Di chuyển đển khối nội dung trung tâm
Kết quả nổi bật sau 5 năm thực hiện Chương trình Học tập và quan sát vì lợi ích môi trường toàn cầu tại Đài Loan

Trong 5 năm qua, Đài Loan đã tham gia Chương trình học tập và quan sát vì lợi ích môi trường toàn cầu (GLOBE), đồng thời đạt được những thành quả xuất sắc, hiện đã có gần 50 trường tiểu học và trung học của Đài Loan tham gia chương trình này (Ảnh chụp trang web Chương trình GLOBE Đài Loan)

Trong 5 năm qua, Đài Loan đã tham gia Chương trình học tập và quan sát vì lợi ích môi trường toàn cầu (GLOBE), đồng thời đạt được những thành quả xuất sắc, hiện đã có gần 50 trường tiểu học và trung học của Đài Loan tham gia chương trình này (Ảnh: GLOBE)
 

 Do khí hậu bất thường, thời tiết khắc nghiệt diễn ra thường xuyên, vấn đề biến đổi môi trường toàn cầu đã trở thành chủ đề quan trọng của thế kỷ 21. Chương trình học tập và quan sát vì lợi ích môi trường toàn cầu (Global Learning and Observations to Benefit the Invironment Program, gọi tắt là GLOBE) hy vọng có thể khơi dậy mối quan tâm của học sinh chương trình GLOBE đối với môi trường, gợi mở hứng thú của học sinh trong công tác nghiên cứu khoa học, từ đó thông qua việc quan sát môi trường hệ thống Trái Đất hàng ngày, nuôi dưỡng tinh thần chăm chỉ quan sát của học sinh, đồng thời xây dựng một mạng lưới nghiên cứu, học tập về các vấn đề liên quan cho các nhà khoa học, giáo viên và học sinh trên toàn thế giới để cải thiện giáo dục khoa học cơ bản.
 

 Tháng 9/2013, Đài Loan và Mỹ chính thức ký kết “Hiệp định hợp tác chương trình học tập và quan sát vì lợi ích môi trường toàn cầu (GLOBE)” với thời hạn 5 năm, đơn vị điều hành của Mỹ là Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA), đơn vị điều hành của Đài Loan là Bộ Khoa học Kỹ thuật. Bộ Khoa học Kỹ thuật đã hỗ trợ Đại học Quốc lập Trung ương thực hiện, mở rộng nguồn lực của chương trình đến các trường tiểu học và trung học trong nước. Việc thúc đẩy chương trình tính đến nay mới vỏn vẹn có 5 năm nhưng toàn Đài Loan đã có gần 50 trường tiểu học và trung học phân bố tại các vùng bắc, trung, nam, phía đông và các đảo lân cận của Đài Loan tham gia.
 

 Cả thế giới đều đã thấy được thành quả xuất sắc mà Đài Loan đã đạt được, tháng 10/2017, Giám đốc chương trình GLOBE, Tiến sĩ Tony P.Murphy đã mời Đài Loan tiếp tục gia hạn Hiệp định. Ngày 14/8/2018, Văn phòng Đại diện Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại Mỹ (TECRO) và Hiệp hội Mỹ tại Đài Loan (AIT) đã hoàn thành việc ký kết gia hạn Hiệp định. Hiệp định lần này vẫn có thời hạn 5 năm và có thể tự động gia hạn thêm 5 năm.
 

 GLOBE là chương trình khoa học và giáo dục cơ bản nhấn mạnh việc cả thế giới đều phải thực hành, chương trình tổng thể do NASA điều hành chính, Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) và Quỹ Khoa học Quốc gia Mỹ (NSF) cùng tham dự. Ra đời từ năm 1995, đến nay chương trình GLOBE đã có 121 quốc gia thành viên tham dự.
 

 Các lĩnh vực được chương trình GLOBE tiến hành quan sát bao gồm 5 lĩnh vực chính: Khí quyển, thủy văn, thổ nhưỡng, thảm thực vật và hệ thống Trái Đất, trong đó chương trình GLOBE Đài Loan chủ yếu chú trọng đến phần khí quyển.
 

 Không chỉ tổ chức các hội nghị mang tính quốc tế, chương trình GLOBE Đài Loan còn hợp tác với Ấn Độ và Thái Lan xây dựng chương trình trao đổi sinh viên quốc tế nghiên cứu khoa học GLOBE.
 

 Tuy số lượng các trường học tham dự GLOBE của Đài Loan không nhiều so với thế giới nhưng nhìn từ lượng truyền tải số liệu quan sát, năm 2015 Đài Loan xếp thứ 6, năm 2016 vượt thêm 3 bậc, chỉ đứng sau Ả rập Xê út và Croatia, mức độ tích cực đã thu hút Giám đốc chương trình GLOBE, Tiến sĩ Tony P. Murphy biểu dương tại hội nghị thường niên của chương trình.
 

 Thành quả nghiên cứu của học sinh trong chương trình lần này cũng đã nhận được sự khẳng định của Hội thi Khoa học kỹ thuật Quốc tế Intel (ISEF) nổi tiếng thế giới. Năm 2015, đề tài nghiên cứu “Tiếng kêu của băng và lửa”-Ảnh hưởng của vụ phun trào núi lửa Eyjafjallajökull ở Iceland năm 2010 đối với tầng đối lưu trong khí quyển” của Trường THPT La Đông đã giành giải ba của Hiệp hội Khoa học và Cộng đồng Mỹ (SSP) và giải thưởng danh dự của Hiệp hội Khí tượng Mỹ (AMS). Năm 2016, trường THPT trực thuộc Đại học Sư phạm Quốc gia Đài Loan đã giành giải thưởng đặc biệt của Hiệp hội Khí tượng Mỹ với đề tài “Mô phỏng thực nghiệm của đám mây đối lưu”.
 

 Được Bộ Khoa học Kỹ thuật ủng hộ nguồn kinh phí lớn, chương trình GLOBE sẽ tiếp tục triển khai quan hệ hợp tác giữa Đài Loan với Mỹ, cùng thúc đẩy sự tương tác và trao đổi giáo dục khoa học mang tính toàn cầu. Ở trong nước, Đài Loan sẽ mở rộng tiếp nhận các trường tiểu học và trung học các cấp cùng tham gia chương trình, đồng thời phối hợp với chính sách giáo dục hiện hành của Đài Loan để phát triển nghiên cứu khoa học và xây dựng giáo án thực tế với chủ đề là chương trình GLOBE. Trên phương diện quốc tế, sẽ định kỳ mời giáo viên và học sinh các nước thuộc khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương đến Đài Loan tham dự Chương trình Khoa học Đài Loan GLOBE thường niên, đồng thời phối hợp với Chính sách hướng Nam mới của Chính phủ, phát triển đến các nước khác thuộc khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, thiết lập quan hệ hợp tác quốc tế chặt chẽ cho học sinh, sinh viên trong học tập khoa học.