New Southbound Policy Portal
Mục đích lập ra Công ước Liên Hợp Quốc về chống tham nhũng (United Nations Convention against Corruption, gọi tắt là UNCAC) là hướng dẫn, cung cấp hệ thống pháp lý và chính sách chống tham nhũng cho chính phủ các nước nhằm thúc đẩy các quốc gia trên thế giới cùng nỗ lực trong vấn đề chống tham nhũng. Kể từ năm 2009, các nước (các bên) tham gia UNCAC đã thực hiện cơ chế rà soát quốc gia về tình hình thực thi Công ước. Tính đến tháng 3/2022, trong số 189 nước tham gia công ước, chỉ có 19 nước công bố báo cáo quốc gia lần thứ nhất về toàn bộ tình hình thực hiện Công ước. Mặc dù không phải là bên tham gia UNCAC nhưng để hội nhập quốc tế và thể hiện cam kết về liêm chính, Đài Loan đã tự rà soát toàn bộ việc thực thi Công ước vào năm 2018, công bố “Báo cáo quốc gia đầu tiên về Công ước chống tham nhũng của Liên Hợp Quốc” và tổ chức việc đánh giá quốc tế. Năm 2022, Đài Loan dẫn đầu thế giới, công bố “Báo cáo quốc gia lần thứ 2 về Công ước chống tham nhũng của Liên Hợp Quốc”. Bộ Tư pháp đã công bố nội dung báo cáo giải thích vào ngày 20/4, báo cáo quốc gia cũng được công bố trong mục “Công ước Liên Hợp Quốc về chống tham nhũng” trên trang web của Cục chống tham nhũng, Bộ Tư pháp.
Cục chống tham nhũng cho biết: Sau 4 năm liên tục thúc đẩy, với sự nỗ lực của các chuyên gia, học giả, các tổ chức dân sự và cơ quan Chính phủ, khắc phục những ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19 gây ra, Đài Loan đã hoàn thành “Báo cáo quốc gia lần thứ 2 về Công ước chống tham nhũng của Liên Hợp Quốc” một cách thuận lợi.
Báo cáo lần này nêu 10 thành quả nổi bật, bao gồm việc đánh giá lẫn nhau về phòng chống rửa tiền, đánh giá quản trị doanh nghiệp châu Á, chỉ số liêm chính về quốc phòng đều đạt được kết quả tốt. Ngoài ra, để hội nhập quốc tế, còn thúc đẩy “Chương trình hành động quốc gia của Chính phủ mở”, mở rộng tương trợ tư pháp hình sự quốc tế, tăng cường giáo dục liêm chính, đào tạo nhân tài chống tham nhũng trong các lĩnh vực, đồng thời thu giữ và tịch thu những khoản thu nhập bất hợp pháp do tham nhũng, đáp ứng cụ thể các yêu cầu của Công ước.
Báo cáo lần này còn đưa ra 5 chính sách hành động: Tiếp tục thúc đẩy việc luận tội hình sự về tham nhũng, lập quy định về “giao dịch gây ảnh hưởng”, thúc đẩy luật bảo vệ người tố cáo, xây dựng các biện pháp minh bạch hóa mua sắm khẩn cấp và thúc đẩy cơ quan kiểm sát truy tố tội phạm tham nhũng.
Từ ngày 30/8 đến ngày 2/9 năm nay, Đài Loan sẽ mời các chuyên gia và học giả quốc tế đến Đài Loan tham gia đánh giá quốc tế Báo cáo quốc gia lần thứ 2 về “Công ước chống tham nhũng của Liên Hợp Quốc”, nâng cao sự giám sát, tham gia và hợp tác của các tầng lớp xã hội trong công tác chống tham nhũng, đồng thời tăng cường hợp tác quốc tế, cùng các nước trên thế giới phòng chống tham nhũng.
Sau báo cáo quốc gia đầu tiên được công bố vào năm 2018, Chỉ số nhận thức tham nhũng (Corruption Perceptions Index, CPI) của Đài Loan do Tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International) công bố trong 4 năm qua đã tăng từ 63 điểm lên 68 điểm, thứ hạng Đài Loan từ hạng 31 thế giới đã tăng lên hạng 25 thế giới, đạt kết quả tốt nhất từ trước đến nay.