New Southbound Policy Portal

Thành phố Gia Nghĩa tái hiện vẻ đẹp quá khứ của những ngôi nhà cổ có lịch sử trăm năm

 Ngôi nhà mặt phố kiểu Nhật và tiệm thuốc bắc Tân Dương Xuân trên đường Trung Hiếu, thành phố Gia Nghĩa đều là những căn nhà cổ đã có tuổi đời hơn một thế kỷ. Căn nhà mặt phố kiểu Nhật trước đây là quán rượu cao cấp kiêm khách sạn, sau khi được Sở Văn hóa thành phố Gia Nghĩa lên kế hoạch “Cải tạo nhà cổ”, ngôi nhà cổ trăm năm đã tái hiện lại ánh hào quang của những ngày huy hoàng xưa kia.

 Người phụ trách kế hoạch “Cải tạo nhà cổ”, Phó Giáo sư Trần Chính Triết của khoa Kiến trúc và Cảnh quan, Đại học Nam Hoa cho biết, dự án này đã xét duyệt 8 trường hợp, trong đó có 2 trường hợp là nhà số 32 đường Trung Hiếu và tiệm thuốc bắc Tân Dương Xuân. Nhà số 32 đường Trung Hiếu là ngôi nhà mặt phố kiểu Nhật 2 tầng kéo dài sang phải và sang trái, được xây dựng vào năm 1921, đến nay đã có lịch sử một trăm năm.

 Ông Trần Chính Triết cho biết, ngôi nhà mặt phố kiểu Nhật này trước đây là quán rượu cao cấp kiêm khách sạn, không những cung cấp nơi nghỉ ngơi cho lữ khách, mà còn có vườn hoa rất đẹp ở phía sau và là nơi đãi tiệc có quy mô khá lớn vào thời đó. Mặc dù sau này đã được chuyển đổi thành nhà dân nhưng vẫn có thể thấy được vẻ huy hoàng của những năm tháng ngày xưa khi nhìn từ mặt tiền của kiến trúc ở góc ngã tư, bao gồm cửa sổ tròn trên tầng 2, ban công hình vòng cung và màu sơn của mái che mưa.

 Sở Văn hóa thành phố Gia Nghĩa cho biết: Tiệm thuốc bắc Tân Dương Xuân nằm liền kề căn nhà mặt phố kiểu Nhật, đều là những ngôi nhà cổ có tuổi đời hàng thế kỷ. Tầng 1 là mặt tiền tiệm thuốc bắc, tầng 2 là không gian sinh hoạt, mái nhà vẫn còn giữ lại loại ngói đen của Nhật, rất quý giá.

 Ông Trần Chính Triết giải thích: Ngói đen khác với ngói xi măng, loại ngói đen được làm từ đất sét này sau khi được nung ở nhiệt độ cao sẽ có độ bóng rất đẹp.

 Thế hệ thứ hai của tiệm thuốc bắc Tân Dương Xuân – ông Ân Dụ Tường cho biết: Thời trẻ, người cha năm nay đã 83 tuổi của ông từ Đài Nam đến Gia Nghĩa phát triển sự nghiệp, Tân Dương Xuân là “căn nhà khởi nghiệp” khi đó, rất đáng được giữ gìn. Vì vậy, ông đã chủ động tham gia dự án “Cải tạo nhà cổ”, sau khi tiến hành tu sửa, quả nhiên căn nhà đã trở nên đẹp hơn.

 Sở Văn hóa cho biết: Dự án “Cải tạo nhà cổ” không chỉ chú trọng việc tu sửa mặt tiền căn nhà, mà còn đưa cả mái che mưa, biển hiệu cửa hàng và môi trường xung quanh vào phạm vi tu sửa tổng thể để khách du lịch có thể tìm hiểu thành phố Gia Nghĩa trong quá khứ và hiện tại.

 Sở Văn hóa cho biết: 8 ngôi nhà cổ được chọn để tiến hành tu sửa lần này gồm nhà ở góc phố, nhà liền kề, thắng cảnh lịch sử và điểm du lịch, các chủ nhà có nghĩa vụ bật đèn hàng đêm trong vòng 3 năm sau khi hoàn thành việc tu sửa để mọi người dễ dàng thấy được vẻ đẹp của những ngôi nhà cổ.