Di chuyển đển khối nội dung trung tâm
Trường học Đài Loan tại thành phố Hồ Chí Minh-Giáo dục xuất sắc từ mẫu giáo đến phổ thông trung học

123

Khối mẫu giáo với hơn 100 em thuộc 9 quốc tịch khác nhau, giống như Liên Hợp Quốc thu nhỏ vậy

 
 Cùng với xu thế thương nhân Đài Loan đầu tư ngày càng mạnh vào các nước Đông Nam Á, nhu cầu giáo dục đối với con em thương nhân Đài Loan tại nước ngoài cũng ngày một cấp thiết. Với sự nỗ lực của của các ban ngành như Bộ Ngoại giao, Bộ Kinh tế, Ủy ban Sự vụ Cộng đồng người Hoa hải ngoại…, trường học Đài Loan tại Việt Nam đã chính thức được thành lập tại thành phố Hồ Chí Minh năm 1997, trở thành trường học Đài Loan thứ 5 tại nước ngoài, sau các trường học Đài Loan ở Penang, Kuala Lumpur (Malaysia), Jakarta, Surabaya (Indonesia).
 

 18 năm sau khi thành lập trường, cùng với số thương nhân Đài Loan tăng lên, số lượng học sinh và các cấp học cũng không ngừng tăng theo. Trường học Đài Loan tại thành phố Hồ Chí Minh đã phát triển thành quy mô lớn với gần một nghìn học sinh từ lớp mẫu giáo đến các cấp, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông.
 

 Doanh nhân Đài Loan đến các nước Đông Nam Á làm kinh tế để nuôi dưỡng thế hệ sau tốt hơn nhưng giáo dục bản sắc văn hóa, bồi dưỡng năng lực cho thế hệ sau lại là vấn đề khó khăn mà thương nhân Đài Loan gặp phải khi ở nước ngoài.
 

Trường học Đài Loan tại thành phố Hồ Chí Minh

 Chủ nhiệm Phòng Kinh tế-Văn hóa Đài Bắc tại thành phố Hồ Chí Minh Lương Quang Trung cho biết, Việt Nam có hơn 4000 doanh nghiệp Đài Loan với hơn 50.000 doanh nhân Đài Loan. Hơn 90% trong số này là ở các tỉnh thành phía nam Việt Nam. Nhiều người Đài Loan đã dừng chân tại đây, kết hôn, sinh con, nhu cầu giáo dục cũng từ đó phát sinh theo. Trường học Đài Loan duy nhất tại Việt Nam vì thế mà đã được xây dựng tại thành phố Hồ Chí Minh.
 

Đã là trường học Đài Loan thì đương nhiên hiệu trưởng, giáo viên, giáo trình giảng dạy đều phải đến từ Đài Loan. Hiệu trưởng Phan Đạo Nhân cho biết, trường học Đài Loan trực thuộc Phòng Kinh tế-Văn hóa Đài Bắc tại thành phố Hồ Chí Minh quản lý, hoạt động theo mô hình “Chính phủ thành lập, tư nhân điều hành”.

 Bắt đầu từ khóa đầu tiên với 66 học sinh, trường học Đài Loan đã có một quá trình phát triển mạnh mẽ. Hiện nay, số học sinh từ 3 đến 18 tuổi, theo học từ lớp mẫu giáo đến bậc phổ thông trung học đã lên đến 980 em. “Mấy năm nay rất nhiều thương nhân Đài Loan từ Đông Quan (Trung Quốc) đã chuyển đến Việt Nam”, thầy Phan Đạo Nhân cho biết. Trường học Đài Loan tại thành phố Hồ Chí Minh là trường duy nhất trong 5 trường thành lập tại nước ngoài có số học sinh vẫn tiếp tục tăng trưởng.
 

 Học sinh trường học Đài Loan chủ yếu là các em có quốc tịch Đài Loan. “Mục đích thành lập trường năm ấy là chăm sóc con em thương nhân Đài Loan. Bởi vậy, trường quy định không được nhận học sinh quốc tịch Việt Nam”, thầy Phan Đạo Nhân nói. Hiện tại, học sinh quốc tịch Đài Loan trong trường chiếm 82,2%, gần 20% còn lại là học sinh quốc tế, bao gồm các em người Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Canada, Malaysia, v.v...
 

Liên Hợp Quốc thu nhỏ

 Trường học Đài Loan tại thành phố Hồ Chí Minh tọa lạc tại khu dân cư Phú Mỹ Hưng của quận 7. Bên trái là trường học Nhật Bản, bên phải là trường học Hàn Quốc, rẽ một cái là trường học Canada và trường quốc tế. Vị trí như vậy khiến ta cảm thấy như đang ở “Liên Hợp Quốc”.
 

Trên thực tế, bên trong trường học Đài Loan cũng là một Liên Hợp Quốc thu nhỏ, thể hiện rõ rệt nhất ở độ phức tạp, đa dạng trong lớp mẫu giáo.
 

 Hiệu trưởng khối mẫu giáo, cô Trần Tú Linh cho biết, hiện khối mẫu giáo hiện có 5 lớp với 132 học sinh, sử dụng giáo trình dành cho nhi đồng của Quỹ Tín Nghị Đài Loan, giáo viên được mời dạy cũng là giáo viên Đài Loan đạt yêu cầu quy định, thậm chí bữa ăn của các em cũng đều được nấu chuẩn khẩu vị Đài Loan. “Toàn bộ giáo trình giảng dạy đều nhập khẩu nguyên bộ từ Đài Loan về, chỉ có địa điểm dạy học là ở thành phố Hồ Chí Minh thôi”.
 

 Tuy nhiên, học sinh khối mẫu giáo lại gồm có 9 quốc tịch khác nhau, giáo viên ngoài tiếng Trung còn phải học vài câu tiếng Hàn, tiếng Nhật và tiếng Việt. “Mấy năm nay, học sinh Hàn Quốc đang có xu thế tăng lên”. Cô Trần Tú Linh cho biết, các em học từ mẫu giáo, rồi đến tiểu học, trung học, mục đích đều là đến Đài Loan học đại học. Cô nhẩm lại, trong số học sinh tốt nghiệp lớp 12 của 3 năm qua, năm nào cũng có ít nhất 3 học sinh Hàn Quốc.
 

 Mặc dù là con em người Đài Loan nhưng hơn một nửa số em không nói được tiếng Hoa. Cô Trần Tú Linh lấy ví dụ lớp mẫu giáo bé, 1 lớp có 22 cháu thì chỉ có 3,4 cháu là nói được tiếng Hoa, còn lại đều nói tiếng Việt, tiếng Trung không hiểu. “Vì tỷ lệ các cháu có mẹ là người Việt Nam chiếm đến 61,8%”, cô Trần Tú Linh nói. Vì vậy, trong số 2 giáo viên của mỗi lớp, cô chủ nhiệm là giáo viên mời từ Đài Loan sang và phải tốt nghiệp khoa ngữ văn tại Đài Loan, đồng thời biết hai thứ tiếng.
 

Nối liền giáo dục trong và ngoài nước

 Học sinh trường học Đài Loan đến từ bốn phương tám hướng, lộ trình xe đưa đón vô cùng phong phú. Nào là Tây Ninh, Bình Dương…, điểm xa nhất cũng phải đến gần 2 tiếng. Để các em ở xa có thể về nhà sớm, trường phải bỏ giờ nghỉ trưa, bữa trưa ăn vội trong 15 phút là phải vào lớp ngay.
 

 Cô Trần Tú Linh nói, con em người Đài Loan phải vất vả đi học xa như vậy mục đích không gì khác là để sau này có thể chuyển tiếp sang học trong môi trường giáo dục tại Đài Loan.
 

 Trưởng ban phụ huynh trường học Đài Loan Vương Nhã Phương đã đến Việt Nam kinh doanh được 8 năm, con trai cô hiện đang học lớp 5 bậc tiểu học. Cô cho biết, lúc đó chọn học trường Đài Loan, mục đích là để sau này tham dự kỳ thi dành cho học sinh Hoa kiều và về Đài Loan học đại học, “nối liền” với nền giáo dục Đài Loan một cách thuận lợi.
 

 “Trường học Đài Loan đóng vai trò vô cùng quan trọng”, thầy Phan Đạo Nhân cho biết, 90% học sinh tốt nghiệp cấp 3 của trường chọn quay về Đài Loan học đại học. Do chính sách ưu đãi đối với con em ngoại giao và Hoa kiều, nhiều thế hệ thứ hai và và thế hệ thứ ba của các doanh nghiệp sau khi học xong đại học ở Đài Loan lại quay về kế thừa sự nghiệp tại Việt Nam. Bởi vậy, “chuyển tiếp” là nhiệm vụ lớn nhất của nhà trường. Nói một cách khác, chất lượng giáo dục tiếng Hoa vô cùng quan trọng.
 

 Để giúp học sinh cải thiện tình hình tiếng Hoa, cấp tiểu học và trung học cơ sở của trường học Đài Loan khuyến khích các em học văn thơ cổ vào giờ truy bài buổi sáng, ví dụ “Tam tự kinh”, “Đệ tử quy”, “Đường thi”, “Tống từ”… đều là sách thuộc nằm lòng của các em.
 

 Ngoài ra, trường còn gánh trách nhiệm quan trọng là hỗ trợ địa phương mở rộng công tác dạy học tiếng Hoa. Thứ bảy hàng tuần, trường còn mở lớp dạy tiếng Hoa cho người Việt Nam tại địa phương. Tổ trưởng tổ giáo vụ Chiêm Thiệu Uy cho biết, “Lớp mở rộng tiếng Hoa thứ bảy” đã dạy được 14 năm, bao gồm: tiếng Hoa nhi đồng, tiếng Hoa trung cấp, tiếng Hoa nhi đồng quốc tế, tiếng Hoa quốc tế dành cho người lớn, v.v… Hiện đã dạy tổng cộng 27 khóa học, số học viên đăng ký mỗi năm lên đến hơn 500 người, đứng đầu trong số các trường học Đài Loan tại hải ngoại.
 

Triển vọng tương lai từ trong thách thức

 Đối với doanh nhân Đài Loan tại Việt Nam, trường học Đài Loan không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc truyền thụ kết nối giáo dục. Buổi lễ chào cờ ngày Quốc khánh và tiệc liên hoan Quốc khánh hàng năm còn là lễ hội quan trọng mỗi năm tổ chức một lần, tập hợp tinh thần và sự đoàn kết của mọi người.
 

Chỉ có điều, cùng với sự thay đổi của thời đại và môi trường, trường học Đài Loan còn rất nhiều thách thức cần phải đột phá. Ví dụ, do không có cơ hội được học nâng cao, không có nhiều điều kiện hấp dẫn, dẫn đến tỷ lệ giáo viên rời trường cao, đội ngũ giáo viên không ổn định. Nền đất xây dựng trường mỗi năm bị lún đến 3cm nên năm nào cũng phải xây sửa, cải tạo. Ký túc xá của trường cũng thiếu trầm trọng, khó đáp ứng được nhu cầu của các học sinh ở xa.
 

 Ngoài ra, việc tìm kiếm giáo trình và sách đọc thêm không dễ dàng cũng là một trong những thách thức đối với nhà trường. Tuy vậy, trời không tuyệt đường sống của người, khó khăn thì phải nghĩ cách, các giáo viên giỏi của Đài Loan và Việt Nam phát huy sáng tạo, giúp học sinh không có sách môn xã hội vẫn có thể học môn này một cách vui vẻ.
 

 Ngày phóng viên đến phỏng vấn nhà trường, để phối hợp nội dung môn xã hội, các em học sinh lớp 5 đang tổ chức “Lễ hội ẩm thực quốc tế”, cùng chia sẻ các món ăn thịnh soạn do các mẹ tự tay chuẩn bị, trong đó không thể thiếu món nem cuốn và phở Việt Nam. Chương trình giảng dạy linh hoạt và các hoạt động phong phú không chỉ giúp trẻ học tập theo thầy cô giáo mà còn đẩy mạnh giao lưu tương tác giữa gia đình, nhà trường và xã hội, thúc đẩy tình hữu nghị và tình thân giữa Việt Nam và Đài Loan.
 

 Trường học Đài Loan tại thành phố Hồ Chí Minh không chỉ đóng vai trò cầu nối chuyển tiếp giáo dục giữa Việt Nam và Đài Loan trên bình diện quốc tế mà còn trở thành kênh hội nhập văn hóa xuất sắc nhất tại Việt Nam, tiếp tục xây đắp tương lai tốt đẹp cho các học sinh và gia đình ở Việt Nam và Đài Loan.