Ngày 15/10/2018, Tổng hội Công nghiệp Trung Hoa Dân Quốc (CNFI) và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã cùng tiến hành tổ chức “Diễn đàn Hợp tác công nghiệp Đài Loan-Việt Nam 2018” tại thành phố Đài Bắc. Hai bên đã ký kết 4 Ý định thư hợp tác song phương nhằm tăng cường hợp tác trong công nghiệp, tạo nên kết quả hai bên cùng có lợi (Ảnh: Bộ Kinh tế)
Ngày 15/10/2018, “Diễn đàn Hợp tác công nghiệp Đài Loan-Việt Nam 2018” do Tổng hội Công nghiệp Trung Hoa Dân Quốc (CNFI) và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng tổ chức đã diễn ra trong không khí long trọng tại thành phố Đài Bắc.
Diễn đàn lần này đã đặc biệt sắp xếp cho các đơn vị: Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung Hoa (CIER), Tập đoàn New Wide, Cục Công nghiệp thuộc Bộ Công thương Việt Nam và Hội Sáng chế Việt Nam lần lượt phát biểu các bài chuyên đề liên quan đến tình hình phát triển công nghiệp tại hai nước, triển vọng hợp tác, chính sách ngành nghề và mô hình hợp tác, quy hoạch chiến lược và phương hướng hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp giữa Đài Loan và Việt Nam trong tương lai.
Trên phương diện hợp tác công nghiệp, đại diện phía Đài Loan bao gồm các cơ quan quan trọng và đoàn thể công thương như Liên đoàn Dệt May Đài Loan (TTF), Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Công nghiệp Kim loại (MIRDC), Viện Công nghiệp Thông tin (III), Viện Nghiên cứu Kỹ thuật Công nghiệp (ITRI), Liên minh ngành nghề và học tập trí tuệ (ILA), v.v… Đại diện phía Việt Nam bao gồm: Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS), Hội Doanh nghiệp Cơ khí-Điện thành phố Hồ Chí Minh (HAMEE), Viện Ứng dụng Công nghệ Việt Nam (NACENTECH) và đại diện các doanh nghiệp liên quan. Hai bên đều bày tỏ nguyện vọng tiếp tục phát triển trong lĩnh vực công nghiệp để tạo nên kết quả hai bên cùng có lợi.
Hai phía Đài Loan-Việt Nam cùng sắp xếp cho các ngành nghề “dệt may”, “kỹ thuật cơ sở công nghiệp nhẹ”, “thành phố thông minh” làm việc theo nhóm. Trong lĩnh vực dệt may, trong tương lai, hai bên sẽ trao đổi xu thế thời trang thế giới mới nhất, Đài Loan sẽ giới thiệu cho phía Việt Nam nhập khẩu, sử dụng vải nano tính năng cao mới nhất do doanh nghiệp Đài Loan nghiên cứu và phát triển, thúc đẩy quan hệ hợp tác ngành nghề giữa hai bên đi vào thực chất. Về mặt kỹ thuật cơ sở công nghiệp nhẹ, hướng tới tăng cường trao đổi thông tin kỹ thuật và ngành nghề của hai bên, xúc tiến hợp tác trong công nghiệp và đào tạo nhân tài. Lĩnh vực thành phố thông minh sẽ khám phá những ứng dụng mang tính tiềm năng của Việt Nam, hỗ trợ việc phát triển các trường học thông minh và giáo dục thông minh.
Đài Loan và Việt Nam đã tiến hành ký kết 4 Ý định thư hợp tác song phương, trong đó bao gồm Ý định thư hợp tác do Hội Doanh nghiệp Cơ khí-Điện thành phố Hồ Chí Minh (HAMEE) ký kết với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Công nghiệp Kim loại (MIRDC), đại diện cho sự gắn kết chính thức giữa hai bên về hợp tác kỹ thuật và trao đổi tài năng, đồng thời làm cơ sở hợp tác cho các doanh nghiệp tiếp theo của hai bên; trên phương diện ngành nghề, ký kết 1 Ý định thư hợp tác kỹ thuật trong ngành dệt may, ký kết 2 Ý định thư hợp tác phát triển trường học thông minh.
“Diễn đàn Hợp tác công nghiệp Đài Loan-Việt Nam 2018” do Tổng hội Công nghiệp Trung Hoa Dân Quốc (CNFI) và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng tổ chức. Sau khi tổ chức lần đầu thành công tại thành phố Hồ Chí Minh (Việt Nam) năm 2017, năm nay diễn đàn được tổ chức tại thành phố Đài Bắc. Tuy hai nước chưa chính thức ký kết Hiệp định thương mại nhưng trong các lĩnh vực: dệt may, chuyển giao kỹ thuật cơ sở công nghiệp nhẹ và chiếu sáng thông minh, v.v… đã có sự liên kết kinh tế-thương mại mạnh mẽ và tiềm lực hợp tác sâu rộng.
Tính đến tháng 6/2018, tích lũy đầu tư của Đài Loan vào Việt Nam đạt hơn 30,9 tỷ đô la Mỹ, Đài Loan là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 4 của Việt Nam. Nếu tính cả đầu tư của các doanh nghiệp Đài Loan thông qua nước thứ 3 thì tổng kim ngạch ước tính lên đến hơn 50 tỷ đô la Mỹ, đóng góp khoảng 1,4 triệu cơ hội việc làm trực tiếp cho nước sở tại.
Ngành nghề có sự trao đổi qua lại về kinh tế-thương mại mật thiết nhất giữa Đài Loan và Việt Nam là ngành dệt may. Trong lĩnh vực này, hợp tác thương mại Đài-Việt luôn duy trì tăng trưởng, hỗ trợ lẫn nhau trong kết cấu thương mại. Việt Nam là nước đứng đầu về nhập khẩu nguyên liệu vải may của Đài Loan với kim ngạch đạt 2,2 tỷ đô la Mỹ, Đài Loan lại là nước đứng thứ 2 về nhập khẩu sản phẩm may mặc của Việt Nam với kim ngạch 380 triệu đô la Mỹ. Do giá vải may chức năng của Đài Loan cao hơn giá nhập từ Trung Quốc nên giá trị xuất khẩu sản phẩm của Việt Nam may bằng vải chức năng Đài Loan sẽ tăng lên, giúp Việt Nam chiếm được vị trí then chốt trong chuỗi cung ứng thế giới.