New Southbound Policy Portal

Làn gió sáng tác sách nhiệt đới tại Đài Loan Nhà văn Malaysia gốc Hoa tại Đài Loan

Chang Kuei Hsing là nhà văn Malaysia gốc Hoa, đã giành giải thưởng văn học của Báo Liên hợp, Giải Kim Đỉnh, Giải Kim Điển Văn học Đài Loan, giải thưởng Triển lãm sách Quốc tế Đài Loan và cũng là tiểu thuyết gia đương đại quan trọng của Đài Loan.

Chang Kuei Hsing là nhà văn Malaysia gốc Hoa, đã giành giải thưởng văn học của Báo Liên hợp, Giải Kim Đỉnh, Giải Kim Điển Văn học Đài Loan, giải thưởng Triển lãm sách Quốc tế Đài Loan và cũng là tiểu thuyết gia đương đại quan trọng của Đài Loan.
 

 Họ là một “Binh đoàn ngoại lai” trong văn đàn, có năng lực “sái đậu thành binh” (rảy đậu thành binh lính, ngụ ý như có phép thuật), câu từ dưới ngòi bút của họ thể hiện sự tự do phóng khoáng lại ma mị, chứa đựng vô vàn hình ảnh, giàu màu sắc, âm thanh. Tuy họ đến từ Nam Dương (Đông Nam Á) nhưng lại bén rễ tại Đài Loan, xuất bản sách và trở nên nổi tiếng, được độc giả ủng hộ, thậm chí còn rạng danh ở hải ngoại với tư cách là nhà văn Đài Loan. Chúng tôi gọi nhóm người này là “Nhà văn người Malaysia gốc Hoa”.

 

 Trên văn đàn người Malaysia gốc Hoa ở từng thời đại đều xuất hiện những nhà văn tiêu biểu, nổi tiếng trong từng thể loại văn học, thậm chí thế hệ này nối tiếp thế hệ kia, chưa từng bị gián đoạn. Vậy tại sao lại có thể hình thành hội đoàn sáng tác văn học có phong cách đặc biệt với độ nhận diện cao như vậy?

 

Ngưỡng mộ Đài Loan, Văn học dân tộc Nam Dương bén duyên cùng đảo ngọc

 Nhà văn người Anh gốc Nhật Bản Kazuo Ishiguro, từng đoạt giải Nobel văn học, đã nói: “Con người không phải được tạo nên bởi 2/3 cái gì đó và những cái khác còn lại. Khí chất, cá tính và tầm hiểu biết không phải là cá thể tồn tại độc lập. Bạn không thể nào phân chia một cách rõ ràng những thứ này. Cuối cùng bạn sẽ nhìn thấy một thể hỗn hợp cùng tính chất rất thú vị. Vì thế, những cá nhân xuất thân từ nền văn hóa và bối cảnh hỗn hợp sẽ là hiện tượng tương đối phổ biến ở nửa sau thế kỷ này. Đây là xu thế phát triển của thế giới ngày nay”.

 Nhà văn người Malaysia gốc Hoa của Đài Loan là minh chứng hay nhất cho lời nói này. Chúng ta có thể đi ngược dòng thời gian trở về thập niên 1960, lúc đó do chính sách giáo dục tại Malaysia còn nhiều hạn chế cùng với sức hút trong chính sách giáo dục Hoa kiều của chính phủ Đài Loan đã khiến cho lớp thanh niên Malyasia đam mê sáng tác đều chọn con đường sang Đài Loan du học vì Đài Loan là nơi có cùng chung ngôn ngữ tiếng Hoa và cũng vì họ ái mộ Đài Loan, nơi mang đậm hơi thở văn học nghệ thuật. Thời gian rảnh rỗi sau giờ học, họ bắt đầu thành lập câu lạc bộ văn học, phát hành chuyên san.

 Vào những năm 1980, cái gọi là “Đỉnh cao của văn học Đài Loan” mà giới bình luận hay nhắc đến chính thức ra mắt giải thưởng văn học do hai tờ báo thời bấy giờ là “Thời báo Trung Quốc” và “Báo Liên hợp” tiên phong tổ chức, giải thưởng đại diện cho niềm vinh dự với tiền thưởng lên đến 1 triệu Đài tệ và sau khi đoạt giải sẽ được các nhà xuất bản tranh nhau mời ký hợp đồng đã trở thành niềm ước ao của khá nhiều thanh niên yêu thích văn học nghệ thuật, vì giải thưởng chính là bàn đạp để được bước vào giới văn đàn. Rất nhiều nhà văn người Malaysia gốc Hoa cũng đã nắm bắt trào lưu này để tạo nên danh tiếng trong văn đàn. Shang Wanyun là người đầu tiên trong nhóm tác giả Malaysia đoạt giải thưởng tiểu thuyết của “Báo Liên Hợp”; Lee Yung Ping đang du học tại Mỹ cũng gửi bài dự thi và đoạt giải; Chang Kuei Hsing lúc đó đang theo học tại khoa tiếng Anh, trường đại học Sư phạm Đài Loan.
 

Nhà văn Ko Chia Cian đến từ Malaysia, cư ngụ tại Đài Loan hơn 20 năm.

Nhà văn Ko Chia Cian đến từ Malaysia, cư ngụ tại Đài Loan hơn 20 năm.
 

Xác lập lĩnh vực “Văn học Hoa ngữ Malaysia”

 Tuy nhiên, để mảng “Văn học Hoa ngữ Malaysia” được chính thức xác lập, các tác giả không những phải liên tục cho ra sáng tác mới, mà còn cần kết hợp thêm các chương trình nghiên cứu trong học viện thì mới được coi là hoàn thiện. Sau thập niên 1990, các học giả kiêm nhà văn như Ng Kim Chew, Chong Yee Voon và Chan Tah Wei đều “vừa sáng tác, vừa bình luận”, từ đó họ cũng đã trở thành các nhân vật quan trọng trong việc đẩy mạnh lan tỏa tầm ảnh hưởng của chủ đề “Văn học Hoa ngữ Malaysia”.

 Những nhà văn này có điểm giống nhau nhưng cũng có điểm khác biệt, người thì có sở trường về tiểu thuyết, người thì viết tản văn, thơ đương đại. Xuất phát điểm của họ đều đến Đài Loan học đại học, sau đó học lên đến bậc tiến sĩ, có người đã nổi tiếng từ thời sinh viên vì đoạt giải thưởng văn học, sau khi tốt nghiệp họ đều ở lại giảng dạy tại các trường đại học. Các nhà văn này vừa sáng tác, vừa là những nhà bình luận học thuật, họ đã xuất bản khá nhiều tuyển tập với danh nghĩa “Văn học Hoa ngữ Malaysia”, tích lũy năng lượng của gần 20 năm qua.

 “Văn thơ sáng tác của tác giả sẽ được đưa vào lĩnh vực học thuật để nghiên cứu, còn ở trường thì được dùng làm đề tài giảng dạy; đồng thời các nhà bình luận sẽ xuất bản tuyển tập. Phải trải qua quá trình nghiên cứu, cũng như “quá trình Canon hóa” (tiêu chuẩn đánh giá nhà văn và tác phẩm) thì mới hình thành nên phong cách riêng trong lĩnh vực văn học”. Phó giáo sư khoa Trung văn, Đại học Quốc gia Đài Loan Ko Chia Cian phân tích một cách khách quan.

 Từ môi trường sáng tác, xuất bản đến bình luận, nghiên cứu, có thể nói rằng hệ sinh thái hoàn thiện của ngành văn hóa nghệ thuật Đài Loan chiếm một vị trí vô cùng quan trọng trong thế giới Hoa ngữ, có lẽ vì vậy mà nhà văn Chan Tah Wei từng cho rằng, văn học Hoa ngữ Malaysia có 3 mảng lớn, bao gồm “Đông Malaysia, Tây Malaysia và Đài Loan”.

 

Đài Loan là vùng đất màu mỡ để truyền tải tác phẩm

 Một trong những nguyên nhân khiến cho Đài Loan chiếm lĩnh vị trí quan trọng trong thế giới Hoa ngữ là vì nơi đây có thị trường với đủ số lượng độc giả đọc sách tiếng Hoa.

 Lấy tình hình Malaysia ra so sánh, có thể thấy rằng, vì ở Malaysia có quá nhiều nhóm dân tộc, vả lại “quốc ngữ” của nước này là tiếng Mã Lai. Tuy ở Malaysia có khá nhiều trường trung học tư dạy tiếng Hoa do người Hoa tổ chức (ở địa phương còn gọi là Trung học độc lập Hoa văn), đào tạo, bồi dưỡng khá nhiều người biết đọc tiếng Hoa, thậm chí còn đào tạo ra những nhà văn viết sách bằng tiếng Hoa, nhưng số lượng độc giả quá ít không thể nào phát triển thành thị trường.

 Nếu lại mang so với Hồng Kông sát cạnh Đài Loan, tuy Hồng Kông sử dụng ngôn ngữ chủ yếu là tiếng Hoa nhưng do dân số ít nên chỉ có đủ không gian cho những nhà văn mà mọi người ai cũng biết đến như Kim Dung, Diệc Thư tồn tại. Ngược lại, rất nhiều tác giả văn học thuần túy khác như Tây Tây, Đổng Khải Chương, Huỳnh Bích Vân lại xem Đài Loan là kênh xuất bản chủ yếu, những tác phẩm phiên bản Đài Loan toàn diện hơn các tác phẩm phiên bản Hồng Kông. “Nói một cách đơn giản, họ xem Đài Loan là trung tâm hoạt động của nền văn học Hồng Kông”, ông Ko Chia Cian giải thích.

 Ngoài ra, tại Đài Loan có rất nhiều giải thưởng văn học đa dạng mang tính tiêu biểu, văn học được phân loại khá tỉ mỉ như thơ đương đại, tản văn, tiểu thuyết, báo chí; thị trường sách báo tại Đài Loan rất hưng thịnh, mỗi năm có gần 40.000 đầu sách mới được trình làng, đứng thứ 2 trên toàn cầu về “tỉ lệ xuất bản sách mới/số nhân khẩu”, chỉ sau Anh quốc; cùng với Luật Xuất bản không quá gắt gao, không cấm bất cứ đề tài nào, chủng loại sách đa dạng, trong đó có cả những cuốn sách hiếm khi xuất hiện trong thế giới Hoa ngữ như đề tài giới tính, phong trào xã hội... Tất cả các yếu tố trên đều là ưu thế trong môi trường sáng tác của Đài Loan. “Sáng tác là hoạt động của cá nhân, đi đến đâu cũng có thể sáng tác, nhưng nếu muốn tác phẩm của mình được truyền tải thì Đài Loan là nơi tốt nhất”, nhà bình luận văn học Hoa ngữ Malaysia, cựu trưởng phòng Âu-Mỹ thuộc Viện nghiên cứu Trung Ương Lee Yu-cheng nói.
 

Là người sống xa quê hương nên cựu trưởng phòng Âu-Mỹ thuộc Viện nghiên cứu Trung ương-ông Lee Yu-cheng rất quan tâm đến nhóm dân tộc thiểu số trong xã hội. Khi thực hiện nghiên cứu ông cũng thường chú tâm đến các tác giả người Anh gốc Á, tác giả người Mỹ gốc Phi.

Là người sống xa quê hương nên cựu trưởng phòng Âu-Mỹ thuộc Viện nghiên cứu Trung ương-ông Lee Yu-cheng rất quan tâm đến nhóm dân tộc thiểu số trong xã hội. Khi thực hiện nghiên cứu ông cũng thường chú tâm đến các tác giả người Anh gốc Á, tác giả người Mỹ gốc Phi.
 

Phản ánh tính phổ biến của sự đa dạng văn hóa

 Tác giả sáng tác văn học Hoa ngữ Malaysia tại Đài Loan, nếu như đang sinh sống tại cố hương thì tác phẩm của họ liệu có chất lượng giống như ở Đài Loan hay không? Câu trả lời của ông Chang Kuei Hsing, người sinh sống tại Đài Loan hơn 40 năm và đã có quốc tịch Đài Loan từ rất lâu, là không. Môi trường văn hóa nghệ thuật tại Đài Loan rất linh hoạt, là một trong những nhân tố giúp tác giả mở rộng tầm nhìn; tư tưởng tự do của môi trường sáng tác cũng vậy. Ngoài ra, ông Chang Kuei Hsing cũng cho rằng, điểm mấu chốt là xa rời quê hương, cảm giác xa cách quê nhà: “Sáng tác ở quê nhà khác với khi chúng ta sáng tác ở một nơi xa quê hương. Có một số việc khi chúng ta ở xa chúng ta mới nhìn thấy rõ ràng hơn”, ông Chang Kuei Hsing hình dung. Tuy nhiên, “Cảm giác xa cách” này thỉnh thoảng lại nhận được phản ứng của độc giả Đài Loan: Tại sao cứ viết về cố hương Sarawak mà không viết về Đài Loan? Lee Yu-cheng phân tích tâm lý của tác giả trên góc độ của nhà bình luận văn học: “Ký ức tuổi thơ, của thời niên thiếu lắng đọng trong tâm hồn đã lâu, với cảm giác xa cách về không gian, thời gian, tác giả dựa vào những ký ức và kinh nghiệm mình từng trải qua để khơi nguồn cảm hứng sáng tác”.

 Có rất nhiều nhà văn nổi tiếng trên thế giới cũng có xu hướng sáng tác như vậy. “Nếu không có nhà văn Kazuo Ishiguro, nhà văn Salman Rushdie thì khu vườn sáng tác văn học của Anh quốc đương đại sẽ trở nên ảm đạm. Tương tự, nếu như Đài Loan thiếu vắng các nhà văn di dân như Lee Yung Ping, Chang Kuei Hsing, Ng Kim Chew hoặc nhà văn Fang Hui-chen, Chen Yu-chin có cha là người nhập cư từ Đông Nam Á thì văn học Đài Loan vẫn là văn học Đài Loan, nhưng nhất định sẽ mất đi sự phong phú đa dạng”, Lee Yu-cheng nói.

 

Ý nghĩa mới của Đài Loan dưới góc nhìn của Nam Dương

 Do đó, khi đọc những tác phẩm văn học Hoa ngữ Malaysia hay văn học của các tác giả di dân khác, chúng ta nên so sánh về nội dung, tài nghệ viết lách chứ không phải là chủ đề. Hơn nữa, cũng giống như môi trường không bao giờ hạn chế nội dung sáng tác, một xã hội dang rộng vòng tay chào đón mọi sắc tộc mới có thể thu phục được trái tim của mọi người.

 Trong cuộc phỏng vấn, nhà văn Chang Kuei Hsing cũng cho biết ông sẽ bắt tay viết một cuốn sách mới với chủ đề về con voi Lin Wang. Con voi nổi tiếng Lin Wang sống cả đời ở sở thú Đài Bắc vốn là con voi chiến đấu của Myanmar, nó từng vào sinh ra tử trong Thế chiến thứ II. Tuy tiểu thuyết của nhà văn Chang Kuei Hsing liên quan đến rất nhiều vấn đề phức tạp về lịch sử, chủng tộc nhưng ông đã định liệu trước: “Đã có ý tưởng từ lâu nên khi đặt bút viết thì sẽ hoàn thành rất nhanh”.

 Những năm gần đây, ông Lee Yu-cheng - làm việc tại Viện nghiên cứu Trung Ương, vừa nghỉ hưu đã trở lại với văn đàn, cầm bút làm thơ như thời niên thiếu. Bài thơ “Trở về làng cá trong đêm khuya” của ông: “Tình thâm như sách cũ thân quen/Trong lúc không ngừng lật trang sách/Tôi như tìm thấy ý nghĩa mới/Giống hái lá trà từ cành cũ/ Sao trà hương thơm cũ bay xa”.

 Nhưng có lẽ, đối với những nhà văn người Malaysia gốc Hoa cho rằng mình có đến “Hai quê hương” thì Đài Loan như một “Cuốn sách cũ” quen thuộc. Vừa đúng khớp với cuốn tiểu thuyết mà nhà văn Chang Kuei Hsing sắp đặt bút sáng tác, “Cụ voi Lin Wang” từ cuộc sống bình yên trong sở thú một lần nữa được quay về với chiến trận Nam Dương bị người đời quên lãng. “Lật lại trang sách” thông qua góc nhìn của nhóm dân tộc người Malaysia gốc Hoa, ý nghĩa của Đài Loan cũng được khai thác phong phú hơn, phó thác nhiều hàm ý hơn, tuy cùng là “Hái từ cành cũ” nhưng hương ngọt dịu trầm tích từ lâu trong đó lại được lan tỏa bay xa.

 

Xem thêm

Làn gió sáng tác sách nhiệt đới tại Đài Loan Nhà văn Malaysia gốc Hoa tại Đài Loan