New Southbound Policy Portal

Đài Loan, Mỹ, Nhật Bản và Australia đồng tổ chức hội thảo “Nỗ lực và tiến triển loại bỏ bệnh viêm gan C” trong khuôn khổ GCTF

 Nhằm chia sẻ kinh nghiệm thành công của Đài Loan trong lĩnh vực phòng chống bệnh viêm gan virus, thể hiện quyết tâm của Đài Loan trong việc tham gia Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ngày 17/6/2022, Bộ Ngoại giao và Văn phòng loại trừ Viêm gan C Quốc gia (Taiwan National Hepatitis C Program Office, TWNHCP) thuộc Bộ Y tế-Phúc lợi đã hợp tác với các cơ quan đại diện của Mỹ, Nhật Bản và Australia tại Đài Loan tổ chức hội thảo quốc tế trực tuyến “Nỗ lực và tiến triển loại bỏ bệnh viêm gan C” trong khuôn khổ “Khung Hợp tác và Đào tạo Toàn cầu, GCTF” (2022 GCTF Virtual Workshop on Efforts and Development on Eliminating Hepatitis C).

 Hoạt động lần này là hội thảo quốc tế lần thứ 9 của GCTF về chủ đề y tế công cộng, mời các chuyên gia về viêm gan virus của Australia, Mỹ, Nhật Bản, v.v... đảm nhận vai trò diễn giả. Nhà dịch tễ học nổi tiếng thế giới, cựu Phó Tổng thống Trần Kiến Nhân đã có bài phát biểu và trao đổi tại hội nghị. Thông qua việc chia sẻ chính sách phòng chống bệnh viêm gan của Đài Loan, Mỹ, Nhật Bản và Australia, đại biểu các nước tham dự hội thảo đã thảo luận sôi nổi về chiến lược thực hiện mục tiêu loại trừ bệnh viêm gan virus vào trước năm 2030 của WHO.

 Bộ trưởng Bộ Y tế-Phúc lợi Trần Thời Trung và Thứ trưởng Bộ Giao thông Tăng Hậu Nhân cũng lần lượt phát biểu tại lễ khai mạc. Bộ trưởng Trần Thời Trung cho biết hệ thống bảo hiểm y tế toàn dân hoàn thiện của Đài Loan đã cải thiện thành công hiệu quả phòng chống bệnh viêm gan, đồng thời trong 5 năm qua, hơn 50% bệnh nhân viêm gan C đã được điều trị bằng thuốc mới chữa bệnh viêm gan C dạng uống, giảm thiểu đáng kể nguy cơ xơ gan và ung thư gan.

 Cựu phó Tổng thống Trần Kiến Nhân đã giới thiệu “Cương lĩnh chính sách quốc gia về loại trừ viêm gan C” của Đài Loan với các quan chức và chuyên gia các nước tham dự hội nghị. Dự kiến hơn 80% bệnh nhân viêm gan C sẽ được điều trị vào năm 2025, đạt mục tiêu của WHO trước thời hạn 5 năm.

 Các quan chức và chuyên gia y tế công cộng từ 39 quốc gia ở các khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Tây Á, châu Phi, châu Âu, Bắc Mỹ, Mỹ Latinh, v.v... đã đăng ký tham dự hội nghị, tổng cộng có hơn 100 người tham dự trực tuyến để thúc đẩy hợp tác về vấn đề y tế công cộng trên toàn cầu.