New Southbound Policy Portal

Công bố Bản khảo sát tiêu dùng và xu hướng khách du lịch đến Đài Loan trong năm 2023: Sức tiêu dùng đã phục hồi 60% so với trước đại dịch COVID-19

 Theo Bản khảo sát tiêu dùng và xu hướng khách du lịch đến Đài Loan trong năm 2023” do Tổng cục Du lịch, Bộ Giao thông công bố, sau đại dịch COVID-19, khách du lịch đến Đài Loan chủ yếu theo dạng du lịch tự túc, linh hoạt và bị thu hút bởi các món ăn vặt đặc trưng của Đài Loan. Du khách đi những tour phổ biến ở phía Bắc, coi trọng trải nghiệm, tiết kiệm mua sắm và giảm mức tiêu dùng trung bình hàng ngày nhưng thời gian lưu trú tại Đài Loan lâu hơn, tổng thể sức tiêu dùng đã phục hồi 60% so với giai đoạn trước đại dịch.

 Năm 2023, số lượng khách du lịch đến Đài Loan đạt 6,49 triệu lượt người, khôi phục được 55% so với năm 2019. Thị trường du lịch Đài Loan tăng trưởng trở lại ổn định theo từng quý, 18 nước hướng Nam mới chiếm số lượng lớn nhất với tỷ lệ 37%, tiếp đó là Hồng Kông và Macau với 18%, Nhật Bản chiếm 14%. Thời gian lưu trú trung bình là 7,39 đêm, tăng 1,19 đêm so với trước dịch COVID-19. Chi tiêu du lịch của du khách đến Đài Loan trong cả năm 2023 đạt 8,661 tỷ USD, cho thấy sức tiêu dùng đã phục hồi khoảng 60% so với trước đại dịch.

 Mức tiêu dùng trung bình hàng ngày của mỗi du khách đến Đài Loan trong năm 2023 là 180,67 USD, giảm 7,78% so với năm 2019, chủ yếu do chi phí mua sắm giảm 16,59 USD (giảm 32,06%) trong khi chi phí cho giải trí tăng nhiều nhất (5,37 USD, tương đương 89,05%), cho thấy du khách coi trọng trải nghiệm du lịch và giảm mua sắm. Quan sát từ phương diện thị trường, 3 thị trường có sức tiêu thụ mạnh nhất ở Đài Loan là du khách Hàn Quốc (trung bình 212,14 USD/người/ngày), Nhật Bản (197,62 USD/người/ngày) và Mỹ (197,33 USD/người/ngày).

 Top 3 mua sắm nhiều nhất là du khách Hàn Quốc, Trung Quốc và Hồng Kông, Macau. Lựa chọn hàng đầu của tổng thể khách du lịch vẫn là đặc sản Đài Loan nhưng du khách Nhật Bản thích mua trà, du khách Hàn Quốc, châu Âu và Mỹ ưa chuộng đồ lưu niệm hoặc đồ thủ công, trong khi du khách từ các nước hướng Nam mới, Trung Quốc, Hồng Kông và Macau lại thích quần áo hoặc các phụ kiện liên quan.

 Thị trường hướng Nam mới là thị trường lớn nhất sau đại dịch, chiếm 37% tổng số khách du lịch đến Đài Loan. Biện pháp đơn giản hóa thủ tục cấp thị thực, khuyến mãi phiếu giảm giá khách sạn và ưu đãi vé máy bay đã thúc đẩy du khách muốn đi du lịch Đài Loan, ước tính doanh thu du lịch mang lại vào khoảng 3,3 tỷ USD.

 Khách du lịch đến Đài Loan năm 2023 chủ yếu là du lịch tự túc (chiếm 88%), tăng 6,5% so với năm 2019. Trung bình, du khách bắt đầu lên kế hoạch cho tour du lịch của mình vào khoảng 28,49 ngày trước khi đến Đài Loan, rút ngắn đáng kể so với con số 51,57 ngày của năm 2019, mở ra xu thế đi du lịch một cách ngẫu hững, “nói đi là đi”.

 Top 4 thắng cảnh du lịch được nhiều khách du lịch ghé thăm nhất trong năm 2023 và 2019, xếp theo thứ tự gồm: Chợ đêm, Tháp Taipei 101, khu Tây Môn Đinh (Ximending) và làng cổ Cửu Phần (Jiufen). Giao thông được nhiều du khách lựa chọn nhất ở Đài Loan là đi xe điện Metro, do yếu tố thuận tiện trong giao thông nên các thắng cảnh du lịch tập trung nhiều hơn ở khu vực phía Bắc.

 “Ẩm thực hoặc các món ăn vặt đặc trưng” và “Phong cảnh” là lý do chính thu hút khách du lịch. Top 3 hoạt động có nhiều du khách tham gia nhất trong thời gian du lịch tại Đài Loan bao gồm mua sắm, đi chơi chợ đêm, tham quan di tích lịch sử. Du khách nước ngoài có ấn tượng sâu sắc về các món ăn ngon của Đài Loan, đi chơi chợ đêm và các đặc sản địa phương. Các thắng cảnh được yêu thích nhất là Hồ Nhật Nguyệt (Sun Moon Lake), Bình Khê (Pingxi) và Cửu Phần (Jiufen).

 Tỷ lệ hài lòng trên tổng thể khách du lịch đến Đài Loan đạt 97% với số điểm trung bình cao nhất đánh giá mức độ hài lòng về thái độ thân thiện của người dân Đài Loan, giao thông trong nước thuận tiện, trị an xã hội tốt và môi trường giải trí an toàn.