Di chuyển đển khối nội dung trung tâm
Khưu Cầm Thu xây ước mơ giao lưu văn hóa tại Đài Loan
2017-12-18

1

Khưu Cầm Thu tận tâm làm giáo trình công cụ giảng dạy màu sắc sống động cho các bé.

Trong tiềm thức của mọi người, giáo viên Anh ngữ đa phần là đến từ các nước Âu Mỹ, ấy vậy mà ở vùng Jiayi (Gia Nghĩa) có cô Khưu Cầm Thu (Qiu Qin Qiu) một giảng viên Anh ngữ với hơn 20 năm trong nghề lại là người gốc Việt. Cách giảng dạy của cô vô cùng sinh động, còn tự tay làm một số dụng cụ giáo trình DIY thú vị cho học sinh. Mấy năm gần đây, cô Khưu Cầm Thu đã dành thời gian ngoài giờ làm việc để đến các trường tiểu học dạy tiếng Việt cho học sinh, ngoài ra cô còn nhận làm thuyết minh viên tình nguyện cho Viện bảo tàng Cố Cung phân viện miền Nam, không những giúp các bé hiểu hơn về văn hóa Việt Nam mà thông qua công việc ýnghĩa này giúp cho vốn văn hóa của bản thân càng thêm phong phú hơn.
   

Năm 1986, khi chính phủ Việt Nam thực thi chính sách đổi mới, kết thúc chính sách đóng cửa, cho du nhập vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường kinh tế trong nước. Sau khi chính phủ mở cửa, cũng có nghĩa người dân có cơ hội được đi ra nước ngoài, lúc đó Khưu Cầm Thu mới tốt nghiệp Đại học thì vừa lúc đón chào làn sóng cải cách mở cửa, thế là cô đã dũng cảm rời khỏi gia đình để theo đuổi giấc mơ của mình.

 

Cô sinh viên Hoa kiều bén duyên với hòn đảo Ngọc, trở thành nàng dâu Đài Loan

Vào thời điểm mới cải cách có rất nhiều thương gia Đài Loan đến Việt Nam thành lập công xưởng, nên nhu cầu tuyển dụng người Việt biết nói tiếng Hoa rất cao. Lúc đó Khưu Cầm Thu cùng lúc theo học 3 ngôn ngữ là tiếng Hoa, tiếng Anh và tiếng Việt, cô chịu khó rèn luyện năng lực tiếng Hoa với mục đích có thêm nhiều cơ hội tìm được việc làm tốt. Với sự nỗ lực tìm kiếm thời cơ và cạnh tranh với lượng học sinh được chính phủ cho đi nước ngoài du học, cô nhờ ba mẹ giúp đỡ cung cấp tiền học phí học kỳ thứ nhất, thế là một mình xách vali lên đường đi Đài Loan du học.

Khưu Cầm Thu nhận thấy Đài Loan đã có sẵn môi trường nói tiếng Hoa, cho nên cô lựa chọn theo học khoa Anh ngữ. Cô chia sẻ: "Cuộc sống hồi mới đến Đài Loan rất cực, nào là tiền thuê nhà, tiền sinh hoạt đều phải tự đi làm thêm mới có, vừa phải lo việc học hành, vừa phải cố gắng kiếm tiền để đóng học phí cho học kỳ sau." Cô là con cả trong gia đình với 9 người em, hoàn cảnh gia đình cũng không khá giả gì cho mấy, nên cô rất biết ơn việc được xuất ngoại du học, dù có khổ đến mấy cũng phải cố mà học cho tốt.

Khưu Cầm Thu là một người có tính cách hoạt bát hòa đồng, bạn bè bèn giới thiệu cho cô làm quen với người chồng hiện tại, lúc đó đang làm nhân viên hành chính cho một trường học tại Jiayi(Gia Nghĩa). Anh ấy đã thực sự làm cô cảm động, chưa kịp tốt nghiệp Đại học cô đã trở thành nàng dâu Đài Loan.

Một thân một mình không chỗ nương tựa nơi đất khách, chặng đường 2000 cây số ngăn cách Việt Nam và Đài Loan, người con gái Việt ôm trong mình bao nỗi lo về cuộc sống mẹ chồng nàng dâu, phải đối mặt với sự khác biệt văn hóa và thói quen ăn uống... một khi đã lựa chọn con đường tình yêu xuyên quốc gia thì cái cần nhất là hai chữ dũng cảm, Khưu Cầm Thu đã yêu thì yêu hết mình và không hề hối hận.

Trong mắt của Khưu Cầm Thu, mẹ chồng là một người phụ nữ tinh tường, cô vừa nói vừa cười: "Mẹ chồng mình không bao giờ nói xấu người khác, nếu thấy có người đang thọc mạch chuyện người khác là mẹ chồng lập tức rời khỏi nơi đó liền, cho nên hàng xóm họ chỉ biết con dâu của mẹ là người Việt Nam còn ngoài ra không biết gì nữa hết." Khưu Cầm Thu rất chịu khó học nấu món Đài Loan với mẹ chồng, vì bà chỉ nói tiếng Mân Nam (tiếng Đài), nên cô cũng xem phim dài tập bằng tiếng Mân Nam, bây giờ thì tiếng Mân Nam không thể làm khó được cô, mẹ chồng vô cùng hãnh diện và luôn khen ngợi cô.

 

 


Giáo viên Anh văn, giảng viên tiếng Việt, thông dịch viên, thuyết minh viên tình nguyện của phân Viện miền Nam Viện bảo tàng Cố Cung, Khưu Cầm Thu tìm được niềm vui trong công việc.

Sáng tạo tài liệu giảng dạy thủ công, vẽ lên đóa hoa văn hóa cho các bé

Được sự ủng hộ của chồng và mẹ chồng, Khưu Cầm Thu không chút do dự theo đuổi và hoàn tất con đường học tập của mình, sau khi tốt nghiệp với tấm bằng chuyên khoa Anh ngữ trong tay, cô lập tức vào làm giáo viên tiếng Anh cho một trung tâm dạy Anh ngữ, và gắn bó với nghề hơn hai mươi năm.

Khưu Cầm Thu rất thích làm đồ thủ công, cô thường dùng những vật liệu trong cuộc sống hàng ngày như giấy lịch, giấy quảng cáo, rồi khéo léo tô điểm thêm màu sắc, thế là cho ra đời một số đồ vật giảng dạy thủ công màu sắc sặc sỡ bắt mắt. Hình ảnh sống động của chú Hải Mã, chú Cá Nóc tròn vo đáng yêu hay cá con bé xinh để miêu tả đời sống sinh vật biển, hoặc cô tự tay làm một bàn chải đánh răng có hình cá sấu để nhắc nhở các bé bảo vệ răng miệng. Khưu Cầm Thu hiểu rằng sự tập trung chú ý của các bé thường rất ngắn, cho nên cô dùng những phương pháp giảng dạy hoạt bát nhằm để thu hút sự chú ý của các bé, lớp học của cô chưa bao giờ nhàm chán.

Không chỉ học tiếng Anh mà còn phải học cả văn hóa, cứ mỗi độ vào ngày lễ của các nước Âu Mỹ, Khưu Cầm Thu đều chuẩn bị dụng cụ giảng dạy thích hợp với bối cảnh ngày lễ, chẳng hạn như vào dịp Lễ Halloween cô sẽ trang trí lớp học thành căn nhà ma, kết hợp với âm nhạc rùng rợn để tạo ra bầu không khí u ám cho căn nhà ma, trước sự sáng tạo thú vị này, các em học sinh vừa sợ vừa thích và vô cùng mong chờ Lễ hội hóa trang Halloween hàng năm.

Khưu Cầm Thu không chỉ khéo tay làm công cụ giảng dạy mà cô còn tự làm luôn sách tranh. Dùng những bức tranh xinh đẹp để tuyên truyền giáo dục sinh hoạt cho học sinh mẫu giáo, cô còn vẽ lại những câu chuyện của chị em Tân di dân tại Đài Loan, và đã nhiều lần đạt giải thưởng "Cuộc thi vẽ truyện tranh về giáo dục pháp quyền" do Bộ pháp vụ tổ chức.

Trong những năm gần đây sau khi Chính phủ đẩy mạnh các chính sách có liên quan đến Tân di dân, cho mở lớp dạy ngôn ngữ Đông Nam Á tại các trường tiểu học, Khưu Cầm Thu với kinh nghiệm giảng dạy lâu năm lại là người Việt Nam, nên đã được các trường mời đến giảng dạy tiếng Việt cho các em học sinh tiểu học. Tuy mỗi tuần chỉ có 1 tiết học, ấy vậy mà Khưu Cầm Thu vẫn dốc hết tâm sức tự tay làm dụng cụ và giáo trình thủ công vô cùng đáng yêu và tinh tế. Nếu là các lớp trải nghiệm văn hóa, Khưu Cầm Thu sẽ chuẩn bị những món ẩm thực đậm chất Việt như bánh mì kẹp thịt hay phở cho các bé, hy vọng học sinh làm quen với văn hóa Việt Nam, bên cạnh đó còn giúp cho con em thế hệ thứ hai của Tân di dân nhìn nhận văn hóa của mẹ.

Có lẽ do thành kiến của người lớn, nên chúng ta lo lắng thế hệ thứ hai Tân di dân sẽ gặp những vấn đề như mất tự tin và tự ti, nhưng thật ra các bé ít gặp trường hợp như vậy. Khưu Cầm Thu cho biết một số học sinh là thế hệ thứ hai Tân di dân trong tiết học tiếng Việt, các em rất chủ động giơ tay phát biểu trả lời câu hỏi, các em cũng thường chia sẻ với cô những câu chuyện thú vị khi các em trò chuyện với bà ngoại bằng tiếng Việt.

 

 


Khưu Cầm Thu làm thuyết minh viên tình nguyện cho phân Viện miền Nam Viện bảo tàng Cố Cung, cô luôn nhiệt tình thân thiện giải thích lịch sử văn vật cho khách tham quan.


Có một Khưu Cầm Thu say mê văn hóa Trung Hoa, niềm vui khi làm thuyết minh viên cho Viện bảo tàng

Khưu Cầm Thu ngoài vai trò là giáo viên Anh ngữ và giảng viên văn hóa Tiếng Việt cho trường tiểu học, cô còn làm thông dịch viên cho trạm phục vụ Sở Di dân Huyện Gia Nghĩa (Jiayi). Là một người ham học hỏi, cô tích cực tham gia các lớp đào tạo Tân di dân ở khắp nơi, học cách làm sách tranh, làm hướng dẫn viên cho khu dân cư, có thể nói cuộc sống của cô vô cùng phong phú và không ngừng bồi đắp kiến thức mới. Với lịch làm việc kín mít, hồi đầu năm kia, cô còn có thêm một vai trò mới, cô trở thành thuyết minh viên tình nguyện cho Viện bảo tàng Cố Cung phân viện miền Nam.

Là một người say mê văn hóa Trung Hoa, năm 2012 Khưu Cầm Thu tình cờ đọc báo và nhìn thấy thông tin tuyển tình nguyện viên cho Viện bảo tàng Cố Cung phân viện miền Nam, cô chia sẻ: "Lớp đào tạo giới thiệu rất nhiều về văn hóa Trung Hoa, về cổ vật, thư pháp, tranh cổ và văn hóa uống trà, v.v... Viện bảo tàng toàn là mời đội ngũ giáo viên chuyên nghiệp đến giảng dạy, mình học được rất nhiều từ lớp đào tạo. "Điều kiện để trở thành thuyết minh viên tình nguyện trong Viện bảo tàng Cố Cung, không chỉ nhiệt tình phục vụ là đủ, vì tình nguyện viên không được nhận chi phí giao thông, không cung cấp bữa ăn, mà còn phải tham gia các lớp đào tạo vào cuối tuần thứ Bảy, Chủ nhật, sau đó phải thông qua kỳ thi đạt tiêu chuẩn mới được trở thành thuyết minh viên tình nguyện, nếu như không có hứng thú thực sự đối với văn hóa thì khó mà theo khóa học này cho đến cùng.

 


Khưu Cầm Thu cho biết, mỗi một phòng triển lãm đều chứa cả một kho tàng kiến thức chuyên môn, bắt buộc phải hiểu rành mạch lịch sử của văn vật, phải thông qua nhiều bài thi của từng phòng triển lãm mới đủ tư cách trở thành thuyết minh viên để giải thích giới thiệu cổ vật trong vòng 40 phút. Tất cả đều nhờ vào nhiệt huyết văn hóa nghệ thuật của mình, Khưu Cầm Thu đã vượt qua kỳ thi một cách thuận lợi và chính thức gia nhập vào đội thuyết minh viên cho Trung tâm sáng tạo thiếu nhi Viện bảo tàng Cố Cung phân viện miền Nam, đem những gì đã học giới thiệu cho người dân về văn hóa gốm sứ và sản phẩm dệt may các nước Châu Á một cách chuyên nghiệp. Hiện tại khu vực triển lãm văn hóa Châu Á đang trưng bày đề tài văn hóa Việt Nam, các loại đồ vật, bánh chưng, bánh trung thu, trò chơi văn hóa dân gian nặn tò he và một số trang phục các vùng miền Việt Nam, v.v... hơn nữa, khu triển lãm còn tổ chức quầy làm phở DIY rất thú vị. Nhờ vào khả năng thuyết minh sống động hoạt bát của Khưu Cầm Thu, khiến cho khách tham quan người lớn kể cả trẻ em đều ngạc nhiên vì văn hóa Đài Loan và Việt Nam có nhiều nét tương đồng như thế. Qua sự giới thiệu thuyết minh đã giúp người dân hiểu hơn về văn hóa Việt Nam, kéo gần khoảng cách giữa người dân hai nước, và đó là điều có ý nghĩa hơn bao giờ hết dành cho Khưu Cầm Thu.

Năm đó, một Khưu Cầm Thu đặt chân đến nơi đây bởi sự quyến rũ của văn hóa Trung Hoa, đến nay cuộc sống của cô đã cắm rễ đâm chồi trên vùng đất này, cô đem dưỡng chất văn hóa đa nguyên gieo hạt giống văn hóa truyền lại cho con em thông qua con đường giáo dục. Khi được hỏi khi nào thì lên kế hoạch nghỉ hưu, cô cười sảng khoái và nói cô làm điều mình yêu thích, cho nên chưa bao giờ nghĩ đến chuyện về hưu, hơn nữa, cô còn muốn thử thách tham gia cuộc thi thuyết minh viên triển lãm văn hóa trà đạo của Viện bảo tàng...., Khưu Cầm Thu người phụ nữ tràn đầy sức sống còn quá nhiều ước mơ muốn tiếp tục thực hiện trên hòn đảo đáng yêu này.