New Southbound Policy Portal
Nhằm nâng cao sự hiểu biết của công chúng về lịch sử Khủng bố Trắng ở Đài Loan, Bảo tàng Nhân quyền Quốc gia và Viện Nghiên cứu Lịch sử Đài Loan thuộc Viện Nghiên cứu Trung ương (Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia) đã phối hợp thực hiện “Chương trình biên soạn tổng quan về lịch sử Khủng bố Trắng ở Đài Loan”, đồng thời tổ chức “Hội thảo Lịch sử Khủng bố Trắng 2025” vào hai ngày 9/1 và 10/11 tại Bảo tàng Khoa học Xã hội và Nhân văn của Viện Nghiên cứu Trung ương, mời các nạn nhân chính trị, người thân của họ và các chuyên gia, học giả đến nói chuyện, chia sẻ những điều đã trải qua và cảm nghĩ sau khi nghiên cứu, trình bày kết quả của mỗi giai đoạn. Hội thảo đã thu hút hơn 100 người, bao gồm các nhà nghiên cứu, các nhà hoạt động nhân quyền và công chúng tới tham dự.
Phó Giám đốc Bảo tàng Nhân quyền Quốc gia – bà Trần Thục Mãn cho biết: Làm rõ sự thật về thời kỳ Khủng bố Trắng và phổ biến sự thật này thông qua việc giới thiệu, giáo dục là trách nhiệm của Bảo tàng Nhân quyền Quốc gia, cũng là một khâu quan trọng trong việc thực thi công lý chuyển tiếp. Từ năm 2017, Bảo tàng Nhân quyền Quốc gia đã phối hợp với Viện Nghiên cứu Lịch sử Đài Loan thuộc Viện Nghiên cứu Trung ương, mời các chuyên gia, học giả trong các lĩnh vực lịch sử, pháp luật, xã hội, văn học, v.v... và các nạn nhân chính trị cùng người thân của họ thành lập một đội ngũ, biên soạn một lượng lớn các dữ liệu liên quan đến Khủng bố Trắng thành các thuật ngữ ngắn gọn, dễ hiểu và chính xác, chia thành 5 mục chính gồm: nhân vật, sự kiện, tổ chức, luật pháp và danh từ riêng, làm cơ sở cho các tầng lớp xã hội tra cứu và tìm hiểu về lịch sử Khủng bố Trắng.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lịch sử Đài Loan – bà Chung Thục Mẫn cho biết: Hội thảo Lịch sử Khủng bố Trắng lần này kéo dài trong hai ngày. Ngày 9/1 tiến hành tọa đàm theo chủ đề, mời các nạn nhân trong các vụ án chính trị và người thân của họ kể lại những điều họ đã trải qua, những câu chuyện về nỗi đau, sự chịu đựng và lòng dũng cảm. Ngày 10/1 sẽ giới thiệu 10 luận văn nghiên cứu, trình bày kết quả nghiên cứu giai đoạn thứ 6 của chương trình. Bà Chung Thục Mẫn cho biết Viện Nghiên cứu Lịch sử Đài Loan và Bảo tàng Nhân quyền Quốc gia sẽ hợp tác xuất bản tuyển tập luận văn “Đưa sự thật ra ánh sáng: Khám phá các vụ án chính trị ở Đài Loan thời hậu chiến” (Bringing the truth to light: multifaceted exploration of political cases in post-war Taiwan) làm nền tảng vững chắc cho công lý chuyển tiếp.
Bảo tàng Nhân quyền Quốc gia cho biết việc chia sẻ nội dung nghiên cứu với các tầng lớp xã hội thông qua “Hội thảo Lịch sử Khủng bố Trắng” sẽ giúp thúc đẩy theo đuổi sự thật và công lý chuyển tiếp, đặt nền tảng vững chắc cho việc thực hiện công bằng xã hội. Ngày 10/1, Hội thảo sẽ mời các chuyên gia, học giả của Viện Nghiên cứu Trung ương và Bảo tàng Lịch sử Quốc gia chia sẻ về kết quả nghiên cứu với các chủ đề liên quan đến quá trình điều tra các vụ án chính trị, hệ thống quản lý, các sự kiện liên quan đến dân tộc nguyên trú, nông thôn và quân đội. Nội dung chi tiết sẽ được đăng tải trên trang web chính thức của Viện Nghiên cứu Lịch sử Đài Loan.