Di chuyển đển khối nội dung trung tâm
Nghệ nhân Tạ Sâm Sơn gìn giữ truyền thống với 60 năm vẽ pano giới thiệu phim
2018-11-16

Tập phim về nghệ nhân vẽ pano trong loạt phim “Linh hồn nghệ nhân” của Tổng hội Văn hóa (GACC) kể về nghệ nhân vẽ pano giới thiệu phim Tạ Sâm Sơn, năm nay 73 tuổi. Dù giờ đây kỹ thuật in máy tính đã dần dần thay thế các tấm pano giới thiệu phim được vẽ tay nhưng ông vẫn kiên trì theo đuổi nghề vẽ đã 60 năm của mình (Ảnh: GACC)

Tập phim về nghệ nhân vẽ pano trong loạt phim “Linh hồn nghệ nhân” của Tổng hội Văn hóa (GACC) kể về nghệ nhân vẽ pano giới thiệu phim Tạ Sâm Sơn, năm nay 73 tuổi. Dù giờ đây kỹ thuật in máy tính đã dần dần thay thế các tấm pano giới thiệu phim được vẽ tay nhưng ông vẫn kiên trì theo đuổi nghề vẽ đã 60 năm của mình (Ảnh: GACC)
 

 Tổng hội Văn hóa (GACC) đã tìm kiếm hàng trăm người thợ thủ công, định hình nét nội tại của Đài Loan để thực hiện loạt phim “Linh hồn nghệ nhân”. Phối hợp Giải thưởng Kim Mã lần thứ 55, Tổng hội Văn hóa tìm đến nghệ nhân vẽ pano giới thiệu phim-năm xưa đã dành hết tâm huyết cho việc tuyên truyền, giới thiệu điện ảnh Đài Loan nhưng đến nay chỉ còn lại duy nhất mình ông còn làm công việc này-để thực hiện tập phim về nghệ nhân vẽ pano trong loạt phim “Linh hồn nghệ nhân”.
 

 Nội dung phim kể về nghệ nhân Tạ Sâm Sơn, 15 tuổi theo thầy học vẽ, 17 tuổi học xong nghề, 20 tuổi xuất ngũ bắt đầu tự nhận vẽ, suốt cuộc đời ông gắn bó với nghề vẽ pano giới thiệu phim, đến nay đã gần 60 năm.
 

 Tạ Sâm Sơn sinh năm 1946 tại Đài Trung, sau ông chuyển đến Đào Viên. Để giúp đỡ gia đình đang trong cảnh khó khăn, Tạ Sâm Sơn từ nhỏ đã muốn học lấy một nghề. Do lúc nhỏ ông thường xuyên đi ngang qua đền Cảnh Phú Cung ở Đào Viên mà mọi người vẫn quen gọi là Đại Miếu Đào Viên, khi đó ở gần đền có rạp phim Lâm Lập thường được gọi là Tiểu Tây Môn Đinh (Ximending), mỗi lần nhìn thấy người ta đang treo pano giới thiệu phim ở rạp phim Lâm Lập, Tạ Sâm Sơn thường nghĩ: “Giá mà những tấm pano này vẽ đẹp được như mình vẽ”.
 

 Năm 15 tuổi, ông xin vào học việc vẽ pano giới thiệu phim ở Công ty quảng cáo Đông Phương, không được nuôi ăn ở, cũng không có lương, thầy dạy không chủ động hướng dẫn mà ông phải đi theo thầy để tự học và làm cùng thầy. Thường thì người học việc phải mất đến 3 năm 4 tháng mới học xong nhưng Tạ Sâm Sơn đêm ngày miệt mài luyện tập các kỹ thuật vẽ, dần dần nắm vững cách pha màu, chỉ sau 2 năm, tức là năm 17 tuổi ông đã học xong và có thể tự sắp tranh, vẽ pano.
 

 Tạ Sâm Sơn và một người anh trong nghề đã từng đạp xe từ Đào Viên đến Tây Môn Đinh ở Đài Bắc, vào lúc đêm khuya, hai người dùng đèn pin mang theo chiếu lên các tấm pano giới thiệu phim. Ông cũng từng đến Tây Môn Đinh trong thời gian ngắn để học hỏi các phong cách thể hiện khác nhau trong công việc tạo pano giới thiệu phim, chỉ là vì như vậy ông có thể vẽ với nét bút tinh tế hơn, vẽ nên thần thái lập thể, sống động của nhân vật và cảnh tượng trong phim. Năm 20 tuổi, sau khi xuất ngũ, ông tự mở cửa hàng ở Trung Lịch, Đào Viên.
 

 Từ những năm 1960 đến những năm 1980, thời kỳ các rạp hát và phim ảnh Đài Loan phát triển nhất, Tạ Sâm Sơn cùng lúc làm việc với 7 rạp phim, các đơn hàng làm không xuể. Ông không chỉ vẽ pano cho các rạp phim chiếu đợt đầu mà còn thực hiện các tấm áp phích lớn, nguyên hình một mặt người đã to bằng 10 tấm vải vẽ ghép lại, màu sắc sau khi đã ghép lại phải như nhau, đồng thời còn phải đạt yêu cầu về độ sáng tối và cảm giác lập thể, thần thái ngũ quan (5 giác quan) càng phải sống động như thật.
 

 Từ năm 1986, kỹ thuật in máy tính đã dần dần thay thế các tấm pano giới thiệu phim được vẽ tay, chỉ còn lại nghệ nhân Tạ Sâm Sơn vẫn kiên trì với nghề vẽ tay, dùng những nét bút để tạo nên những bức vẽ sinh động, dùng “tay” để gìn giữ văn hóa truyền thống.
 

 Hiện nay chỉ còn rạp phim Trung Nguyên ở Đào Viên là vẫn còn treo pano vẽ tay của Tạ Sâm Sơn. Ông nói: “Bước chân vào nghề vẽ đến giờ đã 60 năm, tôi chưa bao giờ nghĩ những người anh em chúng tôi ngày xưa nay chỉ còn mình tôi vẫn còn vẽ. Nhưng đây là hứng thú, là niềm vui của tôi, chỉ cần tôi vẫn còn khỏe, vẫn vẽ được thì vẽ được đến đâu tôi sẽ tiếp tục theo đến đó, tiếp tục gửi gắm, truyền thụ kỹ thuật vẽ pano”.


 

(Nguồn: Hãng tin Trung ương CNA)