Sáng 22/10, tham dự “Diễn đàn Y tế Toàn cầu Đài Loan 2017” do Bộ Y tế-Phúc lợi tổ chức, Phó Tổng thống Trần Kiến Nhân trông đợi chính phủ cùng các đoàn thể, các tổ chức tư nhân hợp lực xây dựng hệ thống chăm sóc sức khỏe tổng hợp mang tính cộng đồng, phổ cập, địa phương, lấy con người làm trung tâm, thúc đẩy bền vững kế hoạch chăm sóc sức khỏe lâu dài 2.0
Phó Tổng thống chỉ ra, chủ đề của năm nay là “Cảm hứng, Hành động và Phong trào: Thực hiện mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu (SDGs) (Inspiration, Action, and Movement (IAM): Implementation of SDGs). Hy vọng mượn chủ đề này cùng các giới thảo luận làm thế nào để đạt được mục tiêu phát triển bền vững mà Liên Hợp Quốc đặt ra.
Phó Tổng thống đề cập, tuy Đài Loan từng phải đối mặt với rất nhiều thách thức nhưng trên phương diện y tế cộng đồng, Đài Loan trước sau vẫn luôn duy trì kỷ lục tốt và kết quả nổi bật. Kể từ khi xây dựng hệ thống bảo hiểm y tế toàn dân năm 1995 đến nay, người dân Đài Loan kể từ khi sinh ra, bất kể thuộc giới tính, độ tuổi nào, bất luận giàu hay nghèo, ai ai cũng được hưởng quyền lợi bình đẳng về khám chữa bệnh, chi phí tổng thể cho khám chữa bệnh chiếm 6,1% GDP (Tổng sản phẩm quốc nội), chi phí hành chính dưới 1% nhưng có thể mang lại bảo đảm y tế cho 100% người dân. Mức độ hài lòng của người dân đối với bảo hiểm y tế luôn duy trì trên 80%. Về tổng thể, hiệu suất chăm sóc y tế công cộng của Đài Loan là vô cùng tốt. Ngoài ra, căn cứ những chỉ số y tế mang tính chính xác cao do Economist Intelligence Unit (Tổ chức cung cấp dịch vụ dự đoán và cố vấn qua nghiên cứu và phân tích) thông báo trên toàn cầu, Đài Loan xếp thứ 3 tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, xếp thứ 14 trên thế giới về dịch vụ chăm sóc y tế.
Phó Tổng thống giải thích rõ hơn, bảo hiểm y tế toàn dân của Đài Loan không chỉ sử dụng thẻ gắn chip IC làm thẻ chứng nhận y tế mà còn xây dựng hệ thống “Medi-Cloud” để nâng cao an toàn sử dụng thuốc, giảm việc trùng lặp dùng thuốc và xét nghiệm. Đài Loan còn xây dựng chương trình “My Health Bank” (Ngân hàng sức khỏe của tôi), cung cấp cho người bệnh lịch sử khám chữa bệnh trước đây và những thông tin cập nhật về y tế. Hệ thống kỹ thuật iCloud này không chỉ nâng cao chất lượng dịch vụ y tế mà còn tránh lãng phí nguồn lực dành cho bảo hiểm y tế, đạt được mục đích giúp bảo hiểm y tế hoạt động bền vững.
Phó Tổng thống nhấn mạnh, trên diện tích đất đai có hạn, là ngôi nhà chung của 23 triệu người dân, Đài Loan có hệ thống y tế hoàn chỉnh, mạng lưới y tế công cộng và phòng dịch tương đương trình độ các nước tiên tiến; đồng thời có ngành dược phẩm và sản xuất thiết bị y tế kiện toàn, có chế độ bảo hiểm y tế toàn dân nổi tiếng thế giới. Những năm gần đây, Đài Loan càng nỗ lực hết sức trong việc kết hợp kỹ thuật thông tin tiên tiến với quản lý y tế để phù hợp với nhu cầu điện tử hóa hệ thống y tế của thế kỷ 21.
Trước những thách thức và ảnh hưởng mang tính toàn cầu, các nước đều phải đối mặt với những thử thách ngày càng nghiêm trọng về phòng ngừa và chữa trị các bệnh truyền nhiễm mới. Ngoài việc nỗ lực nâng cao khả năng giám sát và ứng biến đối với bệnh tật, Đài Loan càng tích cực đẩy mạnh phát triển hợp tác và giao lưu phòng dịch quốc tế. Kể từ năm 2015, Đài Loan và Mỹ đã xây dựng mạng lưới hợp tác phòng dịch xuyên quốc gia, lập chương trình đào tạo quốc tế xử lý các bệnh truyền nhiễm như Ebola, MERS, sốt xuất huyết, Zika, v.v…, hoàn thiện hơn nữa hệ thống phòng dịch ở Đài Loan, giảm bớt tác động của bệnh dịch đối với sức khỏe người dân. Phó Tổng thống cho biết, hành động để hưởng ứng mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), không ngừng cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ em, Đài Loan đã tích cực xây dựng môi trường thân thiện nuôi con bằng sữa mẹ và đạt được hiệu quả tốt. Tỷ lệ nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ với trẻ dưới 6 tháng tuổi đạt 44,8%, vượt xa tỷ lệ 38% là tỷ lệ bình quân trên toàn thế giới từ năm 2005 đến năm 2012. Ngoài ra, năm 2000, Đài Loan còn công bố “Luật phòng chữa các bệnh hiếm gặp và thuốc sử dụng”, trở thành quốc gia tiên tiến thứ 5 trên thế giới xây dựng luật bảo đảm cho những bệnh nhân mắc bệnh hiếm gặp. So với các nước tiên tiến khác, Đài Loan còn kết hợp cả việc phòng chữa bệnh hiếm gặp với thuốc sử dụng cho các bệnh hiếm gặp nên luật này còn mang đặc điểm riêng xuất hiện lần đầu trên thế giới.
Phó Tổng thống nói, thách thức Đài Loan đang phải đối mặt hiện nay là xã hội già hóa. Dự kiến đến năm 2026, số dân trên 65 tuổi sẽ lên đến 20%, Đài Loan sẽ bước vào giai đoạn dân số “siêu già”. Bởi vậy, từ 1/2017, trước nhu cầu phong phú của xã hội già hóa, Đài Loan bắt đầu thúc đẩy “Kế hoạch chăm sóc trường kỳ 10 năm 2.0” (gọi tắt là Kế hoạch chăm sóc 2.0), một mặt mở rộng công tác phòng ngừa ban đầu, giúp người già sống khỏe và làm chậm suy giảm chức năng; mặt khác kết nối công tác phục vụ chuẩn bị ra viện với chăm sóc cuối đời tại nhà, kết hợp hệ thống y tế, xây dựng hệ thống chăm sóc sức khỏe tổng hợp lấy con người làm trung tâm.
Phó Tổng thống cho rằng, trong xu thế toàn cầu có sự tương tác thường xuyên, y tế và y tế công cộng từ lâu đã không còn phân chia biên giới. Nằm ở nơi quan trọng giữa 2 khu vực Đông Nam Á và Đông Bắc Á, Đài Loan vô cùng thích hợp và vui lòng được đóng vai trò cùng chia sẻ nguồn lực và hợp tác y tế khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, chia sẻ kinh nghiệm và thành quả đạt được. Trên cơ sở hợp tác trước đây trong khu vực, hiện nay Đài Loan đang đưa ra bộ khung “Chính sách hướng Nam mới”, quy hoạch kế hoạch hàng đầu về hợp tác y tế và liên kết ngành nghề với các nước trong Chính sách hướng Nam mới, hy vọng mở rộng hơn nữa giao lưu và hợp tác trong lĩnh vực y tế với các nước Đông Nam Á, cùng nâng cao chất lượng y tế, xây dựng hệ thống phòng dịch hoàn chỉnh hơn nữa; đồng thời cải thiện khả năng tiếp cận của người dân đến các loại thuốc và thiết bị y tế an toàn, chất lượng cao và giá cả hợp lý, đạt được mục tiêu các bên cùng có lợi.
Sau cùng, Phó Tổng thống cho biết, Đài Loan có bước tiến dài về mặt y tế nhưng trước mắt vẫn còn rất nhiều thách thức. Ông rất vui mừng khi thấy nhiều Bộ trưởng Bộ Y tế và chuyên gia y tế các nước bang giao đã đến tham dự diễn đàn. Các bạn đều là những đối tác cùng nắm tay Đài Loan thúc đẩy công tác y tế, chăm sóc sức khỏe tốt hơn, hy vọng mọi người đóng góp cho diễn đàn những ý kiến quý báu. Ông cũng trông đợi diễn đàn lần này giúp mọi người có cơ hội trải nghiệm nền dân chủ mạnh mẽ, nền văn hóa đa dạng và lòng hiếu khách của Đài Loan.
Bộ trưởng Bộ Y tế-Phúc lợi Trần Thời Trung, thứ trưởng Bộ Ngoại giao Chương Văn Lương, Ủy viên lập pháp Khưu Thái Nguyên và đại diện Bộ y tế các nước bang giao: Swaziland, Kiribati, Palau, Haiti, El Salvador, Saint Vincent, Tuvalu, quần đảo Marshall v.v… đều có mặt tham dự diễn đàn.