Di chuyển đển khối nội dung trung tâm
Nạn rác thải biển Vấn nạn về sinh thái và bảo vệ môi trường đầy nhức nhối
2019-11-25

Anh Trịnh Minh Tu lặn xuống biển thu dọn rác nhựa, anh từng giúp cho chú rùa xanh lôi ra chiếc túi nilon làm bít hậu môn. (Ảnh do anh Trịnh Minh Tu cung cấp)

Anh Trịnh Minh Tu lặn xuống biển thu dọn rác nhựa, anh từng giúp cho chú rùa xanh lôi ra chiếc túi nilon làm bít hậu môn. (Ảnh do anh Trịnh Minh Tu cung cấp)
 

 Con chim hải âu đã chết vì ăn nhầm rác nhựa trôi nổi trên biển, trong bụng của con hải cẩu mắc cạn trên bãi cát thì chất đầy túi nhựa, trong khi chú rùa biển vốn sống tự tại ở vùng biển lại bị chết vì vướng vào lưới cá, thông qua từng hình ảnh chân thật về những loài sinh vật biển bị chết oan uổng, để nói lên rằng con người chỉ vì sự tiện lợi nhất thời mà làm cho môi trường sinh thái phải trả một cái giá rất đau lòng.

 

 Các sản phẩm nhựa được phát minh và sử dụng rộng rãi mới chỉ khoảng hơn 60 năm nay nhưng do sử dụng tùy tiện, vứt bỏ bừa bãi đã tạo nên thảm họa lớn cho hệ sinh thái biển. Theo nghiên cứu của giới học giả, hàng năm có khoảng hơn 8 triệu tấn “rác thải nhựa” đổ xuống biển; Liên Hiệp Quốc dự báo đến năm 2050, lượng rác thải nhựa trong đại dương sẽ còn nhiều hơn các loài cá.

 Đài Loan là một thành viên trong cộng đồng quốc tế, dĩ nhiên không thể đứng ngoài cuộc. Chính sách hạn chế sử dụng và cơ chế thu hồi sản phẩm nhựa do Đài Loan thực hiện đều đi trước nhiều quốc gia châu Âu và châu Mỹ, trong phương diện lộ trình hạn chế và cấm sử dụng sản phẩm nhựa về mặt chính sách, hiện đã lên kế hoạch thực thi đến năm 2030. Ngoài việc lập chính sách, còn có những đề xướng và việc làm sạch bãi biển có tính tự chủ của người dân, mọi người cùng nỗ lực vì sự phát triển bền vững cho môi trường.
 

Cô Đường Thái Linh bắt tay từ việc dọn rác và làm sạch trên bãi biển, đồng thời thử tái tạo rác biển thành tác phẩm nghệ thuật, thu hút sự chú ý của mọi người đối với vấn đề rác biển.

Cô Đường Thái Linh bắt tay từ việc dọn rác và làm sạch trên bãi biển, đồng thời thử tái tạo rác biển thành tác phẩm nghệ thuật, thu hút sự chú ý của mọi người đối với vấn đề rác biển.
 

Không có gì kỳ lạ khi cái gì cũng có

 Đài Loan được bao bọc bốn bề là biển, được tận hưởng điều kiện đặc biệt ưu đãi về khí hậu bởi sự điều tiết những dòng hải lưu và nguồn cá tôm mà chúng đem lại, nhưng mặt khác, do sự nối liền các vùng biển với nhau nên bị buộc phải đón nhận rác thải đại dương (gọi tắt là “rác thải biển”) - món quà trao đổi đến từ các nơi trên thế giới.

 Để viết phóng sự chuyên đề về “rác thải biển”, chúng tôi đã có một chuyến bay đến Bành Hồ, chiến trường cấp 1 của rác thải biển, đến tham quan Phòng thí nghiệm Hải Phiêu O2 Lab (“hải phiêu” có nghĩa là trôi dạt trên biển), nơi đây nổi tiếng với kỹ thuật tái tạo rác biển thành tác phẩm nghệ thuật, đồng thời tham gia vào chương trình làm sạch bãi cát do Đội công tác nghệ thuật Hải Phiêu triển khai mang tính thường lệ. Trước kia chỉ nghe nói, còn bây giờ được đích thân trải nghiệm tận nơi, trước mắt mọi người là một làn nước biển trong xanh, thế nhưng, ngay trên bãi cát nằm sát biển lại ngập ngụa chai nhựa PET, đầy rẫy những mảnh nhựa vỡ, lưới đánh cá vứt bỏ và xốp bọt biển nằm rải rác khắp nơi. Chỉ trong phạm vi 10 mét vuông, chúng tôi đã thu dọn được vài chục bao tải đựng gạo loại 50 kilogram, trong đó chất đầy rác biển, nào là bàn chải đánh răng, ống tiêm, ống hút, dép nhựa, chai thủy tinh, phao, bóng đèn, đồ chơi trẻ em, đèn báo hiệu cho tàu thuyền v.v... Trong quá trình dọn rác và làm sạch trên bãi biển, người tham dự cùng chia sẻ với nhau về những vật dụng đã thu dọn, trong đó bao gồm dụng cụ hỗ trợ tình dục, ống đựng thuốc bằng thủy tinh, bài vị thờ thần linh, quân bài mạt chược. Những loại rác thải biển này, không phân chia ranh giới quốc gia, đều là rác thải sinh hoạt của con người.

 Nhưng bãi biển của Đài Loan vốn không phải như thế. Anh Trịnh Minh Tu (Jeng Ming-shiou) - nghiên cứu viên Trung tâm Sinh học đa dạng của Viện Nghiên cứu Trung ương biết lặn biển và theo đuổi con đường nghiên cứu hệ sinh thái biển đã hơn 40 năm, quê anh ở Bành Hồ (Penghu), từ nhỏ sống ở xã Bạch Sa (Baisha) nguyên sơ và xinh đẹp, sở hữu nguồn sinh vật biển phong phú và đa dạng. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển mở rộng của đô thị, biển khơi bị ảnh hưởng tác động trước hết, làm tàn phá tới nơi trú ngụ của những loài sinh vật dưới lòng biển khiến anh phải lên tiếng kêu gọi cộng đồng xã hội hãy chú ý đến sự ô nhiễm nặng nề của hệ sinh thái biển. Năm 2018, anh phát biểu thành quả của nhóm nghiên cứu triển khai trong thời gian 5 năm, thực hiện cuộc khảo sát ở đảo Đông Sa nằm trên vùng biển phía Tây Nam Đài Loan và mô phỏng đường di chuyển của rác thải trôi dạt trên đại dương. Đây là bài luận văn đầu tiên của Đài Loan được đăng tải trên tạp chí quốc tế uy tín “Environmental Research Letters”, theo đó cũng đưa ra một cơ sở khoa học quan trọng cho việc quản lý đồ nhựa và phát triển bền vững đại dương.

 Thông qua điều tra chứng cứ thực tế, nhà khoa học có thể đưa ra bằng chứng về việc rác thải biển gây tổn hại đến môi trường, nhưng thực tế chỉ cần đi thăm vùng biển lân cận một chuyến là có thể phát hiện tác hại của rác thải trên bãi cát đã vô phương cứu chữa, điều này tùy thuộc vào việc bạn giả bộ làm ngơ như không thấy.
 

Đội công tác nghệ thuật Hải Phiêu đã tập hợp một nhóm bạn đồng hành quan tâm đến môi trường, cùng làm công việc dọn rác trên bãi biển, cải tạo rác biển, đóng góp một chút sức lực vì đảo Bành Hồ mến yêu.

Đội công tác nghệ thuật Hải Phiêu đã tập hợp một nhóm bạn đồng hành quan tâm đến môi trường, cùng làm công việc dọn rác trên bãi biển, cải tạo rác biển, đóng góp một chút sức lực vì đảo Bành Hồ mến yêu.
 

Phòng thí nghiệm O2 Lab: Sử dụng rác biển làm nghệ thuật

 Đầu năm 2019, Phòng thí nghiệm Hải Phiêu O2 Lab trải qua nhiều lần di chuyển, sau cùng dừng chân tại thôn Long Môn (Longmen), xã Hồ Tây (Huxi), huyện Bành Hồ. Người phụ trách phòng thí nghiệm là nhà nhiếp ảnh Đường Thái Linh (Tang Tsai-ling) đến từ Đào Viên (Taoyuan). Cô phát hiện ngoài cảnh đẹp tuyệt vời của biển, Bành Hồ phải hứng chịu một lượng rác thải biển bất tận được mang đến bởi sự lên xuống của thủy triều.

 Một mình Đường Thái Linh bắt đầu tự dọn sạch bãi biển, đồng thời công bố thời gian dọn rác trên Facebook, hoan nghênh mọi người cùng hưởng ứng tham gia. Thời gian đầu, cô đã trải qua biết bao ngày tháng phải một mình đối mặt với một khối lượng rác thải biển trải dài vô tận. Một hôm, cô nhìn thấy từ phía xa có 3 du khách đi về phía mình, vừa bước xuống máy bay là họ ào ngay ra bờ biển, hy vọng mang lại cho cô Đường Thái Linh một chút sức mạnh và sự khích lệ. “Sự hiện diện của họ khiến tôi nghĩ rằng cho dù sức mạnh của một người có nhỏ nhoi đến đâu, nhưng vẫn có thể tạo sự ảnh hưởng cho người khác.” Vả lại người Đài Loan thường hay lo ngại, một mình thu dọn rác thải tại bãi biển có vẻ cô độc và khác thường, “không sao cả, thì cứ xem tôi như người tiên phong, sẽ đồng hành với bạn”, cô Đường Thái Linh cho biết.

 Ngoài việc làm sạch bãi biển, cô Đường Thái Linh bắt đầu tái tạo rác biển, “tôi thử biến rác biển thành những vật dụng xinh đẹp, thu hút những người chưa bao giờ quan tâm và để ý đến vấn đề rác biển”. Cô cùng với Đội công tác nghệ thuật Hải Phiêu tập hợp các ý tưởng sáng tạo, đưa dụng cụ phao làm thành vật trang trí có tạo hình mực ống, biến lưới đánh cá phế thải thành túi xách và cũng từng sử dụng rác thải biển để chế biến ra “một bàn tiệc thịnh soạn” hay trang trí cho cây thông Noel.

 Cô Đường Thái Linh cùng với Đội công tác nghệ thuật Hải Phiêu đầu tư rất nhiều thời gian và công sức, không sợ vất vả, sẵn sàng làm những công việc như dọn rác trên bãi biển, thu gom, rửa sạch, phân loại, phơi khô để rác biển có thể được tái sử dụng, ví dụ như dùng những mảnh nhựa vỡ để sáng tác nghệ thuật, sử dụng rác thải biển thay thế cho vật liệu mới tại các tiết học mỹ thuật trong nhà trường. Như thế, không những có thể tái sử dụng tài nguyên rác thải biển, mà còn giúp cho các em học sinh cảm thấy mình đạt được nhiều thành công hơn từ việc cải tạo rác biển, nhưng quan trọng hơn nữa là lý tưởng và tấm lòng quý trọng môi trường của đội công tác nghệ thuật Hải Phiêu.
 

Cuốn “Tranh ảnh rác thải” kết hợp với khái niệm trò chơi của Pokémon, gắn điểm sinh lực HP cho rác thải, được thực hiện với ý nghĩa dễ hiểu để truyền tải vấn đề rác biển. (Ảnh do RE-THINK cung cấp)

Cuốn “Tranh ảnh rác thải” kết hợp với khái niệm trò chơi của Pokémon, gắn điểm sinh lực HP cho rác thải, được thực hiện với ý nghĩa dễ hiểu để truyền tải vấn đề rác biển. (Ảnh do RE-THINK cung cấp)
 

RE-THINK : Cuốn “Tranh ảnh rác biển” siêu thời thượng

 “Tôi muốn sử dụng 100 phương thức để kể với bạn về câu chuyện của rác biển”, anh Hoàng Chi Dương (Jason Huang), người sáng lập RE-THINK (Suy ngẫm) cho biết. RE-THINK là một tổ chức dân sự, bắt đầu thúc đẩy hoạt động dọn rác và làm sạch trên bãi biển vòng quanh đảo Đài Loan từ năm 2013.

 Để phá vỡ tầng bình lưu, giúp càng nhiều người tiếp cận, quan tâm đến vấn đề môi trường, năm 2018, RE-THINK ra mắt cuốn “Tranh ảnh rác biển” theo phong cách có vẻ rất phi lý, với thái độ vô cùng nghiêm túc. RE-THINK đã mở 1 studio, thực hiện chụp từng mảnh rác biển với góc độ 360 độ, sau đó chỉnh sửa lại từng bức ảnh, phối màu nền cho ảnh, hoàn thành cuốn sách bách khoa toàn thư về rác thải nhựa đại dương đầu tiên của Đài Loan. Việc làm này còn được tờ “The Guardian” của Anh đưa tin và cũng được trao giải “Best of the Best” thuộc nhóm chuyên nghiệp của Giải thưởng thiết kế Red Dot Award 2019 của Đức.

 Anh Hoàng Chi Dương và những người bạn đồng hành còn cùng nhau viết những câu chuyện của mỗi một mảnh rác biển, kết hợp với khái niệm của trò chơi Pokémon rất hot một thời, biến rác biển thành những con quái vật dưới đáy biển, ghi lại địa điểm xuất hiện của rác biển, gắn điểm sinh lực HP lên cho chúng. Chúng tôi phát hiện mỗi một mảnh rác nhựa trên biển hầu như đều có thể sống trăm năm bất diệt. Trong rác biển cũng chứa đựng những câu chuyện đáng suy ngẫm, trong cuốn “Tranh ảnh rác biển” có ghi chép về một chiếc bật lửa đến từ đảo Midway của Mỹ, chiếc bật lửa này được phát hiện trong bụng của con chim hải âu đã chết vì ăn nhầm rác biển, do vỏ ngoài của bật lửa có hiển thị bằng chữ Hán phồn thể, nên được gửi về Đài Loan. Anh Hoàng Chi Dương cho biết đó không phải là đi tìm chuyện lạ bốn phương, mà hy vọng người nghe sẽ có một chút “cảm giác tội lỗi”, đó đều là “nghiệp chung của mọi người”.

 Nếu nhìn kỹ rác biển, những thứ này đều gắn bó mật thiết với sinh hoạt của chúng ta, việc tiếp theo là ta hãy tự suy ngẫm, phải hành động thế nào đây.
 

Đội công tác nghệ thuật Hải Phiêu từng nhặt được một phòng tắm, nền nhà sử dụng nắp chai nhựa PET để ghép mảnh thành gạch kiểu mosaic.

Đội công tác nghệ thuật Hải Phiêu từng nhặt được một phòng tắm, nền nhà sử dụng nắp chai nhựa PET để ghép mảnh thành gạch kiểu mosaic.
 

Tái thiết lập mối liên kết giữa con người và tự nhiên

 Anh Trịnh Minh Tu đề xuất việc phải suy ngẫm vấn đề ngay từ nơi phát sinh, bắt tay thực hiện từ mọi lĩnh vực bao gồm chính sách, giáo dục, hành động và sự khởi xướng. Anh đề nghị trong công cuộc quản lý biển phải dựa theo 4 hành động chủ yếu: “Kết hợp dự án theo dõi giám sát môi trường và loài động vật hoang dã”, “Đưa rác biển lên đất liền để xử lý”, “Giao lưu thông tin hợp tác quốc tế và theo dõi đường di chuyển trôi dạt của rác biển” và “Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho người dân”.

 Anh Hoàng Chi Dương khẩn cầu mọi người ngoài việc ủng hộ chính sách cấm đồ nhựa của chính phủ, cũng nên bắt tay từ việc thay đổi thói quen, giảm lượng rác thải nhựa. Ngoài việc thực hiện bằng hành động, anh cũng nhắc nhở người dân nên có những suy nghĩ mang tính phê phán đối với vấn đề “bảo vệ môi trường”. Ví dụ đối với vấn đề “giảm thiểu chất thải nhựa”, anh Hoàng Chi Dương giải thích, bản thân nhựa là vô tội, vấn đề là do cách sử dụng của con người.

 Cùng với những khẩu hiệu được hô hào về giảm thiểu chất thải nhựa thì các vật liệu thay thế cũng lần lượt được nghiên cứu phát triển và cho ra đời, tuy nhiên, đa số vật liệu thay thế đều là vật liệu phức hợp, rất khó thu hồi, vẫn thiếu giải pháp đồng bộ và cơ chế thu hồi có liên quan, tại Đài Loan chỉ có thể xử lý bằng cách thiêu hủy nhưng lại xuất hiện nhiều vấn đề mới.

 Ngoài ra, nhiều sản phẩm được cho là “bảo vệ môi trường” cũng không hẳn là cứ mua là sẽ bảo vệ được môi trường, khi sản xuất những chiếc ống hút bằng inox phải tiêu hao rất nhiều năng lượng, sản phẩm giấy thì rất hao nước, ngoài ra, theo nghiên cứu cho thấy: “Một chiếc túi bảo vệ môi trường làm bằng vải cotton, phải được sử dụng tới 131 lần, thì mới đạt được hiệu quả bảo vệ môi trường bằng một chiếc túi nilon”. Vì vậy, không phải chỉ việc giảm thiểu đồ nhựa, sở hữu chiếc túi hay bộ đồ ăn bảo vệ môi trường thì được cho là bảo vệ môi trường, trọng tâm vẫn là ở “thói quen sử dụng”.

 “Để giảm thiểu rác thải thì tự bản thân phải bắt đầu từ những việc rất nhỏ như mang theo bộ dụng cụ đựng đồ ăn, bình đựng nước”, cô Đường Thái Linh cho biết. Sự thay đổi về hành động phải cần có thời gian và sự ảnh hưởng của bạn bè đồng trang lứa, với từng bước ngầm thay đổi dần thì bạn bè ở quanh cô cũng bắt đầu tự chuẩn bị sẵn bộ đồ ăn, giảm lượng rác thải.

 Phòng thí nghiệm Hải Phiêu đã bỏ ra rất nhiều tâm huyết, nỗ lực để công việc dọn sạch bãi biển không còn là một việc làm nhàm chán nữa. Sau khi những tình nguyện viên tham gia hoạt động dọn rác, mọi người sẽ lưu lại thêm một lát, tận hưởng một bãi cát sạch đẹp, hưởng ứng trào lưu chụp ảnh check-in tại những địa điểm nổi tiếng trên mạng xã hội. Họ đã sử dụng rác biển bố trí thành cảnh bữa ăn picnic ngoài trời, hoặc kết hợp chuyến chèo thuyền độc mộc trên biển, sáng tác các vật trang trí nghệ thuật v.v..., trong đó các hoạt động như “Đi Picnic cùng với sóng biển”, “Dọn rác và làm sạch trên bãi biển và mò bắt cá” chính là thực hiện từ những ý tưởng như thế.

 Bà Jane Goodall, nhà nghiên cứu nổi tiếng về hành vi của động vật từng nói rằng: “Chỉ khi nào hiểu rõ thì chúng ta mới quan tâm; chỉ có quan tâm thì chúng ta mới giúp đỡ; chỉ có giúp đỡ thì chúng ta mới được giải cứu”. Tìm lại mối liên kết giữa con người và tự nhiên rồi mới ngắm nhìn bãi cát xinh đẹp sau khi đã thu dọn xong thì có lẽ trong lòng mọi người sẽ tìm được đáp án. Có thể đây cũng chính là phương pháp để giải quyết đại nạn rác thải bị đổ ra đại dương.