New Southbound Policy Portal
Ngày 26/11, Bộ trưởng Bộ Môi trường Bành Khởi Minh đã cùng Chủ tịch Trung tâm Vũ trụ Quốc gia (TASA) – ông Ngô Thành Văn và Hiệu trưởng Đại học Quốc lập Trung Ương (NCU) – ông Châu Cảnh Dương lần lượt ký kết Thỏa thuận trao đổi và hợp tác về ứng dụng vệ tinh trong giám sát môi trường và quan trắc khí nhà kính và Thỏa thuận về giám sát môi trường và thúc đẩy trao đổi, hợp tác quốc tế, thông qua hợp tác với Trung tâm Vũ trụ Quốc gia và Đại học Quốc lập Trung Ương để phóng vệ tinh giám sát ô nhiễm không khí và thúc đẩy mạng lưới giám sát quốc tế, thể hiện khả năng và công nghệ giám sát của Đài Loan. Trong tương lai, các dữ liệu khoa học thu được sẽ giúp đưa ra cảnh báo sớm về ô nhiễm không khí và cung cấp tài liệu tham khảo để xây dựng các chiến lược liên quan. Ngoài ra, Đài Loan còn có thể chia sẻ dữ liệu vệ tinh và dữ liệu giám sát quốc tế với các nước khác để mở rộng ứng dụng trong khu vực, trở thành nước tiên phong ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Bộ Môi trường đã phối hợp với Trung tâm Vũ trụ Quốc gia lập kế hoạch phóng các vệ tinh quỹ đạo thấp. Đây là ứng dụng vệ tinh đầu tiên của Đài Loan trong lĩnh vực môi trường. Văn phòng khí hậu của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) cho biết: Công nghệ quan trắc bằng vệ tinh là công cụ giám sát có thể cung cấp các dữ liệu quan trọng, hỗ trợ các nước xây dựng chính sách khí hậu. Bộ Môi trường cùng hợp tác với Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đánh giá việc phóng vệ tinh quỹ đạo đồng bộ đầu tiên của Đài Loan để quan trắc ô nhiễm khí quyển và khí nhà kính, cải thiện thông tin liên lạc, kỹ thuật viễn thám, cảnh báo thiên tai, tăng cường khả năng phục hồi mạng lưới thông tin toàn cầu và năng lực cạnh tranh của Đài Loan trên thế giới.
Bộ Môi trường cho biết: Trung tâm công nghệ quan trắc môi trường của Đại học Trung Ương được thành lập trên cơ sở hợp tác lâu dài giữa Bộ Môi trường và Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (USEPA), cùng phát triển Mạng lưới quan trắc thủy ngân khu vực châu Á-Thái Bình Dương (APMMN). Trung tâm này cũng đưa về hoặc nghiên cứu, phát triển các công nghệ giám sát môi trường tiên tiến và thông tin ứng dụng giá trị gia tăng, tích hợp dữ liệu quan trắc nhằm cải thiện độ chính xác của việc quan trắc bằng vệ tinh. Ngoài ra, Bộ Môi trường còn tham gia Mạng lưới quan trắc bức xạ bề mặt đường cơ sở của Liên Hợp Quốc (BSRN), Mạng quan trắc Khí nhà kính chu trình cacbon (CCGG) và Mạng quan trắc Sol khí toàn cầu (NFAN) của Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) để tiếp cận các công nghệ tiên tiến, mở rộng quan hệ quốc tế và giới thiệu kết quả quan trắc môi trường của Đài Loan.