New Southbound Policy Portal
Ban Bình đẳng giới thuộc Viện Hành chính cho biết: Đài Loan lần đầu tiên được đưa vào Báo cáo Chỉ số Thể chế xã hội và bình đẳng giới (Social Institutions and Gender Index, SIGI) mới nhất năm 2023 do Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) công bố. Báo cáo SIGI tiến hành đánh giá 140 quốc gia trên toàn cầu, thông qua các yếu tố phân biệt đối xử tiềm ẩn trong xã hội đối với phụ nữ, bao gồm 16 tiêu chí thuộc 4 khía cạnh chính gồm: Phân biệt đối xử trong gia đình (Discrimination in the family), hạn chế sự toàn vẹn về thể chất (Restricted physical integrity), hạn chế về sản xuất và nguồn tài chính (Restricted access to productive and financial resources) và hạn chế về tự do dân sự (Restricted civil liberties), lần lượt xem xét luật pháp, chuẩn mực xã hội và cách thực hiện của mỗi nước (số điểm càng thấp cho thấy thể hiện càng tốt). Năm 2023, Đài Loan lần đầu tiên được OECD công bố kết quả đánh giá với số điểm là 9,5 điểm, chỉ sau Bỉ (8 điểm), cùng số điểm với Italy, Tây Ban Nha, Thụy Điển và cùng xếp thứ 2 thế giới.
Ban Bình đẳng giới cho biết Báo cáo SIGI được OECD thực hiện từ năm 2009, thang điểm đánh giá từ 0 điểm đến 100 điểm, 0 điểm thể hiện không có sự phân biệt đối xử, 100 điểm là phân biệt đối xử vô cùng nghiêm trọng. Báo cáo đã phát huy tác dụng quan trọng trong việc ghi lại sự tiếp diễn và phổ biến của vấn đề phân biệt giới tính ở các quốc gia trong các giai đoạn phát triển khác nhau, đồng thời cung cấp số liệu chất lượng cao cho các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia và nhà nghiên cứu, các tổ chức từ thiện, tổ chức quốc tế và công chúng nhằm hỗ trợ việc lập ra các quyết sách.
Theo kết quả khảo sát được công bố trên trang web chính thức của OECD, Đài Loan thể hiện tốt ở các mặt luật pháp liên quan đến xóa bỏ phân biệt đối xử trong gia đình, chuẩn mực xã hội và cách thực hiện, bao gồm các tiêu chí như tảo hôn, trách nhiệm làm việc nhà, ly hôn, quyền thừa kế, v.v..., Đài Loan được 0 điểm, cho thấy không có sự phân biệt đối xử. Tiếp đó là khía cạnh hạn chế về sản xuất và nguồn tài chính, bao gồm có được đất đai và tài sản phi đất đai, dịch vụ tài chính và quyền lợi tại nơi làm việc, Đài Loan được 6 điểm. Thứ ba là khía cạnh hạn chế về tự do dân sự, bao gồm quyền công dân, chủ trương chính trị và tiếp cận công lý, Đài Loan được 8 điểm. Số điểm của Đài Loan trong 3 khía cạnh nói trên đều cao hơn số điểm trung bình của thế giới, OECD và châu Á. Đài Loan cần thực hiện tốt hơn nữa ở phương diện hạn chế sự toàn vẹn về thể chất với 22 điểm ở khía cạnh này.
Báo cáo SIGI 2023 cho thấy điểm trung bình tổng hợp của Đài Loan là 9 điểm, xếp thứ 2 trong số 140 quốc gia, chỉ sau Bỉ, hy vọng Đài Loan sẽ phát huy ảnh hưởng về mọi mặt đối với châu Á và trở thành hình mẫu của thế giới.