Di chuyển đển khối nội dung trung tâm
Tổng thống Thái Anh Văn trả lời phỏng vấn của hãng tin AFP

Sáng 25/6/2018, Tổng thống Thái Anh Văn đã trả lời phỏng vấn của hãng tin AFP về các vấn đề: quan hệ Đài Loan-Mỹ, quan hệ giữa hai bờ eo biển, địa vị và sự công nhận Đài Loan trên trường quốc tế, “hội nghị Trump-Kim”, v.v… (Ảnh: Phủ Tổng thống)

Sáng 25/6/2018, Tổng thống Thái Anh Văn đã trả lời phỏng vấn của hãng tin AFP về các vấn đề: quan hệ Đài Loan-Mỹ, quan hệ giữa hai bờ eo biển, địa vị và sự công nhận Đài Loan trên trường quốc tế, “hội nghị Trump-Kim”, v.v… (Ảnh: Phủ Tổng thống)
 

 

 Sáng 25/6/2018, Tổng thống Thái Anh Văn đã nhận lời phỏng vấn của hãng tin AFP, trả lời câu hỏi do các phương tiện truyền thông đưa ra, nhằm vào các vấn đề: quan hệ Đài Loan-Mỹ, quan hệ giữa hai bờ eo biển, địa vị và sự công nhận Đài Loan trên trường quốc tế, “hội nghị Trump-Kim”, v.v...
 

 Nội dung chính của cuộc phỏng vấn như sau:
 

- Từ khi lên nhậm chức đến nay, bà đã gặp phải những thách thức nào, thách thức tiếp theo đối với bà là gì?

 Xã hội Đài Loan thực sự phải đối mặt với rất nhiều thách thức, ví dụ như áp lực từ Trung Quốc. Tổng thống làm thế nào để trong khi duy trì sự tôn nghiêm của quốc gia, duy trì chủ quyền của đất nước mà vẫn có thể duy trì được trạng thái hòa bình giữa hai bờ eo biển. Đây là thách thức lớn nhất vẫn đang tồn tại. Thách thức thứ hai là trong suốt một thời gian dài, sự phát triển kinh tế của Đài Loan chủ yếu dựa trên sản xuất công nghiệp và mô hình OEM (sản xuất thiết bị gốc), Đài Loan phải bước vào giai đoạn tiếp theo, dùng hình thái các ngành nghề sáng tạo, ngành nghề kỹ thuật cao, ngành nghề mang giá trị cao để nâng đỡ cho sự phát triển kinh tế giai đoạn tiếp theo.

 Mặt khác, Đài Loan còn có một công việc rất quan trọng nữa là chuyển đổi mô hình năng lượng.
 

- Đài Loan tượng trưng cho điều gì? Đối với những người biết rất ít về Đài Loan, bà sẽ miêu tả Đài Loan ra sao?

 Đài Loan là một nơi không giàu tài nguyên, mấy trăm năm qua nơi đây đã trải qua ách thống trị của các nhóm người khác nhau. Vì thế, người dân Đài Loan ở mỗi thời đại sinh tồn như thế nào luôn là thách thức lớn nhất. Mấy trăm năm qua, người dân Đài Loan đều đã trải qua những thách thức này, hơn thế còn có thể phát triển một nền dân chủ rất tiến bộ ở nơi đây, đồng thời xây dựng được một nền kinh tế cơ bản vững chắc.
 

 Đài Loan là nơi có nhiều thiên tai, thiếu thốn tài nguyên nhưng lại bồi dưỡng, đào tạo nên rất nhiều nhân tài. Sự phát triển của nền kinh tế Đài Loan thực sự cũng thể hiện được mặt kiên nhẫn, vững vàng của người Đài Loan.
 

 Đài Loan có một người hàng xóm rất lớn, đó là Trung Quốc. Trong tình trạng liên tiếp bị Trung Quốc chèn ép, Đài Loan vẫn kiên quyết theo đuổi các giá trị dân chủ và tự do, đồng thời chúng tôi còn rất mong muốn đóng góp cho cộng đồng quốc tế. Đây không chỉ là việc Chính phủ mong muốn đóng góp, dùng nguồn lực của Chính phủ để đóng góp cho cộng đồng quốc tế mà Đài Loan còn có một sức mạnh khiến người ta vô cùng cảm động, đó chính là sức mạnh của các tình nguyện viên Đài Loan.
 

 Nếu chúng tôi cần “dán nhãn” cho Đài Loan, “hòn đảo vững chãi” là một tên gọi rất hay đối với Đài Loan. Hai năm qua, Đài Loan đã liên tiếp phải chịu nhiều chèn ép từ Trung Quốc, thời gian gần đây có rất nhiều sự kiện với mức độ lớn đã giáng đòn mạnh vào hiện trạng eo biển Đài Loan mà chúng ta vừa nói đến. Hai năm qua, thậm chí là trước đó, Trung Quốc ngày càng mang tính xâm lược, chủ yếu do Trung Quốc muốn ép buộc Đài Loan phải phục tùng, không để cho Đài Loan với nền tự do dân chủ ngày càng cách xa Trung Quốc.
 

- Bà đã nghiêm khắc tuyên bố việc Trung Quốc có ý đồ phá hoại chủ quyền của Đài Loan đã thách thức giới hạn cuối cùng của Đài Loan. Bà có thể nói rõ giới hạn cuối cùng này là gì không?

 Nền tự do dân chủ, đặc biệt là phương thức sống tự do dân chủ của người Đài Loan chúng tôi là điều không được phép xâm hại. Thứ hai, chủ quyền của Đài Loan là điều không thể ép buộc phục tùng mà phải được tôn trọng. Thứ ba, người dân Đài Loan có quyền quyết định tương lai của họ, quyền lợi này là điều không được làm tổn hại.
 

- Bà sẽ áp dụng đối sách như thế nào để ứng phó với áp lực này?

 Không chỉ có Đài Loan phải đối mặt với vấn đề như thế này, tôi nghĩ rất nhiều thành viên trong khu vực và trong cả cộng đồng quốc tế, nếu không phải là bây giờ thì là trong tương lai, nhất định sẽ phải đối mặt với sức ảnh hưởng ngày càng mở rộng của Trung Quốc. Vì vậy, không chỉ Đài Loan phải tăng cường thực lực của mình để đối mặt với thách thức này, chúng tôi cũng hy vọng cộng đồng quốc tế có thể công nhận đây là việc mà mọi người chúng ta buộc phải cùng nhau đối mặt.
 

- Nền kinh tế Đài Loan cũng phụ thuộc vào mối quan hệ với Trung Quốc. Vậy bà làm thế nào để giảm bớt được áp lực trong mối quan hệ giữa hai bờ eo biển và đồng thời phát triển nền kinh tế?

 Giữa Trung Quốc và Đài Loan phải có một nhận thức chung, các doanh nghiệp của chúng tôi phát triển tại hai bờ eo biển thực sự có lợi cho cả hai bên, không nên để cho các doanh nghiệp này phải chịu quá nhiều sự chèn ép chính trị hay ảnh hưởng chính trị. Tại đây tôi đặc biệt kêu gọi Trung Quốc, không được dùng chính trị để can thiệp vào kinh tế.
 

 Đài Loan cần phải chuẩn bị để vươn ra thế giới, đối với các thị trường quan trọng khác, Đài Loan cũng đã bắt đầu mở rộng mức độ chuẩn bị, ví dụ như thị trường các nước mục tiêu trong Chính sách hướng Nam mới. Ngoài ra, lĩnh vực thương mại và đầu tư giữa Đài Loan với các nước châu Âu vẫn không ngừng tăng trưởng. Hiện nay, các quốc gia châu Âu đang là nhà đầu tư số 1 của Đài Loan. Đương nhiên, Đài Loan vẫn có mối quan hệ rất tốt với các đối tác thương mại truyền thống như Nhật Bản, Mỹ...
 

- Bà đã có chuẩn bị đầy đủ nhằm gặp gỡ Chủ tịch Tập Cận Bình hoặc trong hoàn cảnh nào bà mới gặp gỡ ông Tập?

 Với điều kiện tiền đề là bình đẳng, tôn nghiêm, không có chính trị, là nhà lãnh đạo Đài Loan, là Tổng thống Đài Loan, tôi rất vui lòng và cũng có trách nhiệm cùng ngồi xuống nói chuyện với nhà lãnh đạo bên kia eo biển.
 

- Đây là mục tiêu mà bà muốn hoàn thành trong nhiệm kỳ này, là một trong những thách thức đối với bà?

 Tôi hy vọng hai bên có cơ hội ngồi xuống nói chuyện trong nhiệm kỳ tôi làm Tổng thống.
 

- Bà miêu tả mối quan hệ giữa Đài Loan và Mỹ như thế nào?

 Trong mấy năm qua, chúng tôi đặc biệt cảm nhận được sự ủng hộ của các bộ ngành hành chính Mỹ, Quốc hội Mỹ và dân chúng Mỹ đối với Đài Loan vẫn đang tăng lên, đặc biệt Quốc hội Mỹ đã áp dụng một số hành động rất thân thiện đối với Đài Loan. Vì vậy, về tổng thể, mối quan hệ song phương vẫn không ngừng phát triển. Đây là mối quan hệ ổn định, hữu nghị.
 

- Bà cho rằng việc duy trì mối quan hệ khăng khít với Washington sẽ mang lại lợi ích lớn hơn sự phản đòn của Bắc Kinh? Làm như vậy là đủ?

 Đài Loan cùng Mỹ và các nước có quan niệm tương đồng duy trì tình hữu nghị mật thiết. Tình hữu nghị này được xây dựng trên nền tảng dân chủ, tự do và giá trị nhân quyền mà chúng tôi cùng chia sẻ. Chúng tôi cũng muốn xây dựng tình hữu nghị với các nước chưa có quan hệ mật thiết với chúng tôi. Nếu Trung Quốc mong muốn cùng chúng tôi phát triển các giá trị chung hoặc các giá trị cùng chia sẻ thì chúng tôi sẽ chân thành hoan nghênh họ.
 

- “Hội nghị Trump-Kim” có ý nghĩa quan trọng như thế nào đối với Đài Loan và khu vực châu Á?

 Khu vực châu Á-Thái Bình Dương đúng là có vài nơi quan trọng cần người dân trong khu vực cùng nỗ lực giải quyết, vấn đề bán đảo Triều Tiên là một trong số đó. Hội nghị Trump-Kim đại diện cho sự nỗ lực giúp cho khu vực Đông Bắc Á, đặc biệt là tình thế căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên bắt đầu có khả năng hòa hoãn.
 

- Bà cho rằng sự uy hiếp lớn nhất đến ổn định khu vực là gì? Là sự mở rộng của Trung Quốc hay là chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên?

 Hai sự việc này đều là nguồn gốc của sự bất ổn định, uy hiếp trạng thái hòa bình trong khu vực. Đài Loan vui mừng thấy được những xung đột tiềm ẩn trên bán đảo Triều Tiên đã bắt đầu có sự phát triển theo hướng tích cực.
 

- Có một số quốc gia cho rằng sự mở rộng của Trung Quốc, bao gồm chính sách “Một vành đai, một con đường” không phải là có lợi mà là sự uy hiếp đối với các nước mục tiêu của chính sách này. Bà có đồng ý với quan điểm này hay bà cho rằng nó có ích cho hòa bình, ổn định, đồng thời mang lại lợi ích cho tất cả mọi người trên thế giới?

 Chính sách này có thể là tốt, cũng có thể là không tốt. Điều này còn tùy thuộc vào sự lựa chọn của Trung Quốc. Nếu chính sách “Một vành đai, một con đường” là để hỗ trợ cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng của các nước khác, xuất phát từ thiện ý, hy vọng có thể giúp đỡ các nước khác phát triển kinh tế hoặc phát triển một lợi ích quan trọng của đất nước họ thì tôi tin rằng các quốc gia đó sẽ cảm nhận được thiện ý của Trung Quốc và sẽ cảm thấy đây là một sự việc tích cực.
 

 Nhưng nếu đằng sau những việc làm này của Trung Quốc lại che giấu ý đồ tự mình bành trướng, thậm chí can dự vào công tác nội chính của các nước khác hoặc ràng buộc về chiến lược đối với các nước này thì chưa chắc là việc mà các nước khác muốn làm, muốn thấy.
 

- Quan hệ và đối thoại giữa Trung Quốc và Vatican đang ngày càng được tăng cường, bà có cách nhìn thế nào?

 Đài Loan rất bình tĩnh và lý trí khi nhìn nhận sự việc này, đồng thời cũng chú ý đến việc Trung Quốc và Vatican để ý đến việc gì khi họ tiến hành đàm phán song phương. Tôi tin rằng cộng đồng quốc tế cũng giống như chúng tôi, cùng quan sát sự bảo vệ tự do tôn giáo, cơ hội truyền bá tôn giáo, thậm chí là việc Trung Quốc có sự tôn trọng đến mức nào đối với tự do tôn giáo? Đây là điều Trung Quốc phải thể hiện cho cộng đồng quốc tế thấy thái độ của họ đối với tự do tôn giáo là gì?
 

- Tuy mất đi vài nước bang giao, nhưng Đài Loan và Mỹ, Nhật Bản cùng rất nhiều quốc gia vẫn ngày càng tăng cường trao đổi. Điều này có hỗ trợ cho việc đối mặt với áp lực từ Trung Quốc không? Liệu có khiến Trung Quốc ngày càng tức giận không?

 Chúng tôi sẽ khiến Đài Loan ngày càng lớn mạnh. Đây là trách nhiệm mà chúng tôi buộc phải gánh vác và cũng là công việc quan trọng của người Đài Loan chúng tôi. Nếu cộng đồng quốc tế cho rằng tự do, dân chủ là giá trị rất quan trọng, là giá trị phổ quát, là giá trị mọi người cần cùng nhau bảo vệ thì chúng ta phải cùng nhau gây áp lực đối với Trung Quốc, để Trung Quốc phải gánh vác trách nhiệm mà một nước lớn cần phải gánh vác.