New Southbound Policy Portal

Sự độc đáo ẩn mình trong chất liệu dân dã – đá mài terrazzo Biểu cảm kiến trúc toát ra từ “bản hòa âm” giữa sỏi đá và xi măng

Anh Trần Bỉnh Nguyên dốc hết tâm huyết vào việc nghiên cứu phương pháp xây dựng đá mài terrazzo.

Anh Trần Bỉnh Nguyên dốc hết tâm huyết vào việc nghiên cứu phương pháp xây dựng đá mài terrazzo.
 

 Phong cách đá mài terrazzo hoài cổ từng là biểu tượng kiến trúc phổ biến nhất ở Đài Loan. Tuy phong cách này dần dần bị lãng quên trong cuộc sống nhưng chúng vẫn cứ lặng lẽ ở bên cạnh chúng ta bằng những hình thức khác nhau, bạn đã phát hiện ra chúng chưa?

 

 Bảo tàng số 207 Địch Hóa (Dihua) nằm ở Đại Đạo Trình (Dadaocheng) là một ngôi nhà cổ 4 tầng lầu được xây dựng từ năm 1962, bên trong vẫn giữ được vẻ đẹp kiến trúc truyền thống, phía ngoài bức tường hình vòng cung được ốp gạch màu đỏ cam bắt mắt, với diện tích ô cửa sổ to rộng, đủ để tầm nhìn bao quát được hết phong cảnh bên ngoài. Một điều đặc biệt nữa là sàn đá mài terrazzo được sử dụng ở cả bốn tầng lầu càng tạo thêm sức hút, du khách hoàn toàn không thể rời mắt khỏi những họa tiết dưới chân mình như chú ong, quả nho, nhân sâm, làm gợi nhớ đến tiền thân của ngôi nhà cổ này trước kia là “Tiệm thuốc bắc Quảng Hòa Đường”.

 

Khơi gợi ký ức văn hóa dân dã

 Sàn đá mài terrazzo tuy chỉ là một phương pháp xây dựng nhưng đối với người Đài Loan, sàn đá mài lại là một biểu tượng văn hóa in sâu trong lòng mọi người, họ dành rất nhiều tình cảm đặc biệt cho biểu tượng này. “Khoảnh khắc khi bước lên trên sàn đá mài, như được đắm chìm vào cảm giác thân thuộc, giống như được trở về trong vòng tay ấm áp của mẹ”. Chỉ vài ba câu ngắn ngọn, anh Trần Bỉnh Nguyên (Chen Bing-yuan), người phụ trách công ty vật liệu đá xây dựng “Chính Phong” (Santa Form) đã diễn tả được hình tượng của sàn đá mài trong lòng người dân Đài Loan.  

 Vì có cảm tình đặc biệt với sàn đá mài nên anh đã cất công nghiên cứu phương pháp xây dựng này. “Nhưng các bậc tiền bối trong lĩnh vực vật liệu xây dựng xung quanh tôi đều nói rằng, đây là thứ mà ngày xưa các chú chơi chán rồi, sao giờ cậu còn chơi cơ chứ?”, anh chia sẻ.

 Khoảng 40 năm về trước, cha anh Trần Bỉnh Nguyên vốn dĩ đang đi làm ở Nam Áo (Nanao), nhưng vì nhìn thấy thị trường xây dựng thời bấy giờ phát triển sôi động nên quyết định xin nghỉ việc, sau đó chuyển đến sống ở thành phố cảng rồi sáng lập thương hiệu bán vật liệu xây dựng Chính Phong.

 Đó là thời kỳ nền kinh tế Đài Loan vô cùng phát triển, những ngôi nhà xây sẵn của các nhà đầu tư mọc lên khắp nơi, nhưng do vật liệu gỗ, gạch men vẫn chưa thịnh hành nên xu hướng làm sàn đá mài terrazzo độc chiếm thị trường lúc bấy giờ, từ thiết kế tường ngoài trời ốp gạch terrazzo cho đến sàn đá mài terrazzo. “Chỉ cần dùng một loại vật liệu là có thể xây được cả một căn nhà hoàn chỉnh”, anh Trần Bỉnh Nguyên chia sẻ.

 Lớn lên cùng với đất đá, bản thân là thế hệ thứ hai nối nghiệp gia đình, anh nói trong niềm xúc động: “Tôi được nuôi lớn bởi những viên đá đó và cũng muốn xem kỹ thuật xây dựng này có thể phát triển đến mức độ nào”. Chính vì thế, kể từ lúc trở về tiếp quản công việc kinh doanh của gia đình cách đây mười mấy năm, ngoài việc duy trì mua bán vật liệu đá lâu nay của gia đình, ngay cả khi không được đánh giá cao, anh cũng dựa vào chuyên môn thiết kế nội thất để nhận làm một số công trình xây dựng đá mài. Anh Trần Bỉnh Nguyên không ngại chia sẻ rằng, vấn đề thiếu nhân công và phương pháp xây dựng đã không còn thịnh hành như trước đều là sự thật chẳng thể nào chối cãi, nhưng chỉ cần thực hiện thành công những ý tưởng “trên mây” của các chủ đầu tư, anh vẫn thấy bản thân đã gặt hái được nhiều thành tựu.
 

Do phương pháp xây dựng đá mài terrozza rất mất thời gian, lại tạo ra nhiều bụi bẩn nên ngày càng ít người sử dụng.

Do phương pháp xây dựng đá mài terrozza rất mất thời gian, lại tạo ra nhiều bụi bẩn nên ngày càng ít người sử dụng.
 

Phương pháp làm đá nhân tạo thay thế cho vật liệu đá thiên nhiên

 Kỹ thuật làm đá mài terrazzo thực ra không phải bắt nguồn từ Đài Loan. Theo tư liệu ghi chép cho thấy, nguồn gốc của phương pháp xây dựng này có xuất xứ từ thành phố Venice nước Ý, sau đó được người Nhật du nhập vào Đài Loan vào thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng nhưng vẫn chưa xác định được thời gian xuất hiện cụ thể. Theo lời giải thích của Giáo sư Diệp Tuấn Lân (Yeh Jun-lin) của khoa Kiến trúc, Đại học Trung Nguyên (Chung Yuan Christian University), đá mài terrazzo là một loại “đá nhân tạo” mô phỏng nguyên liệu đá. Ông nói: “Sản lượng đá của Đài Loan không nhiều, hơn nữa nguyên vật liệu đá tự nhiên có chi phí gia công, phí vận chuyển đắt đỏ. Mặc dù đá mài terrazzo cũng sử dụng đá tự nhiên nhưng do trộn thêm một lượng lớn vữa xi măng có thể giảm đáng kể lượng đá sử dụng, với bề mặt nhẵn bóng, nhìn xa chẳng khác gì so với vật liệu đá”.

 Nhìn từ góc độ của người sử dụng, việc vệ sinh bề mặt đá mài khá dễ dàng và vật liệu này dường như không tồn tại cái gọi là “thời hạn sử dụng”, ngay cả khi hư hỏng hoặc bị nứt cũng không cần phải làm lại trên diện tích rộng mà có thể sửa chữa cục bộ. Còn nếu đã cũ thì sau khi trải qua quá trình mài và đánh bóng sẽ tiếp tục kéo dài tuổi thọ của chúng, có thể nói là một loại vật liệu rất bền. Ngoài ra, với tính chất mát lạnh, đặc biệt phù hợp với khí hậu oi bức của Đài Loan, còn có thêm ưu điểm chống thấm và chống ẩm cao. Những yếu tố này đã khiến chất liệu đá mài terrazzo được người dân ứng dụng phổ biến trong xây dựng.

 Trong các kiến trúc cổ như Phủ Tổng thống, Viện Giám Sát, Tòa đô chính thành phố Tân Trúc, v.v... được xây dựng từ thời Nhật Bản chiếm đóng đều có bóng dáng của đá mài terrazzo, đúng như những gì mà anh Trần Bỉnh Nguyên kể về lịch sử sáng lập công ty “Chính Phong” (Santa Form). Những năm 1950-1980 là thời kỳ huy hoàng nhất của vật liệu đá terrazzo ở Đài Loan, vật liệu này được sử dụng rộng rãi trong các tòa nhà dân cư, đền chùa, trường học và cả cơ quan nhà nước. Dấu vết của đá mài terrazzo thường được tìm thấy trên các vị trí như mặt đường, bậc tam cấp nối giữa chân tường và sàn nhà, tường rào, v.v...

 Cho đến ngày nay, người Đài Loan quen thuộc nhất với sàn khảm đá màu đen, màu xám và trắng, tượng trưng cho một số loại đá sản xuất tại địa phương. Sàn khảm đen là đá phiến từ cảng Ô Thạch (Wushi), huyện Nghi Lan (Yilan) hoặc khu Tam Địa Môn (Sandimen), huyện Bình Đông (Pingtung), sử dụng cùng một loại chất liệu với những ngôi nhà bằng đá đen của người dân tộc nguyên trú. Ngoài ra còn có đá cẩm thạch đen từ Nghi Lan, Hoa Liên (Hualien), Đài Đông (Taitung). Đá trắng và sỏi xám trắng cũng thuộc loại đá cẩm thạch sản xuất từ phía Đông Đài Loan.

  Nghệ thuật cao siêu trong kiến trúc đền chùa

 Phương pháp sản xuất đá mài terrazzo không phức tạp, thợ xi măng trước tiên sẽ trộn đá sỏi và vữa xi măng theo tỷ lệ, chờ khi vữa đá mài đông kết và đóng rắn hoàn toàn thì tiến hành công đoạn mài bề mặt bằng máy mài đá, từ mài thô cho đến mài mịn, sau đó sửa chữa lại từng chi tiết nhỏ, cuối cùng là công đoạn đánh bóng, phủ bóng.

 Nơi mà mọi người có thể dễ dàng tìm thấy kỹ nghệ đá mài terroza ở Đài Loan là trong những ngôi đền, nơi hội tụ đỉnh cao của nghệ thuật truyền thống. Chẳng hạn như mặt sàn, tường và bàn thờ của đền Bảo An ở Hà Liêu, Đài Nam (Heliao, Tainan); mặt sàn, tường, cột trụ trước cửa chính chùa Đại Tiên, di tích cấp thành phố của Đài Nam và cột long trụ bằng đá mài terrazzo trong đền Song Trung Gia Nghĩa (Chiayi), v.v... đều là những tác phẩm kinh điển của kỹ nghệ đá mài terrozza. Những tác phẩm kể đã dung hòa nguyện vọng của tín đồ và văn hóa Phật giáo, Đạo giáo. Do kỹ thuật tinh xảo nên thời gian thi công thường được tính bằng năm. Về hoa văn, ngoài các loại hình khối phổ biến, còn có các bố cục phức tạp như hình hoa lá, chim chóc và động vật, cùng những sự tích trong Phật giáo. Về phần tạo hình, những người thợ thường tiến hành mài tạo hình khi vữa terrazzo ở trạng thái chưa khô hẳn, chi tiết bề mặt bo tròn và các đường nét chính xác đòi hỏi kỹ thuật vô cùng sắc sảo khéo léo.
 

Cùng với sự phát triển đa dạng của vật liệu và thẩm mỹ, giúp cho biến tấu trong biểu cảm toát ra từ đá mài terrazzo trở nên vô cùng ngoạn mục. Đá mài terrazzo làm sàn nhà, họa tiết trang trí trong đền chùa cho đến không gian thương mại của ngày xưa, vẫn gắn liền với cuộc sống của mọi người.

Cùng với sự phát triển đa dạng của vật liệu và thẩm mỹ, giúp cho biến tấu trong biểu cảm toát ra từ đá mài terrazzo trở nên vô cùng ngoạn mục. Đá mài terrazzo làm sàn nhà, họa tiết trang trí trong đền chùa cho đến không gian thương mại của ngày xưa, vẫn gắn liền với cuộc sống của mọi người.
 

Mở ra hướng đi mới cho vật liệu cũ

 Thời nay, ít người chọn sàn đá mài terrazzo cho ngôi nhà của mình vì thời gian thi công thường mất từ hai đến ba tuần, thực sự không nhanh bằng sàn gạch lát chỉ trong vòng 3 ngày là hoàn thành. Có lẽ, đối với xã hội hiện đại ngày nay luôn theo đuổi hiệu quả nhanh chóng thì chất liệu đá mài terrazzo có thể tồn tại hàng trăm năm, tượng trưng cho nhịp sống chậm rãi và sự quyến rũ trường tồn của cuộc sống ngày xưa.

 Tuy nhiên, bóng dáng của đá mài terrazzo sẽ không bao giờ biến mất hoàn toàn. So với sàn gạch và sàn gỗ, sàn đá mài dễ làm sạch và không bám bụi bẩn, đến nay vẫn được sử dụng rộng rãi trong các nhà máy gia công thực phẩm và nhà máy đông lạnh vốn chú trọng đến an toàn vệ sinh thực phẩm. Hơn nữa, cũng do sự phát triển của kỹ thuật thi công, sự phổ biến của “gạch terrazzo” được sản xuất tại nhà máy đã bù đắp cho việc tốn kém thời gian thi công tại chỗ như trước kia.

 Chất liệu vỏ sò, thủy tinh màu sắc sặc sỡ, thậm chí cả đá nhập khẩu được sử dụng để thay thế đá truyền thống, nhựa epoxy thay thế vữa xi măng, v.v... Việc bổ sung các vật liệu khác nhau đã mang lại sự thể hiện phong phú hơn cho phong cách đá mài terrozza hiện đại. Trong những năm gần đây, các thương hiệu lớn như cửa hàng lớn nhất của thương hiệu Valentino ở Rome và Apple Store đều sử dụng chất liệu đá mài terrazzo. Điều này tượng trưng cho sự trở lại của đá mài terrazzo với hiện thân thẩm mỹ và tính năng trang trí khác nhau, như lời anh Trần Bỉnh Nguyên nói: “Phương pháp xây dựng này liệu đã đi đến hồi kết? Ồ! Chưa đâu nhé!”

 

Xem thêm

Sự độc đáo ẩn mình trong chất liệu dân dã – đá mài terrazzo Biểu cảm kiến trúc toát ra từ “bản hòa âm” giữa sỏi đá và xi măng