Di chuyển đển khối nội dung trung tâm
Bệnh viện Đa khoa Cựu chiến binh Đài Bắc tìm ra phương pháp quan trọng giúp người hói đầu mọc tóc
2019-07-19

Ngày 17/7, Bệnh viện Đa khoa Cựu chiến binh Đài Bắc đã tổ chức họp báo công bố kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí quốc tế “Nature Communication”. Ảnh trên là bác sĩ Trần Chí Cường – Chủ nhiệm khoa Chẩn đoán da liễu của Bệnh viện Đa khoa Cựu chiến binh Đài Bắc (Ảnh: LTN)

Ngày 17/7, Bệnh viện Đa khoa Cựu chiến binh Đài Bắc đã tổ chức họp báo công bố kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí quốc tế “Nature Communication”. Ảnh trên là bác sĩ Trần Chí Cường – Chủ nhiệm khoa Chẩn đoán da liễu của Bệnh viện Đa khoa Cựu chiến binh Đài Bắc (Ảnh: LTN)
 

 Nghiên cứu mới nhất của Bệnh viện Đa khoa Cựu chiến binh Đài Bắc cho thấy: Không chỉ có việc nhổ tóc kích thích tóc mọc lại, mà việc kéo căng da cũng khiến tóc đang trong trạng thái “ngủ” lại trở lại giai đoạn tăng trưởng; trong đó, mấu chốt chính là “Đại thực bào M2” (M2 Macrophage). Kết quả nghiên cứu đã được đăng tải trên tạp chí quốc tế “Nature Communication”.
 

 Ngày 17/7, Bệnh viện Đa khoa Cựu chiến binh Đài Bắc (Taipei Veterans General Hospital, TVGH) đã tổ chức họp báo công bố kết quả nghiên cứu này. Chủ nhiệm khoa Chẩn đoán da liễu của TVGH – bác sĩ Trần Chí Cường cho biết: Năm 2015, nhóm nghiên cứu thuộc bộ môn Da liễu của Bệnh viên Đa khoa Cựu chiến binh Đài Bắc đã phát hiện chỉ cần nhổ tóc đến một mật độ nhất định thì sẽ có hiệu quả mọc lại cả mảng tóc.
 

 Việc nhổ tóc có thể kích thích tóc mọc lại, chủ yếu là do khi mô bị tổn thương, nó sẽ thu hút các đại thực bào, giống như xe cấp cứu của tế bào, kích thích tế bào gốc tiết ra Cytokine (yếu tố tăng trưởng) tái sinh. Thí nghiệm trên chuột phát hiện thấy sự kích thích nhổ lông đến một mật độ nhất định sẽ dẫn đến hiện tượng quorum sensing (vi khuẩn giao tiếp), mang lại hiệu quả tóc mọc lại gấp 5 lần.
 

 Sau khi công bố nghiên cứu, rất nhiều bệnh nhân đã ùn ùn kéo đến bệnh viện yêu cầu bác sĩ giúp họ nhổ tóc, khiến các bác sĩ dở khóc dở cười vì phương pháp có tác dụng trên chuột chưa chắc đã phù hợp với con người.
 Bác sĩ Trần Chí Cường cho biết: Chu kỳ tăng trưởng lông chuột là vào khoảng 2 tuần, nếu vặt trụi hoặc cạo trụi lông chuột vào thời kỳ lông “ngủ” thì có thể chuột sẽ bị trụi lông trong 2 tuần rồi lông mới bước vào thời kỳ tăng trưởng và mọc lại lông. Tuy nhiên, tóc người hầu như đều trong giai đoạn tăng trưởng, từ 85% đến 90% tóc người đều trong giai đoạn đang mọc, gốc tóc tương đối sâu, nên nếu tự nhổ hết tóc đang mọc sẽ làm tổn hại đến tế bào gốc khiến tóc ở chỗ đó không mọc lại được.
 

 Để tìm ra cách mọc tóc mà không cần nhổ, nhóm nghiên cứu của Bệnh viện Đa khoa Cựu chiến binh Đài Bắc đã dựa trên nghiên cứu trước đây, thử dùng phương pháp kéo căng nhằm kích thích da và phát hiện thấy hiệu quả cũng giống như nhổ tóc.
 Nhóm nghiên cứu tranh thủ cạo trọc lông chuột ở giai đoạn lông của chúng đang “ngủ”, đồng thời dùng thiết bị đặc biệt kéo da chuột, vốn dĩ phải chờ ít nhất 1 tháng lông chuột mới mọc dài ra nhưng nay chỉ trong 14 ngày lông đã bắt đầu mọc.
 

 Các nghiên cứu sâu hơn phát hiện thấy khi da bị kéo căng, Cytokine tăng trưởng của tóc và Cytokine ức chế đều tăng nhanh nhưng chỉ cần lực kéo giảm đi Cytokine ức chế liền giảm xuống dẫn đến tóc bước vào giai đoạn tăng trưởng. Nghiên cứu cũng phát hiện thấy mấu chốt của việc mọc tóc là ở đại thực bào M2. Khi nhổ lông chuột, động tác này sẽ tạo ra tín hiệu thu hút các đại thực bào, phân cực thành đại thực bào M2 khiến yếu tố tăng trưởng tế bào gan (HGF) và yếu tố tăng trưởng giống Insulin (IGF) được tiết ra để làm hoạt hóa tế bào, mang đến hiệu quả mọc lại lông chuột.
 

 Kết quả nghiên cứu đã được đăng tải trên tạp chí quốc tế “Nature Communicaton”. Trong tương lai có thể trông đợi dùng đại thực bào để phát triển liệu pháp tế bào trong điều trị hói đầu hay điều chế các loại thuốc liên quan hoặc điều trị bằng laser để kích thích tế bào gốc tiết ra yếu tố tăng trưởng. Tuy nhiên, đến bao giờ mới có thể ứng dụng thực tế trên cơ thể người thì vẫn còn phải chờ nghiên cứu.
 

(Nguồn: Hãng tin Trung ương CNA)