Bộ Ngoại giao cho biết, Chính sách hướng Nam mới do chính phủ nỗ lực thúc đẩy đang dần dần thể hiện hiệu quả, giao lưu trên mọi mặt đều có tiến triển rõ rệt, bao gồm các lĩnh vực: du lịch, thương mại, giáo dục, đầu tư, v.v… Trong tương lai sẽ tiếp tục tăng cường giao lưu, hợp tác với các nước mục tiêu trong Chính sách hướng Nam mới.
Ngày 2/10, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Lý Đại Duy sẽ đến Ủy ban Ngoại giao và Ủy ban Quốc phòng thuộc Viện Lập pháp để báo cáo tình hình công tác và chuẩn bị nghe chất vấn. Theo báo cáo bằng văn bản của Bộ Ngoại giao, kể từ khi thúc đẩy “Chính sách Hướng Nam mới” vào năm ngoái đến nay, chính sách này đã dần dần thể hiện hiệu quả, giao lưu trên mọi mặt đều tiến triển rõ rệt. Thông qua sự trao đổi tiếp xúc sâu rộng hơn trên mọi phương diện, vai trò của Đài Loan tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương ngày càng trở nên rõ nét.
Báo cáo chỉ ra, thành quả quan trọng bước đầu bao gồm: Thứ nhất, số lượng khách du lịch từ các nước trong Chính sách Hướng Nam mới đến Đài Loan tăng nhanh. Từ tháng 1 đến tháng 7 năm nay, số lượng du khách từ 18 nước trong Chính sách hướng Nam mới đến Đài Loan đã đạt 1.253.592 lượt người, tăng 36,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Thứ hai, kim ngạch thương mại song phương vẫn tiếp tục tăng trưởng. Từ tháng 1 đến tháng 7 năm nay, kim ngạch thương mại giữa Đài Loan với các nước trong Chính sách hướng Nam mới đã tăng gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn so với tỷ lệ 12,28% là tỷ lệ tăng trưởng kim ngạch giữa Đài Loan với các khu vực khác.
Thứ ba, về mặt giáo dục, số lượng học sinh, sinh viên từ các nước trong Chính sách hướng Nam mới đến Đài Loan đã tăng lên rõ rệt. Năm học 2016-2017 (tính từ 1/8/2016 đến 31/7/2017), tổng số học sinh, sinh viên từ các nước khối ASEAN, các nước Nam Á, Australia và New Zealand đến Đài Loan học tập là 31.531 người, tăng 2.790 người so với năm học 2015-2016.
Thứ tư, về mặt đầu tư, các doanh nghiệp quốc doanh và doanh nghiệp cổ phần có vốn nhà nước tích cực bố trí đầu tư vào các nước mục tiêu trong Chính sách hướng Nam mới, bao gồm 31 dự án đầu tư của các doanh nghiệp (trong đó có dự án của Tập đoàn dầu khí Đài Loan (CPC Corporation, Taiwan)) vào các nước thuộc khối ASEAN.
Báo cáo chỉ ra, Chính phủ sẽ nỗ lực đẩy mạnh “Chính sách hướng Nam mới”, trong tương lai sẽ tập trung vào “5 kế hoạch hàng đầu” (gồm đào tạo nhân tài các ngành nghề, hợp tác vệ sinh y tế và phát triển chuỗi ngành nghề, hợp tác đổi mới ngành nghề, phát triển nông nghiệp trong khu vực, diễn đàn hướng Nam mới và kênh giao lưu thanh niên) và “3 lĩnh vực tiềm năng lớn” (gồm công trình công cộng, du lịch và thương mại điện tử xuyên quốc gia). Đồng thời sẽ phối hợp thúc đẩy kế hoạch đổi mới ngành nghề “5+2” trong đó bao gồm cả ngành công nghệ sinh học và y tế, hỗ trợ doanh nghiệp khai thác, phát triển các cơ hội thương mại tại nước ngoài, tăng cường liên kết kinh tế-thương mại trong khu vực và trên thế giới.
Ngoài ra, báo cáo cũng đề cập, vài năm gần đây, làn sóng chủ nghĩa bảo hộ trỗi dậy có thể sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển thương mại đối ngoại và kinh tế Đài Loan. Bộ Ngoại giao sẽ luôn tích cực tranh thủ ký kết các Hiệp định thương mại song phương và đa phương hoặc xây dựng cơ chế đối thoại hợp tác kinh tế lâu dài với các đối tác thương mại lớn, thúc đẩy ký kết hoặc sửa đổi các thỏa thuận đảm bảo đầu tư, thỏa thuận hợp tác kinh tế v.v…, bao gồm việc gia nhập “Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương” (TPP) vẫn là một trong những mục tiêu đó; đồng thời tiếp tục tìm kiếm cơ hội tham gia các cơ chế hội nhập kinh tế khác trong khu vực.
(Nguồn: Hãng tin Trung ương CNA)