New Southbound Policy Portal
Ngày 14/5, nhận lời mời của Liên minh các nền dân chủ (Alliance of Democracies, AoD), Tổng thống Thái Anh Văn và Phó Tổng thống Lại Thanh Đức đã có bài phát biểu qua video tại “Hội nghị thượng đỉnh Dân chủ Copenhagen” lần thứ 7 (Copenhagen Democracy Summit).
Tổng thống cảm ơn Hội nghị thượng đỉnh Dân chủ Copenhagen đã ủng hộ Đài Loan trong những năm qua. Đài Loan nỗ lực hợp tác với các đồng minh và các đối tác trên toàn cầu để cùng đảm bảo an ninh và ổn định trong khu vực, không có mối đe dọa hay sự cưỡng ép nào có thể làm lung lay quyết tâm vươn ra thế giới của Đài Loan. Khi Đài Loan ứng phó với mối đe dọa từ Trung Quốc, quan hệ đối tác với các nước có quan điểm tương đồng là biện pháp tự phòng vệ hiệu quả nhất. Người dân Đài Loan hiểu rõ dân chủ là con đường vĩnh cửu và duy nhất. Tổng thống tin rằng chỉ cần đoàn kết nhất trí thì chúng ta sẽ trở nên mạnh mẽ hơn.
Phó Tổng thống cho biết: Sau khi nhậm chức Tổng thống, ông sẽ thúc đẩy “Dự án Hy vọng quốc gia”, nỗ lực xây dựng một Đài Loan dân chủ, hòa bình, đổi mới, thịnh vượng, công bằng và bền vững, đồng thời tiếp tục bảo vệ các giá trị dân chủ trên toàn cầu. Bốn chính sách chính trong tương lai gồm “Tăng cường quốc phòng và khả năng chiến đấu phi đối xứng”, “Cải thiện an ninh kinh tế và chuỗi cung ứng”, “Tiếp tục thiết lập quan hệ đối tác với các nước dân chủ” và “Xây dựng khả năng lãnh đạo ổn định và có nguyên tắc trong quan hệ giữa hai bờ eo biển” để bảo vệ hòa bình và ổn định trong khu vực.
Phó Tổng thống nhấn mạnh rằng thế giới tự do không thể khuất phục trước sự bành trướng của các nước độc tài, mà cần đẩy mạnh tự do và dân chủ, nền kinh tế và khả năng phục hồi của chính mình, đồng thời mang lại phúc lợi cho người dân thông qua hợp tác cùng có lợi, để lại cho thế hệ sau một thế giới dân chủ hòa bình, tự do và thịnh vượng.
Nội dung chính bài phát biểu của Tổng thống như sau:
Tôi rất vui khi được tham dự Hội nghị thượng đỉnh Dân chủ Copenhagen 2024. Đây là lần cuối cùng tôi phát biểu ở đây với tư cách là tổng thống Đài Loan. Tôi xin chân thành cảm ơn Hội nghị thượng đỉnh dân chủ đã ủng hộ Đài Loan trong những năm qua. Tôi cũng muốn nhắc lại cam kết của chúng tôi trong việc hợp tác với các bạn để ủng hộ và củng cố nền dân chủ trên toàn thế giới.
Kể từ khi tôi phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh lần trước cho đến nay, chúng ta đã chứng kiến chế độ độc tài mang đến nhiều mối đe dọa hơn như làm xói mòn niềm tin của chúng ta vào thể chế dân chủ, ngăn cản chúng ta thực hiện quyền tự do của mình, lợi dụng thông tin sai lệch, các hoạt động ở “vùng xám” và chiến tranh nhận thức nhằm chia rẽ chúng ta ở trong và ngoài nước.
Không chỉ vậy, nhiều tổ chức và cá nhân nỗ lực bảo vệ dân chủ và nhân quyền đã bị chế độ độc tài trừng phạt.
Những thách thức này khiến các sự kiện như Hội nghị thượng đỉnh Dân chủ Copenhagen càng trở nên quan trọng hơn. Hội nghị thượng đỉnh năm nay một lần nữa bao gồm các vấn đề cấp thiết như an ninh xuyên Đại Tây Dương, bảo vệ nền dân chủ ở Kosovo, đảm bảo nhu cầu quân sự của Ukraine và các nước dân chủ nên bảo vệ Đài Loan như thế nào, v.v... Tôi tin rằng thông qua thảo luận, chúng ta có thể đưa ra các chính sách để giải quyết những vấn đề quan trọng này một cách hoàn thiện hơn.
Trước những thách thức chưa từng có, chúng ta vẫn đoàn kết và tiếp tục đoàn kết vì các giá trị cùng chia sẻ như dân chủ, nhân quyền và tự do.
Người dân Đài Loan đã phải trải qua hậu quả của nhiều thập kỷ cai trị độc tài, phải đối mặt với những mối đe dọa ngày càng leo thang từ Trung Quốc nhưng người dân Đài Loan vẫn kiên định bảo vệ dân chủ, tự do hơn bao giờ hết.
Ngoài ra, Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) đã tích cực tăng cường năng lực quốc phòng để bảo vệ nền dân chủ. Đài Loan cũng nỗ lực hợp tác với các đồng minh và đối tác toàn cầu để cùng đảm bảo an ninh và ổn định trong khu vực. Chúng tôi cũng tích cực chia sẻ kinh nghiệm chống lại các thế lực độc tài và khả năng phục hồi dân chủ với bạn bè trong cộng đồng quốc tế.
Nhờ sự nỗ lực của Chính phủ và người dân Đài Loan, trong 8 năm qua, các phái đoàn từ nhiều quốc gia đã đến Đài Loan để bày tỏ sự ủng hộ và tăng cường quan hệ với Đài Loan.
Những hành động này khiến người dân Đài Loan vô cùng cảm động. Những người bạn quốc tế khiến người dân Đài Loan biết rằng họ không đơn độc. Tôi muốn nhân cơ hội này cảm ơn các bạn đã thể hiện sự ủng hộ đối với Đài Loan.
Không có mối đe dọa hay sự cưỡng ép nào có thể làm lung lay quyết tâm vươn ra thế giới của Đài Loan. Đài Loan sẵn sàng tăng cường hợp tác với các nước dân chủ toàn cầu trong tất cả các lĩnh vực mà chúng ta cùng chia sẻ lợi ích chung.
Khi Đài Loan ứng phó với mối đe dọa từ Trung Quốc một cách kiên cường và dũng cảm, quan hệ đối tác của chúng tôi với các nước có quan điểm tương đồng là biện pháp tự phòng vệ hiệu quả nhất.
Người dân Đài Loan hiểu rõ dân chủ là con đường vĩnh cửu và duy nhất. Tôi tin rằng chỉ cần đoàn kết nhất trí thì chúng ta sẽ trở nên mạnh mẽ hơn.
Vào thời điểm này tuần tới, Đài Loan sẽ có tổng thống mới. Tôi tin rằng dưới sự lãnh đạo của Tổng thống đắc cử Lại Thanh Đức, Chính phủ và nhân dân Đài Loan sẽ tiếp tục nỗ lực vì sự phát triển dân chủ, tự do trên toàn cầu.
Nội dung chính bài phát biểu của Phó Tổng thống như sau:
Các bạn thân mến, sau vài ngày nữa, tôi sẽ tuyên thệ nhậm chức tổng thống tiếp theo của Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan). Theo Bảng xếp hạng Chỉ số dân chủ do Tạp chí “The Economist” công bố, Đài Loan là quốc gia dân chủ xếp thứ 10 thế giới và đứng đầu châu Á. Điều này chứng minh người dân Đài Loan luôn kiên định theo đuổi nền dân chủ.
Sau khi nhậm chức tổng thống, tôi sẽ thúc đẩy “Dự án Hy vọng quốc gia”, nỗ lực xây dựng một Đài Loan dân chủ, hòa bình, đổi mới, thịnh vượng, công bằng và bền vững, đồng thời tiếp tục bảo vệ các giá trị dân chủ trên toàn cầu.
Điều quan trọng nhất là chúng tôi sẽ tiếp tục bảo vệ các giá trị dân chủ trên thế giới. Bốn chính sách chính trong tương lai của chúng tôi gồm: Thứ nhất, “tăng cường quốc phòng và khả năng chiến đấu phi đối xứng”. Tiếp đó là “cải thiện an ninh kinh tế và chuỗi cung ứng”. Thứ ba, “tiếp tục thiết lập quan hệ đối tác với các nước dân chủ”. Thứ tư, “xây dựng khả năng lãnh đạo ổn định và có nguyên tắc trong quan hệ giữa hai bờ eo biển”.
Đài Loan sẽ nỗ lực duy trì hiện trạng ở eo biển Đài Loan, không loại trừ việc triển khai đối thoại với Trung Quốc dựa trên nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau, cùng có lợi, có tôn nghiêm và không đặt ra điều kiện tiền đề.
Tôi xin cảm ơn nghị sĩ quốc hội các nước thuộc “Liên minh Nghị viện về Trung Quốc” (IPAC) đã nhấn mạnh việc thế giới phải trả giá cho các cuộc xung đột giữa hai bờ eo biển. Chúng ta phải ngăn chặn một cách mạnh mẽ mọi hành động thù địch của chế độ độc tài.
Đài Loan sẽ tiếp tục tăng cường quyết tâm và khả năng tự phòng vệ. Vì vậy, sức mạnh của nền kinh tế là rất quan trọng. Đài Loan sẽ trở thành trung tâm liên minh công nghệ của các nước dân chủ trên toàn cầu.
Chúng ta không thể khuất phục trước sự bành trướng của các nước độc tài, mà ngược lại, cần củng cố tự do và dân chủ, nền kinh tế và khả năng phục hồi của chính mình, đồng thời mang lại phúc lợi cho người dân thông qua hợp tác cùng có lợi.
Bây giờ là lúc chúng ta đoàn kết và xây dựng một thế giới dân chủ hòa bình, tự do và thịnh vượng cho các thế hệ mai sau.
“Quỹ Liên minh các nền dân chủ” – Đơn vị tổ chức “Hội nghị thượng đỉnh Dân chủ Copenhagen” là tổ chức phi chính phủ do cựu Thủ tướng Đan Mạch kiêm cựu Tổng thư ký khối NATO – ông Anders Fogh Rasmussen thành lập vào năm 2017. Quỹ này tổ chức “Hội nghị thượng đỉnh Dân chủ Copenhagen” lần thứ nhất vào năm 2018.
Tại Hội nghị thượng đỉnh Dân chủ Copenhagen tổ chức ngày 14/5, “Liên minh Nghị viện về Trung Quốc” (IPAC) đã thông báo sẽ tổ chức hội nghị thường niên tại Đài Loan vào tháng 7 năm nay.