Di chuyển đển khối nội dung trung tâm
Đài Loan xếp thứ 20 trong Bảng xếp hạng Nhân tài Thế giới 2019
2019-11-19

Đài Loan xếp thứ 20 trong Bảng xếp hạng Nhân tài Thế giới 2019 do Viện Quản lý Phát triển Quốc tế (IMD) tại Lausanne, Thụy Sĩ công bố ngày 18/11 (Ảnh: Bộ Ngoại giao)

Đài Loan xếp thứ 20 trong Bảng xếp hạng Nhân tài Thế giới 2019 do Viện Quản lý Phát triển Quốc tế (IMD) tại Lausanne, Thụy Sĩ công bố ngày 18/11 (Ảnh: Bộ Ngoại giao)
 

 Viện Quản lý Phát triển Quốc tế (IMD) tại Lausanne, Thụy Sĩ vừa công bố Bảng xếp hạng Nhân tài Thế giới 2019 (IMD World Talent Report 2019). Trong số 63 nền kinh tế được đánh giá, Đài Loan xếp thứ 20, tăng lên 7 bậc so với năm ngoái và lập kỷ lục thứ hạng cao nhất kể từ năm 2013 trở lại đây. Tại châu Á, Đài Loan đã có sự thể hiện xuất sắc, chỉ đứng sau Singapore (xếp thứ 10 thế giới) và Hồng Kông (xếp thứ 15), đồng thời dẫn trước Malaysia (xếp thứ 22), Hàn Quốc (xếp thứ 33) và Nhật Bản (xếp thứ 35).

 Bảng xếp hạng Nhân tài Thế giới chia các tiêu chí đánh giá thành 3 nhóm lớn, Đài Loan xếp thứ 24 thế giới trong nhóm tiêu chí “Đầu tư và phát triển nhân tài” (Investment and development), xếp thứ 29 trong nhóm “Thu hút và giữ chân nhân tài” (Appeal) và xếp thứ 12 trong nhóm “Mức độ sẵn sàng về nhân tài” (Readiness), thứ hạng trong các nhóm tiêu chí của Đài Loan năm nay lần lượt tăng lên 1 bậc, 3 bậc và 15 bậc so với năm ngoái.

 3 nhóm tiêu chí lớn này bao gồm 32 tiêu chí nhỏ, IMD đã liệt kê ưu thế của Đài Loan gồm tiêu chí “Đánh giá giáo dục” (Educational assessment – PISA) xếp thứ 2 thế giới, “Tỷ lệ sinh viêt tốt nghiệp chuyên ngành khoa học kỹ thuật” (Graduates in Sciences) xếp thứ 3 thế giới, “Thuế suất thuế thu nhập cá nhân hiệu quả” (Effective personal income tax rate) xếp thứ 9 thế giới, “Cơ sở hạ tầng y tế” (Health infrastructure) xếp thứ 6 thế giới.

 Thứ hạng của Đài Loan năm nay tăng lên 7 bậc so với năm ngoái, ngoài lý do các nhóm tiêu chí “Đầu tư và phát triển nhân tài” và “Thu hút và giữ chân nhân tài” đã có sự cải thiện đáng kể, nguyên nhân chủ yếu là thứ hạng trong nhóm tiêu chí “Mức độ sẵn sàng về nhân tài” đã tăng vượt trội. Đây là nhóm tiêu chí đánh giá mức độ đầy đủ về nguồn tài nguyên nhân lực của một quốc gia. Trong nhóm tiêu chí này có 2 tiêu chí nhỏ đều là ưu thế của Đài Loan, lần lượt gồm tiêu chí “Đánh giá giáo dục” xếp thứ 2 thế giới và “Nhà trường coi trọng giáo dục khoa học” là tiêu chí năm nay có sự điều chỉnh, áp dụng cách tính tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp trong các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, toán học, v.v… Đài Loan đạt tỷ lệ lên đến 33%, xếp thứ 3 thế giới, trở thành lực đẩy quan trọng giúp Đài Loan tiến bộ trong thứ bậc xếp hạng.

 Ngoài 2 tiêu chí này, các tiêu chí “Lao động lành nghề” (Skilled labor), “Kỹ năng tài chính” (Finance skills), “Quản lý cấp cao có kinh nghiệm” (Competent senior managers), v.v… đều có thứ hạng tiến bộ hơn năm ngoái, giúp cho việc tăng thêm số lượng nhân tài trên các phương diện quản lý, ngôn ngữ và kinh nghiệm quốc tế… Một tiêu chí khác là “Sinh viên nước ngoài có trình độ đại học trở lên chuyển đến” (Student mobility inbound) cũng đã tăng lên hạng 13, phản ánh Chính sách hướng Nam mới trong lĩnh vực đào tạo, giáo dục và chiến lược tuyển sinh đa dạng của Chính phủ đã dần dần cho thấy hiệu quả rõ rệt.

 Các tiêu chí không phải là ưu thế của Đài Loan gồm “Sức hút đối với nhân tài kỹ thuật nước ngoài” (Foreign highly-skilled personnel) và “Chi phí sinh hoạt” (Cost-of-living index) đều xếp hạng 48; tiêu chí “Chảy máu chất xám” (Brain drain), “Tỷ lệ giáo viên-học sinh trong giáo dục trung học” (Pupil-teacher ratio (secondary education) và “Tỷ lệ chi tiêu cho giáo dục công/GDP” (Total public expenditure on education) đều xếp thứ 46 thế giới, tiêu chí “Sức cạnh tranh toàn cầu về mức lương cho người quản lý tính bằng Đô la Mỹ” (Remuneration of management) xếp thứ 25 thế giới.

 Từ thứ hạng của các tiêu chí nói trên có thể thấy tuy tổng thể thứ hạng của Đài Loan trong tiêu chí “Thu hút và giữ chân nhân tài” đã có sự tiến bộ, nhưng thứ hạng tiêu chí “Sức cạnh tranh toàn cầu về mức lương cho người quản lý tính bằng Đô la Mỹ” vẫn dừng ở vị trí thứ 25, có thể do mức thù lao chưa hấp dẫn và chi phí sinh hoạt cao, chưa đủ sức thu hút nhân tài kỹ thuật quốc tế.

 Tiêu chí “Sức hút đối với nhân tài kỹ thuật nước ngoài” tuy tụt xuống nửa cuối bảng xếp hạng nhưng đã vượt 7 bậc so với năm ngoái, cho thấy “Luật tuyển dụng và thuê nhân tài chuyên môn nước ngoài làm việc” và các biện pháp của Chính phủ nhằm tích cực cải thiện môi trường, giữ chân nhân tài đã hỗ trợ một cách hữu ích.

 Để thu hút các nhân tài đến Đài Loan, Ủy ban Phát triển Quốc gia đã kết hợp Luật tuyển dụng và thuê nhân tài chuyên môn nước ngoài làm việc, lập cơ chế tích hợp “Thẻ vàng việc làm” (Employment Gold Card). Chương trình được đưa vào thực hiện từ tháng 2/2018, tính đến cuối tháng 10/2019 đã cấp hơn 465 “Thẻ vàng việc làm”, tình hình đăng ký vô cùng sôi động, tích cực.

 Trong nhóm tiêu chí “Thu hút và giữ chân nhân tài”, tiêu chí “động lực người lao động” (Worker motivation) cũng tăng lên 8 bậc so với năm ngoái, phản ánh việc sửa đổi “Luật thuế thu nhập”, “Điều lệ đổi mới ngành nghề” và “Luật công ty” từ năm 2018 cho đến nay đã thực hiện chế độ thuế tối ưu và tăng cường việc khen thưởng cho các doanh nghiệp, từ đó đẩy mạnh chính sách giữ chân nhân tài.

(Nguồn: Hãng tin Trung ương-CNA)