New Southbound Policy Portal

Bán đảo Hằng Xuân, điệu ca cổ theo lối hát mới Chuyến du ngoạn bằng xe đạp trên tuyến Tỉnh lộ số 26

Bán đảo Hằng Xuân, điệu ca cổ theo lối hát mới

 

 Tỉnh lộ số 26 là con đường quốc lộ ven biển bao quanh bán đảo Hằng Xuân, trong chuyến du ngoạn bằng xe đạp, ngoảnh đầu nhìn lại sẽ thấy một bên là trời xanh biển biếc hòa chung làm một, còn bên kia là những dãy núi cao sừng sững xanh ngút ngàn. Đạp xe dạo một vòng thị trấn nhỏ, giống như lật mở một trang lịch sử Đài Loan chưa từng đọc qua, sự giao thoa giữa các nhóm cộng đồng dân tộc trên mảnh đất này đã lưu giữ những dấu tích và câu chuyện quý giá.

 

 Chuyến du ngoạn bằng xe đạp khởi hành từ khu thành cổ Hằng Xuân, 4 cổng thành được xây vào thời nhà Thanh, là thành cổ còn giữ được nguyên vẹn nhất của Đài Loan. Người dân địa phương vẫn hay nói theo kiểu “trong thành”, “ngoài thành” để chỉ vị trí mà mình sắp đến, hoặc dùng cách nói như vậy để chỉ đường cho người từ nơi khác đến. Công trình kiến trúc từ hơn một trăm năm trước, mặc dù vẻ bề ngoài phần nào đã bị hủy hoại, nhưng lại tạo ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống của con người thời hiện đại.

 

Những người trẻ tuổi của “Cửa hàng quà tặng Sansir”

 Đạp xe trên con phố nằm gần cổng thành phía Tây, “Cửa hàng quà tặng Sensir” (Cửa hàng của Công ty Lishan Eco tại huyện Bình Đông) đã thu hút ánh nhìn của chúng tôi bởi tên gọi của nó.

 Trong tên gọi của cửa hàng này thì chữ “Sen” (âm Hán-Việt là “Sâm”) với ngụ ý chỉ rừng, chữ “sir” (âm Hán-Việt là xã) có ý nghĩa là khu dân cư, hóa ra đây là điểm chuyên về du lịch sinh thái của khu dân cư. Cửa hàng này chủ yếu bán nông sản phẩm và các món quà tặng đặc sắc của bán đảo Hằng Xuân, nếu có nhu cầu sắp xếp hành trình du lịch, du khách cũng có thể tìm hiểu thông tin tại đây. Đội ngũ “Taiwan Panorama” cũng từng ghé thăm nơi đây vào năm 2016 và đã phỏng vấn ông Miles Lin, người sáng lập “Công ty sinh thái Lishan Eco” để tìm hiểu về quá trình khởi nghiệp và nghe giới thiệu về “Cửa hàng quà tặng Sensir”- cửa hàng thực tế mà ông kinh doanh.

 Công ty Lishan Eco thành lập vào năm 2012, đã có 15 năm gắn liền với địa phương, tới nay đã từng giúp 11 khu dân cư khai thác phát triển 46 tuyến du lịch sinh thái, đào tạo được 133 hướng dẫn viên giới thiệu khu dân cư. Số lượng khách du lịch từ lúc mới đầu vài chục người, tới nay đã tăng lên tới vài nghìn người, “Trong đó doanh thu năm ngoái chỉ của riêng khu dân cư Sheding đã đạt trên 3 triệu Đài tệ, toàn bộ được đầu tư trở lại cho khu dân cư, nuôi sống rất nhiều cư dân và thanh niên trẻ về quê”, ông Miles Lin cho biết.

 Ông Trần Tuấn Dung (Chen Jyun Rong), người phụ trách công tác đào tạo hướng dẫn viên của khu dân cư cho biết, hướng dẫn viên ở độ tuổi từ 40 đến 65 tuổi, họ có rất nhiều câu chuyện kể về cuộc sống, kết hợp thêm với khóa đào tạo của giáo sư đại học nên đã bù đắp được sự thiếu hụt về kiến thức chuyên môn.

 Ngoài đào tạo những cư dân lớn tuổi, đội ngũ của Lishan Eco cũng cùng họ sáng tác, thể hiện những tài sản văn hóa kinh điển từ góc nhìn trẻ trung. Ông Miles Lin lấy dân ca Hằng Xuân làm ví dụ, “Những bài dân ca kể về cuộc sống thời xưa, ông bà tổ tiên sau khi di dân tới Đài Loan, vì cuộc sống rất vất vả nên đã chơi đàn nguyệt để giải toả áp lực, nhưng con người thời nay rất khó thấm được những giai điệu dân ca đầy ai oán”. Vì vậy, thành viên của đội ngũ Lishan Co - Du Dương Tâm Bình (Yu Yang Shin Ping) đã cải biên những bài dân ca, kết hợp với các bà các cô thành lập ra đoàn hát dân ca, cùng chơi đàn nguyệt, tham gia Lễ hội dân ca bán đảo Hằng Xuân.

 

Hằng Xuân xây thành, vị thế thay đổi

 Trạm tiếp theo là tới cổng thành phía Tây để khám phá lịch sử của Hằng Xuân sau khi xây thành.

 Chúng tôi mời nhà nghiên cứu văn hóa lịch sử địa phương Niệm Cát Thành (Nian Jicheng) giới thiệu, giảng giải về lịch sử của ngôi thành cổ Hằng Xuân và hướng dẫn tham quan những điểm du lịch xung quanh. Văn phòng làm việc của ông lấy tên là “Lang-Qiao”, là tên gọi thời cổ của Hằng Xuân theo ngôn ngữ của tộc người nguyên trú Paiwan để khám phá mảnh đất này với góc nhìn của tộc người thổ dân chứ không phải xuất phát từ quan điểm của người Hán.

 Vào triều đại nhà Thanh, Lang-Qiao vốn bị triều đình coi là vùng đất man di mọi rợ, nhưng sau một số vụ xâm phạm bằng vũ trang của người ngoại quốc liên tiếp xảy, ra như vụ nước Mỹ trả đũa trong sự kiện những người Mỹ gặp nạn trên con tàu Rover bị đắm đi lạc vào địa bàn của tộc người thổ dân nên bị giết hại xảy ra vào cuối thế kỷ thứ 19, hay sự kiện Sinvaudijan (Mudanshe) xảy ra vào năm 1871, là vụ tấn công quân sự của chính quyền Nhật để trả đũa thổ dân Đài Loan vì đã giết hại những người Nhật bị đắm tàu đi vào địa phận của họ trước đó. Khi đó, triều đình nhà Thanh mới bắt đầu ý thức được tầm quan trọng của vùng đất này và đã lập thành huyện để cai trị. Vị khâm sai của triều đình Thẩm Bảo Trinh (Shen Baozhen) được cử đến đây cai quản thấy rằng nơi đây 4 mùa đều đẹp như mùa xuân, vì vậy đặt tên là “Hằng Xuân”. Địa danh mới này không chỉ cho thấy Hằng Xuân bắt đầu được triều đình chú trọng, mà cũng tượng trưng cho việc văn hóa của người Hán bắt đầu du nhập ồ ạt vào đây.

 Ông Niệm Cát Thành cầm cuốn sách cổ lên, tay chỉ hình bản đồ trong sách, đối chiếu với phong cảnh thực tế và giải thích một cách say sưa rằng: “Sở dĩ xây thành tại Hằng Xuân là vì điều kiện phong thủy tốt. Phía sau có ngọn núi Tam Đài (Santaishan), bên trái có hồ Long Loan (Longluantan), bên phải có núi Hổ Đầu (Hutoushan), phía trước còn có núi Tây Bình (Xipingshan) tạo thành bức bình phong”. Thời xưa, những người sống ở trong thành là những gia tộc quyền thế, còn sống ở ngoài thành là tầng lớp thường dân.

 Hỏi ông Niệm Cát Thành tại sao lại say mê lịch sử của Hằng Xuân đến vậy, ông cười và nói rằng: “Tôi buộc phải làm vậy thôi! Vì tôi có quá nhiều câu chuyện!”. Nhiều năm trước, ông phát hiện một tập ảnh đen trắng ở tủ đầu giường của mẹ mình, vì muốn tái hiện lịch sử nên ông bắt đầu tham gia vào công việc nghiên cứu văn hóa lịch sử của bán đảo Hằng Xuân. Sau khi khảo sát, ông phát hiện trong ảnh là những người Đài Loan được tuyển mộ đến khu vực Nam Dương trong thời kỳ Nhật Bản thống trị Đài Loan, những người này đang xếp hàng tập trung ở trước Công hội đường Hằng Xuân, trong đó có người chồng trước của mẹ ông. Ngoài ra, vì cha nuôi ông là người canh gác ngọn hải đăng ở Mũi Nga Loan (Eluanbi), vì vậy ông thường được nghe những câu chuyện về vùng đất xung quanh, vỉ thế, việc phải hiểu sâu sắc hơn về bán đào Hằng Xuân đã trở thành sứ mệnh của ông một cách rất tự nhiên.
 

Con đường cổ Alangyi nằm ở giáp ranh giữa khu vực Daren huyện Đài Đông và Suyhai thuộc huyện Bình Đông, là một trong những đoạn đường hiếm hoi chưa xây đường quốc lộ.

Con đường cổ Alangyi nằm ở giáp ranh giữa khu vực Daren huyện Đài Đông và Suyhai thuộc huyện Bình Đông, là một trong những đoạn đường hiếm hoi chưa xây đường quốc lộ.
 

Hướng dẫn viên giới thiệu hệ sinh thái của Công viên Sheding

 Chúng tôi đạp xe dọc theo tuyến Tỉnh lộ số 26, tới Công viên sinh thái Sheding để nghe giới thiệu về sinh thái khu dân cư.

 Ông Lại Vĩnh Nguyên (Lai Yongyuan) thường được du khách gọi thân mật là “Tiến sĩ Lại”, khi giới thiệu về các loài thực vật, ông sẽ liên kết với kinh nghiệm sống để rút ngắn khoảng cách giữa du khách với các loại thực vật. Và đối với những người ngày thường sống ở đô thị như chúng tôi, giống như lạc vào xứ sở thần tiên, không ngừng trầm trồ kinh ngạc với mỗi loài hoa cỏ cây cối bên cạnh, đặc biệt là khi băng qua khe nứt được hình thành bởi rạn san hô, tận mắt chứng kiến kỳ quan được tạo ra bởi sự chèn ép của vỏ trái đất từ 300.000-500.000 năm trước.

 “Đây là vết chân của hươu sao phải không?”, có người cúi đầu quan sát tỉ mỉ dấu vết để lại trên đất bùn, rất mong có cơ hội bắt gặp hươu sao. Chúng tôi lần theo dấu vết, phát hiện dấu chân biến mất khi tới khu rừng. Đang lúc cả nhóm cảm thấy thất vọng, ông Lại Vĩnh Nguyên đã đưa mọi người tới một khu rừng khác, đúng lúc đó hai con hươu sao đang ló đầu ra nhìn chúng tôi chằm chằm khiến mọi người rất ngạc nhiên và thích thú, chỉ dám reo khe khẽ để không làm chúng giật mình.

 

Nhân viên khảo sát giống cua ẩn sĩ ở Jia-Le-Shuei

 Tiếp tục đạp xe về hướng Nam, tới bãi biển ở gần khu vực Jia-Le-Shuei để ngắm sao khi màn đêm đã buông xuống, bắt gặp một người đàn ông đeo chiếc đèn soi trên đầu, một tay cầm một chiếc kẹp dài, còn tay kia xách một xô nước đang cắm cúi tìm kiếm gì đó. Khi tới gần hỏi thăm mới thấy trên trang phục của người đó có in hình con cua, thì ra đó là nhân viên khảo sát về giống cua ẩn sĩ Cổ Thanh Phương (Ku Ching-Fang).

 Trước đây, ông vốn là một thợ săn chim ưng, vốn rất tự hào về khả năng ngắm bắn rất chuẩn xác của mình nhưng ông cũng khiến Ban quản lý rừng Khẩn Đinh rất đau đầu, mỗi lần chỉ nghe thấy tiếng súng của ông mà không bắt được người. Mãi tới sau này, ông Cổ Thanh Phương phát hiện người thân luôn lo nơm nớp về mình, nhất là khi con gái ông thường cảm thấy phấp phỏng trong lòng mỗi khi được nghe thông tin tuyên truyền về bảo tồn sinh thái tại trường học, thế là ông gác súng săn xuống, không tiếp tục liều mình nữa.

 Giai đoạn chuyển đổi ban đầu, ông Cổ Thanh Phương nhiều lúc vẫn còn rất “ngứa tay” nhưng sau một hồi tự đấu tranh trong lòng, ông đã từ bỏ đam mê săn bắn, quyết định trở thành tình nguyện viên sinh thái. Mấy năm nay, ông đi theo các học giả tới đảo Christmas ở Úc, giao lưu với các nghiên cứu viên tại địa phương, học tập phương pháp bảo tồn sinh thái. Hiện nay ông dốc toàn tâm vào việc khảo sát và bảo tồn giống cua ẩn sĩ Mãn Châu ở Khẩn Đinh, thậm chí có nghiên cứu sinh còn lấy tên ông để đặt tên cho giống cua mới là “Parasesarma kui” để cảm ơn sự cống hiến trong nhiều năm nay của ông trong lĩnh vực này.

 

Sắc thái đa văn hóa ở khu bờ biển phía Đông

 Tại xã Mãn Châu (Manzhou), có một con đường cổ với bề dày lịch sử rất lâu đời, nằm ở giữa khu vực Mãn Châu và núi trồng trà, vì vậy được gọi là “đường cổ Mãn Trà”. Thời xa xưa, tộc người thổ dân Seqalu băng qua con đường này để ra biển bắt cá, còn trong thời kỳ Nhật Bản thống trị Đài Loan, học sinh tiểu học của trường dạy tiếng Nhật cũng đi học bằng con đường này; vì vậy, nó còn được gọi là “con đường bắt cá” hay “con đường học trò”.

 Trong thời kỳ Nhật Bản thống trị Đài Loan, trên khắp Đài Loan có tổng cộng 14 trường dạy tiếng Nhật, Mãn Châu là nơi đầu tiên mở trường và người đứng đầu Hằng Xuân khi đó là cựu Hiệu trưởng Trường Sư phạm Okinawa – ngài Sagara Nagatsuna. Qua đó có thể thấy được quyết tâm của chính quyền Nhật trong việc truyền dạy cho các tộc người thổ dân.

 Đạp dấn lên về phía Bắc, tới bộ tộc Syuhai sẽ được khám phá văn hóa của tộc người thổ dân địa phương.

 Ông Phan Trình Thanh (Pan Chengqing), Chủ tịch Hiệp hội phát triển khu dân cư Syuhai cho biết: “Vào mùa đông có rất nhiều người đi xe đạp tới đây tắm suối khoáng nóng, một lần chỉ mất 150 Đài tệ thôi, rất rẻ!”. Năm 1887, vị thủ lĩnh Jagarushi Guri Bunkiet dẫn đường cho đoàn thám hiểm George Taylor của nước Anh tới Đài Đông. Trên đường đi, họ phát hiện suối khoáng nóng Syuhai tuôn lên từ khe đá, sau đó người dân dựng nhà tại đây, tạo nên khu dân cư suối khoáng nóng. Ông Phan Trình Thanh cũng nhớ lại rằng, vì suối khoáng nóng nằm ở gần trường tiểu học, các bà mẹ thường dặn con mình tắm suối khoáng nóng xong rồi hãy về nhà, vì vậy, có học trò khi ra khỏi nhà đã nảy ra ý tưởng bóp một ít dầu gội đầu lên mái tóc, khi tan học có thể nhảy ngay xuống nước để tắm gội.

 Trạm cuối cùng chúng tôi đi về phía con đường cổ Alangyi, người địa phương Rang Rang chịu trách nhiệm làm hướng dẫn viên, chúng tôi đi vào từ lối vào ở Đạt Nhân, Đài Đông (Taidong Daren). Trước khi lên núi, phải băng qua một bãi sỏi dài 750m, những lớp sóng Thái Bình Dương liên tục vỗ vào bờ, trong không gian vang dội lên âm thanh “Ùng! Ùng!”. Rang Rang nói, vào các mùa khác nhau, đá sẽ được sóng biển gọt giũa thành những hình thù không giống nhau, rác trôi nổi trên biển cũng theo sóng biển bị dạt vào những vị trí khác nhau trên bãi biển.

 Sau một tiếng đồng hồ chúng tôi đã trèo lên tới đỉnh. Phóng tầm mắt ra xa, trong làn nước biển xanh ngắt có hai con rùa biển đang bơi, Rang Rang nói vui rằng: “Ở đây muốn chụp được tấm ảnh xấu cũng rất khó”.

 Ngắm nhìn phong cảnh biển bao la bát ngát, hồi tưởng lại những câu chuyện lịch sử được nghe mấy ngày gần đây, bỗng nhiên phát hiện ra rằng, vẻ đẹp của bán đảo Hằng Xuân không phải chỉ vì non cao biển rộng, mà còn là sự giao thoa, tương tác đa văn hóa giữa các tộc người đã để lại một ký ức chung, những sắc thái văn hóa quý giá đó đã tạo nên sức hút độc đáo của mảnh đất này.
 

 Xem thêm Bán đảo Hằng Xuân, điệu ca cổ theo lối hát mới Chuyến du ngoạn bằng xe đạp trên tuyến Tỉnh lộ số 26