Di chuyển đển khối nội dung trung tâm
Đài Loan là quốc gia châu Á duy nhất được xếp hạng cởi mở trong Báo cáo tự do dân sự của tổ chức CIVICUS
2019-12-06

Theo Báo cáo quyền lực dân sự bị đe dọa năm 2019 (People Power Under Attack 2019) được Tổ chức nhân quyền phi chính phủ CIVICUSvà Diễn đàn châu Á về Nhân quyền và Phát triển công bố ngày 4/12 tại Bangkok, Đài Loan là quốc gia châu Á duy nhất được bình chọn là quốc gia cởi mở đối với xã hội dân sự (Ảnh: CNA)

Theo Báo cáo quyền lực dân sự bị đe dọa năm 2019 (People Power Under Attack 2019) được Tổ chức nhân quyền phi chính phủ CIVICUSvà Diễn đàn châu Á về Nhân quyền và Phát triển công bố ngày 4/12 tại Bangkok, Đài Loan là quốc gia châu Á duy nhất được bình chọn là quốc gia cởi mở đối với xã hội dân sự (Ảnh: CNA)
 

 Tổ chức nhân quyền phi chính phủ CIVICUS (World Alliance for Citizen Participation: Liên minh thế giới vì sự tham gia của công dân) và Diễn đàn châu Á về Nhân quyền và Phát triển (Forum-Asia) đã phối hợp khảo sát mức độ tự do trong hoạt động dân sự ở châu Á và công bố Báo cáo quyền lực dân sự bị đe dọa năm 2019 (People Power Under Attack 2019) vào ngày 4/12 tại Bangkok.

 Bản báo cáo đánh giá không gian dân sự ở các nước trên thế giới từ nhiều phương diện như tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, v.v…, được chia thành 5 cấp độ, cấp độ tốt nhất là Cởi mở (Open), tiếp theo là Bị thu hẹp (Narrowed), Bị cản trở (Obstructed), Bị đàn áp (Repressed) và Đóng kín (Closed).

 Trong số 196 quốc gia trên thế giới, có 43 quốc gia được xếp ở cấp độ Cởi mở, 42 quốc gia bị xếp ở cấp độ Bị thu hẹp, 49 quốc gia bị xếp vào cấp độ Bị cản trở, 38 quốc gia bị xếp vào cấp độ Bị đàn áp và 24 quốc gia bị xếp vào cấp độ Đóng kín.

 Trong số 25 quốc gia châu Á, Đài Loan là nước duy nhất được bình chọn là quốc gia cởi mở; Nhật Bản và Hàn Quốc bị xếp ở cấp độ Bị thu hẹp; 10 quốc gia bị xếp vào cấp độ Bị cản trở, 8 quốc gia bị xếp vào cấp độ Bị đàn áp; 4 quốc gia gồm Trung Quốc, Triều Tiên, Việt Nam và Lào bị xếp vào cấp độ Đóng kín.

 Bản báo cáo cũng chỉ ra: Tại châu Á, cách thức chính nhằm xâm phạm hoạt động dân sự là chế độ kiểm duyệt. Phương thức được sử dụng phổ biến thứ 2 ở các nước châu Á là dùng luật pháp để đàn áp quyền dân chủ và chính trị của người dân.

Trả lời phỏng vấn của Hãng tin Trung ương-CNA, chuyên viên nghiên cứu của CIVICUS – ông Josef Benedict cho biết: Tình hình tự do báo chí, tự do ngôn luận và tự do hội họp ở Đài Loan tốt hơn rất nhiều so với các nước châu Á khác. Khi người dân phản đối, Chính phủ đều lắng nghe tiếng nói của người dân. Đài Loan là nơi trú ẩn an toàn cho các nhà hoạt động nhân quyền châu Á, Đài Loan có vị trí then chốt ở châu Á về vấn đề nhân quyền.

 Tuy nhiên, ông Josef Benedict cho rằng Đài Loan vẫn cần tiếp tục cải thiện hơn nữa, như vấn đề lao động nước ngoài, mà cụ thể như các thuyền viên tàu cá làm việc tại Đài Loan cần được bảo vệ tốt hơn nữa, tổ chức CIVICUS sẽ tiếp tục theo dõi vấn đề này.

(Nguồn: Hãng tin Trung ương-CNA)