New Southbound Policy Portal

Phim truyền hình Đài Loan tỏa sáng trên trường quốc tế PTS tạo mảnh đất màu mỡ cho điện ảnh và truyền hình

Giám đốc Ban Chương trình Đài truyền hình PTS Ư Bội Hoa tin chắc rằng, sử dụng rộng rãi các đề tài khác nhau, không e ngại việc thử sức với mọi thể loại phim, thúc đẩy ngành truyền hình sản xuất ra những bộ phim chất lượng, đó chính là trách nhiệm của Đài truyền hình PTS. (Ảnh do Kent Chuang chụp)

Giám đốc Ban Chương trình Đài truyền hình PTS Ư Bội Hoa tin chắc rằng, sử dụng rộng rãi các đề tài khác nhau, không e ngại việc thử sức với mọi thể loại phim, thúc đẩy ngành truyền hình sản xuất ra những bộ phim chất lượng, đó chính là trách nhiệm của Đài truyền hình PTS. (Ảnh do Kent Chuang chụp)
 

 Bộ phim “Con bạn không phải là con của bạn” (On Children) do Đài Truyền hình PTS sản xuất là bộ phim đầu tiên của Đài Loan được khởi chiếu đồng thời trên kênh truyền hình PTS và nền tảng phim trực tuyến Netflix, từ khi bắt đầu được phát sóng vào tháng 7 năm 2018 đến nay, đã tạo sự thảo luận sôi nổi của dư luận trong và ngoài nước.

 Bộ phim đi sâu vào tìm hiểu về mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, hệ thống giáo dục và các giá trị xã hội, với kịch bản được đóng gói theo kiểu phim khoa học viễn tưởng kỳ ảo. Tâm huyết và bước tiến mạnh mẽ của Đài truyền hình PTS trong sản xuất chương trình đã cho thế giới thấy được thực lực ưu việt của phim truyền hình Đài Loan.

 

 Bộ phim “Con bạn không phải là con của bạn” được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Ngô Hiểu Lạc (Wu Xiaole). Tiểu thuyết được tác giả viết từ kinh nghiệm giáo dục của gia đình mình, chính sự sùng bái chủ nghĩa học hành quá mức đã dần dần làm lệch lạc mối quan hệ trong gia đình. Năm 2015, PTS đã bắt đầu công tác chuẩn bị, dự kiến lấy nhân vật gia sư làm đường dây xuyên suốt, liên kết với câu chuyện của các gia đình, thêm gia vị bằng yếu tố tình yêu nhằm bao gói chủ đề giáo dục đầy chua chát, gai góc bằng một lớp vỏ bọc ngọt ngào mỹ miều. Bộ phim vốn dự kiến ra mắt vào cuối năm 2016 nhưng đã có sự thay đổi sau khi đạo diễn Trần Tuệ Linh (Chen Weiling) tái phát bệnh ung thư.

 

Tái xuất với mục tiêu nhắm vào thị trường quốc tế

 Nếu theo đúng dự định của kịch bản ban đầu, có thể sẽ gọt giũa chủ đề sắc bén thành một phiên bản mà đông đảo khán giả có thể chấp nhận nhưng như vậy lại làm mất đi sức mạnh của phiên bản gốc.

 Trong quá trình hóa trị, cô Trần Tuệ Linh luôn tự vấn: “Nếu như chỉ còn được làm 1 bộ phim cuối cùng thì tôi phải kể câu chuyện như thế nào?”, đồng thời khi nền tảng phim trực tuyến Netflix đặt chân tới Đài Loan, PTS đã nhìn thấy nhu cầu về phim truyền hình của các nền tảng phim trực tuyến quốc tế. Giám đốc Ban Chương trình Ư Bội Hoa (Yu Pei-hua) cho biết: “Phim của chúng ta rất hay, có chất lượng tốt để phát trên các nền tảng trực tuyến quốc tế, không hề thua kém các bộ phim quốc tế và cũng sẽ được khán giả háo hức đón xem”. Do vậy, PTS đã tái khởi động sản xuất bộ phim “Con bạn không phải là con của bạn” với mục tiêu rất rõ ràng: “Hy vọng tiếp cận được với các nền tảng trực tuyến quốc tế để cả thế giới đều có thể xem được phim truyền hình Đài Loan”.

 Thoát khỏi khuôn mẫu phim thần tượng trước đây, bộ phim trực tiếp lấy mối quan hệ giữa con cái và cha mẹ làm điểm nhấn, đưa thêm vào yếu tố khoa học viễn tưởng để sản xuất ra phim bộ 10 tập theo 5 chủ đề độc lập gồm: “Chiếc điều khiển của mẹ” (Mother’s Remote), “Con của mèo” (Child of the Cat), “Ngày cuối cùng của Molly” (The Last Day of Molly), “Khổng tước” (Peacock), “Cần phải tăng động” (ADHD).

 Xét thấy các nền tảng trực tuyến quốc tế đều đòi hỏi khá cao về chất lượng âm thanh, hình ảnh, nên PTS đã nâng cấp thông số kỹ thuật từ HD lên 4K. Vì vậy, không những phải nâng cấp thiết bị quay phim, mà việc sắp xếp và bài trí từng cảnh quay trong phim cũng phải hết sức cầu kỳ. Việc trang trí khung cảnh gia đình, gam màu của 5 chủ đề phim độc lập đều được định hình theo tình tiết trong phim, từng chi tiết khoa học viễn tưởng cũng yêu cầu phải hết sức chân thực.

 Ví dụ, trong chủ đề “Ngày cuối cùng của Molly - The Last Day of Molly”, khi mẹ của Molly đến phòng thí nghiệm nghiên cứu khoa học não bộ mà con trai của người bạn đang làm việc, ngồi trên ghế phẫu thuật và đeo máy cảm ứng là có thể cảm nhận được ký ức trong bộ não của cô con gái đã qua đời. Toàn bộ phòng thí nghiệm đều được nhân viên mỹ thuật dàn dựng từ một căn nhà trống không. Cô Ư Bội Hoa lấy ví dụ, để tạo ra cảnh quay về công nghệ cao, nếu máy cảm ứng đeo trên đầu mà thay bát bằng xốp hoặc mũ bảo hiểm thì rất buồn cười, khán giả khó có thể chấp nhận.

 Cảnh quay chân thực sống động, nội dung phim hấp dẫn đương nhiên sẽ nắm chắc phần thắng khi trình chiếu trên các nền tảng trực tuyến quốc tế. Sau khi xem xong clip 17 phút hình ảnh hậu trường do PTS cung cấp, Netflix đã quyết định hợp tác, khởi chiếu đồng thời với kênh truyền hình.

 

Chủ đề có sức ảnh hưởng, liên tục tạo hiệu ứng tích cực ở trong và ngoài nước

 Trước khi chính thức trình chiếu, Netflix đã cho chiếu đoạn trailer quảng cáo dài 3 phút của bộ phim “Con bạn không phải là con của bạn” trên trang Fanpage. Clip này đã tập hợp những đoạn thể hiện lời dặn dò và kỳ vọng lớn lao của các bà mẹ đối với thành thích học tập của con cái xen lẫn hình ảnh khóc lóc, la hét hoặc chống đối của những đứa con, kết hợp với nhạc nền có tiết tấu nhanh, tình tiết căng thẳng đã khá “gây sốc” cho người xem. Nếu so sánh với số lượng lượt vài chục nghìn lượt người truy cập của các đoạn trailer giới thiệu phim khác thì trailer quảng cáo của bộ phim này đến nay đã cán mốc 1,6 triệu lượt người xem.

 Sự phát triển không biên giới của các nền tảng nghe nhìn trực tuyến đã khiến phim truyền hình của PTS vượt ra khỏi nhóm khán giả quen thuộc, vượt ra khỏi biên giới quốc gia. Tính đến tháng 11 năm 2020, bộ phim “Con bạn không phải là con của bạn” vẫn đứng đầu trong loạt phim ăn khách nhất trên nền tảng trực tuyến Netflix tại Nhật Bản, nhiều cư dân mạng dùng từ “Địa ngục tình thân” để miêu tả sự đồng cảm của mình. Trang web giải trí “Decider” trực thuộc tờ nhật báo “New York Post” của Mỹ đã đưa ra lời khẳng định tích cực và khuyên người xem đừng bỏ lỡ sêri phim này.

 Với tư cách là kênh truyền hình công chúng quốc gia, với mục tiêu sản xuất chương trình là để “phân tích và giải thích những vấn đề và quan điểm quan trọng”, PTS hiểu rõ trách nhiệm xã hội thông qua việc dẫn dắt vấn đề, lập trường không được quá thiên lệch. Vì vậy ngay từ ngày đầu lên kế hoạch cho đến khi tuyên truyền hậu kỳ cho bộ phim “Con bạn không phải là con của bạn”, cả đoàn làm phim luôn ghi nhớ lời dặn của nhà văn Ngô Hiểu Lạc, đó là “đừng xây dựng hình ảnh các bậc cha mẹ theo kiểu quỷ quái”.

 Các tập phim không chỉ đề cập đến sức ép mà con cái phải chịu đựng từ phía cha mẹ, mà trong phim còn thấy được sức ép vô hình của môi trường sống xung quanh đã tác động đến cha mẹ như thế nào. “Đó không phải là lỗi của cha mẹ, cũng không phải là vấn đề của riêng một chế độ nào. Nếu chúng ta không thay đổi những quan niệm thâm căn cố đế thì cho dù chế độ có được cải thiện hoàn hảo hơn cũng chẳng có tác dụng gì, hay giáo dục dù có được cải cách theo hướng không còn coi trọng thành tích thì cũng vô ích, bởi sự nhỏ nhen tiềm ẩn ở chính bên trong con người bạn”, cô Ư Bội Hoa chia sẻ như vậy.

 Rút kinh nghiệm từ sự kiện đã từng xảy ra tại Mỹ: Học sinh trung học tự tử do bắt chước một bộ phim dài tập được phát sóng, vì vậy trước mỗi nội dung phim, PTS đều đưa thêm vào những lời chia sẻ ấm áp của các diễn viên đóng vai những người con. Ví dụ như: “Yêu là quan tâm, là một cái ôm và sự tôn trọng, nhưng không phải là làm tổn thương. Hôm nay bạn đã nói lời yêu thương chưa?” Ngoài ra, sau mỗi tập phim còn cho mời các chuyên gia trong lĩnh vực tâm lý và quan hệ gia đình diễn giải trò chuyện về mối quan hệ vợ chồng, quan hệ giữa cha mẹ và con cái, về sự gây sức ép bằng tình cảm, v.v... để nhắc nhở khán giả cách giải quyết những tình huống tương tự trong cuộc sống hàng ngày.

 

Phát triển phim truyền hình Đài Loan đa dạng hóa

 Quan sát sự đa dạng của phim truyền hình quốc tế, phim truyền hình Đài Loan hầu như chỉ bó hẹp ở loại phim về đạo đức gia đình và phim thần tượng. Khi loại hình phim truyền hình có xu hướng đơn nhất thì không thể nâng cao tố chất văn hóa của khán giả. Ngoài việc tính toán đến yếu tố thương mại, PTS đương nhiên cũng có thể thử nghiệm khả năng phát triển của nhiều thể loại phim hơn.

 Ví dụ bộ phim “Green Door” phát hành vào tháng 2 năm 2019 là phim kinh dị tâm lý đầu tiên của PTS, được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Đài Loan Joseph Chen, do ca sĩ Tiêu Kính Đằng (Jam Hsiao) vào vai một nhà trị liệu tâm lý chuyên tư vấn tâm lý cho những người bị ma nhập. Đối tượng được trị liệu vô cùng kỳ quái, có thể là một mỹ nhân không rõ bị rối loạn nhân cách hay bị cô hồn nhập vào, có thể là một nữ sinh trung học mắc kẹt trong gương bị tuyên bố 30 năm sau sẽ lìa đời v.v... Thông qua việc tìm hiểu sâu hơn về các cung bậc tâm lý, bộ phim khắc họa nhu cầu theo đuổi hạnh phúc và cảm giác an toàn của con người.

 Một tác phẩm khác “Khoảng cách giữa chúng ta và cái ác” (No Outsiders) lại xuất phát từ các vụ giết người ngẫu nhiên để nghiên cứu về trạng thái tâm lý của hung thủ và gia quyến của người bị hại, trong đó có liên quan đến các mặt khác nhau của xã hội như: sự tự cảnh tỉnh của truyền thông, sự đấu tranh giằng xé vì luật nhân quyền.

 Để tạo sự tìm tòi có tính tiên phong hơn cho ngành nghề, vào năm 2017, PTS đã bắt đầu sản xuất chương trình “Phim sáng tạo”, trưng cầu những dự án phim có trí tưởng tượng táo bạo gồm các thể loại phim hình sự, khủng bố, kinh dị, khoa học viễn tưởng v.v..., để các tác giả có thêm nhiều không gian phát huy sáng tạo.

 Ngay khi vừa  triển khai, chương trình trưng cầu đã thu hút được rất nhiều dự án sáng tạo, ví dụ như phim ma giả tưởng “Vô biên” (Samsara) mô tả câu chuyện vào năm 2020, toàn thể nhân loại rơi vào trạng thái hôn mê, 49 giây sau tỉnh lại, mọi người đều có thể nhìn thấy ma quỷ, thế giới mà người và ma quỷ cùng chung sống sẽ như thế nào là điều mà con người khó tưởng tượng nổi.

 “Công lý hoàn hảo” (Perfect Justice) là một bộ phim hình sự hiếm hoi ở Đài Loan. Để quay được bộ phim hình sự thu hút thì phải có những cảnh đấu súng và hiệu ứng súng đạn giống y như thật, còn cảnh hóa trang đặc biệt trong phim kinh dị thì lại là kiến thức khác. Những khả năng cần thiết đằng sau những bộ phim này là kinh nghiệm được tích lũy dần từ lần này qua lần khác, từ đó mới có thể khiến ngành điện ảnh và truyền hình ngày càng phát triển hơn.

 PTS sản xuất các chương trình truyền hình dưới các dạng phim và phối hợp với các rạp chiếu phim tổ chức liên hoan phim nhằm mang đến cho công chúng những trải nghiệm xem phim khác biệt. Ngoài việc phát sóng trên kênh truyền hình, PTS cũng đã đưa những bộ phim truyền hình chất lượng cao này tới các liên hoan phim quốc tế và giành được nhiều giải thưởng, ví dụ như bộ phim “Dòng đục” (Upstream) đã lọt vào danh sách đề cử tại Liên hoan phim Thế giới Montreal, phim “Câu thơ cuối cùng” (Last Verse) lọt vào danh sách đề cử tại Liên hoan phim Quốc tế Busan.

 Trong thời đại trỗi dậy của các nền tảng nghe nhìn trực tuyến, khán giả đã vượt khỏi ranh giới quốc gia, chỉ có cách không ngừng nâng cao chất lượng phim truyền hình mới có thể thu hút được sự chú ý của quốc tế. Chúng ta kỳ vọng PTS sẽ mang lại nhiều khả năng phát triển hơn cho phim truyền hình Đài Loan, để thế giới thấy được thực lực về văn hóa và ngành công nghiệp điện ảnh Đài Loan.