Di chuyển đển khối nội dung trung tâm
Công bố kết quả Giải thưởng Giai điệu vàng cho Nghệ thuật và Âm nhạc truyền thống lần thứ 30
2019-08-12

Lễ trao giải Giai điệu vàng cho Nghệ thuật và Âm nhạc truyền thống lần thứ 30 đã được tổ chức vào tối 11/8 tại Trung tâm Sân khấu truyền thống Đài Loan. Đoàn ca kịch truyền thống Đường Mỹ Vân đã vinh dự giành “Giải thưởng đoàn diễn xuất sắc nhất” với vở diễn “Dạ vị ương”, trưởng đoàn Đường Mỹ Vân (đứng giữa) và các thành viên vui mừng lên nhận giải thưởng  (Ảnh: CNA)

Lễ trao giải Giai điệu vàng cho Nghệ thuật và Âm nhạc truyền thống lần thứ 30 đã được tổ chức vào tối 11/8 tại Trung tâm Sân khấu truyền thống Đài Loan. Đoàn ca kịch truyền thống Đường Mỹ Vân đã vinh dự giành “Giải thưởng đoàn diễn xuất sắc nhất” với vở diễn “Dạ vị ương”, trưởng đoàn Đường Mỹ Vân (đứng giữa) và các thành viên vui mừng lên nhận giải thưởng (Ảnh: CNA)
 

 Lễ trao giải Giai điệu vàng cho Nghệ thuật và Âm nhạc truyền thống lần thứ 30 (The Golden Melody Awards for Traditional Arts and Music) đã được tổ chức vào tối 11/8 tại Trung tâm Sân khấu truyền thống Đài Loan (Taiwan Traditional Theatre Center). Hai giải thưởng lớn nhất năm nay gồm “Giải thưởng đoàn diễn xuất sắc nhất” và “Giải thưởng diễn viên xuất sắc nhất” lần lượt thuộc về vở diễn “Dạ vị ương” của Đoàn ca kịch truyền thống Đường Mỹ Vân (Tang Mei Yun Taiwanese Opera Company) và diễn viên ca kịch truyền thống Cổ Dực Phiếm (Ellvan Ku Yi Fan).
 

 Vở diễn “Dạ vị ương” của Đoàn ca kịch truyền thống Đường Mỹ Vân đã giành “Giải thưởng đoàn diễn xuất sắc nhất” năm nay, do trưởng đoàn Đường Mỹ Vân đại diện lên nhận giải thưởng.
 

 “Giải thưởng diễn viên xuất sắc nhất” thuộc về diễn viên ca kịch truyền thống được yêu thích nhất năm nay là Cổ Dực Phiếm với vai diễn trong vở “Mộng đoạn hắc thủy câu” của Đoàn ca kịch truyền thống Tân Truyền. Vừa giành Giải nghệ sĩ mới xuất sắc nhất của Giải thưởng Giai điệu vàng cho Nghệ thuật và Âm nhạc truyền thống năm ngoái, năm nay Cổ Dự Phiếm lại giành được Giải thưởng diễn viên xuất sắc nhất. Anh cho biết mình vốn là diễn viên Kinh kịch chuyển sang ca kịch Đài Loan truyền thống nên phải thường xuyên nỗ lực học hỏi để bổ sung những điều còn thiếu.
 

 Giải thưởng nghệ sĩ mới xuất sắc nhất năm nay thuộc về diễn viên Kinh kịch Lý Gia Đức với vở diễn “Lục Văn Long”. Lý Gia Đức cho biết: Con đường nghệ thuật của anh và chủ nhân giải thưởng này năm ngoái là Cổ Dực Phiếm hoàn toàn trái ngược nhau. Anh xuất thân học ngành ca kịch truyền thống nhưng lại phát triển sự nghiệp của mình trên sân khấu Kinh kịch.
 

 “Giải thưởng biểu diễn xuất sắc nhất” của nhóm xuất bản thuộc về nghệ sĩ Đại phong cầm Trần Dục Tương với tác phẩm “Trần Dục Tương: Tiếng đàn đêm mưa-Lắng nghe tiếng đàn Đại phong cầm cổ xưa nhất Đài Loan”. Nghệ sĩ Trần Dục Tương sử dụng đàn Đại phong cầm có 149 năm lịch sử của Nhà thờ tưởng niệm Maxwell ở Đài Nam để biểu diễn tất cả các giai điệu trong album.
 

 Giải thưởng giọng ca xuất sắc nhất năm nay thuộc về Dàn hợp xướng Thính phòng Đài Bắc (Taipei Philharmonic Chamber Choir) với tiết mục “Bài ca của đất trời-Lắng nghe những âm thanh thành phố”.
 

 Nhạc sĩ Lại Đức Hòa giành “Giải thưởng Sáng tác xuất sắc nhất” với ca khúc “Giảo thiệt thi” trong “Album ca khúc nghệ thuật tiếng Hoa, tiếng Đài-Thời đại của chúng ta, bài hát của chúng ta”. Đây là lần thứ 2 nhạc sĩ Lại Đức Hòa giành Giải thưởng Giai điệu vàng cho Nghệ thuật và Âm nhạc truyền thống. Năm 2014, ông đã từng đoạt Giải thưởng Sáng tác xuất sắc nhất của Giai điệu vàng cho Nghệ thuật và Âm nhạc truyền thống lần thứ 15 với tác phẩm “Bi ca” viết cho các nhạc cụ Viola và Piano.
 

 Nhà thơ Lý Mẫn Dũng giành Giải thưởng lời bài hát xuất sắc nhất với phần viết lời cho ca khúc “Bài ca vết sẹo” trong “Album ghi âm buổi hòa nhạc tưởng niệm thầy Tiêu Thái Nhiên-Thầm lặng nguyện cầu”. Đây là ca khúc được nhà thơ Lý Mẫn Dũng cùng bậc thầy soạn nhạc Tiêu Thái Nhiên cùng sáng tác để an ủi người dân Đài Loan khi xảy ra trận động đất lớn vào ngày 21/9/1999.
 

 Giải thưởng Album Âm nhạc nghệ thuật xuất sắc nhất thuộc về nhà biểu diễn đàn Contrebasse Phó Vĩnh Hòa với tác phẩm “6 khúc đàn Contrebasse không nhạc đệm của Phó Vĩnh Hòa và Bach”.
 

 Giải thưởng Album Âm nhạc tôn giáo xuất sắc nhất được trao cho Album biểu diễn đàn Đại phong cầm “Chỉ vì Người” của Giáo phận Mạnh Giáp thuộc Giáo hội Cơ Đốc Đài Loan. Giải thưởng Album Âm nhạc truyền thống xuất sắc nhất thuộc về Album “Tiếng hát dân tộc Rukai” (The Voices Of RUKAI) của trường Tiểu học Mậu Lâm, thành phố Cao Hùng. Giải thưởng Thiết kế âm nhạc xuất sắc nhất được trao cho vở diễn “Tưởng gần mà quá đỗi xa xôi” của Đoàn ca kịch truyền thống Xuân Mỹ.
 

 Chủ nhân Giải thưởng đặc biệt là học giả kiêm giáo viên, nhà phê bình sân khấu, nhà biên kịch Vương An Kỳ. Không chỉ là tác giả của các tác phẩm học thuật, bà còn hiểu rõ những điều tinh túy của ca kịch truyền thống, kết hợp hài hòa với tư duy đương đại, trở thành nhân vật quan trọng thúc đẩy việc hiện đại hóa ca kịch Đài Loan. Những vở kịch mới do bà chấp bút đã khám phá sâu sắc bản chất con người bằng kỹ xảo kể chuyện, xây dựng “Thẩm mỹ mới của Kinh Côn (loại hình ca kịch truyền thống: Kinh kịch và Côn khúc) Đài Loan với những ảnh hưởng sâu rộng.
 

 Bà hồi tưởng lại lý tưởng quảng bá thời còn trẻ đã từng bị hoài nghi và phản đối, “nhưng giải thưởng được trao tặng khi về già lại chính là vì sự hiện đại hóa ca kịch”. Bà Vương An Kỳ sẽ trao lại vinh dự của giải thưởng này cho những đối tác đã cùng bà đột phá truyền thống trong suốt cuộc đời sáng tác. “Chúng tôi cùng tạo ra và xoay chuyển thẩm mỹ quan của một thời đại để ca kịch không còn chỉ là thì quá khứ, kết thúc, mà là thì tiếp diễn, thậm chí là thì tương lai”.
 

 Chủ nhân của giải đặc biệt còn lại là Diệp Thùy Thanh, là chuyên gia thu âm đĩa nhạc quan trọng nhất và có kinh nghiệm nhất Đài Loan từ thập niên 1970 cho đến nay. Từ năm 1977 đến cuối thập niên 1990, ông đã thu âm hơn 20.000 đĩa nhạc. Vào cuối thập niên 1980, ông đã đi đầu trong việc tiếp thu công nghệ Mastering (tối ưu hóa và nâng cấp chất lượng) CD, mở ra một kỷ nguyên mới trong ngành công nghiệp sản xuất đĩa hát Đài Loan và đã có những đóng góp nổi bật trong việc ghi chép lại “âm thanh” của Đài Loan sau chiến tranh thế giới thứ II.

 Ông Diệp Thùy Thanh cho biết: “Trong 50 năm qua, âm nhạc Đài Loan đã phát triển rất đa dạng. Tôi có may mắn được làm việc với nhiều nhạc sĩ, ghi lại các tác phẩm của họ. Tôi sẽ tiếp tục đi trên con đường âm nhạc với sự kiên trì lý tưởng từ thuở ban đầu. Tôi và các kỹ sư âm thanh sẽ cùng nỗ lực vì nền âm nhạc Đài Loan”.

(Nguồn: Hãng tin Trung ương CNA)