Di chuyển đển khối nội dung trung tâm
Xé gió‧Ngắm biển‧Theo bóng hoàng hôn Đạp xe dạo quanh tuyến đường ven biển Miêu Lật
2019-09-09

Chụp hình quay phim tại cửa suối Tây Hồ, hình ảnh của quạt gió, xe lửa, sóng biển đều lọt vào ống kính

Chụp hình quay phim tại cửa suối Tây Hồ, hình ảnh của quạt gió, xe lửa, sóng biển đều lọt vào ống kính

 

 Câu chuyện được quay ngược về năm 1922, đường sắt xe lửa tuyến ven biển được đưa vào sử dụng, vận chuyển hàng hóa giữa hai miền nam bắc, mang lại sự phồn vinh cho các thị trấn ven biển này. Nhưng sau khi đường cao tốc xây dựng xong và đưa vào sử dụng thì việc vận chuyển hàng hóa được thay thế bằng những chuyến xe tải chạy bon bon trên đường cao tốc và thế là cảnh phồn vinh của tuyến đường sắt xe lửa ven biển không còn nữa. Tuy nhiên, những chuyến xe lửa chạy xuyên qua giữa ruộng lúa và sóng biển đã để lại đây vài ga xe lửa được xây dựng bằng gỗ gần trăm năm nay và các ngôi kiến trúc này đã trở thành ký ức quý giá của văn hóa đường sắt.

 Phong cảnh tuyến đường sắt ven biển ở Miêu Lật Không chỉ có ga xe lửa mà còn có đền Củng Thiên thờ Bà Thiên Hậu ở Bạch Sa Đồn và những tiệm "Say Hi Home" của các thanh niên trở về quê hương sinh sống, tất cả đều là những cảnh đẹp dọc tuyến đường này.

 Men theo tuyến đường sắt ven biển, với tốc độ và sự tự do của chiếc xe đạp, tùy hứng đuổi theo xe lửa, chúng tôi đạp xe trên tỉnh lộ số 61 để tìm kiếm những câu chuyện vùng ven biển Miêu Lật.

 

 Phong cảnh dọc tuyến đường sắt ven biển và tuyến đường sắt đường núi của công ty Đường sắt Đài Loan là những phong cảnh khiến người ta lưu luyến. Trong 5 ga xe lửa kiểu Nhật được xây dựng bằng gỗ mà những người đam mê đường sắt thường gọi là “Ngũ bảo của tuyến đường sắt ven biển” thì đã có 3 ga nằm trong địa phận Miêu Lật, đó là ga Đàm Văn, Đại Sơn và Tân Phố

Kiến trúc của ga xe lửa Đạm Văn, Đại Sơn, Tân Phố tương tự nhau, được đưa vào sử dụng từ năm 1922, cho đến nay đã gần trăm năm nhưng vẫn giữ được diện mạo nguyên thủy, trở thành kiến trúc lịch sử chứng kiến việc xây dựng tuyến đường sắt ven biển.

Kiến trúc của ga xe lửa Đạm Văn, Đại Sơn, Tân Phố tương tự nhau, được đưa vào sử dụng từ năm 1922, cho đến nay đã gần trăm năm nhưng vẫn giữ được diện mạo nguyên thủy, trở thành kiến trúc lịch sử chứng kiến việc xây dựng tuyến đường sắt ven biển.

 

Du ngoạn tuyến đường sắt ven biển, đuổi theo xe lửa

 Chuyến đi xe đạp này được khởi hành từ ga Đạm Văn, chạy qua Đại Sơn, Tân Phố.

 Mấy nhà ga xe lửa xây dựng theo kiểu dáng mộc mạc cổ xưa này được đưa vào sử dụng năm 1922, cho đến nay đã gần trăm năm lịch sử. Nhà ga được xây bằng gỗ sa mộc với mái nhà hình tam giác, cột trụ của hành lang có hình chữ Y, cửa sổ mắt bò, tường đất nện là đặc trưng của nhà ga. Tuy rằng do lượng vận chuyển bằng xe lửa ít đi khiến cho sự phát triển của vùng chung quanh ga xe lửa tuyến ven biển bị ngưng trệ nhưng trong cái rủi có cái may, nhờ vậy đã giữ được diện mạo nguyên thủy và trở thành kiến trúc lịch sử chứng kiến việc xây dựng tuyến đường sắt ven biển.  

 Tiếp tục đạp xe lên tỉnh lộ số 61, fan hâm mộ đường sắt chia sẻ,  trên cung đường này có 2 nơi chụp hình đường ray xe lửa không thể bỏ qua. Tại cây số 106,3 tỉnh lộ số 61, ta xuống con đường nhỏ cạnh đó thì sẽ thấy cửa suối Tây Hồ đổ ra biển. Hướng ra biển chụp hình, quay phim, hình ảnh của quạt gió, xe lửa, sóng biển đều lọt vào ống kính, vào xế chiều, còn có thêm cảnh hoàng hôn.

Cửa sổ mắt bò là nét đặc trưng chung của ga xe lửa Đàm Văn, Đại Sơn, Tân Phố được xây dựng theo kiểu Nhật làm tăng thêm vẻ đẹp cho nhà ga

Cửa sổ mắt bò là nét đặc trưng chung của ga xe lửa Đàm Văn, Đại Sơn, Tân Phố được xây dựng theo kiểu Nhật làm tăng thêm vẻ đẹp cho nhà ga

 Để đến điểm chụp hình tiếp theo thì ta phải nỗ lực đạp xe đến hương lộ Miêu Lật số 33, đến “Mũi Hảo Vọng”- điểm cao nhất gần đó, để có thể nhìn ra eo biển Đài Loan xanh thẫm ở xa xa, những chiếc quạt gió to lớn đứng sừng sững ở bờ biển, thu vào tầm mắt cảnh đẹp của bờ biển. Trong làn gió thổi mạnh, chúng ta còn chờ xe lửa, chờ cho xe lửa chạy nhanh qua vùng đất xanh, lưu lại bóng dáng, lúc này ta mới hài lòng thu dẹp ống kính của mình.

 Gần đó còn có đường hầm Quá Cảng (Guogang) cũ đáng để ta tham quan. Vào thập niên 1970 vì đường sắt điện khí hóa nên thay đổi tuyến, 3 con đường hầm đã đi vào lịch sử. Đến nay, đường hầm được cải tạo thành đường dành cho người đi xe đạp, có đèn chiếu sáng và vẫn vận dụng nguyên tắc vật lý vòm hình cung xếp gạch đỏ thành hình vành móng ngựa rất đẹp.

Đền Củng Thiên Bạch Sa Đồn là Trung tâm tín ngưỡng của người dân ở tuyến đường sắt ven biển Miêu Lật

Đền Củng Thiên Bạch Sa Đồn là Trung tâm tín ngưỡng của người dân ở tuyến đường sắt ven biển Miêu Lật

 

Thạch Liên Viên── Ngắm hoàng hôn, nhà hàng xe lửa

 Đạp xe xuống tỉnh lộ số 61, chạy thẳng theo con đường nhỏ sát biển thì sẽ thấy nhà hàng xe lửa “Thạch Liên Viên”. Nhà hàng Thạch Liên Viên mở cửa kinh doanh đã 17 năm và là một thắng cảnh đặc biệt của tuyến đường sắt ven biển, tận dụng toa xe lửa phế thải làm nhà hàng, nhà trọ.

 Nhà ở Bạch Sa Đồn, năm 1970 ông chủ Lạc Thạch Liên thi tuyển vào công ty Đường sắt Đài Loan. Ông Lạc Thạch Liên từng trải nghiệm xe lửa chạy bằng hơi nước băng băng trên đường ray, mỗi ngày ngồi xe lửa đi làm, chớp mắt ông đã làm việc tại công ty Đường sắt Đài Loan 33 năm.

Ông Lạc Thạch Liên tận dụng không gian của toa xe lửa phế thải, tràn đầy ký ức của thời đại.

Ông Lạc Thạch Liên tận dụng không gian của toa xe lửa phế thải, tràn đầy ký ức của thời đại.

 Từng được cử sang Ấn Độ khảo sát, trải nghiệm xe lửa giường nằm của Ấn Độ mới lạ lại thú vị mà ở Đài Loan không có, ông Lạc Thạch Liên nghĩ: “Về hưu sẽ mang hai chiếc xe lửa về làm nhà hàng, nhà trọ thì hay biết mấy.”

 Lúc đó ông mua 5 chiếc toa xe lửa nặng 30 tấn với giá sắt phế liệu 1,2 đồng/ kg, không ngờ tiền vận chuyển tốn mất 1 triệu đồng, từ Cao Hùng vận chuyển đến Miêu Lật mất 2 đêm. Vì toa xe lửa vừa cao vừa dài chỉ có thể vận chuyển vào ban đêm trên con đường bằng phẳng, gặp giao lộ với đường ray xe lửa thì phải xin phép cắt điện, nâng cao dây điện để cho xe tải chạy qua, lại phải mướn 2 xe cẩu 50 tấn cẩu các toa xe đặt lên đường ray.

 Từ khi Nhà hàng đường ray xe lửa khai trương cho đến nay vẫn thu hút nhiều du khách đến tham quan, ban ngày xem sóng vỗ, hoàng hôn xem mặt trời lặn, nơi đây được cho là cảnh biển đẹp nhất.

Từ Mũi Hảo Vọng nhìn ra xa, đồng ruộng, quạt gió, eo biển, thỉnh thoảng lại có thể thấy xe lửa chạy qua cánh đồng xanh.

Từ Mũi Hảo Vọng nhìn ra xa, đồng ruộng, quạt gió, eo biển, thỉnh thoảng lại có thể thấy xe lửa chạy qua cánh đồng xanh.

 

Đền Củng Thiên Bạch Sa Đồn ── Bà Thiên Hậu rất gần gũi với tín đồ

 Đến tham quan tuyến đường sắt ven biển, ta không thể bỏ qua Trung tâm tín ngưỡng của tuyến đường sắt ven biển Miêu Lật - đền Củng Thiên Bạch Sa Đồn. Tháng 3 âm lịch hàng năm nhằm sanh thần của Bà Thiên Hậu, tín đồ khắp nơi trên toàn Đài Loan đi bộ đến  đền Triều Thiên, Bắc Cảng – Vân Lâm dâng hương, toàn hành trình dài hơn 400km và lại không có hành trình cố định, đường đi, đi tới hay quẹo trái quẹo phải đều do Bà Thiên Hậu quyết định.

 Giải thích nét đặc biệt này, ông Lâm Hạnh Phúc, ủy viên ban Quản lý đền Củng Thiên cho biết đó là do “Bạch Sa Đồn quá tuân thủ truyền thống, gìn giữ truyền thống và sau cùng đã trở thành nét đặc biệt”. Trước kia khá nhiều đền chùa đều có truyền thống đi bộ hành hương, chỉ có điều là theo sự tiến bộ của thời đại, khi mà nhiều người dần dần đi hành hương bằng xe du lịch thì chỉ có Bà Thiên Hậu Bạch Sa Đồn vẫn kiên trì hành hương bằng cách đi bộ. Và mỗi chuyến hành hương đều không có lộ trình nhất định, đó là sự liên kết giữa Bà Thiên Hậu và cư dân địa phương. Bà Thiên Hậu Bạch Sa Đồn chủ động tìm tín đồ, cũng vì vậy mà mỗi chuyến hành hương đều có những câu chuyện cảm động. 

Từ Mũi Hảo Vọng có thể nhìn ra eo biển Đài Loan xanh thẫm ở xa xa, những chiếc quạt gió to lớn đứng sừng sững, thu vào tầm mắt cảnh đẹp của bờ biển.

Từ Mũi Hảo Vọng có thể nhìn ra eo biển Đài Loan xanh thẫm ở xa xa, những chiếc quạt gió to lớn đứng sừng sững, thu vào tầm mắt cảnh đẹp của bờ biển.

 Chuyện Bà Thiên Hậu – ở đền Củng Thiên càng đa dạng và đặc sắc hơn. Theo lời thuật lại của các cụ cao niên ở địa phương thì có các câu chuyện như hoán đổi lầm Bà Thiên Hậu, kiệu Bà vượt qua suối Trọc Thủy. “Thật ra tín ngưỡng dân gian phản ánh cách sinh hoạt của người dân địa phương", ông Lâm Hạnh Phúc nói. Ông giải thích các câu chuyện này theo 1 cách nhìn khác, đó là xuất phát từ sự tin cậy Bà Thiên Hậu. Cuộc sống của tổ tiên ngày xưa tại Bạch Sa Đồn không dễ dàng chút nào, mỗi khi mùa thu và đông đến, họ phải ứng phó với gió mùa đông bắc, môi trường sống khó khăn và không ổn định, điều này khiến cư dân càng tin tưởng Bà Thiên Hậu hơn. “Vì mỗi ngày đều phải đối mặt với nhiều bất trắc trong cuộc sống, do đó cho đến nay việc Bà Thiên Hậu Bạch Sa Đồn hành hương vẫn còn mang hàm ý này”. Ông Lâm Hạnh Phúc nói.

 Thực ra, chuyến du lịch bằng xe đạp này được sắp xếp vừa đúng vào mùa đông. Mùa đông năm nay tuy ấm, nhưng gió mùa đông bắc vẫn phát huy uy lực của nó ở vùng ven bờ biển, gió thổi mạnh khiến người ta phải quay đầu, đứng không vững, ông Lâm Hạnh Phúc cười nói, chúng tôi chọn sai ngày. Tuy nhiên, nhờ kinh nghiệm thực tế lần này mới thấu hiểu cuộc sống khó khăn của người dân nơi đây.

 Qua những lời nói của ông Lâm Hạnh Phúc, ta như đang tiến hành khảo sát xã hội học,  vừa hay chứng minh văn hóa là bài học về việc con người phải thích ứng môi trường để được tồn tại, đây là thu hoạch thú vị, bất ngờ của chuyến du hành này.

Đan cỏ bấc đèn từng là ký ức chung của Uyển Lý, nhưng đến nay chỉ còn những bà lão trên 60 tuổi mới biết đan, khôi phục lại nghề này là việc cấp bách.

Đan cỏ bấc đèn từng là ký ức chung của Uyển Lý, nhưng đến nay chỉ còn những bà lão trên 60 tuổi mới biết đan, khôi phục lại nghề này là việc cấp bách.

 

Say Hi Home ── Từ phản đối đến trở về quê hương, tìm lại sự kết nối giữa con người và đất đai

 Tiếp tục đi về phía nam, đạp xe đến vùng cực nam của Miêu Lật, cũng là trạm chót của chuyến đi này – trạm Uyển Lý. Quẹo vào đường Tân Hưng, chúng tôi vào tham quan tiệm sách Hi Home vừa mới khai mạc vào tháng 8 năm ngoái (2018), nơi đây là cơ sở của đội công tác Say Hi Home ở Uyển Lý.

 Phòng làm việc Say Hi Home do nhóm thanh niên sinh vào thập kỷ 1970 và 1980 thành lập, người sáng lập đầu tiên là cô Lưu Dục Dục và cô Lâm Tú Bồng. Họ quen biết nhau qua cuộc vận động chống xây dựng quạt gió ở Uyển Lý, suy nghĩ sau nhiều lần trải qua các phong trào xã hội, "nếu tiếp tục vận động phản đối, đấu tranh thì chỉ là nhất thời, nhưng nếu như muốn xã hội thay đổi theo hướng tốt thì cái cốt lõi nhất phải trở về quê hương”. Do đó, họ đã đích thân thực hiện, từ “Phản đối” đến “Phản hồi”, “Cái ‘Phản’ thứ nhất là ‘Phản đối’ của  phong trào xã hội, cái ‘Phản’ thứ hai là ‘Phản hồi’ trở về quê hương của mình”. Cô Lâm Tú Bồng nói.

Lưu Dục Dục (trái) và Lâm Tú Bồng (phải) là người đồng sáng lập đầu tiên của phòng làm việc “Say Hi Home”. Hai cô gái này từ bị động, bị gió biển “tát” mà chuyển sang trạng thái tích cực khơi dậy phong trào thay đổi địa phương.

Lưu Dục Dục (trái) và Lâm Tú Bồng (phải) là người đồng sáng lập đầu tiên của phòng làm việc “Say Hi Home”. Hai cô gái này từ bị động, bị gió biển “tát” mà chuyển sang trạng thái tích cực khơi dậy phong trào thay đổi địa phương.

 Bắt đầu từ việc tiếp xúc với đất đai, lập lại sự liên kết giữa con người và đất đai là bước đầu tiên của Say Hi Home, đó cũng là sự bắt đầu nhận biết lại Uyển Lý. Hai cô đi khắp hang cùng ngõ hẻm để khảo sát đồng ruộng, trợ giúp nhà nông thân thiện với môi trường, giải quyết vấn đề thiếu nhân công và kênh tiêu thụ, cũng tìm cách khôi phục lại thời kỳ huy hoàng của ngành đan cỏ bấc đèn ở Uyển Lý.

 Năm 2015, đội “Say Hi Home Uyển Lý” mang thành quả khảo sát đồng ruộng chuyển sang hình thức du lịch mô hình nhỏ, dẫn dắt mọi người đi tham quan tiệm nón lát ở phố cổ Thiên Hạ, xem ngôi chợ có bề dày lịch sử 120 năm hay nơi ở trước kia của nhạc sĩ Quách Chi Uyển, người đi tiên phong của nền âm nhạc dân tộc Đài Loan. Năm 2016, xuất bản tạp chí giới thiệu sinh hoạt thường nhật ở địa phương, đó cũng là việc tích lũy ký ức văn hóa địa phương. Năm 2017, tổ chức lễ hội Hi Home, đều thú vị là dùng từ đồng âm “Hi Home Festival” để “Say Hi với mọi người” , đó là tinh thần của lễ hội. Họ dựng sân khấu đối diện đền Bà Thiên Hậu náo nhiệt ngày nào, lễ hội âm nhạc lấy tiếng mẹ đẻ làm trục chính với mong muốn tìm lại sự náo nhiệt của địa phương, càng hy vọng những người con xa quê có thể trở về xem một Uyển Lý đã đổi khác.

 Năm 2018, Say Hi Home đã có cứ điểm ── Tiệm sách “Hi Home”.

Đường hầm Quá Cảng (Guogang) cũ hiện đã được sửa thành đường dành cho người đi xe đạp, vận dụng nguyên tắc vật lý vòm hình cung xếp gạch đỏ thành hình vành móng ngựa, trần hầm còn lưu lại những vết đen do khói của xe lửa chạy bằng hơi nước.

Đường hầm Quá Cảng (Guogang) cũ hiện đã được sửa thành đường dành cho người đi xe đạp, vận dụng nguyên tắc vật lý vòm hình cung xếp gạch đỏ thành hình vành móng ngựa, trần hầm còn lưu lại những vết đen do khói của xe lửa chạy bằng hơi nước.

 “Tuy nhiên, sau khi thúc đẩy các hoạt động này lâu ngày thì cảm thấy nên đưa mục tiêu quay về̀ với bản thân các em nhỏ địa phương. Cái gốc của văn hóa là ‘Giáo dục’. Nếu không hiểu biết bản thân mình thì bạn sẽ không có sự tự tin. Sự tự tin này không chỉ đến từ sự nhận biết nơi mình sinh sống, nó còn đến từ sự hiểu biết của bản thân, do đó ‘Đọc sách’ là rất quan trọng", cô Lâm Tú Bồng giải thích tại sao lại sáng lập nhà sách “Hi Home” trong khi các nhà sách đua nhau đóng cửa.

 Khai mạc nhà sách, người cao tuổi ở gần đó cũng cảm thấy vui, buổi tối khi đèn của nhà sách được bật lên, mang lại cảm giác cùng đồng hành và nhà sách âm thầm gieo hạt giống cho địa phương, cho trẻ nhỏ. Chúng tôi càng kỳ vọng các cô gái này không sợ khó khăn gian khổ, tiếp tục bước tới.

 Từ trước đến nay người ta hay cho rằng khu vực ven biển là nơi vừa nghèo vừa yếu thế, không có vốn kinh tế cùng nguồn tài nguyên văn hóa. Tuy nhiên, qua một chuyến du lịch bằng xe đạp, nghe câu chuyện về Say Hi Home, một nhóm thanh niên trở về quê nhà, từ bị động, bị gió biển "tát" như thế nào mà chuyển sang trạng thái tích cực khơi dậy phong trào thay đổi địa phương, để cho cuộc du hành bằng xe đạp của chúng ta có thêm động lực tiến về phía trước.