New Southbound Policy Portal

Hội ngộ tại quê hương của mây Đạp xe khám phá lâm nghiệp Tân Trúc

Hít thở không khí trong lành trên con đường rừng đầy nắng. (Ảnh: Cathy Teng)

Hít thở không khí trong lành trên con đường rừng đầy nắng. (Ảnh: Cathy Teng)
 

 Đường huyện lộ số 122 bắt đầu từ Trúc Đông cho đến Khu du lịch rừng Quan Vụ của huyện Tân Trúc. Đây là một tuyến du lịch tự nhiên và cũng đậm chất nhân văn, dọc đường có văn hóa Khách Gia, căn nhà cũ của Trương Học Lương, lịch sử ngành lâm nghiệp Quan Vụ và còn có thể ngắm nhìn phong cảnh hùng vĩ của đường sống núi Thánh Lăng thuộc dãy Tuyết Sơn.

 

 Thị trấn Trúc Đông nằm ở vị trí trung tâm của huyện Tân Trúc, trước đây được gọi là “Thụ Kỷ Lâm”, có huyện lộ 122 xuyên qua. Đây cũng là điểm xuất phát cho chuyến đi “đạp xe vòng quanh Đài Loan”.

 Thị trấn có các điểm tham quan du lịch tao nhã, chất chứa ký ức chung của người dân huyện Tân Trúc. Kiến trúc trong Khu công viên nghệ thuật Tiêu Như Tùng trên phố Tam Dân là một ký túc xá kiểu Nhật được xây bằng gỗ bách Đài Loan, với tường ngoài bằng gạch đỏ và mái ngói đen. Tiêu Như Tùng từng giảng dạy tại khu vực Tân Trúc suốt gần 40 năm, với trình độ học vấn chỉ tới bậc trung học phổ thông và cũng chưa từng ra nước ngoài du học, ông tự mày mò học hỏi và luyện tập cách vẽ tranh theo nhiều trường phái khác nhau của phương Tây, rồi dần dần đúc kết thành phong cách của riêng mình. Căn nhà cũ của ông được bảo tồn và trở thành một địa điểm tham quan của địa phương. Trước đây, Trúc Đông (ở Tân Trúc), Đông Thế (ở Đài Trung) và La Đông (ở Nghi Lan) là 3 điểm phân phối lớn của ngành lâm nghiệp Đài Loan nhưng kể từ sau khi luật cấm khai thác rừng nguyên sinh được thực thi vào năm 1992, thị trấn nhỏ chủ yếu dựa vào lâm nghiệp từng tấp nập một thời dần mất đi ưu thế của mình, những dấu tích của ngành lâm nghiệp gần như biến mất. May là vẫn còn có “Nhà triển lãm Lâm nghiệp Trúc Đông”, dùng văn vật để kể lại những câu chuyện của ngành lâm nghiệp, để lịch sử của rừng cây được nhiều người biết đến.

 

Làng bích họa Nhuyễn Kiều và hệ sinh thái hữu cơ

 Đạp xe đến cột mốc km26 trên huyện lộ 122, cảnh vật hai bên đường ngoài núi non và ruộng vườn xanh ngát, còn được tô điểm thêm bởi những hình ảnh đầy màu sắc và thú vị. Cột điện được vẽ hình Thần Tài, còn tường nhà dân thì là hình cô gái thôn quê Khách Gia khả ái với chiếc quần lót dây. Những hình ảnh này đã quảng bá cho tiếng tăm của ngôi làng bích họa Nhuyễn Kiều (Ruanqiao) tới tận đường huyện lộ 122.

 Chuyên gia quy hoạch khu dân cư – ông Bành Tùng Cử (Peng Songju) giải thích, trước đây, để phòng và diệt loài muỗi đen (Forcipomyia taiwana), chân tường của các hộ nhà dân trong khu dân cư đều được cạo sạch rêu và sơn trắng. Ông Ngô Tôn Hiền – con rể của Nhuyễn Kiều đã phát huy trí sáng tạo của mình, vẽ lại cuộc sống nông thôn Khách Gia lên trên những mảng tường trắng trong khắp khu dân cư.

 Từ một thị trấn nhỏ tĩnh lặng, những tác phẩm bích họa này phút chốc đã thu hút không ít du khách đến đây, chúng tôi cũng tò mò dừng chân để ngắm nhìn. Nhưng ông Bành Tùng Cử nói: “Bích họa chỉ là một phần trong công tác xây dựng khu dân cư, điểm hấp dẫn lớn hơn cả của khu dân cư Nhuyễn Kiều chính là hệ sinh thái hữu cơ và cảnh quan nhân văn phong phú”.

 Ông Lê Hứa Truyền (Li Xuchuan), chủ của nhà hàng “Trang trại Sinh hoạt (Farm Life Kitchen)” giải thích: “Nơi đây là đồng bằng phù sa được bồi đắp bởi suối Thượng Bình (Shangping River), con kênh Trúc Đông lấy nước từ suối Thượng Bình để cung cấp cho khu Khu Công nghệ cao Tân Trúc - vực kinh tế trọng điểm ngày nay của Đài Loan".

 12 năm trước, khu dân cư Nhuyễn Kiều đã triển khai phương pháp trồng trọt hữu cơ, thân thiện với môi trường, là một trong những ngôi làng sinh thái khu vực miền Bắc được Sở Nông nghiệp và Lương thực hướng dẫn và hỗ trợ. Ông Bành Tùng Cử nói: “Ở đây có khoảng 300 loài chim”, ông cũng trồng nhiều giống cây như cây sồi sim (Quercus glauca), cây thanh mai đỏ (Myrica rubra), thu hút chim đến làm tổ, “Sinh thái không cần phải tốn nhiều sức lực, cứ để mặc nó, quay về với thiên nhiên là được”.

 

Cuộc hội ngộ giữa người dân tộc nguyên trú và Thiếu soái

 Tiếp tục đạp xe lên dốc, đến ngã rẽ ở cột mốc km48 của huyện lộ 122 là thấy được căn nhà cũ của Trương Học Lương (Zhang Xueliang).

 Năm 1936, sự kiện “Sự biến Tây An” gây chấn động thế giới và cũng làm mọi thứ trong cuộc đời của Trương Học Lương dừng lại. Năm 1946, sau khi bị bí mật đưa sang Đài Loan cùng với Triệu Nhất Địch (hay còn được gọi là “Triệu Tứ tiểu thư”), họ bị buộc phải sống ở khu suối nước nóng Thượng Tĩnh (bộ lạc Thanh Tuyền), Tân Trúc trong khoảng 13 năm, nhưng cũng vì thế mà có duyên làm quen với tộc người Atayal tại đây.

 Hướng dẫn viên của căn nhà cũ là Xiuju Yawai, người Atayal, thuyết minh rằng, năm xưa Trương Học Lương bị đưa đến Thanh Tuyền, ra vào đều có lính canh gác trang bị súng bắn đạn thật. Những người già trong bộ lạc chỉ biết là có một nhân vật quan trọng đến sống tại đây nhưng không biết rõ thân thế của người này. Trương Học Lương tiếp xúc với cộng đồng người dân tộc nguyên trú là do “Sự kiện ngày 28 tháng 2” năm 1947, khi đó xã hội đang trong trạng thái cảnh giới cao độ, giao thông ra vào vùng núi đều bị phong tỏa, gây ra nguy cơ thiếu hụt lương thực. Xiuju Yawai kể lại, khi đó người già trong bộ lạc thấy nhà của Trương Học Lương đã nhiều ngày không có khói bếp, đến gần hỏi đội thị vệ thì mới phát hiện là số lương thực cung ứng cho họ không đưa vào núi được, cho nên người già trong bộ lạc đã quyên góp rất nhiều khoai lang để tặng cho Thiếu soái, giúp ông vượt qua khó khăn. Từ đó Trương Học Lương yêu cầu rằng, về sau 2/3 lương thực đều sẽ do địa phương cung cấp, giúp đỡ kinh tế của bộ lạc và cũng nhờ đó mà có thêm sự giao lưu với tộc người Atayal.

 Quay trở về với huyện lộ 122, đây là con đường được khai thông từ thời quân Nhật chiếm đóng Đài Loan nhằm vận chuyển gỗ bách và nó cũng có ảnh hưởng rất lớn đến kế sinh nhai của người dân tộc nguyên trú. Sự phát triển của ngành lâm nghiệp đã tạo ra cơ hội việc làm cho người dân tộc nguyên trú. Những chiếc xe tải dùng để vận chuyển gỗ cũng trở thành phương tiện giao thông ra vào bộ lạc. Những người trong bộ lạc sẽ nhắm sẵn thời gian xe xuất phát để đứng chờ ở ngã tư, họ trả một ít tiền để đi quá giang lên vùng núi hoặc đến Trúc Đông và đây cũng là một câu chuyện khác có liên quan đến ngành lâm nghiệp tại đây.

 

Từ khai thác gỗ đến bảo vệ rừng

 Chúng tôi tiếp tục đạp xe vào vùng núi, băng qua bộ lạc Ruba' là vào đến phạm vi của đường rừng Đại Lộc (Dalu). Đường rừng Đại Lộc là con đường do Chính phủ Quốc Dân khai hoang và xây dựng nhằm vận chuyển gỗ rừng kể từ sau khi họ đến Đài Loan. Trước đó, vào thời kỳ quân Nhật chiếm đóng, việc khai thác gỗ đa số vận chuyển bằng cáp treo. Do giao thông bất tiện nên chỉ chọn đốn những loại gỗ có giá trị kinh tế cao, được gọi là “khai thác có chọn lọc”.

 Nhưng đến thập niên 1960, ngành lâm nghiệp của Đài Loan có sự biến đổi lớn, máy móc được đưa vào sử dụng, từ đó bước vào thời kỳ đại khai thác toàn diện. Bên cạnh đó, đường rừng Đại Lộc chính thức khai thông, số lượng lớn tài nguyên gỗ quý được vận chuyển từ nơi này sang huyện lộ 122, rồi được tập hợp và gia công tại Trúc Đông, mở ra thời kỳ phồn vinh cho thị trấn lâm nghiệp Trúc Đông.

 “Những năm 1990, chính sách lâm nghiệp của nhà nước chuyển sang hướng nghiêm cấm khai thác rừng tự nhiên toàn diện, thái độ đối với núi rừng chuyển từ sử dụng cho mục đích kinh tế sang lợi ích công cộng", ông Chu Kiếm Minh – Chủ nhiệm Trạm công tác Trúc Đông của Ban quản lý rừng Tân Trúc trực thuộc Cục Lâm vụ nói. Năm 1995, “Khu vui chơi Rừng quốc gia Quan Vụ” được thành lập, thông qua du lịch sinh thái và giáo dục về môi trường, dẫn dắt mọi người gần gũi với núi rừng hơn. Trên con đường đi bộ ngày nay vẫn còn thấy được dấu tích của những đường ray vận chuyển gỗ khi xưa và trên đường bộ hành Trân Sơn vẫn giữ lại phần máy móc dùng để treo và vận chuyển gỗ của thời trước. Những năm gần đây, quyền và lợi ích của người dân tộc nguyên trú được đưa vào thảo luận, cánh rừng này vốn là lãnh địa truyền thống của người Atayal và Saisiyat, nhiều năm qua, thông qua sự thảo luận và phối hợp giữa các bên, Cục Lâm vụ và tộc người Saisiyat đã ký thỏa thuận hợp tác với nhau. Trong tương lai, trong khuôn viên Khu vui chơi Rừng quốc gia Quan Vụ sẽ xây dựng Quảng trường Atayal nhằm tôn trọng lịch sử của người dân tộc nguyên trú từng sinh sống tại đây.

 

Chung sống với thiên nhiên, phát triển núi rừng bền vững

 Điểm cuối của đường rừng Đại Lộc là Quan Vụ Sơn Trang, chúng tôi đạp xe đến đây cũng đã gần 56 km.

 Trang trại Quan Vụ vốn là ký túc xá của nhân viên Cục Lâm vụ, năm 2004 bị tàn phá bởi cơn bão Aere, 13 năm sau, nơi đây được mở cửa lại vào năm 2018. Hai bên cổng vào trang trại, một bên là cây anh đào Vụ Xã (Wusheh Cherry) trăm tuổi, nở hoa vào tháng 3 hàng năm, một bên là cây Sát thụ Đài Loan (Sassafras randaiense), loài thực vật đặc hữu của Đài Loan có từ thời kỷ băng hà, mỗi độ tháng 2 là mùa hoa nở, những đóa hoa màu vàng ánh kim khoe sắc dưới trời xanh, một cảnh đẹp mà bạn không nên bỏ lỡ.

 Ngày kế tiếp, chúng tôi chuyển sang đi bộ để khám phá Quan Vụ.

 Nhân viên tình nguyện Lâm Ngọc Cầm (Lin Yuqin) và chuyên gia kỹ thuật Lý Thanh Minh (Lee Shenming) là người dẫn đường cho chúng tôi trong chuyến đi này, chúng tôi đã chọn đi theo con đường đi bộ Cối Sơn. Với hơn 30 năm kinh nghiệm trong công tác tình nguyện, bà Lâm Ngọc Cầm đã tận tình hướng dẫn chúng tôi cách phân biệt bách đỏ và bách dẹt. Thân cây bách dẹt mọc thẳng lên trời, còn thân cây bách đỏ thì đôi lúc chia nhánh, hơn nữa do thường xuyên bị vi khuẩn ăn mòn nên ở phần gần gốc cây sẽ bị rỗng ruột. Bà Lâm Ngọc Cầm cho biết, cảnh quan rừng cây ở khu vực có độ cao tầm trung so với mực nước biển đại khái đều giống nhau nhưng Khu vui chơi Rừng quốc gia Quan Vụ là nơi dễ nhìn thấy đường sống núi Thánh Lăng nhất trên toàn Đài Loan. Trên đường rừng Lạc Sơn, đoạn từ km3 đến km4, dọc đường là có thể thấy được đường sống núi Thánh Lăng kéo dài từ núi Đại Bá Tiêm, núi Tiểu Bá Tiêm, cho đến dãy Tuyết Sơn ở đằng xa, một cảnh tượng vô cùng tuyệt vời. Ngoài ra, Quan Vụ là nơi duy nhất có thể cùng lúc nhìn thấy 3 loài cây trong họ Bóng nước gồm Impatiens devolii, Impatiens tayemonii và Impatiens uniflora, đồng thời cũng là nơi phát hiện loài lưỡng cư thích sống ở dưới những mỏm đá u tối và ẩm ướt Hynobius focus. Đây là loài động vật có từ thời kỷ băng hà và cũng là một trong những bằng chứng để suy đoán khí hậu của Đài Loan thời cổ xưa.

 Nhận biết thực vật là chuyên môn của Lý Thanh Minh. Dọc đường đi, ông tìm tòi và quan sát thảm thực vật ở hai bên lối đi. Những loài thực vật như cây tinh thảo sao núi Alishan trông giống như 5 chú thỏ đang ngồi họp với nhau, cây lan tả văn (Cremastra appendiculata), loài Dichocarpum arisanensis thuộc họ Mao Lương cực kỳ hiếm gặp, loài Mitella formosana, loài Trigonotis formosana với hình dáng giống như chiếc đuôi con bọ cạp, hoa tím Đài Loan (Viola formosana), bát giác liên (Dysosma pleiantha), loài lan thủy tinh (Monotropa uniflora) Alishan chỉ trồi lên khỏi mặt đất mỗi khi đến mùa hoa nở, tất cả đều không thể thoát khỏi đôi mắt tinh tường của ông Lý Thanh Minh.

 Dưới con đường đi dọc theo những thân cây to lớn, bà Lâm Ngọc Cầm nhặt một quả thông có đường kính chỉ khoảng 5mm, tách bỏ lớp vây, hạt giống của cây bách đỏ còn nhỏ hơn hạt mè, lại ngước nhìn thân cây cao to đến 42 mét trước mặt, bà Lâm Ngọc Cầm cảm khái nói : “Hạt giống nhỏ bé như thế này phải trải qua bao nhiêu thiên tai nhân họa, bao nhiêu sâu bọ côn trùng xâm hại, mới có thể trưởng thành cây to chọc trời như thế này, thế mới biết chúng cũng không dễ dàng gì”.

 Một chuyến hành trình bằng xe đạp, chúng tôi đã cùng đi khám phá những dấu tích của ngành lâm nghiệp Tân Trúc. Đã từng có vô số công nhân làm việc trong ngành lâm nghiệp đi lại trên tuyến đường này, mảnh đất đã từng bị tổn thương nghiêm trọng bởi sự thiếu kiểm soát của con người, rất may là chúng ta đang dần dần hàn gắn vết thương cũ, trồng cây gây rừng. Chỉ khi chúng ta hiểu được chung sống hòa bình với thiên nhiên là con đường duy nhất để phát triển bền vững, người đời sau mới có thể hưởng bóng mát của rừng xanh.

 Đạp xe giữa con đường rừng đầy nắng, hít thở không khí trong lành, tận hưởng khung cảnh rừng cây xanh ngát, chợt sương mù xuất hiện che khuất tầm mắt. Khi đến ngã rẽ kế tiếp, chúng tôi được dịp chiêm ngưỡng biển mây cuồn cuộn như sóng vỗ, quả xứng với cái tên Quan Vụ (nghĩa là ngắm mây mù) của nơi đây. Thật may mắn khi được đắm mình trong cảnh đẹp thiên biến vạn hóa này, cảm nhận nắng và gió lướt qua da thịt. Đây cũng là một trong những ưu đãi mà chỉ khi đi xe đạp mới có được.
 

Xem thêm Hội ngộ tại quê hương của mây Đạp xe khám phá lâm nghiệp Tân Trúc