New Southbound Policy Portal

Thời gian quay vòng, trăm năm hội ngộ Cuộc đối thoại giữa bộ sưu tập với những người con xa xứ

Bảo tàng Quốc lập Đài Loan triển lãm bộ sưu tập Đông Nam Á được lưu trữ từ hàng trăm năm trước.

Bảo tàng Quốc lập Đài Loan triển lãm bộ sưu tập Đông Nam Á được lưu trữ từ hàng trăm năm trước.
 

 Để bắc nhịp cầu đối thoại xuyên không gian và thời gian dành cho những người Đông Nam Á xa xứ, Viện Bảo tàng Quốc lập Đài Loan đã tổ chức một cuộc triển lãm đặc biệt dành cho những người con xa xứ tham gia hành trình khám phá lịch sử và văn hóa qua từng hiện vật trong bảo tàng, do chính họ kể lại câu chuyện văn vật hàng trăm năm đến từ quê hương. Đây cũng là cách tốt nhất giúp viện bảo tàng thực hiện quyền bình đẳng về văn hóa, tôn trọng các nhóm cộng đồng đa dạng.

 

 Viện Bảo tàng Quốc lập Đài Loan (gọi tắt là “Bảo tàng Đài Loan”) được thành lập vào năm 1908, là bảo tàng lâu đời nhất trong lịch sử Đài Loan, tại đây lưu trữ hơn 120.000 hiện vật, đại đa số đều tập trung vào thế kỷ 20 trong thời kỳ Nhật Bản cai trị. Các hiện vật có được là do sưu tầm, giao lưu, quyên tặng hoặc trao đổi giữa giới doanh nghiệp, cơ quan chính phủ và giới học thuật. Sau khi Đài Loan lấy lại quyền kiểm soát hòn đảo và người Nhật rút đi, trong quá trình bàn giao lại những hiện vật thuộc nhóm Nam Dương (Đông Nam Á), chỉ liệt kê danh mục và tên gọi của vật phẩm mà không ghi chép những thông tin liên quan bao gồm xuất xứ, thời gian nhận được, tác giả v.v...

 Cô Viên Tự Văn (Hsu-wen Yuan) là giám tuyển “Triển lãm đặc biệt: Đối thoại trăm năm - Sự hội ngộ giữa người di cư xuyên quốc gia và các tác phẩm sưu tập” của Bảo tàng Đài Loan. Trong những lần đưa vào kho lưu trữ, cô thường mong đợi có dịp giới thiệu các hiện vật đến với công chúng. Bắt đầu từ thập niên 1990, xuất hiện làn sóng di dân, lao động di trú từ Đông Nam Á đến Đài Loan, trong vài năm qua đã vượt mốc 1 triệu người, những hiện vật Đông Nam Á đã âm thầm chờ đợi hàng trăm năm nay, nhờ vậy đã có cơ hội được trưng bày triển lãm.

 

Đối thoại giữa cổ vật Đông Nam Á có lịch sử hàng trăm năm với người xa xứ

 Năm 2015, Bảo tàng Đài Loan triển khai “Chương trình Đại sứ phục vụ Di dân mới”, tuyển dụng các di dân mới Đông Nam Á làm hướng dẫn viên bảo tàng, cung cấp dịch vụ thuyết minh bằng nhiều ngôn ngữ, ngoài ra còn quy hoạch nhiều hoạt động đa văn hóa như tìm hiểu văn hóa quê hương của di dân mới Đông Nam Á, mở khóa học tuyên truyền giới thiệu, giúp di dân mới và lao động di trú được thoải mái thể hiện đặc trưng văn hóa của họ, để thực hiện sự bình đẳng và sự tiếp cận văn hóa.

 Cô Viên Tự Văn phụ trách thực hiện chương trình nêu trên cho biết, bắt đầu từ năm 2016, trong hoạt động văn hóa nghệ thuật chào mừng quốc khánh Indonesia do Bảo tàng Đài Loan đồng tổ chức, đoàn biểu diễn “Singo Barong Taiwan” do những lao động người Indonesia thành lập đã nhiều lần biểu diễn điệu nhảy Indonesia truyền thống “Reog Ponorogo”, đeo mặt nạ hổ, đội mũ lông chim công. Cô phát hiện ra rằng, trang phục của vũ công Reog Ponorogo rất giống với một số hiện vật trong bảo tàng, khi cô đem ra ảnh bộ sưu tập thì bất ngờ được một lao động di trú cho biết: “Đây chính là vật phẩm của quê hương tôi, là văn hóa của chúng tôi đấy”. Chính phủ Indonesia đã làm hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Reog Ponorogo là di sản văn hóa phi vật thể.

 Những văn vật này đã bắc nhịp cầu nối giữa viện bảo tàng với di dân mới và lao động di trú Đông Nam Á, không những thúc đẩy cuộc đối thoại giữa cổ vật Đông Nam Á hàng trăm năm tuổi với người xa xứ, mà còn vén màn bí mật về “thân thế” của các hiện vật bảo tàng, bao gồm dao găm keris, con rối phẳng làm bằng gỗ của Đông Nam Á đang âm thầm chờ đợi trong kho.
 

“Barong”, thần thú của đảo Bali do Văn phòng đại diện Kinh tế Indonesia tại Đài Bắc quyên tặng vào năm 2019, được Bảo tàng Đài Loan xếp vào một trong những cổ vật bảo tàng cấp 1.

“Barong”, thần thú của đảo Bali do Văn phòng đại diện Kinh tế Indonesia tại Đài Bắc quyên tặng vào năm 2019, được Bảo tàng Đài Loan xếp vào một trong những cổ vật bảo tàng cấp 1.
 

Đi mòn cả giày sắt tìm không ra, may thay có sự hỗ trợ của di dân mới và lao động di trú

 Cô Viên Tự Văn nói về ngọn nguồn sự kết nối giữa hiện vật bảo tàng với nhóm cộng đồng di dân mới và lao động di trú, với nét mặt rất hứng khởi rằng: “Thật sự có đi mòn cả giày sắt cũng tìm không ra!”

 Viện bảo tàng và đội ngũ giám tuyển đã bắt tay vào việc sắp xếp lại các cổ vật Đông Nam Á. Mặt khác, trong quá trình mời di dân mới và lao động di trú xác nhận cũng đã xúc tiến thành công sự tương tác và trao đổi với nhau giữa Bảo tàng Đài Loan và các nhà nghiên cứu văn hóa lịch sử địa phương.

 Ngoài ra, Viện bảo tàng cũng gửi đến di dân mới “Thông tin sưu tầm văn vật triển lãm”, mượn những tác phẩm hoặc đồ vật sưu tầm để trưng bày triển lãm, đồng thời tuyển chọn hơn 70 hiện vật sưu tầm thuộc nhóm Nam Dương, bao gồm dao găm keris, con rối phẳng làm bằng gỗ, vải Batik, bộ đồ ăn, nhạc cụ Gamelan, quốc phục Philippines truyền thống, bộ đồ ăn của Thái Lan, sách cổ của Việt Nam v.v..., tạo ra cuộc đối thoại giữa thời cổ xưa và thời nay, lấy văn hóa làm chủ thể cho Bảo tàng Đài Loan.

 

Dao găm keris vượt đại dương, gợi nỗi nhớ quê hương

 Con dao găm keris tạo sự kết nối giữa Bảo tàng Đài Loan với cộng đồng, chính là loại vũ khí truyền thống được sử dụng bởi nhóm dân tộc Mã Lai cổ trên đảo Sumatra - Indonesia cho đến vùng Nam bộ Philippines. Trong văn hóa Indonesia truyền thống, nó được coi là loại vũ khí phòng ngự để chống lại kẻ địch, còn ngày nay nó cũng là loại vật dụng nghi lễ tượng trưng cho địa vị, dụng cụ tế lễ hay vật gia truyền.

 Cô Sri Handini, di dân mới người Indonesia thông qua phim phóng sự của triển lãm đặc biệt giới thiệu rằng: “Con dao găm của Indonesia được giữ gìn nguyên vẹn như vậy, khiến tôi nhớ lại truyền thống những người cao tuổi ở quê hương đều sở hữu một con dao găm keris”.

 Nhà sưu tầm Indonesia Herry Sapton thông qua cuộc gọi video cho biết: “Thời trước trong tay mỗi người đều có một con dao găm keris, khi nắm nó trong tay tự nhiên sẽ tràn đầy tự tin, hun đúc ý chí, thời nay thì giống như một đồ vật gia truyền hơn”.
 

Cô Ninik Wahyuni, di dân mới người Indonesia (bên phải) mang bộ trang phục Reog Ponorogo phiên bản trẻ em cho Bảo tàng Đài Loan mượn làm hiện vật triển lãm. (Ảnh: Jimmy Lin)

Cô Ninik Wahyuni, di dân mới người Indonesia (bên phải) mang bộ trang phục Reog Ponorogo phiên bản trẻ em cho Bảo tàng Đài Loan mượn làm hiện vật triển lãm. (Ảnh: Jimmy Lin)
 

Cảm xúc của di dân mới và lao động di trú khi hội ngộ con rối phẳng hàng trăm năm tuổi

 Trong lúc đối chiếu con dao găm keris, Bảo tàng Đài Loan phát hiện các con rối tại đây cũng được đeo dao găm, sau khi hỏi thăm được biết, những con rối này đều là con rối phẳng (Wayang Klitik) làm bằng gỗ có xuất xứ từ thành phố Kediri, Indonesia.

 “Đây là loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống của quê hương tôi. Tôi lớn lên cùng với loại hình biểu diễn này. Tôi rất cảm động, cũng rất cảm ơn việc Đài Loan bảo tồn văn hóa Indonesia”. Lao động di trú Budi đến từ thành phố Kediri, Indonesia cho biết anh đã liên hệ với người hàng xóm Kondo Brodiyanto, nghệ nhân điều khiển con rối để giới thiệu với nhân viên của Bảo tàng Đài Loan về các dịp, thời điểm biểu diễn và những điều cấm kỵ trong văn hóa biểu diễn múa rối.

 Khi Kondo biết được Bảo tàng Đài Loan vẫn còn bảo tồn con rối phẳng bằng gỗ của Indonesia hàng trăm năm tuổi, anh đặc biệt liên hệ với trưởng thôn và đoàn múa rối của thôn, phát trực tiếp vở múa rối được biểu diễn trước đồn cảnh sát, giúp Viện bảo tàng có thể thưởng thức vở múa rối kinh điển đã lưu truyền hàng trăm năm nay thông qua livestream.

 

Sự liên kết giữa điệu nhảy Reog Ponorogo, dao găm và múa rối

 Bảo tàng Đài Loan phát hiện chiếc mũ của một con rối rất giống với phần trang trí trên đầu của vũ công trong điệu nhảy, sau khi được nghệ nhân điều khiển con rối hỗ trợ đối chiếu, đã xác nhận vai diễn trong vở múa rối chính là vị Quốc vương Adhipati Klonosewandono, hậu duệ của hoàng tộc Ponorogo. Mối liên kết giữa vũ công, hiện vật triển lãm tại bảo tàng và câu chuyện truyền thuyết khiến cho nhân viên bảo tàng vô cùng xúc động.

 Bảo tàng Đài Loan cho biết, điệu nhảy Reog Ponorogo ở miền Đông Java và điệu nhảy Barong của đảo Bali đều là những thần thú quan trọng trong văn hóa tín ngưỡng của Indonesia, vì thế, viện bảo tàng đến mượn của cô Ninik Wahyuni, di dân mới người Indonesia bộ trang phục điệu nhảy Reog Ponorogo đeo mặt nạ hổ đội mũ lông chim công phiên bản trẻ em mà cô dùng trong việc dạy học để làm hiện vật triển lãm, đồng thời trưng bày trang phục “Barong” do Văn phòng đại diện Kinh tế Văn hóa Indonesia tại Đài Bắc tặng cho Bảo tàng Đài Loan vào năm 2019 (hiện tại là hiện vật được lưu giữ tại viện bảo tàng). Một chiếc mặt nạ hổ đầu đội lông chim công loại thật có trọng lượng từ 60 -70 kilôgram, là một trong những chiếc mặt nạ lớn nhất thế giới, người biểu diễn chỉ dùng răng để chống đỡ.

 Cô Ninik Wahyuni cho biết, điệu nhảy Reog Ponorog khi được biểu diễn “ở quê mình thì chẳng lấy gì làm lạ, sau khi tới Đài Loan không được xem nữa thì mới cảm thấy trân quý hơn”. Cô cho hay, trang phục biểu diễn mang từ quê hương được trưng bày tại viện bảo tàng để nhiều người được chiêm ngưỡng, tìm hiểu, đã tạo ra ý nghĩa khác hẳn.
 

Con rối phẳng làm bằng gỗ đến từ thành phố Kediri, Indonesia, đã có hàng trăm năm lịch sử.

Con rối phẳng làm bằng gỗ đến từ thành phố Kediri, Indonesia, đã có hàng trăm năm lịch sử.
 

Người Philippines xa xứ hội ngộ quốc phục truyền thống nơi xứ người

 Bộ quốc phục truyền thống Barong Tagalog của Philippines được dệt bằng tơ làm từ xơ dứa từ hơn 100 năm trước cũng được trưng bày tại triển lãm, trên bộ đồ này có những họa tiết thêu hoa, Barong nam là chiếc áo sơ mi không có túi, Barong của nữ là chiếc đầm ngắn tay liền thân cổ tròn hoặc cổ vuông, hai cánh tay áo phồng lên như cánh bướm, nên còn được gọi là “đầm cánh bướm”.

 Mẫu trang phục này vào năm 1975 được cựu Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos chỉ định là quốc phục của Philippines.

 Họa sĩ vẽ tranh cát người Philippines tại Đài Loan-anh Mario Subeldia cũng là nhà thiết kế thời trang, còn thiết kế thêm 3 bộ quốc phục Philippines theo phong cách hiện đại để tạo sự phản chiếu lẫn nhau.

 Subeldia cho biết, ông rất kinh ngạc khi thấy bộ quốc phục nước mình được trưng bày trong viện bảo tàng, chất lượng được bảo quản rất tốt, khiến ông cảm thấy như được trở lại thời đại trước đây. Thời nay giá xơ dứa rất đắt và không dễ dàng có được, vì thế, trong tác phẩm của mình ông thay thế bằng sợi hóa học, về kiểu dáng thì vẫn giữ nguyên yếu tố thêu hoa của quốc phục. Ông nói, khi khách tham quan ca ngợi vẻ đẹp của quốc phục Philippines, chiêm ngưỡng tác phẩm của mình, ông rất lấy làm tự hào mình là người Philippines.

 

Di dân mới và lao động di trú hội ngộ bộ sưu tập quê hương, cùng tỏa sáng cho nhau

 Cô Viên Tự Văn cho biết, trong mấy năm gần đây, việc nghiên cứu văn vật Đông Nam Á là một trong những chủ đề nghiên cứu nổi bật của các bảo tàng thế giới, cuộc triển lãm đặc biệt này “chính là giới thiệu với công chúng quá trình cùng với di dân mới và lao động di trú Đông Nam Á tìm tòi khám phá về thân thế của các hiện vật triển lãm tại bảo tàng”.

 Giáo sư trợ lý Viện nghiên cứu Ngành bảo tàng học của Đại học Phụ Nhân (Fu Jen Catholic University) Lâm Văn Linh cho biết, Đại hội Hiệp hội bảo tàng quốc tế năm 2022 diễn ra tại Prague đã xác lập định nghĩa mới về bảo tàng bao gồm “Tính tiếp cận, tính bao quát, sự đa dạng hóa và sự tham dự của cộng đồng xã hội”. Cô Lâm Văn Linh cho rằng, sự tham gia nhiệt tình của nhóm di dân mới và lao động di trú đã tiếp thêm nhiều cảm xúc phong phú hơn và ý nghĩa mới mẻ cho bộ sưu tập, có lẽ đó chính là sự thông hiểu và tin cậy lẫn nhau đã được xây dựng lâu nay giữa viện bảo tàng với cộng đồng di dân mới và lao động di trú. Bảo tàng Đài Loan đã mời cộng đồng người Đông Nam Á tham gia triển lãm, để họ kể câu chuyện về các hiện vật triển lãm theo góc độ văn hóa quê hương của họ, cách làm tôn trọng văn hóa của các nhóm cộng đồng dân tộc như vậy rất đáng được khẳng định.

 

Xem thêm

Thời gian quay vòng, trăm năm hội ngộ Cuộc đối thoại giữa bộ sưu tập với những người con xa xứ