Di chuyển đển khối nội dung trung tâm
“Đường mòn Long Não” dọc theo tỉnh lộ số 3 Đại lộ khoan thai và lãng mạn
2019-05-13

Nhà cổ Khách Gia là phong cảnh thường gặp trên “Đường mòn Long Não”

Nhà cổ Khách Gia là phong cảnh thường gặp trên “Đường mòn Long Não”

 

 Năm 2018, đường mòn đi bộ cấp quốc gia có tổng chiều dài hơn 400km chính thức được đặt tên là "Đường mòn Long Não" ("Raknus Selu Trail"), con đường này chưa từng xuất hiện trên bản đồ trước đây, chủ yếu đi men theo đường tỉnh lộ số 3 chạy qua khu vực sinh sống của các nhóm cộng đồng người Khách Gia, nó xâu chuỗi nhiều con đường từ thời trước gồm đường mòn, đường ở nông thôn và đường mòn đi bộ khu vực ngoại ô thành một tuyến đường. Thời xưa khu vực này là một rừng Long Não bạt ngàn, người xưa vào rừng chặt cây để tinh luyện ra Long Não, đem lại danh hiệu "Vương quốc Long Não" cho Đài Loan, cũng là con đường đưa Đài Loan đến với thời đại Khám phá của thế kỷ thứ 19 và giúp Đài Loan kết nối với thế giới.

 

Trên đường mòn đi bộ thường bắt gặp những ngôi miếu nhỏ xinh như miếu Bác Công, là nơi bảo vệ người dân địa phương.Trên đường mòn đi bộ thường bắt gặp những ngôi miếu nhỏ xinh như miếu Bác Công, là nơi bảo vệ người dân địa phương.

 Sau hơn nửa năm khảo sát thực địa, từ lúc có đường đi tới lúc không còn đường để đi, rồi lại cố mở ra một con đường, những hội viên của Hiệp hội đường mòn ngàn dặm (Taiwan Thousand Miles Trail Association) đã xuyên đèo vượt núi, tìm lại từng đoạn đường đã mất, xâu chuỗi câu chuyện của các địa phương lại với nhau.

 

“Đường mòn Long Não” đầy lãng mạn chạy dọc theo tỉnh lộ số 3

 Tên gọi tiếng Anh của “Đường mòn Long Não” là “Raknus Selu Trail”, theo ngôn ngữ của hai dân tộc Thổ Dân Atayal và SaySiyat, thì “Raknus” có nghĩa là “Long Não”, còn “Selu” theo cách phát âm của dân tộc Khách Gia nghĩa là “đường mòn”. Từ cách đặt tên có thể thấy được khu vực này là sự hội nhập văn hóa của các dân tộc thổ dân với văn hóa dân tộc Khách Gia. Về mặt địa lý, “Đường mòn Long Não” chạy dọc theo tuyến đường tỉnh lộ số 3, xâu chuỗi những đường mòn, những con đường ở nông thôn và những lối đi tắt của các khu vực từ Long Đàm ở Đào Viên, đến Đông Thế ở Đài Trung lại với nhau, nó đi qua hàng chục thị trấn nhỏ của người Khách Gia tại các địa phương như Tân Phố, Quan Tây, Khung Lâm, Trúc Đông, Hoành Sơn, Bắc Phố, Nga Mi, Nam Trang, Tam Nghĩa, Đầu Ô, Sư Đàm, Công Quán, Đại Hồ và Trác Lan, đường mòn vốn không rộng, nhưng trên mỗi một con đường nhỏ đều ẩn chứa vô số những câu chuyện đầy tính nhân văn.

 Khi ra tranh cử, Tổng thống Thái Anh Văn đã nêu ra kế hoạch “Tuyến đường tỉnh lộ số 3 lãng mạn”, tham khảo khái niệm đường mòn phục vụ du lịch “Đại lộ lãng mạn” của Đức, “Tuyến đường tỉnh lộ số 3 lãng mạn” sẽ xâu chuỗi các điểm trên dọc tuyến đường này, chấn hưng sự phát triển ngành du lịch cho các khu vực Đào Viên, Tân Trúc, Miêu Lật và Đài Trung. “Đường mòn Long Não” là một mục trong kế hoạch nêu trên, có ý định xâu chuỗi các điểm tạo thành một tuyến đường mòn, đi theo con đường này để khám phá những khu dân cư, gần gũi với thiên nhiên, cũng giúp các thị trấn nhỏ phát triển kinh tế.

Mỏ lưu huỳnh còn lưu lại những thiết bị khoan giếng dầu từ thời trước, ở lân cận cũng có dấu vết của cụm công nghiệp và nét văn hóa quặng dầu.Mỏ lưu huỳnh còn lưu lại những thiết bị khoan giếng dầu từ thời trước, ở lân cận cũng có dấu vết của cụm công nghiệp và nét văn hóa quặng dầu.

 Đoàn thể dân sự “Hiệp hội đường mòn ngàn dặm (Taiwan Thousand Miles Trail Association) thành lập vào năm 2006, trong nhiều năm nay đoàn thể này đã phát động rất nhiều phong trào đường mòn đi bộ của Đài Loan, năm 2011, sau khi hiệp hội đề xướng hoàn thành mạng lưới tuyến đường vòng quanh đảo có tổng chiều dài hơn 3000 km, bước tiếp theo đã chuyển sang quảng bá đường mòn đi bộ rèn luyện sức khỏe có chặng đường dài.

 

Trèo đèo lội suối khảo sát tìm tòi

 Ban đầu, hiệp hội làm theo ý kiến của các bậc tiền bối rất am hiểu về đường mòn cổ, đó là nối liền một số đường mòn cổ mà những người leo núi hay sử dụng thành một tuyến đường, nhưng phát hiện ra trong đó phải sử dụng đến khá nhiều các đoạn đường quốc lộ và các tuyến đường phát triển các ngành công nghiệp, không phù hợp với mục tiêu ban đầu là muốn tìm ra một con đường chỉ chuyên để đi bộ. Các hội viên của hiệp hội đích thân khảo sát thực địa, để tìm ra một con đường trên núi có thể thay thế cho đường quốc lộ.

 Họ đã lật tìm “Đài Loan Bảo Đồ” (Bản đồ địa hình Đài Loan được vẽ vào thời Nhật Bản chiếm đóng), kết hợp bản đồ xưa và nay, nghiên cứu các tuyến đường, hoặc hỏi han những bậc trưởng lão của các khu dân cư xem liệu có những đường mòn cổ tại địa phương bị lãng quên hay không. Nếu hỏi không ra đường, thì đành phải tự tìm cách. Thư ký phương án đặc biệt của hiệp hội - ông Hoàng Tư Duy đã tham dự vào quá trình khảo sát toàn bộ tuyến đường, ông cho biết mỗi một lần đi khảo sát sẽ có 1 nhóm khoảng 4 người, 3 người phụ trách tìm đường trên núi, 1 người phụ trách lái xe đưa đón, khi mọi người đang tìm tòi khảo sát, người lái xe phụ trách tới các khu dân cư lân cận trò chuyện với bà con, hy vọng có thể khai thác được nhiều câu truyện hơn. Quá trình khảo sát đường có khả năng sẽ đi lên tới đường biên nối liền hai dãy núi cao hoặc sẽ đi khảo sát dọc theo con đường mà người dân địa phương đi hái măng. Còn khi không còn đường để đi nữa, thì nhóm khảo sát sẽ tự khai phá đường mòn cho mình bằng dao đi rừng, những người đi sau phụ trách buộc dây vải để làm dấu lên cây. Rất thường hay xảy ra chuyện sau khi chui ra khỏi được đám cây rừng rập rạm thì họ phát hiện đang bị kẹt ở mép của con dốc, hoặc bỗng nhiên rớt xuống từ khu vườn ở sau biệt thự nhà dân. Nghe họ mô tả lại cảm giác ly kỳ chẳng khác gì tình tiết vượt qua không gian trong phim võ hiệp vậy.

Nhà thờ Thiên Chúa Giáo ở thị trấn Quan Tây, huyện Tân Trúc mà mọi người rất quen thuộc được xây dựng theo mẫu kiến trúc của Nhà thờ Thiên Chúa Giáo Thạch Quang nằm ẩn mình bên cạnh đường mòn cổ Thạch Quang.Nhà thờ Thiên Chúa Giáo ở thị trấn Quan Tây, huyện Tân Trúc mà mọi người rất quen thuộc được xây dựng theo mẫu kiến trúc của Nhà thờ Thiên Chúa Giáo Thạch Quang nằm ẩn mình bên cạnh đường mòn cổ Thạch Quang.

 Đường đi của tuyến “Đường mòn Long Não”, ngoài các con đường mòn cổ mà thời nay thường sử dụng, có một số đường mòn cổ đã biến mất nhưng mang đậm ý nghĩa văn hóa cũng hy vọng sẽ được tái hiện.

 Ông Từ Minh Khiêm - Phó Trưởng ban điều hành của Hiệp hội đường mòn ngàn dặm (Taiwan Thousand Miles Trail Association) cũng lấy con đường mòn “Lão Quan Đạo” (Laoguandao) làm ví dụ, đây là trục đường giao thông quan trọng nối liền khu Đại Hồ với khu Trác Lan của huyện Miêu Lật trong thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng, một phần của tuyến đường này bị tu sửa thành đường đi cho các khu phát triển các cụm công nghiệp, còn một số đoạn đường do có ít người sử dụng nên trở nên hoang phế dần, nhưng trên bản đồ “Đài Loan Bảo Đồ” vào năm 1904 do người Nhật hoàn thành và trên nhiều bản đồ khác đều có tồn tại đường mòn “Lão Quan Đạo” này. “Có thể nói trước khi thi công đường tỉnh lộ số 3, đây là con đường mà mọi người thường hay sử dụng nhất, cho tới khi xuất hiện đường quốc lộ thì nó mới bị thay thế, cho nên chúng tôi cho rằng phải đưa “Lão Quan Đạo” vào thành một phần của tuyến “Đường mòn Long não”, phải tái hiện nó trở lại”, ông Từ Minh Khiêm nói.

 

Khám phá những câu chuyện của địa phương

 Trong lúc Hiệp hội đường mòn ngàn dặm khảo sát thực địa, thì đồng thời cũng phát hiện được những cảnh quan văn hóa rất đa dạng trên dọc đường đi, như ngôi miếu Bá Công, cảnh vườn trà, đường kênh nước, v.v... từ các địa danh như Liêu Khanh Chương Não (Zhangnao Liaokeng), rừng Thượng Chương (Shang Zhang) là có thể thấy được các ngành nghề ở địa phương có liên quan đến cây Long Não, ngoài ra còn có tuyến đường ranh giới gọi là đường Ải Dũng (Aiyungxian) mà người Hán thời trước đã lập ra khi đến khai khẩn để làm ranh giới ngăn cách với dân tộc thổ dân.

Đường mòn được làm theo phương pháp thủ công phù hợp với các đặc điểm của địa phương như khí hậu, địa chất và sự coi trọng các tập tính sinh thái của môi trường sống.Đường mòn được làm theo phương pháp thủ công phù hợp với các đặc điểm của địa phương như khí hậu, địa chất và sự coi trọng các tập tính sinh thái của môi trường sống.

 Mỏ Lưu Huỳnh nằm ở bên cạnh tuyến đường tốc độ nhanh hướng Đông Tây số 72 (thuộc xã Công Quán huyện Miêu Lật), theo ông Hoàng Tư Duy giải thích cho biết, đây là nơi đầu tiên tại Đài Loan phát hiện có dầu thô, năm 1877 tại đây đào được giếng dầu đầu tiên của Đài Loan, cũng là giếng dầu lâu đời thứ 2 của thế giới. Ở bên cạnh vẫn lưu lại dấu vết của cụm công nghiệp khoan dầu được hình thành vào thời đó, đường ray xe goòng, kho sửa chữa các thiết bị hạng nặng, ký túc xá số 20, bệ khoan dầu, đều khiến người ta liên tưởng tới cảnh tượng nhộn nhịp một thời.

 Đường mòn cổ Xuất Vân (Chuyun) ở gần mỏ lưu huỳnh (đoạn từ Mỏ lưu huỳnh tới chùa Pháp Vân) và đường mòn cổ Xuất Quan (Chuguan) (đoạn từ Mỏ lưu huỳnh tới núi Quan Đao), cũng đều được đưa vào thành trục chính của “Đường mòn Long Não”. Khi lên tới chùa Pháp Vân ở lân cận những con đường mòn này, từ bãi đất bằng của ngôi chùa phóng tầm mắt ra khu vực Đại Hồ, sẽ thấy nơi xảy ra cuộc xung đột giữa nhóm dân tộc Khách Gia và dân tộc Thổ Dân vào thời xưa; xa hơn một chút nữa là Panzilin (là tên gọi cũ của thôn Tịnh Hồ, xã Đại Hồ, huyện Miêu Lật ngày nay) chính là địa điểm đã xảy ra câu chuyện trong bộ tiểu thuyết “Đêm lạnh” của nhà văn Đài Loan Lý Kiều.

Vác dụng cụ lên vai lên đường đi tu sửa đường mòn! Phương pháp làm đường thủ công không áp dụng tư duy kỹ thuật, mà dựa vào sức người, sử dụng vật liệu ngay tại chỗ.Vác dụng cụ lên vai lên đường đi tu sửa đường mòn! Phương pháp làm đường thủ công không áp dụng tư duy kỹ thuật, mà dựa vào sức người, sử dụng vật liệu ngay tại chỗ.

 Tiếp tục đi lên phía Bắc, “Đường mòn Tiết Ải” ở bên cạnh tuyến đường huyện lộ số 26 Miêu Lật (thuộc địa phận hai xã Sư Đàm và Công Quản), ông Hoàng Tư Duy dẫn chúng tôi tới điểm có thể quan sát được kỹ thuật làm đường mòn cổ, trên bậc thang được làm bằng đá thấp thoáng  2 chỗ khuyết rất ngay ngắn có độ dài khoảng 5 cm, đó là vết được lưu lại do nhiều năm trước người ta dùng chiếc đục nhỏ đục những viên đá to để xây sửa đường mòn cổ. Bậc thang cuối còn lưu lại hai câu thơ bằng ngôn ngữ Khách Gia mà trước đây có người từng lưu lại có ý nghĩa là: “Trèo lên chạm lông mũi, trèo xuống đụng phải râu”, qua đó dường như có thể hình dung ra cảnh người viết đang thở hổn hển, miêu tả một cách rất sinh động về đoạn bậc thang dốc trèo rất mệt.

 Đi tiếp sẽ tới “Đường mòn cổ Thạch Quang” ở thị trấn Quan Tây huyện Tân Trúc, đây là đường mòn cổ nông sản quan trọng nối liền Thạch Cương Tử (tên gọi cũ của khu dân cư Thạch Quang) với khu Long Đàm - Đào Viên. Quan sát các bậc cầu thang bằng đá ở địa phương đa phần đều được làm từ đá cuội tròn, ông Hoàng Tư Duy giải thích, nơi đây vốn là lòng sông có rất nhiều đá cuội hình thành do đá bị nước sông làm xói mòn, người xưa lấy để rải đường, cũng vì vậy khác với hình dạng của đá trên đường mòn cổ Tiết Ải được đập ra từ đá to.

Mái đình uống trà ở thôn Phong Hương, xã Hoành Sơn, huyện Tân Trúc, là nơi thể hiện nét văn hóa dâng trà mang đậm nét tình người của Đài Loan.Mái đình uống trà ở thôn Phong Hương, xã Hoành Sơn, huyện Tân Trúc, là nơi thể hiện nét văn hóa dâng trà mang đậm nét tình người của Đài Loan.

 

Đường của ai người đó tự sửa

 Hiệp hội đường mòn ngàn dặm nhiều năm nay nỗ lực phát động khai phá đường mòn bằng phương pháp thủ công thay cho việc gọi thầu công trình, ông Từ Minh Khiêm giải thích, làm đường mòn theo khái niệm công trình, tự nhiên sẽ bị theo lối logic kiểu thi công một lần, bảo trì vĩnh viễn, sử dụng các nguyên liệu ngoại lai như đá hoa cương, xi măng, v.v..., nhưng những vật liệu này đều không thể sử dụng lâu bền trong thiên nhiên, thường xuyên xảy ra tình trạng bị hỏng hóc phải tu sửa. Còn điểm quan trọng nhất của việc làm đường mòn theo phương pháp thủ công, là sẽ tận dụng những vật liệu thiên nhiên có sẵn ngay tại chỗ, do vậy dễ thích nghi với điều kiện địa phương và thuận tiện cho bảo trì định kỳ.

 Làm đường mòn bằng phương pháp thủ công sẽ khác biệt tùy theo từng địa phương, thích nghi riêng với từng địa phương, khó có thể giải thích bằng ngôn từ, vì vậy hiệp hội tổ chức các đợt làm đường vào dịp ngày nghỉ, để các tình nguyện viên có thể quan sát thực địa đối với các đặc điểm của đường mòn đi bộ gồm địa thế, địa chất, giúp họ có sự trải nghiệm thực tế.

 Chúng tôi đích thân tham dự các đợt làm đường vào dịp ngày nghỉ, nhiệm vụ của chúng tôi vào những dịp đó là bảo dưỡng “Đường mòn cổ Độ Nam”. Trên con đường mòn này có một đoạn đường ở bên mép một con dốc do bị nước xối nên bị sụt, trước đây tạm dùng tre để làm lối đi tạm, lần này định áp dụng phương pháp xếp đá để tăng độ bền cho nền đường. Ban đầu ông Từ Minh Khiêm và người thợ làm đường xem xét mặt ngoài mép con dốc, thảo luận việc tu sửa, sau đó dẫn mọi người đi tìm kiếm và thu thập những viên đá thích hợp. Còn nền đường bị nước xối thì phải sử dụng những viên đá lớn để lấp đầy, cần phải chọn những viên đá có hình dáng và kích thước phù hợp. Khoảng trống được đào cũng cần xem xét kích thước, độ sâu, sau khi đá được mang đến phải xếp thử theo các góc độ khác nhau, cho tới khi tìm ra được vị trí có độ chắc nhất, lúc đó mới xếp vào theo đúng vị trí đó. Tiếp theo tìm những viên đá cỡ vừa và nhỏ để nhét vào khe của những viên đá lớn, rồi tiếp tục đổ thật nhiều cát vào những chỗ còn khe hở, để làm cho thật chắc. Phần bên cạnh mép con dốc được tu bổ lại nhìn không khác gì với các đoạn đường bình thường, nhưng nếu nhìn từ bên cạnh sẽ thấy như chỗ vá của quần áo, chỗ bị khuyết hỏng được bù khuyết trông hoàn toàn nguyên vẹn như cũ.

Những con đường mòn dù rất nhỏ, nhưng lại tiềm ẩn những câu chuyện đậm nét nhân văn, chào đón mọi người đích thân khám phá trải nghiệm.Những con đường mòn dù rất nhỏ, nhưng lại tiềm ẩn những câu chuyện đậm nét nhân văn, chào đón mọi người đích thân khám phá trải nghiệm.

 Ngoài ra còn phải tìm đá dưới suối, hoặc cưa gỗ để làm mép đường, phương pháp làm hầu như tương tự, nhưng vì thiên nhiên không thể công thức hóa giống như xếp hình Lego, nên chỉ có thể tự phát huy khả năng, lấy từ thiên nhiên, thích nghi với từng địa phương.

 Những tình nguyện viên tham dự sửa sang tu bổ đường mòn đi bộ. Từ đó trở đi, cuộc sống của họ có một sự liên kết với những con đường, giữa con người và đất đai không còn xa lạ, đây là lý do khiến rất nhiều tình nguyện viên nhiều lần quay lại tham dự công việc làm đường và tu sửa đường mòn.

 Vào khoảng trung tuần tháng 7 năm 2018, tại cuộc họp báo công bố Nghi lễ ký kết biên bản ghi nhớ về quảng bá “Con đường Long Não” ra quốc tế do chính phủ và tư nhân phối hợp tổ chức, nhà văn chuyên viết về đề tài thiên nhiên và sinh thái Lưu Khắc Tương chỉ ra rằng, các con đường gồm đường tỉnh lộ số 3, đường cao tốc Trung Sơn, đường cao tốc số 2 đoạn phía Bắc thông xe, sẽ thỏa mãn được yêu cầu về tốc độ, nhờ những con đường tốc độ nhanh và rộng rãi tạo ra khả năng kinh tế và sự phát triển. Nhưng “Con đường Long Não” được hoàn thành quy hoạch vào năm 2018 là một tuyến đường hoàn toàn khác hẳn, “Đây là một đại lộ khoan thai chậm rãi, minh chứng cho giá trị và nội dung cuộc sống mà xã hội Đài Loan hằng theo đuổi đang biến đổi dần.”

 "Con đường Long Não" là sự lãng mạn nhất trong “Kế hoạch tuyến đường tỉnh lộ số 3 lãng mạn”, đó là có một nhóm người tìm tòi khám phá những con đường với nhiều điều chưa biết, chỉ vì muốn xâu chuỗi từng đoạn đường có ẩn chứa rất nhiều những câu chuyện. Trưởng ban điều hành của Hiệp hội đường mòn ngàn dặm, bà Châu Thánh Tâm nói: “Mặc dù nó chỉ là một con đường mòn, nhưng cũng chính là một đại lộ”, đại lộ này ẩn chứa những tư duy khác nhau, từ tốc độ nhanh đến khoan thai chậm rãi, trong tương lai càng kỳ vọng đây là nơi có càng nhiều người dân Đài Loan tham dự.