New Southbound Policy Portal
Để ứng phó với chính sách thuế quan của Mỹ, ngày 7/4, Thủ tướng Trác Vinh Thái đã mời các đảng phái của Viện Lập pháp tổ chức hội nghị trao đổi về vấn đề này. Người phát ngôn Viện Hành chính Lý Tuệ Chi cho biết: Trong hội nghị lần này, lãnh đạo các đảng phái đã cùng thảo luận và trao đổi về ảnh hưởng đối với các ngành nghề trong nước và chiến lược ứng phó của chính phủ. Thủ tướng mong muốn các đảng phái sẽ cùng ủng hộ phương án hỗ trợ gồm “20 biện pháp trên 9 lĩnh vực, tổng kinh phí 88 tỷ Đài tệ” do Viện Hành chính đề xuất để ổn định nền kinh tế và phát triển các ngành nghề.
Bà Lý Tuệ Chi cho biết: Tại cuộc họp báo “Kế hoạch hỗ trợ chuỗi cung ứng xuất khẩu của Đài Loan ứng phó với thuế quan của Mỹ” vào ngày 4/4, Thủ tướng đã nêu rõ việc đánh giá tác động đến các ngành nghề và các biện pháp ứng phó với thuế đối ứng của Mỹ, đồng thời căn cứ việc đánh giá tác động để chuẩn bị phương án hỗ trợ với tổng kinh phí 88 tỷ Đài tệ, trong đó bao gồm dự toán ngân sách cho các biện pháp hỗ trợ như giảm lãi suất tài trợ thương mại, ưu đãi cho phí bảo hiểm hàng hóa xuất khẩu, v.v..., hy vọng cơ quan hành pháp và lập pháp sẽ nhanh chóng phê duyệt ngân sách để hỗ trợ các ngành nghề trong nước.
Mặt khác, Tổng thống Lại Thanh Đức cũng rất quan tâm đến tác động mà người lao động phải gánh chịu do chính sách thuế quan của Mỹ lần này. Do đó, Bộ Lao động đã đặc biệt đưa ra phương án “Việc làm ổn định” để hỗ trợ người lao động vượt qua thời điểm khó khăn. Thủ tướng cũng chỉ đạo Ủy ban Phát triển Quốc gia đề xuất chiến lược và kế hoạch ứng phó trung hạn và dài hạn. Các công việc tiếp theo liên quan đến xây dựng và sửa đổi luật cũng phải dựa vào sự ủng hộ của Viện Lập pháp.
Bà Lý Tuệ Chi cho biết: Kế hoạch do Viện Hành chính đề xuất lần này không chỉ tiếp tục mở rộng trên cơ sở hiện có, mà còn nới lỏng nhiều hạn chế và đơn giản hóa quy trình nộp đơn xin trợ cấp cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế của Mỹ. Ngoài ra, Chính phủ sẽ hỗ trợ dựa trên nhu cầu thực tế của người dân và các ngành nghề bị ảnh hưởng, kiểm tra mọi khoản chi trong ngân sách 88 tỷ Đài tệ, nếu vẫn còn thiếu thì sẽ đánh giá lại khả năng tăng dự toán ngân sách.
Tại hội nghị, Thủ tướng cho biết: Tiếp theo, Chính phủ sẽ đàm phán thuế quan và các biện pháp phi thuế quan, mở rộng mua sắm và đầu tư, đồng thời quan tâm, theo dõi chặt chẽ các vấn đề như các quốc gia hoặc khu vực khác bán phá giá hay vận chuyển bất hợp pháp để áp dụng các biện pháp quản lý hợp lý khi cần thiết. Điều quan trọng nhất hiện nay là hy vọng sẽ giảm mức thuế, phát triển theo hướng có lợi cho Đài Loan, hình thành mối quan hệ hợp tác mới giữa Đài Loan và Mỹ. Đàm phán là cả một quá trình nhưng Chính phủ sẽ đánh giá tác động tương ứng và tích cực trao đổi, thảo luận với các đảng phái, các ngành nghề và xã hội để tìm kiếm sự đồng thuận. Trong đó, các biện pháp thương mại phi thuế quan và việc mở rộng mua sắm tới một số lượng nhất định có thể sẽ liên quan đến việc phân bổ ngân sách đặc biệt và đều phải dựa vào sự ủng hộ của Quốc hội.
Trước tình hình Chính phủ Mỹ tuyên bố áp thuế đối ứng, Quỹ ổn định tài chính quốc gia cho biết những biến động ngắn hạn của thị trường là không thể tránh khỏi, nhưng cuối cùng sẽ ổn định trở lại. Quỹ ổn định tài chính quốc gia sẽ theo dõi chặt chẽ tình hình thị trường chứng khoán trong nước và quốc tế, không loại trừ việc triệu tập ủy ban lâm thời để thảo luận về tình hình chính trị, kinh tế trong nước và quốc tế, cũng như các biện pháp ứng phó liên quan nhằm duy trì niềm tin của các nhà đầu tư và sự ổn định của thị trường vốn Đài Loan.