New Southbound Policy Portal

Người nước ngoài cũng “cuồng” Mazu Trải nghiệm sự nhiệt huyết và lòng bác ái từ lễ hội rước kiệu

Logan Beck là “nhóm 1 người”, trong hơn 5 năm qua, anh đã quay hơn 400 đoạn phim, chủ đề đa phần xoay quanh thắng cảnh, ẩm thực và văn hóa Đài Loan. (Ảnh: Jimmy Lin).

Logan Beck là “nhóm 1 người”, trong hơn 5 năm qua, anh đã quay hơn 400 đoạn phim, chủ đề đa phần xoay quanh thắng cảnh, ẩm thực và văn hóa Đài Loan. (Ảnh: Jimmy Lin).
 

 Hoạt động hành hương và rước kiệu Thiên Hậu Thánh Mẫu (Mazu) có sức hút như thế nào? Một Youtuber người Mỹ tại Đài Loan là Logan Beck đã hô to trước ống kính trong lúc đi theo đoàn rước kiệu rằng: “Đây chính là tiếng gọi của cuộc đời tôi!”. Nội hàm phong phú của tôn giáo truyền thống Đài Loan khiến cho Reed Giovannetti đến từ Mỹ, đã chọn chuyên ngành nghiên cứu văn hóa tôn giáo khi học đại học. Hiện tại anh đang định cư ở thành cổ Gia Nghĩa, anh đi khám phá khắp các đền miếu tại đây và còn hỗ trợ đưa hình ảnh ẩm thực địa phương lên chương trình “Ẩm thực thế giới” (Street Food) của nền tảng Netflix.

 

 Hoạt động “Hành hương và rước kiệu Thiên Hậu Thánh Mẫu Đại Giáp” được kênh Discovery mệnh danh là một trong ba hoạt động tôn giáo lớn nhất thế giới, diễn ra trong 9 ngày 8 đêm, tổng chiều dài chặng đường đi hơn 300 km. Tín đồ sẽ đi theo kiệu bà Thiên Hậu xuất phát từ Đại Giáp, Đài Trung, hành hương và rước kiệu đến Tân Cảng ở Gia Nghĩa rồi quay trở về, cầu xin sự bình an và khỏe mạnh.

 Dọc đường là tiếng trống kèn, tiếng pháo huyên náo, còn cung cấp thức ăn miễn phí, bổ sung thể lực cho các tín đồ tham gia rước kiệu. Đi rước kiệu Bà Thiên Hậu ở khắp Đài Loan không những có thể tìm hiểu văn hóa địa phương một cách nhanh chóng, mà còn có thể khám phá ẩm thực truyền thống của Đài Loan ở xung quanh các đền miếu, thế nên đã thu hút rất nhiều Youtuber người nước ngoài tại Đài Loan tham gia trải nghiệm, tìm hiểu sâu thêm về văn hóa của đảo ngọc.

 

Quay phim tài liệu đẳng cấp thế giới cho Bà Thiên Hậu

 Logan Beck mơ ước được trở thành đạo diễn của Discovery và anh đã dùng một cách khác để hiện thực hóa lý tưởng của mình tại Đài Loan.

 Để có thể nhập gia tùy tục, trải nghiệm chiều sâu văn hóa Đài Loan, Logan Beck bắt đầu từ hoạt động hành hương của đền Nam Dao (Nanyao Temple) tại Chương Hóa, ngay gần nhà mình. Dọc đường đi, mỗi khi đến một xã hay thị trấn mới, anh lại nhiệt tình hỏi những người xung quanh rằng: “Các bạn có vui không?”, sau đó mọi người hô to đáp lại trước ống kính: “Vui!”

 Logan Beck vốn chỉ dự định quay video để chia sẻ cuộc sống với người nhà ở Mỹ nhưng anh phát hiện ra rằng: “Quay lâu rồi, cảm thấy Đài Loan có nét đặc sắc rất riêng”. Thế nên anh đã vạch ra mục tiêu giới thiệu Đài Loan với thế giới. Trong video, Logan Beck giới thiệu rành mạch về câu chuyện của Bà Thiêu Hậu, về điển cố của hành hương và dùng nhiều góc quay cận cảnh để dẫn dắt khán giả Đài Loan xem những chi tiết mà bình thường dễ bị bỏ sót như: nghi thức Bà Thiên Hậu khoác áo bào, cờ và binh khí của đội cận vệ bên cạnh Bà Thiên Hậu và còn có đội pháp sư mặc áo bào lục sắc, xếp hàng ngay ngắn, tay cầm pháp khí để tiến hành nghi thức.

 Trong 5 năm qua, nội dung trong những video của Logan Beck khi tham gia hành hương theo chân Bà Thiên Hậu ngày một phong phú. Anh luôn tạo ra “cảm giác kích thích” trong cảnh quay theo như phong cách của thần tượng là  đạo diễn người Mỹ Michael Bay. Trong một hoạt động rước kiệu Bà Thiên Hậu ở Bắc Cảng, Phổ Tín Vương Công ở đền Phúc Hải, Trúc Vệ (Zhuwei) có đi theo tháp tùng, trong đó nghi thức “kiệu bay” khiến cho hai người vác kiệu xoay vòng và bay lên, tiêu biểu cho việc thần linh giáng xuống, cảnh quay này đã nhận được nhiều lời bình luận từ cư dân mạng Đài Loan, khen ngợi Logan Beck đã ghi được hình ảnh kỹ nghệ dân gian hiếm thấy và cách quay cũng có thể sánh tầm với những thước phim trên kênh National Geographic.

 

Mỗi một lần rước kiệu đều là một góc nhìn mới

 Khi tham gia hoạt động hành hương của đền Nam Dao tại Chương Hóa, trong đoạn mở đầu video, Logan Beck đã giới thiệu vai trò lịch sử của hoạt động này bằng câu “Đoàn hành hương số 1 Đài Loan”. Đây là đền Bà Thiên Hậu đầu tiên tổ chức hành hương trong lịch sử Đài Loan, hằng năm đoàn hành hương đều sẽ đưa Bà Thiên Hậu về nơi khởi nguồn - Bổn Cảng (Bengang). Trên đường về, Logan Beck còn tham gia hoạt động “lội suối” tổ chức 3 năm 1 lần. Tập tục này bắt nguồn từ việc năm xưa nơi đây không có cầu bắc qua sông nên cả đoàn phải lội qua dòng nước để đi hành hương. Trong lúc quay, có hơn 1 vạn tín đồ cùng xuống nước để theo chân Bà Thiên Hậu và Logan Beck cũng đã đích thân xuống nước để trải nghiệm, sau khi hô to: “Tôi muốn thử lội suối toàn thân!”, anh đã ngâm cả người mình xuống nước khiến mọi người xung quanh đều trầm trồ.

 Lễ rước kiệu Bà Thiên Hậu ở đền Triều Thiên, Bắc Cảng đốt rất nhiều pháo để chúc mừng. Hoạt động đốt pháo này cùng với hai chương trình khác là đốt pháo nổ Ông Hàn Đơn ở Đài Đông và pháo hoa Diêm Thủy ở Đài Nam được mệnh danh là “Tam đại pháo Đài Loan”. Tiếng pháo nổ rền vang khiến cho Logan Beck phải nói trước ống kính rằng: “Tai của tôi đau quá!” Sau khi khởi kiệu, những đoàn biểu diễn tīn-thâu (một loại hình nghệ thuật tôn giáo dân gian) và hóa trang kéo dài suốt nhiều cây số, những đứa bé mặc trang phục cổ đứng trên xe rước phát kẹo bình an suốt dọc đường đi, đây cũng là một nét đặc sắc lớn trong hoạt động rước kiệu Bà Thiên Hậu Bắc Cảng.

 Hoạt động rước kiệu Bà Thiên Hậu Đại Giáp có lộ trình cố định, những năm gần đây còn có tín đồ thiết kế ứng dụng điện thoại để định vị tức thời vị trí của kiệu Bà Thiên Hậu, Logan Beck cũng khen App này “rất chuẩn!”

 

Cảm nhận lòng bác ái

 Bất kể là đi theo lộ trình nào, Logan Beck đều cảm thấy được sự nhiệt tình của người dân Đài Loan. Khi thấy những gói thức ăn được cung cấp miễn phí suốt dọc đường, anh đã đùa rằng: “Đây giống như là nhà hàng buffet lớn nhất trên toàn thế giới”.

 Khi chia sẻ về kinh nghiệm hành hương khiến anh ấn tượng nhất, ngoài sự nhiệt tình của người Đài Loan, Logan Beck còn chú ý đến đội vệ sinh tự nguyện quét dọn đường phố sau khi lễ rước kiệu đi qua. Mỗi tín đồ đều bày tỏ sự cảm ơn đối với Bà Thiên Hậu bằng những cách khác nhau.

 Tinh thần bác ái trong lễ rước kiệu Bà Thiên Hậu khiến cho Youtuber người Mỹ này vô cùng cảm động. Anh còn mời bạn bè người nước ngoài cùng tham gia hoạt động và chuẩn bị rất nhiều bánh và nước để chia cho các tín đồ nhưng không ngờ, mỗi khi anh chia thức ăn cho người khác thì đối phương lại tặng lại một phần cơm hộp. Cuối cùng, anh và bạn mình một lần nữa cảm nhận được “gánh nặng” nhiệt tình của người Đài Loan khi nhìn vào thùng thức ăn mà họ nhận được.
 

Reed Giovannetti

 

Kết duyên với thành cổ Đài Loan

 Tài khoản Instagram cá nhân của Reed Giovannetti có tên là findmeinchiayi (Đến Gia Nghĩa tìm tôi), ngoài những ảnh chụp phong cảnh và món ngon ở Gia Nghĩa, còn có đền miếu, tượng thần, trong đó có 3 bài viết với những tấm ảnh anh tham gia luyện tập làm Thập Gia Tướng (Shijiajiang) ở đền Sơn Hải Trấn, Gia Nghĩa.

 Reed Giovannetti dạy học ngay tại thành cổ của Đài Loan: Đài Nam và Gia Nghĩa, hai gia đình bản xứ tiếp đón anh đã nhiệt tình dẫn dắt anh tham gia nhiều hoạt động đền miếu ở miền nam Đài Loan. Khi đến Nankunshen ở Đài Nam, anh đã được thấy cảnh đồng cốt đang thực hiện nghi thức. “Tôi cảm thấy quá tuyệt vời! Tôi từng nhìn thấy Thất Gia, Bát Gia ở những nơi khác nhưng chưa thấy đồng cốt bao giờ”. Reed Giovannetti vừa nói vừa giơ hai tay lên để mô phỏng theo động tác khởi giá của đồng cốt.

 Lần gặp đồng cốt ấy đã trở thành một bước ngoặt trong cuộc đời của người đàn ông đến từ Mỹ. Reed Giovannetti vốn theo học ngành Tâm lý sinh vật ở trường đại học nhưng sau khi theo dõi nghi thức đồng cốt, anh đã về Mỹ và chuyển sang học song song hai ngành Tâm lý học và Nghiên cứu tôn giáo. Mặc dù anh vẫn tiếp tục đi khám phá thế giới, từng đi qua những nơi như Singapore, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Myanmar, Nhật Bản, nhưng đi đến đâu anh cũng nhớ về những tháng ngày ở Đài Loan. “Những quốc gia đó đều rất tuyệt, nhưng Đài Loan đã trở thành thước đo tiêu chuẩn của tôi”. Cuối cùng, anh quyết định trở về sinh sống tại Gia Nghĩa.

 

Khám phá lịch sử và nghệ thuật Đài Loan từ đền miếu

 Trong mắt nhiều người Đài Loan, Gia Nghĩa là một vùng quê nhưng đối với Reed Giovannetti, Gia Nghĩa là một tòa thành cổ đậm chất lịch sử. Tại đây có rất nhiều đền miếu có lịch sử lâu đời, hằng năm đoàn hành hương số 1 Đài Loan là đền Nam Dao ở Chương Hóa sẽ đến đền Thiên Hậu ở Bổn Cảng, khoác phụng bào cho Bà Thiên Hậu Nam Dao rồi lên đường trở về.

 Theo chân Reed Giovannetti khám phá các đền miếu tại thành phố Gia Nghĩa, anh thành thạo băng qua những con đường ở khu phía Tây thành phố, dẫn đoàn phỏng vấn đến một ngôi miếu thần tài có lịch sử hơn 200 năm là Quan Tương Cảnh Miếu. Nơi đây từng bị phá hủy bởi bom đạn trong Thế chiến thứ hai, sau khi trùng tu lại thì đã ẩn mình trong con hẻm nhỏ, lan tỏa một bầu không khí tĩnh mịch.

 Dọc theo con đường Trung Chính (Zhongzheng) náo nhiệt nhất thành phố Gia Nghĩa, đi sang phía Đông, nơi có miếu Thành Hoàng - một di tích lịch sử cấp quốc gia có hơn 300 năm tuổi. Thành Hoàng đi lại giữa hai cõi âm dương, công chính vô tư, là vị thần bảo hộ của địa phương. Khi bước vào miếu, Reed Giovannetti đã chỉ vào mái vòm hình bát quái trên cao và nói: “Đây không sử dụng bất kỳ một chiếc đinh nào, được tạo nên từ gỗ nối tiếp nhau, rất đẹp”.

 Sau cùng, cả đoàn đã đi tham quan miếu Song Trung ở gần miếu Thành Hoàng. Dù quy mô không lớn nhưng lại là ngôi miếu có lịch sử lâu đời nhất Gia Nghĩa, đã được xây dựng khoảng 350 năm, trong miếu chủ yếu thờ hai vị đại tướng quân thời nhà Đường, bên cạnh là thờ Ông Hổ. “Mọi người hãy nhìn lên trần nhà, có hoa văn của hổ, rất đặc biệt”.

 

Hy vọng bạn cũng yêu Gia Nghĩa

 Khi hỏi Reed Giovanetti đã tham gia Lễ rước kiệu Bà Thiên Hậu mấy lần? Anh nghĩ một lúc rồi nói: “Đại Giáp 3 lần, rước kiệu Bà Thiên Hậu ở Bạch Sa Đồn, Tây Môn, Bắc Cảng đều từng đi qua, còn có lễ rước kiệu Huyền Thiên Thượng Đế. Tôi không chỉ thích Bà Thiên Hậu, mà còn thích Quan Công, Ông Hổ, Quan Âm…”. Và điều ấn tượng nhất về lễ rước kiệu chính là tình người nồng ấm, khiến anh phải thốt lên rằng: “Mọi người thực sự rất thân thiện, tuyệt vời!”

 Nhờ có tình yêu mãnh liệt và sự hiểu biết đối với văn hóa tôn giáo của Đài Loan, Reed Giovannetti đã được chương trình “God Bless Bao­dao” của Đài Loan mời tham gia hoạt động hành hương Bạch Sa Đồn và cũng nhờ có chương trình này mà anh đã tham gia đoàn Thập Gia Tướng ở Sơn Hải Trấn. Khi đó anh đã xin quẻ để xin sự đồng ý của Vương Gia, sau đó là ăn chay liên tục trong 9 ngày và tham gia luyện tập tīn-thâu. Reed Giovannetti vừa vỗ đùi vừa cười nói: “Tôi cảm thấy bắp đùi rất ê ẩm!”. Khi chính thức biểu diễn tīn-thâu, còn phải hóa trang trên khuôn mặt, một hình thức mời thần linh giáng vào thân xác của mình, các thành viên trong đoàn Thập Gia Tướng của Reed Giovannetti còn nói với anh là: “Anh là người nước ngoài đầu tiên ‘vẽ mặt’ tại Đài Loan”.

 Định cư ở Đài Loan 8 năm, Reed Giovannetti từng dẫn bạn bè đến từ 17 quốc gia đi tham quan Gia Nghĩa, đi xem những nơi như đền Phụng Thiên ở Tân Cảng, đền Triều Thiên, đền Bà Thiên Hậu ở Tây Môn…, giải thích cho họ vì sao phải “vào từ bên phải, ra từ bên trái”, Bà Thiên Hậu từ một người phàm đã trở thành thần tiên như thế nào và còn cùng đi thưởng thức món ngon, tham quan di tích, chỉ hy vọng khi họ rời khỏi đây có thể phải lòng Gia Nghĩa giống như anh, nhìn thấy lịch sử Đài Loan ngay từ Gia Nghĩa.

 

Xem thêm

Người nước ngoài cũng “cuồng” Mazu Trải nghiệm sự nhiệt huyết và lòng bác ái từ lễ hội rước kiệu

 

Video