New Southbound Policy Portal

Khơi dậy trí tưởng tượng đối với Mái ấm gia đình Trường Thực nghiệm Công nghệ gỗ Hoài Đức Cư đẹp nhất Đài Loan

Ông Lâm Đông Dương cho rằng, nghề mộc tuy là một kỹ nghệ truyền thống nhưng ta nên tạo cho chúng có giá trị mới.

Ông Lâm Đông Dương cho rằng, nghề mộc tuy là một kỹ nghệ truyền thống nhưng ta nên tạo cho chúng có giá trị mới.
 

 Nhìn môi trường và cách bày trí ngôi nhà, ta có thể thấy được ý tưởng của chủ nhân đối với ngôi nhà của mình. Chiếc bàn dài được làm theo phương pháp thủ công bằng loại gỗ hồ đào thể hiện phong cách đơn giản nhưng đậm chất thẩm mỹ cùng sự gọt đẽo tỉ mỉ với tinh thần của người làm nghề đầy tâm huyết. Ngành sản xuất đồ nội thất thủ công của Đài Loan vốn đang dần mai một, nhưng từ sau khi trường Thực nghiệm Công nghệ gỗ Hoài Đức Cư (the HDG Non-Profit Experimental Woodworking School) được thành lập, đến nay đã 15 năm, nhà trường đã đào tạo rất nhiều nghệ nhân thế hệ mới. Nền tảng kiến thức về thiết kế và nghệ thuật của họ đã mang lại sự đột phá mới chưa từng có trong ngành sản xuất đồ nội thất trong nước.

 

Công nghệ gỗ “Thiếu Lâm Tự”

 Có một số học viên trường Hoài Đức Cơ gọi trường  mình là “Trường Thực nghiệm Công nghệ gỗ Thiếu Lâm Tự”. Mỗi lần đến trường học chi nhánh Lâm Khẩu, học viên đều phải leo núi, vòng theo con đường núi quanh co, sau cùng mới có thể đẩy cánh cổng trường nằm lọt thỏm trong những tàng cây rậm rạp để bước vào khuôn viên trường. Trong phòng học rộng lớn bày đầy những đồ nội thất do học sinh làm ra, đó là sự tưởng tượng của học sinh đối với Ngôi nhà. Tại ngôi trường này, mục tiêu giảng dạy là để cho học sinh tận hưởng niềm vui trong việc chế tạo đồ gỗ, tự do sáng tạo theo ý mình.

 Được khuyến khích bởi một nhóm bạn có ý muốn học làm đồ gỗ, người sáng lập trường, ông Lâm Đông Dương (Lin Tong Yang) cuối cùng đã quyết định cải tạo trang trại nuôi heo của ngôi nhà cũ thành trường Thực nghiệm Công nghệ gỗ và lấy tên ngôi nhà cũ “Hoài Đức Cư” đặt tên cho ngôi trường mới này.

 Ông Lâm Đông Dương lấy mô hình giảng dạy của Trường Cao đẳng Kỹ thuật Catholic St. Joseph làm mục tiêu phấn đấu với hy vọng xây dựng một ngôi trường đào tạo nghề làm đồ gỗ có thực lực theo phương thức truyền nghề. Dưới dự hướng dẫn của giáo viên, học viên có thể làm ra tác phẩm độc đáo của riêng mình. Điều này khác với các trường công nghệ gỗ khác, bài tập của tất cả học viên đều phải thống nhất thực hiện theo tác phẩm đã được chỉ định.

 Nhằm tạo điều kiện cho nhiều người có cơ hội được đào tạo công nghệ chế biến gỗ, vào cuối năm 2019, trường Hoài Đức Cư đã mở rộng hợp tác với các trường đại học. Đại học Quốc lập Đài Bắc (National Taipei University) cung cấp hơn 1.800 m2 đất, nhà trường kêu gọi gây quỹ được 35 triệu Đài tệ xây dựng “Cơ sở nghề mộc” trong khuôn viên trường đại học Quốc lập Đài Bắc. Đằng sau sự nỗ lực của ông Lâm Đông Dương không chỉ là niềm hy vọng mở ra hướng đi mới cho thợ mộc Đài Loan thoát khỏi cảnh chỉ “sửa chữa phục hồi đồ nội thất”, mà còn còn hy vọng ngành sản xuất đồ nội thất có thể trân trọng vật liệu gỗ – một loại vật liệu ta không dễ dàng có được. “Gỗ là vật liệu thiên nhiên, không nên dùng phương thức sản xuất công nghiệp để sản xuất sản phẩm làm bằng gỗ với số lượng lớn. Với cái cây 100 tuổi thì cần phải được gia công chế tạo tốt để nó không bị hư hại trong thời gian ngắn”.

 

Công ty đồ nội thất Lo Lat: Người thợ mộc xuất thân từ nhà thiết kế

 Người sáng lập công ty đồ nội thất Lo Lat (Lo Lat Furniture and Objects) ở Đài Trung-anh Trần Dịch Phu (Chen Ifu) từng theo học tại trường Hoài Đức Cư 2 năm. Theo học ngành Thiết kế Công nghiệp ở bậc đại học, sau khi tốt nghiệp, anh đảm nhiệm việc thiết kế sản phẩm khoa học công nghệ nhưng trong lòng vẫn luôn hướng về nghề làm mộc. Có một năm anh sang Nhật Bản du lịch, những chiếc ghế do địa phương sản xuất đã để lại ấn tượng khó phai trong lòng anh. Do đó, sau khi trở về Đài Loan, anh bắt đầu dò tìm nơi dạy nghề làm mộc để theo học.

 Ngày thường anh Trần Dịch Phu đi làm, ngày nghỉ anh đến trường Thực nghiệm Công nghệ gỗ Hoài Đức Cư học nghề. Anh Phu tạm thời rời tay khỏi bàn phím, thoát khỏi màn hình vi tính, thông qua đôi mắt và cảm xúc của đôi bàn tay khi sờ lên nguyên liệu gỗ, trải nghiệm quá trình chăm chút từng nét đục, từng nhát dao khắc, dao trổ mới thấu hiểu được sự khác biệt về sắc thái giữa nghề làm mộc và nghề thiết kế như thế nào. “Trước kia chỉ cần nhấp chuột là có thể cho ra mô hình nhưng sau khi theo học công nghệ chế biến gỗ mới biết là phải để lại 1 phần gỗ ở góc”. Anh nhận thấy rằng phải thực sự bắt tay vào làm mới có thể giúp nhà thiết kế hiểu được những khó khăn và thách thức khi chế tác sản phẩm.

 Khi theo học tại trường Hoài Đức Cư, dưới sự hướng dẫn của thầy Sâm (Sen Pingfang), anh Trần Dịch Phu dần dần tìm hiểu cấu tạo của đồ nội thất làm bằng gỗ. Có một lần ở nhà bà ngoại, anh phát hiện chiếc “ghế con công”, tuy cấu tạo của ghế khá hoàn chỉnh nhưng anh thấy về phương diện trọng lượng, ngoại hình thì chiếc ghế này vẫn còn chỗ để thêm bớt cái gì đó. Sau khi được sự khích lệ của ông Lâm Đông Dương, anh đã mạnh dạn bắt tay vào việc cải tạo “ghế con công”, biến chiếc ghế này thành “ghế chim én” (“swallow chair”) .

 Năm 2013, anh Trần Dịch Phu và bạn gái mình là cô Hứa Gia Dục (Hsu Chia Yu) cùng mấy người bạn thiết kế thân thiết trưng bày sản phẩm nội thất do chính tay họ thiết kế nhân Tuần lễ Nhà thiết kế Đài Loan. Những lời cổ vũ khích lệ của khách tham quan triển lãm lúc bấy giờ khiến họ có thêm động lực và lòng tin xây dựng thương hiệu đồ nội thất chính hiệu Đài Loan. Vừa hay vào cuối năm đó có người bạn muốn nhượng lại xưởng làm đồ gỗ, vậy là anh Trần Dịch Phu nhân cơ hội này mua lại xưởng, năm sau anh xin nghỉ việc để có thể chuyên tâm kinh doanh công ty đồ nội thất Lo Lat.

 Hiện tại, công ty đồ nội thất Lo Lat có dịch vụ nhận đơn đặt hàng theo yêu cầu của khách, khách hàng có thể lựa chọn loại gỗ và kích thước trong quy cách nhất định của công ty. Người tiêu dùng cũng có thể đến xưởng mộc của công ty ở Đài Trung để tham quan quá trình sản xuất chế tạo cũng như thành phẩm vào chiều thứ bảy hàng tuần. “Khi có sự tiếp xúc giữa người mua và người bán thì những đồ bạn mua mới có ý nghĩa”. Cô Hứa Gia Dục cho rằng, khi khách hàng tận mắt nhìn thấy đồ nội thất được mài dũa từ từ ra hình ra dáng trong môi trường nóng nực thì món đồ nội thất này sẽ có ký ức và sự cảm nhận; còn khi nhân viên của công ty Lo Lat nhìn thấy diện mạo của khách hàng thì họ có thể hình dung ra cảnh gia đình khách hàng này sẽ sử dụng đồ nội thất như thế nào, họ sẽ có cảm xúc và gửi gắm những kỳ vọng khi chế tạo mặt hàng chứ không sản xuất như một cái máy không có tình cảm.

 Đối mặt với xu hướng coi trọng thiết kế, xem nhẹ công nghệ làm đồ gỗ của Đài Loan hiện nay, anh Trần Dịch Phu cho rằng: “Hai phương diện này phải tôn trọng lẫn nhau, không nên tự kiêu. Nhà thiết kế phải thể hiện chuyên môn của mình, truyền đạt một cách rõ ràng rành mạch về ý tưởng thiết kế của mình cho sư phụ làm mộc, cũng phải biết rõ khúc gỗ này và giới hạn kỹ thuật như thế nào”. Anh nhận thấy từ lâu nay khâu thiết kế và khâu làm mộc trong ngành sản xuất đồ nội thất của Đài Loan thiếu sự hiểu biết lẫn nhau. Hiện tại, khi nhà thiết kế trẻ tuổi trao đổi với người thợ mộc cao niên luôn xảy ra va chạm nhưng nếu như muốn ngành sản xuất đồ nội thất trong nước có bước đột phá mới thì nhất định phải khắc phục được điểm này.

 

Xưởng mộc even : Biến trải nghiệm cuộc sống thành sáng tạo

 Cô Ngô Nghi Văn (Even Wu), người sáng lập xưởng chế tạo gỗ even (even studio), đã đoạt giải nhất trong cuộc thi Thủ công mỹ nghệ Đài Loan năm 2010 với tác phẩm “Ghế đẩu hình chiếc bánh” (cookie stool). Đây là một tác phẩm vô cùng sáng tạo nên lập tức thu hút sự chú ý của mọi người.

 Ngô Nghi Văn rất quí trọng vật liệu gỗ, cô có thói quen đến tiệm bán vật liệu gỗ cũ để tìm vật liệu mình cần. Có một hôm, khi đang bào bề mặt của khúc gỗ cũ, cô phát hiện mạt cưa rơi xuống đất như những mảnh vụn của bánh, từ đó cô nảy sinh ý tưởng làm ghế đẩu hình chiếc bánh. Tác phẩm này được làm ra bởi vật liệu gỗ cũ, khéo léo tận dụng khuyết điểm của khúc gỗ, biến nó trở thành một bộ phận của ghế. Những vết rạn nứt của gỗ trông giống như vết cắn trên chiếc bánh, tự nhiên nhưng vô cùng sống động.

 “Tác phẩm của tôi đại khái có thể chia làm 4 loại như sau: ký ức của tuổi thơ, bảo vệ môi trường, tác phẩm chữ lập thể và giao lưu văn hóa”. Cô Ngô Nghi Văn nói, khi còn là nghiên cứu sinh tại Trường đại học Giáo dục Quốc lập Đài Bắc, trong quá trình thảo luận với giáo sư, cô càng hiểu rõ mạch sáng tạo của mình. Và do có chuyên môn trong ngành thủ công mỹ nghệ khiến những tác phẩm gỗ của cô càng đa dạng hơn, ngoài kết cấu, cô còn chú trọng quan niệm sáng tác.

 “Thực ra ghế hình chiếc bánh có liên quan đến ký ức tuổi thơ của tôi. Lúc đó tôi không được ăn bánh ở nhà nên đến trường học tôi thường đòi bạn cho tôi ăn bánh. Giờ nghĩ lại, cảm giác đó thật đáng ghét”. Cô Ngô Nghi Văn kể về câu chuyện cuộc đời mình qua những tác phẩm cô làm ra. Và một tác phẩm khác của cô – “Chiếc máy truyền hình của học trò nhỏ” thì nói về tuổi thơ mê xem truyền hình của cô tới độ thường quên đi những việc mà cha đã dặn dò. Do đó, nay cô thiết kế một cái bảng nhỏ trên chiếc tủ có hình dáng như chiếc máy truyền hình, người sử dụng có thể ghi những việc cần làm lên đó, coi như đây là cách giải quyết vấn đề nan giải của cô khi còn nhỏ.

 Hồi tưởng lại 8 năm miệt mài tôi luyện ở trường Hoài Đức Cư, cô nói: “Kỹ thuật ở trường nhiều đến nỗi ta không thể nào học hết”. Hồi đó khi cô mới tốt  nghiệp đại học, tuy có một số kiến thức cơ bản về nghề làm mộc nhưng đối với mục tiêu kế hoạch theo học chương trình nghiên cứu sinh là sáng lập thương hiệu tác phẩm gỗ cá nhân thì vẫn còn một khoảng cách về kỹ thuật. Do đó, cô chạy xe máy đến Lâm Khẩu tìm hiểu về ngôi trường Hoài Đức Cư. Ông Lâm Đông Dương nhìn thấy cô gái trẻ đến bái sư học nghề liền cho cô vào trường theo thầy Trí học nghề làm mộc.

 Cô Ngô Nghi Văn rất chăm chỉ, không ngừng học hỏi. Hiện nay ngoài việc nhận đơn đặt hàng, cô còn là giáo viên tại Cơ sở nghề mộc của trường Hoài Đức Cư, hướng dẫn sinh viên đại học nhận biết vật liệu, từng bước làm quen với vật liệu gỗ, sau đó chế tạo chúng theo cách thích hợp. Cô cho rằng như lời nói của ông Lâm Đông Dương, một cái cây cần đến mấy chục năm mới có thể trở thành vật liệu cho con người sử dụng, đối diện với “Sinh mạng cao niên” này, phải có lòng biết ơn. Do đó, mỗi khi hoàn thành một tác phẩm, cô liền trồng một cây con ở gần xưởng mộc của mình.

 Hai bên lối nhỏ dẫn vào trường Hoài Đức Cư là hàng cây tần bì griffith xanh tươi rậm rạp. Nhìn cảnh này ta không thể nào biết rằng trước đây có một dạo hàng cây này héo rũ sắp chết. Sau gần 15 năm, ngành sản xuất đồ nội thất Đài Loan bắt đầu được rót thêm động lực mới với sự gia nhập của lớp trẻ, dung hòa hai yếu tố nghệ thuật và thiết kế, mở ra hướng phát triển mới. Và thế hệ trẻ này cũng đang tiếp tục gieo hạt giống cải tạo, hy vọng trong tương lai mảnh đất này sẽ có những đổi mới.