New Southbound Policy Portal
Phát biểu về việc Tổng cục Hải quan Trung Quốc gần đây ghi chú tạm dừng nhập khẩu từ một số công ty thực phẩm Đài Loan, Người phát ngôn Viện Hành chính La Bỉnh Thành cho biết: Kể từ khi Trung Quốc đưa ra “Dự thảo Quy định về đăng ký sản xuất ở nước ngoài đối với thực phẩm nhập khẩu” vào tháng 11/2019, Đài Loan và các nước đều cho rằng quy định này thực sự là một rào cản thương mại. Từ tháng 2/2020 đến tháng 11/2022, các thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) như Đài Loan, Mỹ, EU, Nhật Bản, v.v... đã 9 lần nêu quan ngại và cùng yêu cầu Trung Quốc trì hoãn việc thực hiện quy định trên.
Ông La Bỉnh Thành chỉ ra rằng các biện pháp rào cản thương mại thực phẩm mà Trung Quốc áp dụng đặc biệt có sự phân biệt đối xử với Đài Loan, ví dụ như chỉ có Đài Loan phải đăng ký bản giấy, các nước khác có thể điền trực tuyến; thời hạn đăng ký cho các nước khác là 30/6/2023 nhưng thời hạn cho Đài Loan là 30/6/2022; Trung Quốc không đưa ra lý do không hợp lệ đối với các vụ việc tạm dừng nhập khẩu từ Đài Loan, v.v...
Các bộ ngành liên quan như Bộ Y tế-Phúc lợi, Bộ Kinh tế, Bộ Tài chính và Ủy ban Nông nghiệp đã thông qua các cách thức khác nhau như chuyên mục hướng dẫn, đường dây nóng và nhân viên hỗ trợ, v.v..., tích cực hướng dẫn các doanh nghiệp tiến hành đăng ký để tránh ảnh hưởng đến quyền lợi của doanh nghiệp cũng như thương mại thực phẩm xuất khẩu sang Trung Quốc.
Ông La Bỉnh Thành cho biết: Để hỗ trợ các công ty thực phẩm bị ảnh hưởng, từ tháng 8 đến tháng 12 năm nay, Bộ Kinh tế đã khởi động “Kế hoạch GO toàn cầu của thực phẩm Đài Loan”, thông qua 3 biện pháp chính gồm mở rộng tiêu thụ trong và ngoài nước, nâng cao khả năng cạnh tranh và hỗ trợ tài chính để giúp các doanh nghiệp chế biến thực phẩm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Kế hoạch GO toàn cầu của thực phẩm Đài Loan sẽ hỗ trợ các công ty thực phẩm Đài Loan phân phối, tiêu thụ tại thị trường 17 nước ở châu Âu, Mỹ và châu Á. Tính đến ngày 10/12, chương trình này đã hỗ trợ cho 1.696 doanh nghiệp, giúp các công ty Đài Loan giành được cơ hội kinh doanh trị giá 1,75 tỷ Đài tệ.
Để bảo vệ quyền và lợi ích của ngư dân và các doanh nghiệp, Ủy ban Nông nghiệp sẽ tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp thủy sản mở rộng ra các thị trường ngoài Trung Quốc, chuyển sang các nước ngoài Trung Quốc để chế biến, khuyến khích bảo quản đông lạnh và chế biến đa dạng, tăng cường tiêu thụ trong nước, v.v... Bộ Tài chính cũng tích cực thúc đẩy “Chương trình phát triển ngành sản xuất rượu đạt chứng nhận chất lượng cao”, khuyến khích các doanh nghiệp đạt chứng nhận tham gia các cuộc triển lãm trong và ngoài nước, giới thiệu sản phẩm tham gia các cuộc thi thẩm định rượu quốc tế để nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm rượu trong nước và tối ưu hóa cơ cấu hoạt động của các doanh nghiệp.
Ông La Bỉnh Thành nhắc lại rằng Trung Quốc cần nêu rõ nguyên nhân và lý do cụ thể về việc không chấp thuận đơn đăng ký của một số doanh nghiệp Đài Loan, đồng thời hủy bỏ sự đối xử bất công đối với Đài Loan. Chính phủ sẽ nỗ lực hỗ trợ các doanh nghiệp thực phẩm xuất khẩu sang Trung Quốc, đồng thời chỉ đạo các bộ ngành lập kế hoạch xuất khẩu, giảm thiểu sự phụ thuộc vào những thị trường nhất định để đảm bảo sự phát triển của ngành thương mại thực phẩm Đài Loan.