New Southbound Policy Portal

Biến ước mơ thành hiện thực tại xứ người Kế hoạch chắp cánh ước mơ cho di dân mới và con em thế hệ hai

Ủy viên chuyên môn tại Tổ Sự vụ di dân Lý Minh Phương trưng bày thành quả phong phú của “Kế hoạch chắp cánh ước mơ cho tân di dân và con em thế hệ hai” trong những năm qua.

Ủy viên chuyên môn tại Tổ Sự vụ di dân Lý Minh Phương trưng bày thành quả phong phú của “Kế hoạch chắp cánh ước mơ cho tân di dân và con em thế hệ hai” trong những năm qua.
 

 Ước mơ dù lớn hay nhỏ, có can đảm để thực hiện đã là một thành tựu vĩ đại. Kế hoạch chắp cánh ước mơ cho di dân mới và con em thế hệ hai (gọi tắt là Kế hoạch chắp cánh ước mơ) của Sở Di dân thuộc Bộ Nội chính bắt đầu thực hiện từ năm 2015, đến nay đã giúp ích cho hơn 250 người và đã đạt được nhiều thành quả trong việc thúc đẩy sự trưởng thành và xúc tiến giao lưu đa văn hoá song phương.

 Đài Loan là một quốc gia thân thiện và bao dung, di dân mới khi đến môi trường lạ lẫm này không những có thể nhanh chóng hoà nhập với văn hoá địa phương, mà còn có thể tự do phát huy bản sắc văn hóa của quê hương mình. Trong không khí thân thiện của Đài Loan, họ có thể trưởng thành một cách vui vẻ, tự tin cống hiến cho xã hội và toả sáng trong hạnh phúc.

 

Ước nguyện đầy cảm động

 “Mỗi khi nhớ lại về tâm nguyện của họ, tôi lại cảm thấy xót xa”. Chuyên viên tại Tổ Sự vụ dân sự của Sở Di dân Lý Minh Phương (Lee Ming-fang) chia sẻ về những kỷ niệm khi thực hiện “Kế hoạch chắp cánh ước mơ” trong những năm qua, đôi mắt bất giác đỏ hoe, những cảm xúc cảm động khó diễn tả nên lời.

 “Thật ra những gì mà họ muốn không nhiều, nhưng khi ước mơ trở thành sự thật, niềm vui và sự xúc động đó khiến cho tôi khó mà quên được”. Cô Lý Minh Phương mở quyển sách thành quả của “Kế hoạch chắp cánh ước mơ” lần 1, đoạn viết về một con em tân di dân muốn học Taekwondo là Huỳnh Chí Dương (Huang Zhiyang), cùng với khoản học bổng có được từ kế hoạch, em đã hoàn thành hai nguyện vọng của mình, không những được hỗ trợ trang trải học phí và trang thiết bị liên quan cho môn Taekwondo, mà còn giúp mẹ mua được một chiếc máy giặt, từ nay về sau sẽ không cần phải còng lưng để giặt giũ bộ đồng phục võ thuật đầy bụi bẩn của con trai nữa. Khi Sở Di dân mang chiếc máy giặt được gắn băng rôn đến trước cửa, Huỳnh Chí Dương và mẹ đều cảm động rơi nước mắt.

 Một tấm ảnh ghi lại cảnh mẹ và các con ôm lấy nhau bên bãi biển, đằng sau đó là một câu chuyện cảm động lòng người. “Kế hoạch chắp cánh ước mơ giúp cho những hình tròn đã vỡ được chữa lành mãi mãi”. Nhờ có sự hiếu thảo của cô con gái và sự giúp đỡ của kế hoạch mà Trịnh Xuân Hạnh (Zheng Chunxing), một người đến từ đảo Hải Nam, trải qua hơn chục năm cuối cùng cũng thực hiện được ước mơ chụp ảnh áo cưới của mình. Mặc dù người chồng bệnh nặng của chị đã ra đi trong lúc chụp ảnh, nhưng những tấm ảnh chứa đầy hồi ức quý giá này đã giúp xoa dịu nỗi đau mất chồng. Nếu khi đó không có sự hỗ trợ của Kế hoạch chắp cánh ước mơ, có lẽ chị Hạnh đã phải ôm nỗi nuối tiếc đến cuối đời.

 

Tôn trọng và thấu hiểu mới là điều quan trọng

 “Thật ra đón nhận và bao dung thôi là chưa đủ, chúng ta còn phải tôn trọng và thấu hiểu tân di dân”. Tổ Sự vụ di dân vẫn luôn là đơn vị đứng ở tuyến đầu trong công tác chăm lo, hướng dẫn cho tân di dân. Họ kỳ vọng các nhân viên của mình có thể dùng sự tán thưởng và lắng nghe để làm thay đổi ấn tượng rập khuôn của người dân Đài Loan về tân di dân.

 “Thật ra trong cộng đồng tân di dân có rất nhiều người  thuộc giới trí thức, có tầm hiểu biết cao”. Bắt đầu từ Kế hoạch Ngọn đuốc Tân di dân năm 2012, giáo viên giảng dạy tiếng Indonesia và Malaysia tại trường trọng điểm của Tân Trúc là cô Trần Ái Mai (Chen Aimei) đã nảy ra ý tưởng thiết kế trò chơi khi còn học bậc cao học tại khoa Văn hóa Khách gia. Cô hy vọng thông qua trò chơi trên bàn (boardgame) để mang văn hoá Đông Nam Á đến với mọi người. Dựa trên trò chơi truyền thống Congkak ở quê hương, cô Trần Ái Mai đã tạo ra 5 phiên bản ngôn ngữ khác nhau gồm tiếng Malaysia, tiếng Indonesia, tiếng Việt, tiếng Myanmar và tiếng Philippines, cộng thêm bản dịch tiếng Trung, qua đó thúc đẩy giao lưu đa văn hoá. Cô cũng hy vọng mọi người có thể thoát khỏi những trò chơi trên các thiết bị thông minh để cùng tham gia trò chơi trên bàn, thắt chặt tình cảm giữa phụ huynh và con trẻ.

 Sau khi rời quê hương Indonesia đến Anh quốc theo học ngành Quản lý doanh nghiệp, Linda Tjindiawati đã trở thành một nàng dâu Đài Loan và đảm nhiệm công việc giảng dạy ngôn ngữ ở nhiều trường học. 17 năm trôi qua, cô Linda đã yêu say đắm hòn đảo ngọc xinh đẹp này. Do ảnh hưởng từ tác phẩm Beyond Beauty - Taiwan From Above của cố đạo diễn Tề Bách Lâm, Linda hy vọng có thể dùng hình thức ghi hình từ trên cao để lưu giữ lại vẻ đẹp của Đài Loan. Sau khi hoàn tất thủ tục xin thực hiện kế hoạch, cô đã phải học mọi thứ từ đầu. “Lúc mới bắt đầu thao tác thật sự rất sợ hãi”. Và do chọn địa điểm ghi hình là tại Công viên quốc gia núi Dương Minh nên mỗi lần quay đều phải làm thủ tục xin phép, cộng thêm yếu tố thời tiết, cả quá trình thực hiện tác phẩm đều không ngừng thử thách tính nhẫn nại và nghị lực của Linda. “Thật ra điều khó khăn nhất chính là giai đoạn hậu kỳ”. Nhưng vượt qua bao ải khó khăn, đến khi tác phẩm được hoàn thành, Linda và gia đình vui mừng khôn xiết, cô nói “Tôi hy vọng Đài Loan có thể được thế giới nhìn thấy”. Vốn từ lâu đã xem Đài Loan như là quê hương thứ hai, Linda muốn chia sẻ một cách tự hào nét đẹp của Đài Loan với người thân và bạn bè ở quê hương Indonesia của mình.
 

Ngô Chấn Nam, Trương Tuấn Hạo, Huỳnh Bảo Vân, Lưu Vân Vân và Dương Vỹ Quang đến từ Malaysia, đã định cư và làm việc tại Đài Loan hơn 20 năm. Họ chia sẻ văn hóa quê hương mình thông qua buổi biểu diễn công ích của “Đoàn biểu diễn trống lục lạc Tempo”.

Ngô Chấn Nam, Trương Tuấn Hạo, Huỳnh Bảo Vân, Lưu Vân Vân và Dương Vỹ Quang đến từ Malaysia, đã định cư và làm việc tại Đài Loan hơn 20 năm. Họ chia sẻ văn hóa quê hương mình thông qua buổi biểu diễn công ích của “Đoàn biểu diễn trống lục lạc Tempo”.
 

Những đề án đầy sáng tạo

 Kế hoạch chắp cánh ước mơ ban đầu có thể đăng ký theo cá nhân hoặc theo nhóm gia đình, nhưng do các đề án đăng ký khá đa dạng, đến năm thứ 6 thì có thêm nhóm công ích, mở rộng thêm phạm vi quan tâm và cũng giúp cho nội dung kế hoạch càng phong phú đa dạng hơn, tràn ngập năng lượng hơn. “Công tác phê duyệt kế hoạch rất nghiêm ngặt và cẩn trọng”. Để có thể trở nên nổi bật trong hơn 200 hồ sơ đăng ký xin hỗ trợ, phải thông qua nhiều vòng thẩm định khác nhau của Ủy ban tuyển chọn, với các thành viên gồm có chuyên gia, học giả, các nhân vật trong xã hội... Họ sẽ đánh giá hồ sơ đăng ký với các tiêu chí như tính khả thi, tính sáng tạo, tính ảnh hưởng và tính bền vững, sau đó tiến hành đối chiếu, so sánh tỉ mỉ, nhằm đạt được mục tiêu tuyển chọn công bằng, công khai. “Trong 3 tháng thực hiện kế hoạch, chúng tôi cũng sẽ giữ liên hệ với người lập kế hoạch để biết họ có gặp khó khăn hay không? Có cần sự hỗ trợ nào không?” Thậm chí khi kế hoạch đã kết thúc, vẫn sẽ tiếp tục theo sát những diễn biến tiếp theo.

 “Sự thay đổi lớn nhất của những người đăng ký kế hoạch chắp cánh ước mơ, đó là từ một người yếu thế được giúp đỡ, dần dần trở thành người giúp đỡ”. Cô Lý Minh Phương đã có cảm nhận sâu sắc về sự thay đổi kỳ diệu này. Trong đề án do cô gái đến từ Trung Quốc Tưởng Manh (Jiang Meng) thực hiện, do bố chồng của cô phải vào sống trong viện dưỡng lão nên cô đã nảy ra ý tưởng hỗ trợ cho người lớn tuổi. Sau khi học khóa tập huấn “Chuyên viên hướng dẫn các bài tập trí lực cho người lớn tuổi”, Tưởng Manh đã hướng dẫn các cụ già tập thể dục miễn phí và hướng dẫn họ làm sản phẩm thủ công để cho các cụ già rèn luyện tay và não, đẩy lùi thoái hóa. Bên cạnh đó, cô Tưởng Manh còn thành lập nơi đào tạo thủ công ngay tại nhà mình, dạy học viên làm rau câu, rượu dưỡng sinh, quạt Trung Hoa, bồi dưỡng tài năng cho bạn bè tân di dân và dẫn dắt họ cùng gia nhập đội phục vụ chăm sóc lâu dài. “Khi nhìn thấy nụ cười của những người cao tuổi, tôi cảm thấy mình đã làm đúng”, Tưởng Manh nói.

 

Hạnh phúc đến một cách tự nhiên

 “Người đăng ký Kế hoạch chắp cánh ước mơ đến từ 16 quốc gia”, Đông Nam Á, Âu Mỹ, Ai Cập, Mexico, Trung Quốc, đều là những đối tượng được quan tâm. “Chúng tôi không chỉ quan tâm đến tân di dân thế hệ thứ nhất, bây giờ còn phát triển chăm lo đến con cái và gia đình của họ”. Để cho hơn 430 nghìn con em tân di dân hiểu rõ hơn về văn hoá quê hương của mẹ, xây dựng nhận thức bản sắc của các em, Sở Di dân đã vận dụng kinh phí của kế hoạch, thực hiện phương pháp giàn giáo (Scaffolding Instruction), thông qua việc cung cấp đầy đủ nguồn lực để nâng cao năng lực học tập, giúp cho con em tân di dân tự tin hơn, không còn cảm thấy mơ hồ bất định, từ đó suy ngẫm và phát huy ưu thế đa văn hóa của mình.

 Vũ đạo và âm nhạc là phương tiện giao lưu không biên giới. Một cô gái có người mẹ đến từ Indonesia là Lâm Tiểu Đình (Lin Xiaoting) vô cùng yêu thích vũ đạo truyền thống của đảo Bali nên đã dùng kinh phí từ kế hoạch để mua trang phục và trang sức truyền thống, rồi tự hào chia sẻ bản sắc văn hóa phong phú của Indonesia trong nhiều hoạt động công ích khác nhau. Còn hai em Mỹ Na và Liêu Kiến Hào, mang dòng máu Việt Nam và Philippines thì dùng viết lách để thoát ra khỏi nỗi u ám, xóa đi sự cô độc và cảm xúc thất vọng, tìm lại bản thân mình. Huỳnh Hiểu Vân (Huang Xiaoyun) cũng có mẹ đến từ Việt Nam, em đã dùng tác phẩm hoạt hình “Tin tưởng bản thân” để thể hiện niềm tin thay đổi thế giới.

 Ẩm thực cũng là một con đường tắt để rút ngắn khoảng cách giữa người với người. Thiểm Thục Quyên (Shan Shujuan) đến từ Myanmar, ngoài giao lưu bằng ẩm thực quê nhà, cô còn huy động con trai cùng mở lớp học về Muslim, để cho người Đài Loan hiểu rõ hơn về văn hóa Islam. Còn Tô Lệ Liên đến từ Indonesia thì trồng cây vanilla để tìm lại những ký ức tuổi thơ, đưa hương vị quê hương đến mảnh đất Đài Loan.

 “Niềm hạnh phúc lớn dần qua từng năm, điều đó được thể hiện qua những số liệu”. Trên trang web của Sở Di dân có nhiều thông tin cho thấy chính phủ đã nỗ lực chăm sóc toàn diện cho tân di dân. Từ học bổng tân di dân đến kế hoạch ngọn đuốc 3 năm của năm 2012, kế hoạch chắp cánh ước mơ từ năm 2015, kế hoạch bồi dưỡng con em tân di dân tại hải ngoại, trại trải nghiệm sáng tạo văn hóa đa dạng dành cho con em tân di dân, những hoạt động nối tiếp nhau đã giúp cho tân di dân tìm được điểm tựa cho tâm hồn, xoa dịu những nỗi bất an khi phải vượt đại dương đến Đài Loan sinh sống.

 Những năm gần đây, những tân di dân từng đoạt giải thưởng của Kế hoạch chắp cánh ước mơ cũng đã gia nhập Quỹ phát triển Tân di dân, trở thành ủy viên đại diện, lên tiếng cho cộng đồng tân di dân, người nhận thưởng ở năm thứ 6 là cô Huỳnh Hiểu Vân còn được chọn là ủy viên tư vấn thanh niên lần thứ 3 của Viện Hành chính. Bảy năm qua, mỗi một kế hoạch đều là một câu chuyện chân thật, ghi lại quá trình dũng cảm theo đuổi ước mơ của các tân di dân đến từ khắp nơi trên thế giới và tự tin mở ra con đường mới cho cuộc đời mình.

 

Xem thêm

Biến ước mơ thành hiện thực tại xứ người Kế hoạch chắp cánh ước mơ cho di dân mới và con em thế hệ hai