cụ thể. Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) một lần nữa phản đối mạnh mẽ sự cản trở của Chính phủ Trung Quốc.